Lịch Sử Địa lý: Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1968) ai biết bài này giúp với

By Kinsley

Lịch Sử Địa lý: Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1968) ai biết bài này giúp với

0 bình luận về “Lịch Sử Địa lý: Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1968) ai biết bài này giúp với”

  1. bạn ơi theo mình tìm hiểu thì k có bài học này đâu chỉ có diễn biến Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1968) thôi bạn nhé !

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên mỗi chặng đường chiến đấu và chiến thắng, quân và dân ta đã lựa chọn những địa bàn hiểm yếu tổ chức những trận đánh với quy mô thích hợp, nhằm tạo bước ngoặt, tăng thế và lực cho ta, đồng thời đẩy địch vào thế bị động đối phó, từng bước đi đến thất bại hoàn toàn. Quảng Trị – miền đất địa linh, nhân kiệt đã đi vào lịch sử dân tộc với những sự tích rất đỗi hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước chính là một trong những địa bàn như vậy.
    Với thắng lợi Điện Biên Phủ (tháng 7-1954), quân và dân ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng, lợi dụng quy định: lấy Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn dựng lên cái gọi là chính quyền Việt Nam cộng hòa – công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, quyết chia cắt lâu dài đất nước ta. Vậy là, Quảng Trị[1] trở thành tuyến đầu – nơi đọ sức sinh tử của toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược.
    Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của mình, quân và dân Quảng Trị đã vững tin, quyết đánh, tìm ra cách đánh thích hợp để cùng quân và dân miền Nam đánh bại hoàn toàn mưu đồ “dùng người Việt đánh người Việt” để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong khoảng một thập kỷ đầu tiên của cuộc chiến tranh (từ tháng 7-1954  đến đầu năm 1965). Đó là đánh bại các chương trình tố cộng, diệt cộng, bình định dồn dân lập “ấp chiến lược” do chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa thực hiện dưới sự chỉ huy và điều hành của hệ thống cố vấn Mỹ từ trung ương đến địa phương. Chính từ những thất bại này đã đẩy đế quốc Mỹ phải trực tiếp đưa quân viễn chinh vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” – đưa cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến đỉnh cao nhất. Và, tất nhiên với quan điểm vũ khí luận, quân đội nhà nghề Mỹ nhất định phải trổ tài bằng những cuộc giao chiến quy mô lớn với quân và dân miền Nam (qua thực tế của các cuộc phản công hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967), hòng nhanh chóng hoàn thành mục đích dựng lên một “pháo đài tiễu cộng” ở Đông Nam á.
    Nhận biết sâu sắc mưu đồ của đế quốc Mỹ, toàn thể dân tộc Việt Nam, đứng đầu là Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu đường hướng, kế hoạch chiến lược, chọn hướng và địa bàn tiến công trong những thời điểm có tính chất quyết định, từng bước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ tiến lên giành những thắng lợi bước ngoặt để tiến tới đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Mỹ, thu non sông đất nước về một mối. Đi cùng với những quyết định lịch sử đó, Quảng Trị chính là một trong những địa điểm được lựa chọn.
    Cuối năm 1967, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, quyết định mở Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở các tỉnh thành miền Nam, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thực hiện chủ trương chiến lược trên, thể theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 – Khe Sanh xuân hè 1968, nhằm: thu hút lực lượng chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra Đường 9 để giam chân chúng lại, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá vỡ một phần tuyến phòng ngự Đường 9 của chúng.
    Để chắc thắng, Bộ Tổng tư lệnh điều động cho chiến dịch một lực lượng mạnh, gồm 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325), Trung đoàn 270 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn phòng hóa, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.
    Toàn bộ lực lượng trên được chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Trần Quý Hai – Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.
