Hãy tưởng tượng mình là người gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài ” Ánh Trăng ” của Nguyễn Duy và kể lại cuộc trò chuyện đó . •Ngắn gọn , kh

By Arianna

Hãy tưởng tượng mình là người gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài ” Ánh Trăng ” của Nguyễn Duy và kể lại cuộc trò chuyện đó .
•Ngắn gọn , không chép mạng

0 bình luận về “Hãy tưởng tượng mình là người gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài ” Ánh Trăng ” của Nguyễn Duy và kể lại cuộc trò chuyện đó . •Ngắn gọn , kh”

  1. Tối hôm ấy, như thường lệ, sau khi ăn xong, tôi lại đi cùng bố mẹ đến công viên tập thể dục. Cách trung thu chỉ còn mấy hôm nên trăng tròn hơn bao giờ hết, tỏa ánh sáng dìu dịu khiến cả công viên trông sinh động hẳn, soi rõ từng đường nét trên khuôn mặt một người đàn ông trung niên đang ngồi nơi dãy ghế đá. Nếu là bình thường tôi đã cho rằng bác vừa mới tập thể dục xong nên ngồi nghỉ lại sức rồi bước ngang qua, nhưng có cái gì đó ở vẻ mặt bác lúc này khiến cho tôi không thể rời mắt. Khuôn mặt chữ điền nghiêm nghị cùng những vết chân chim từng trải bên khóe mắt, con người bác toát lên một vẻ hiền hòa trầm lặng, dễ mến. Nhưng thứ chân chính thu hút tôi là đôi mắt đang phản chiếu vầng trăng của bác- đôi mắt tưởng chừng như bình lặng mà lại thi thoảng gợn những làn sóng cảm xúc lăn tăn, hỗn tạp tôi không tài nào hiểu rõ. Có lẽ do quá đỗi tò mò, tôi bèn bảo bố mẹ đi trước rồi lấy hết dũng khí tiến lại gần bác bắt chuyện :

    – Bác mới chuyển tới khu này hay sao ạ ?

    Sửng sốt, tầm nhìn bác chuyển từ mặt trăng trên cao sang phía tôi đầy dò hỏi. Tôi nhanh nhẩu nói tiếp:

    – Tại…đây là lần đầu tiên cháu nhìn thấy bác. Mà tối nào cháu cũng đến đây tập thể dục cả…!

    Thấy tôi lắp ba lắp bắp, bác khẽ cười, rồi lấy tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh:

    – Không, bác chỉ ra đây thăm họ hàng thôi, chứ chưa có ý định ở hẳn. Từ Sài Gòn tới đây đi xe mất mấy ngày, lại phải dịp trung thu, nhớ trăng quá không chịu nổi nên mới hỏi đường đến công viên ngồi ngắm. Công nhận, trăng nơi đây sáng và to hơn trăng ở thành phố nhiều.

    Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên:

    – Bác yêu trăng đến thế cơ ạ ?

    Bác mỉm cười. Một nụ cười thật hiền:

    – Bác yêu chứ, trăng với bác là tri kỉ mà. Cháu có muốn nghe câu chuyện vì sao bác lại có thói quen ngắm trăng này không ?

    – Muốn ạ !

    Vậy là với giọng đều đều và chậm rãi, bác bắt đầu kể lại câu chuyện đời mình.

    – Bác sinh ra ở một làng quê nhỏ. Có lẽ chỉ là cái nhìn phiến diện nhưng nơi đó dường như sở hữu tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất của thiên nhiên Việt Nam. Nơi ấy có những con sông đỏ nặng phù sa chảy qua ruộng lúa bạt ngàn, có bờ biển dập dìu sống vỗ lên bờ cát trắng . Nhưng ấn tượng và đẹp đẽ nhất, vẫn là vầng trăng lung linh tỏa sáng. Bác vẫn còn như còn cảm nhận được trên da cái ánh sáng dìu dịu, thanh lành của trăng mỗi tối mùa hạ trên đồng, vẫn còn khắc ghi cái hình ảnh trăng tròn vành vạnh, ánh sáng trên mặt bể mỗi đêm rằm của tháng… Tuổi thơ của bác làm bạn với trăng, ngây dại bởi trăng, rồi chơi đùa cùng trăng, trăng đã nhẹ nhàng mà sâu sắc in đậm trong tâm trí bác. Rồi khi đi bộ đội, dù gian khổ biết mấy, trăng vẫn luôn theo. Hành quân giữa đêm, nhờ trăng mà đỡ mỏi, bom đạn rền vang có trăng ta không phải ngại ngần. Đời lính nhờ trăng mà có được những phút giây êm đềm và lãng mạn như thế. Không riêng gì bác, mà nhiều anh em đồng chí khác, chắc chắn cũng đã được vầng trăng tiếp cho sức mạnh để kiên cường chiến đấu, dành lại độc lập cho Tổ quốc. Bác lúc ấy và trăng là tri kỉ. Cứ ngỡ mình sẽ không bao giờ quên được người bạn tình nghĩa này. Ấy vậy mà…

    Tôi đang lắng nghe như muốn nuốt từng câu từng chữ thì bác bỗng ngừng lại, thở dài thật sâu. Nghe như bao đau thương, ăn năn và hối hận đều được chất chứa trong một tiếng thở dài đó. Bác lại ngửa mặt lên nhìn trăng hồi lâu. Tôi không nói gì, chỉ kiên nhẫn đợi bác tiếp tục.

    – Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lặp lại, bác được lên thành phố sinh sống. Khác với thôn quê, khác với mặt trận, cuộc sống nơi thành phố hiện đại và tiện nghi hơn nhiều. Mù quáng bởi sự kì diệu của những tiến bộ trong khoa học – kĩ thuật, bác và nhiều đồng đội khác chẳng thèm ngó ngàng gì đến vầng trăng nữa. Thật sự, ai lại muốn sinh hoạt dưới cái ánh trắng mờ mờ ảo ảo của trăng, một khi đã có đèn điện ? Vầng trăng khi ấy, dù tròn hay khuyết, dù tỏ hay mờ, đối với bác đã chẳng còn quan trọng nữa. Không ai tự nhiên lại đi quan tâm đến kẻ dửng dưng qua đường. Sao, kẻ bạc tình này đáng giận lắm đúng không ?

    Đáng giận lắm không ? Tôi tự hỏi bản thân nếu là mình thì sẽ hành động như thế nào. Giận thì đáng giận, nhưng cảm thông thì cũng đáng cảm thông. Suy cho cùng, bác đã nhận ra sai lầm và đổi thay. Tôi không biết phải trả lời sao cho phải phép, nên quyết định giữ im lặng.

    – Thế rồi, một đêm hôm nọ, cả thành phố đột ngột bị cúp điện. Căn phòng đang sáng trưng, bỗng ngập chìm trong bóng tối. Bác cuống lắm, vội bật tung cửa sổ ra. Và chính lúc đấy, trăng xuất hiện – vẫn tròn vành vạnh như thuở nào, lững lờ ngay trước mắt bác. Giờ phút ấy, có cái gì đó ập tới, mãnh liệt tới mức khiến bác thấy rưng rưng. Trước mắt như chiếu lại một đoạn phim ngắn, cũ kĩ từ thời thơ ấu cho tới tận bây giờ. Bao kỉ niệm ngắm trăng ùa về, kéo theo cả kí ức về đồng, sông, bể, và cả cái hồn lãng mạn của một đứa trẻ, một người lính đã lạc mất mười mấy năm ròng. Khi đó, bác biết mình lại không thể mãi trốn chạy được nữa. Phải đối mặt với trăng, đối mặt với sự thật rằng mình đã vô tâm quên đi bao gian lao ngọt bùi của cuộc đời người lính, đang tâm quên đi một người bạn thủy chung, tri kỉ. Chẳng thà trăng tỏa ra chút phẫn nộ khi thấy tôi vô tình bạc bẽo… Nhưng không, vầng trăng vẫn thế mãi thủy chung, vành vạnh ở trên cao kia, tỏa ánh sáng lạnh lẽo, phăng phắc xuống trái tim kẻ có tội này. Quả thực là thuốc đắng dã tật, lúc tôi vỡ lẽ, trăng đã đợi chờ quá lâu rồi. Sống đến tuổi này vậy mà ngày nào cũng dành ra hàng giờ để ngắm trăng, âu cũng chỉ là để được lần nữa cảm nhận cái ánh sáng dịu hiền lành lạnh ấy thêm một lần nữa, một lần thôi cũng đủ rồi….

    Im lặng. Im lặng tuyệt đối. Hai chúng tôi, mỗi người đều bộn bề những ý nghĩ riêng. Tôi chỉ vừa mở miệng ra lại thì bố mẹ gọi về. Đứng dậy tôi nhìn thẳng vào mắt bác và dõng dạc tuyên bố:

    – Nếu vầng trăng thật sự thuần phác và xinh đẹp dịu dàng như lời bác nói thì cháu chắc chắn, trăng đã tha thứ cho bác từ lâu rồi !

    Trên khuôn mặt đầy sửng sốt của người đàn ông trung niên sau khi nghe xong ngập tràn sửng sốt, rồi dần dần nở một nụ cười – nụ cười mà tôi sẽ không bao giờ quên. Nó như một hỗn hợp ngát hương đủ vị những cảm xúc hài lòng, nhẹ nhõm, … Nhận được nụ cười ấy, tôi yên tâm cùng bố mẹ trở về nhà.

    Hai chúng tôi, cách biệt về tuổi tác, cách biệt về vùng miền và có lẽ là về cả văn hóa lẫn tư tưởng. Tất cả bắt nguồn từ một sự tò mò rất trẻ con, mà tôi thậm chí còn không biết tên bác, thậm chí có lẽ sẽ không bao giờ biết, nhưng câu chuyện được nghe kể đêm hôm đó đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về thiên nhiên, về chiến tranh, và về cả trái tim con người. Thời thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Chúng ta trở nên lãnh cảm với những gì tự nhiên, quay lưng với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đừng để bản thân con người trở thành nô lệ của những cỗ máy do chính chúng ta tạo ra. Đôi khi, trong cái xã hội hối hả này, hãy thử sống chậm lại, nhìn lại bản thân và trân trọng những gì đã giúp ta tiến được đến bước đường ngày hôm nay.

    Trả lời

Viết một bình luận