Cảm nhận của anh chị về nhân vật thị nở trong tác phẩm chí pheo của nam cao

By Amara

Cảm nhận của anh chị về nhân vật thị nở trong tác phẩm chí pheo của nam cao

0 bình luận về “Cảm nhận của anh chị về nhân vật thị nở trong tác phẩm chí pheo của nam cao”

  1.                Chí Phèo“ là một trong những sáng tác sớm nhất của Nam Cao về đề tài làng quê Việt Nam và người nông dân. Các nhân vật trong tác phẩm của ông đều hướng về số phận bi đát của những người nghèo khổ, bị bần cùng hóa. Chí Phèo qua ngòi bút của Nam Cao hiện lên là một con quỷ dữ chứ không phải là con người nữa. Đã là quỷ thì làm gì có ai dám động chạm, làm gì có ai dám gần gũi nữa. Ấy vậy mà Thị Nở đã dám và làm được. Người phụ nữ bất hạnh, hiện ra với biết bao chuẩn mực của cái xấu ấy đã cảm hóa được con quỷ dữ của làng Vũ Đại, cảm hóa được những cơn say triền miên và kéo dài của hắn, chính thị đã khơi dậy lại bản tính lương thiện, hiền lành vốn có của hắn.

    Con người ta trước khi trở thành kẻ xấu thì ai cũng là người tốt, chỉ khi bị dồn ép vào nước đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, con người ta mới thay đổi và trở nên độc ác hơn để chống chọi với thời cuộc mà thôi. Thị Nở đã làm được điều mà không ai dám chợt nghĩ đến chứ đừng nói là làm, có nên gọi thị là thiên thần? Vì chỉ có thiên thần mới cảm hóa được quỷ dữ mà thôi. Thị Nở – một nhân vật xuất hiện trong truyện của nhà văn Nam Cao, xuất hiện và mang lại biết bao cảm nhận riêng cho người đọc. Có người đọc sẽ thấu hiểu và thương xót, đau đớn thay cho thị nhưng cũng có những người cười nhạt và coi đó như một câu chuyện cười châm biếm.

    Qua ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở hiện lên như một chuẩn mực của cái xấu, “xấu như thị nở”, “nhìn xa cứ tưởng Thúy Kiều, nhìn gần mới biết người yêu chí phèo” – những câu nói truyền miệng được lưu truyền từ tác phẩm. Thị xấu ma chê quỷ hờn, mặt chiều ngang dài hơn chiều dọc, mũi to bành bạch, môi thịt trâu xám ngoách, răng vổ, mặt lỗ chỗ như tổ ong. Rồi thị còn là con của nhà có dòng giống mả hủi, quanh năm nghèo đói, bệnh tật. Giá mà thị minh mẫn, đầu óc có bình thường như người khác thì chắc thị cũng phát điên, phát rồ lên mới sống được. Một người phụ nữ đã xấu còn vô duyên như thị thì còn ai muốn kết bạn qua lại cho được. Nếu không bị dở hơi, ngớ ngẩn thì đúng là ông trời bất công với thị thật. Mà có khi vậy lại là một điều hay vì đã dở người thì người ta còn biết đến hay phân biệt được xấu đẹp là như thế nào đâu. Như nhau tất! Cũng may có được ân huệ ấy của ông trời ban chi mà thị sống vô tư, thoải mái, bất cần lo nghĩ sự đời. Vô tư đến nỗi vô duyên, vô dáng “ thị cởi áo ra ngồi tựa vào gốc chuối ’’, thị nghĩ “ về nhà thì cũng ngủ, ngủ ngay đây cũng vậy”. Đấy, người phụ nữ vô tư đến nỗi vô duyên, vì trước nay chưa ai phạm vào thị bao giờ nên thị vững tâm, thị yên tâm mà tựa vào gốc chuối tận hưởng ánh trăng dát vàng cùng gợn gió mát như quạt hầu mà ngủ, mà ngáy ngon lành.

    Thị làm những việc mà không ai dám làm, thị thích khác người hay là không biết sợ là gì? Vườn chuối là nơi bà con trong làng đi tắt qua sông gánh nước nhưng từ ngày Chí Phèo về ở thì dân làng đều tìm lối khác mà đi cả. Duy chỉ có thị là vẫn tiếp tục đi lối cũ, thị không thấy sợ như mọi người. Thị thấy đôi lúc Chí Phèo hiền đến lạ lùng. Tại sao chỉ có thị mới mới nhìn thấy phần hiền lành, lương thiện bên trong con người hắn, phải chăng chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu và đồng cảm cho nhau. Ai cũng tránh Chí Phèo như tránh quỷ dữ, không ai muốn gần thì làm sao có thể nhận ra bản chất của Chí được. “Thị cứ đi qua ngõ”, “trong lúc hắn ngủ thị còn vào cả nhà hắn để rọi nhờ lửa nữa”, “ có lần thị xin của hắn một tí rượu về bóp chân, hắn càu nhàu bảo thị ở xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ”. Qua những lần tiếp xúc, thị thấy ngỡ ngàng rằng sao mọi người lại sợ hắn đến vậy?