    Thời điểm ta mở chiến dịch, lực lượng địch phòng ngự ở Đường 9 – Khe Sanh có khoảng 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (10 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới; được bố trí thành tuyến trước ở phía đông: từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến miếu Bái Sơn; tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, ái Tử và thị xã Quảng Trị; tuyến giữa là các cứ điểm Tân Lâm, Ca Lu, 241 (phía tây thị xã Quảng Trị); khu vực phía tây gồm các cứ điểm Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn (gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845…).
    Chủ động tiến công địch, ngày 20-1-1968, chiến dịch mở màn và sau 11 ngày đêm chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch, giải phóng hơn 8.000 dân huyện Hướng Hóa; nhưng chưa thực hiện được ý định tạo sức ép buộc địch phải tăng viện. Hơn nữa, đêm 31-1-1968 (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân), toàn miền Nam tiến công và nổi dậy. ở Thừa Thiên, ta làm chủ thành phố Huế, nên địch phải dồn sức vào đây đối phó. Trước tình huống này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng vào vây hãm Tà Cơn, ép địch ra ứng cứu giải tỏa để giữ chân chúng lại đây.
    Đúng như dự kiến của ta, đầu tháng 2-1968, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh nhẹ ở Đường 9, do tướng Abram – Phó Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam phụ trách; đồng thời điều Sư đoàn 1 kỵ binh không vận và 3 chiến đoàn quân đội Sài Gòn ra Quảng Trị, tăng quân chiếm đóng các điểm cao 550, 595, 573 nhằm cố thủ Tà Cơn[2], tập trung hỏa lực đánh phá mãnh liệt trận địa vây ép của ta. Đại tướng Oétmolen đánh giá: Mỹ có thể dùng căn cứ này làm lá chắn ngăn chặn Việt cộng từ Lào sang và là căn cứ quan trọng trong cuộc hành quân “tìm diệt”, “đánh phá kho tàng”. Đây cũng là mỏ neo vững chắc phía tây của hệ thống phòng ngự Mắc Namara, là cái bẫy nghiền nát chủ lực miền Bắc.
    Quyết tâm thu hút địch nhiều hơn nữa ra Đường 9 – Khe Sanh, cùng với các các hướng tiến công khác của chiến dịch, với khẩu hiệu “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, ta đã sử dụng chiến thuật: “vây, lấn, tấn, phá, triệt” để diệt cụm cứ điểm Tà Cơn của chúng. Đối chọi lại hành động vây lấn kiên cường của ta, quân Mỹ cũng tiến hành phản ứng điên cuồng. Trên diện tích cứ điểm chỉ 34 km2, trung bình mỗi ngày địch sử dụng trên 300 lần chiếc máy bay dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn và trên 100 ngàn quả đạn pháo 175mm. Dù vậy, vòng vây lấn của bộ đội ta vẫn ngày càng xiết chặt. Hầu như toàn bộ quân địch ở đây phải sống dưới hầm ngầm. Máy bay vận tải C.130 của chúng hàng ngày phải xuất kích 140 lần chiếc để tiếp tế và tải thương nhưng chỉ có khoảng 40 lần chiếc hạ cánh thành công. Khắc phục tình trạng trên, địch dùng máy bay thả đồ tiếp tế nhưng cũng không hiệu quả.
    Chiến sự Khe Sanh đã làm xao động dư luận nước Mỹ. Để tránh xảy ra một “Điện Biên Phủ thứ hai đối với quân Mỹ”, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã buộc các tướng trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân phải ký bản cam kết “giữ bằng được Khe Sanh với bất kỳ giá nào”.
    Cụ thể hóa lời cam kết trước Tổng thống, ngày 1-4-1968, địch huy động 1 sư đoàn kỵ binh bay, 1 chiến đoàn dù quân đội Sài Gòn, 17 tiểu đoàn biệt động quân (có 13 tiểu đoàn Mỹ), mở các cuộc hành quân “ngựa bay”, “Lam Sơn 207” và sang tháng 5, tập trung các Trung đoàn 4, 9 của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, mở tiếp cuộc hành quân “Scốtlen 2” quyết giải tỏa Khe Sanh. Nhưng tất cả các cuộc hành quân này đều bị ta đánh bại. Nguy cơ thất thủ Khe Sanh ngày một đến gần; binh sĩ đồn trú trong vòng vây của bộ đội và du kích ta ngày thêm hoang mang, tuyệt vọng, chỉ huy quân địch quyết định rút khỏi Khe Sanh[3]. Một cuộc tháo chạy hỗn loạn lại diễn ra trước họng súng truy kích của quân giải phóng. Và lại có thêm một bộ phận lực lượng binh sĩ nữa bị loại khỏi vòng chiến đấu cùng nhiều máy bay, xe quân sự, vũ khí và trang dụng quân sự bị phá hủy, phá hỏng.
    Ngày 9-7-1968, quân ta đã làm chủ Tà Cơn, ngày 15-7, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh xuân hè 1968. Sau 170 ngày đêm chiến đấu, ta đã loại khỏi chiến đấu 11.900 quân địch, bắn rơi, phá hủy 197 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu vận tải, 78 xe quân sự, 46 đại bác và súng cối cỡ lớn bị phá hỏng, thu hàng ngàn súng các loại… giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với 1 vạn dân[4].
    Đánh giá về sự kiện Khe Sanh, Hãng Roitơ (Anh) ngày 2-7-1968, đưa tin: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu”.
    “Việc quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị. Thất bại này đánh dấu sự bất lực của chúng trong thế phòng ngự chiến lược, làm tăng thêm mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ và làm phát triển xu hướng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược”.
    Thắng lợi Đường 9 – Khe Sanh không chỉ phá vỡ mảng tuyến phòng thủ phía tây đường 9 của địch, mở thông cửa ngõ quan trọng trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, tạo chỗ đứng chân chiến lược lợi hại cho chủ lực ta, cho những chiến dịch lớn sau này; mà mục tiêu đặc biệt quan trọng chính là đã thực hiện được việc kéo một bộ phận quan trọng quân Mỹ ra đường 9 và giam chân chúng ở đó – căn cứ lớn Khe Sanh và Tà Cơn[5] – đã thu hút được sự chú ý của địch ra vùng giới tuyến, trực tiếp góp phần tạo yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở các chiến trường trên toàn miền Nam, trước hết là Thừa Thiên – Huế và Sài Gòn thực hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân – 1968[6].
    Bị thất bại ở Đường 9 – Khe Sanh nói riêng, Tết Mậu Thân (1968) trên toàn miền Nam nói chung, đế quốc Mỹ đã buộc phải xuống thang – thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh với ta tại Pari.
    Theo đó, cùng với việc khẩn trương phục hồi lại thế trận trên chiến trường và tăng cường vũ khí, phương tiện chiến tranh sang miền Nam Việt Nam, gia tăng cả về số lượng và chất lượng các quân binh chủng chủ lực và địa phương quân cho quân đội Sài Gòn, nhằm dần thay thế vai trò tác chiến trên chiến trường cho quân Mỹ, giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã quyết định mở ba cuộc hành quân, đánh vào tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta trên các hướng: Đường 9 – Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Ngã ba biên giới; trong đó, cuộc hành quân đánh ra khu vực Đường 9 – Nam Lào mang mật danh “Lam Sơn 719”, nhằm chặt đứt tuyến hậu cần chiến lược của ta, cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng như ở Campuchia và Lào1. Theo Kítxinhgiơ: “mục tiêu của cuộc hành quân không phải là giành lấy bất động sản hay đồ tiếp tế, mà là phá hủy và cắt đứt đến mức tối đa con đường mòn và phá hủy tất cả những kho tàng phát hiện được”1.
     Mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn muốn thể nghiệm công thức chiến lược của “Việt Nam hóa chiến tranh”: bộ binh Sài Gòn cùng với hỏa lực và hậu cần Mỹ, nhằm thông qua đó để thử thách, và nếu thành công, sẽ chứng tỏ quân đội Sài Gòn đủ khả năng thay thế vai trò của quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường. Để đạt được mục đích và tham vọng trên, chúng đã huy động tới 42 ngàn quân; trong đó, quân đội Sài Gòn có 33 ngàn (gồm các đơn vị thiện chiến nhất và cả lực lượng dự bị chiến lược là thủy quân lục chiến và quân dù) và 9 ngàn quân Mỹ, với sự yểm trợ của không quân, hải quân, pháo binh… của Mỹ. Chúng dự định tiến hành chiến dịch trong khoảng 3 tháng, với 4 giai đoạn và kết thúc trước mùa mưa năm 19712.
    Trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, nắm chắc âm mưu của địch, cuối tháng 1-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Cuộc hành quân ra Đường 9 – Nam Lào, với lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Bắc – Nam của ta là một bước phiêu lưu quân sự cực kỳ nghiêm trọng của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Hành động trên của địch sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng lại tạo cho ta cơ hội và thời cơ thuận lợi để ta tranh thủ tiêu diệt địch. Dù vậy, trong bất cứ tình huống nào cũng phải đánh bại cuộc hành quân của địch, tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của chúng, bảo vệ cho kỳ được kho tàng và bảo đảm công tác vận tải chi viện cho các chiến trường. Nhằm thực hiện quyết tâm đã xác định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào 1971.
    Về lực lượng, chúng ta hình thành Mặt trận Đường 9 – Nam Lào (tương đương quân khu), bao gồm 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2), 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, một số tiểu đoàn đặc công cùng với lực lượng tại chỗ của các mặt trận: B5 (Đường 9 – Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị – Thiên), Đoàn 559. Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Đường 91.
    Có thể thấy, việc ta bố trí, sử dụng một lực lượng rất mạnh để đối phó với cuộc hành quân lớn của địch, ngay từ đầu đã tạo được một thế trận chủ động, khiến địch bất ngờ. Điều quan trọng là nhiều mục tiêu chiến lược mà chúng đặt ra cho cuộc hành quân đã sớm bị quân ta triệt tiêu. Bằng sức mạnh của lực lượng binh chủng hợp thành, trong quá trình chiến đấu, thế trận phản công của ta chuyển hóa thành thế trận tiến công truy kích, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch tiến công của địch.
    Sau gần 50 ngày đêm liên tục phản công và tiến công, Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào kết thúc thắng lợi vang dội. Ta đã đánh thiệt hại nặng 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo và súng cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo và súng cối, hơn 2.000 súng bộ binh và nhiều trang dụng quân sự khác.
    Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là cố gắng cao nhất cũng là cuối cùng của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa trong nỗ lực thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng đã ném vào “canh bạc” này toàn bộ lực lượng tinh nhuệ, tổng trù bị chiến lược của miền Nam Việt Nam, cùng hàng chục vạn tấn phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại của Mỹ để mong chiếm được Sêpôn, cắt đứt được tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh. Cố gắng càng cao thì thất bại càng nặng, không chỉ thất bại về quân sự, mà cả thất bại về chính trị, kinh tế. Vì vậy, thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào của ta là vô cùng to lớn và toàn diện. Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào của quân và dân hai nước Việt Nam – Lào, về cơ bản đã làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và học thuyết NíchXơn ở Việt Nam, Đông Dương. Vậy là, tiếp sau Đường 9 – Khe Sanh xuân hè 1968, với chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971 trên chiến trường Quảng Trị, một bước ngoặt chiến lược mới đã được mở ra không chỉ đối với dân tộc ta, mà cả với dân tộc Lào và Campuchia anh em trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.