    Thị đồng lòng cùng chia sẻ niềm vui thể xác với Chí, “ thị bỗng nhiên bật cười, vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn” rồi “ cái tay ấy lại dúi lung hắn xuống”. Thị cũng là đàn bà mà, thị cũng có những ham muốn cho riêng mình. Thị cũng ngại ngùng, e thẹn khi nhớ lại “ thị lên giường định đi ngủ. Nhưng thị nhớ lại việc lạ lùng tối qua. Thị cười, thị thấy không buồn ngủ và thị cứ lăn ra, lăn vào”. Những cảm xúc lần đầu tiên người đàn bà đó có được, chính những giây phút ấy thị đã đánh thức chấm dứt cơn say triền miên kéo dài trong cuộc đời chí Phèo. Thị làm cho Chí tỉnh táo mà nhìn thấy ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào, làm Chí ngẩn người mà suy nghĩ rằng hắn đã già mà vẫn cô độc, lần đầu tiên hắn tỉnh táo mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Thị như người mở đường cho hắn quay về làm người lương thiện, thị có thể chung sống với hắn thì sao người khác lại không được?

    Người đàn bà vô duyên, vô dáng ấy đôi lúc lại làm được những chuyện tưởng chừng như không thể. Thị cũng muốn yêu, cũng muốn quan tâm, săn sóc cho nhân ngãi của mình như bao người phụ nữ khác. Khi con người ta vướng vào tình yêu thì tính thay đổi hẳn. “ Thị muốn gặp Chí Phèo, gặp hắn mà nhắc lại chuyện đêm qua thì chắc buồn cười lắm”, thị săn sóc, lo lắng cho Chí “ thị để hắn nằm lên và đi nhặt tất cả các manh chiếu rách đắp lên người hắn”. Thị cũng muốn làm một cô vợ đảm đang, vun vén “ dẫu sao thì cũng ăn nằm với nhau như vợ chồng rồi”. Thị nấu cháo hành cho nhân ngãi ăn giải cảm, thị đưa mắt nhìn trộm tình tứ, thị giục hắn ăn nhanh cho nóng. “ Thị phát khẽ hắn một cái, làm vẻ không ưa đùa, sao mà e lệ đến thế”, một người thật xấu khi yêu cũng khác, cũng e lệ, ngượng ngùng. Đáng ra những cảm xúc ấy thị xứng đáng được hưởng sớm hơn chứ không phải là lúc ngoài 30 tuổi này. Thị lấy làm bằng lòng lắm, bằng lòng vì thị làm cho hắn yêu thị, vì thị mà hắn cố uống thật ít rượu, vì thị mà hắn cố tỉnh táo để yêu. Những việc như này làm gì có ai làm lại được, thị làm cho một con quỷ dữ phải ngẩn ngơ, cảm kích mà rung rung chực khóc. Chưa một ai cho hắn thứ gì ngoài thị, thị cho hắn tình yêu, cho hắn sự quan tâm tình tứ, cho hắn bát cháo hành, cho hắn con đường về với người lương thiện. Thị như một ân nhân cứu giúp đời Chí. Đằng này thị dở người nên hành động cao cả của người đàn bà có duyên trong mắt Chí Phèo ấy nhanh chóng vụt tắt. Sống chung với nhau năm ngày, năm ngày đôi lứa hạnh phúc thì đến ngày thứ sáu thị chợt nhớ ra còn bà cô trên đời “ hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”, thi bỏ lại Chí Phèo một mình, thị tức lắm, thị bực mình lắm khi bị bà cô chửi, nhiếc những lí lẽ ngoa ngoắt. Thị trút hết bực dọc vào mặt hắn rồi ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Đáng thương thay cho thị, thói đời chưa trót “ ngoài ba tuổi ai còn đi lấy chồng?”, xót xa khi cả đời không có được hạnh phúc trọn vẹn. Chỉ vì già, vì xấu, vì dở hơi mà không được phép hưởng hạnh phúc hay sao?

    Nhưng không, dẫu sao thị cũng có được những giây phút hạnh phúc của đời mình. Khép lại câu chuyện bằng hình ảnh mang lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng hiện ra trong trí óc cái lò gạch cũ. Xã hội phong kiến lạc hậu đã làm thị thoáng nghĩ đã ngẩn ngơ “nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào”. Bằng nghệ thuật tạo dựng hình ảnh và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo Nam Cao đã xây dựng lên nhân vật Thị Nở cùng với Chí Phèo cho xứng lứa vừa đôi. Một cặp đôi đã trở thành biểu tượng của nhân dân ta sau này, biểu tượng của đôi lứa xứng đôi ngồi cười hạnh phúc bên chén rượu.

    Trả lời

Viết một bình luận