    Với quyết tâm đánh bại về cơ bản Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và những toan tính mới của đế quốc Mỹ, tiếp đà thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào 1971, tháng 8-1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam vào năm 1972 nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự của địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng địch – ta và cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta, buộc địch phải chấp nhận giải pháp chính trị theo điều kiện của ta. Và chiến trường Trị – Thiên một lần nữa được chọn làm hướng tiến công chủ yếu – Chiến dịch tiến công Trị – Thiên năm 1972.
    Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 3 sư đoàn bộ binh (304, 308 và 324), 2 trung đoàn độc lập (48, 27), 4 tiểu đoàn bộ binh của Quân khu Trị – Thiên, Đoàn Đặc công hải quân 126, 3 tiểu đoàn đặc công cơ động của Bộ (25, 31, 35), 2 trung đoàn xe tăng, thiết giáp (203, 202), 7 trung đoàn pháo binh (45, 38, 84, 164, 368 của Bộ, hai trung đoàn của các sư 304, 308), 3 sư đoàn phòng không (365, 367, 377), 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không (3 tiểu đoàn của trung đoàn 275 và 1 tiểu đoàn của trung đoàn 236), 2 trung đoàn công binh (219, 299) và các đơn vị lực lượng vũ trang các huyện, tỉnh trong địa bàn chiến dịch.
    Toàn bộ lực lượng trên được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Đảng ủy Chiến dịch gồm 18 đồng chí, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư.
    Với thế và lực như vậy, bắt đầu từ ngày 30-3-1972, ta đã chủ động mở chiến dịch tiến công, nhanh chóng phá vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, giải phóng hai huyện Cam Lộ, Gio Linh; tiêu diệt tập đoàn phòng ngự của chúng ở Đông Hà, ái Tử, thị xã Quảng Trị, La Vang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đây thực sự là thắng lợi to lớn của chiến dịch.
    Mất tỉnh Quảng Trị – địa bàn chiến lược nằm ngay giới tuyến sẽ tạo dư luận xấu đối với không chỉ tinh thần binh sĩ quân đội Sài Gòn, mà còn làm mất uy danh của chính giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, gây sốc cho phái đoàn đàm phán của Mỹ ở Pari. Tất thảy những lý do như trên, Mỹ đốc thúc quân đội Sài Gòn phải dồn sức phản công chiếm lại Quảng Trị bằng mọi giá1. Theo đó, cùng với việc điều động khẩn cấp lực lượng dự bị của Quân khu 1 thuộc Quân đoàn 1, lực lượng tổng dự bị chiến lược tăng cường phòng thủ Thừa Thiên, tăng số lượng không quân chiến lược B.52 lên gấp đôi và triển khai trở lại không quân chiến thuật chuẩn bị cho phản công, v.v.. Mỹ và nguỵ còn đưa tướng Ngô Quang Trưởng (nguyên Tư lệnh Quân khu 4/Quân đoàn 4) ra thay tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư lệnh Quân đoàn 1/Quân khu 1, trực tiếp chỉ huy cuộc phản công – hành quân “Lam Sơn 72”.
    Nắm bắt được âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương tiếp tục tiến công có trọng điểm, mặt khác chủ động điều chỉnh lực lượng để chặn cuộc phản công của chúng2; tiếp đó, chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công, tiêu diệt sinh lực địch để giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch (hành quân “Lam Sơn 72”) và phát triển tiến công lúc thời cơ có lợi.
    Tuy nhiên, do thời gian quá gấp và trong tình thế bị động, lại bị không quân và pháo binh địch chặn phá ác liệt các ngả đường hành quân, nên chỉ sau một tuần phản công (từ ngày 28-6 đến ngày 3-7-1972), địch đã chiếm lại một vùng khá rộng từ Gia Đẳng, Linh Chiểu, Hải Lăng, điểm cao 28, 105N, nam sông Nhùng, ngã tư Long Hưng, La Vang, áp sát thị xã Quảng Trị, gây cho ta những thiệt hại rất nặng nề về sinh lực và vật lực.
    Trước tình thế một mục tiêu có giá trị như một sự khẳng định chủ quyền của một địa bàn lãnh thổ, thị xã Quảng Trị, Thành Cổ trong một cuộc đọ sức sinh tử giữa hai bên tham chiến nhất định sẽ diễn ra hoặc sớm, hoặc muộn, quán triệt quyết tâm của Quân ủy Trung ương “Chỉ có một khả năng giữ vững Quảng Trị, đánh bại cuộc hành quân của địch”; Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương: tăng cường và chi viện cho lực lượng giữ Thị xã, đồng thời tổ chức liên tục những trận phản kích hai bên sườn, chủ yếu là từ hướng tây, từng bước đánh bại các âm mưu và hành động đánh chiếm Thị xã của địch.
    Tuy nhiên, để có được những thành quả và giữ được thế trận này, cả 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 312, 320B và 325), 2 sư đoàn pháo binh và pháo phòng không, nhiều đơn vị công binh, thiết giáp, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh độc lập, nhiều tiểu đoàn bộ đội địa phương quân số đã thiếu hụt nghiêm trọng: mỗi trung đoàn chỉ còn 800 – 900 quân; mỗi đại đội chỉ còn độ 20 – 30 người, thậm chí có đại đội chỉ còn 4 – 5 tay súng. Cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn đều yếu vì phải đề bạt nhanh, vượt cấp1. Súng bộ binh chỉ còn từ 30 – 50%. Đạn pháo binh được ngày nào chỉ đủ kiềm pháo địch hết ngày đó, không có cơ số dự trữ.
    Quyết giữ vùng giải phóng Quảng Trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chuyển sang phòng ngự. Riêng đối với thị xã Quảng Trị, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ thị: “Cần tăng cường hỏa lực, xung lực, tổ chức tốt các khu vực phòng thủ của các đơn vị trong Thị xã, bảo đảm phòng thủ liên hoàn có chiều sâu. Tổ chức ngay một trận địa hỏa lực thật mạnh ở bên này sông Thạch Hãn đối diện với Thị xã, gồm pháo cơ giới, pháo 85 ly, một số xe tăng, pháo cao xạ, quan trọng là pháo cối mang vác; chuẩn bị trận địa phòng không thật mạnh, đề phòng địch tập kích hóa học rồi đổ bộ bằng trực thăng vào nội thành. Nghiên cứu bí mật đưa một số xe tăng vào Thành Cổ, cấu trúc công sự chu đáo, biến thành hỏa điểm đánh xe tăng địch, đồng thời phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch”2.
    Tuy về nhận thức của một bộ phận cán bộ về tác chiến phòng ngự chưa đầy đủ, thêm vào đó là phải liên tục chống trả với các đợt tiến công ác liệt, liên tục của địch vào Thị xã và hướng tây; vả lại, thời tiết mưa to, gió lớn, nước sông suối lên cao, pháo và máy bay địch đánh phá dữ dội thường xuyên… nên việc xây dựng trận địa, bố trí binh lực, hỏa lực chưa thật đúng với yêu cầu của một hệ thống phòng ngự vững chắc. Mặt khác, khi chuyển sang phòng ngự chiến dịch, ta có bị động, lúng túng chính bởi khi đó cuộc chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành Cổ diễn ra ác liệt và gay go nhất; nhưng cũng từ thực tế đó đã minh chứng cho chủ trương chuyển hẳn vào phòng ngự của ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình. Hiệu quả của chiến dịch phòng ngự Quảng Trị được phản ánh qua ba đợt tác chiến. Cụ thể:
    Đợt 1, tiếp tục chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ từ ngày 1 đến ngày 16-9-1972.
    Cuộc chiến đấu ở Thị xã ngày thêm khốc liệt. Phía Thành Cổ, địch tập trung xe tăng, thiết giáp, xe phun lửa và cả chất độc hóa học liên tục đột kích. Nhiều lần chúng đã vào sát chân thành rồi lại bị ta đánh bật ra. Nhưng nguồn chi viện của ta rất hạn chế, nên sức chiến đấu giảm dần, đến ngày 15, địch đã chiếm được góc đông bắc Thành và kiểm soát cửa bắc, ngày 16, chúng kiểm soát được phía nam Thành. Trước tình hình trong Thành Cổ và Thị xã mỗi lúc trở nên nguy cấp thêm, lực lượng thương vong lớn, vũ khí cũng cạn kiệt, bộ đội ta đã buộc phải rút quân khỏi Thành Cổ và Thị xã.
    Việc bộ đội ta rút khỏi Thành Cổ và thị xã Quảng Trị khi chưa có lệnh là một khuyết điểm, song đây chỉ là một sự lui quân có tính chất chiến thuật. Cần có nhận thức đầy đủ rằng đứng về phạm vi cả mặt trận thì cuộc chiến đấu của ta còn đang tiếp tục…. Chính cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thị xã và Thành Cổ chống lại cuộc phản công của địch đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý về tác chiến phòng ngự, tạo thế và ổn định thế phòng ngự trong đợt 2, tiếp tục đánh bại các cuộc hành quân nhằm chiếm lại các vùng giải phóng còn lại của tỉnh Quảng Trị.
    Đợt 2, tiếp tục đánh bại các cuộc hành quân Lam Sơn 72A, “Sóng thần 9Sóng thần 36”, “Sóng thần 45” Sóng thần 18” của địch.
    Do đã có được kinh nghiệm chiến đấu phòng ngự, ổn định dần thế phòng ngự ở từng khu vực, xác định được cách đánh có hiệu quả, lực lượng sử dụng hợp lý, thương vong giảm, đồng thời đưa được nhiều trung đoàn, sư đoàn ra củng cố, nâng cao sức chiến đấu trong quá trình thực hành chiến dịch phòng ngự, nên ta đã đánh bại các cuộc hành quân của địch1, giữ vững tuyến ven sông Thạch Hãn, Tích Tường, Như Lệ, Đá Đứng…
    Không thể khuất phục được ý chí sắt đá của quân và dân Quảng Trị trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đại diện phái đoàn đàm phán của Mỹ tại Pari đã thực sự bị “cân não”. Song với bản chất hiếu chiến và tàn bạo, phái đoàn Mỹ viện lý do tạm dừng hội nghị để về nước xin ý kiến chính phủ, rồi bất ngờ sử dụng lực lượng không quân chiến lược B.52, mở cuộc tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng liên tục suốt 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972). Tuy có gây cho ta những tổn thất rất nặng nề về người và cơ sở vật chất, nhưng cái giá phải trả là 81 máy bay, trong đó có 34 pháo đài bay B.52 bị bắn rơi thực sự là thảm bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh không quân của Mỹ. Đến đây chính quyền Mỹ đã chấp nhận ký Hiệp định Pari theo đúng yêu cầu của ta.
    Có thể khẳng định rằng, với sự kiện Quảng Trị năm 1972 không chỉ lần đầu tiên trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chúng ta giải phóng được địa bàn lãnh thổ quy mô một tỉnh, mà đây còn thực sự là một “cú hích” dẫn Mỹ đến chỗ ký kết Hiệp định Pari. Với những ý nghĩa quan trọng như vậy, lại thêm lần nữa một sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã diễn ra trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
    Những sự kiện lịch sử thật sinh động và hào hùng được điểm lại một cách hết sức khái quát ở trên đã thực sự là minh chứng sống động và thuyết phục để chúng ta khẳng định rằng: tiếp tục phát huy truyền thống quật cường trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm trong lịch sử, Quảng Trị thực sự là tuyến đầu – địa bàn lựa chọn của những trận đánh quyết định, góp phần tạo nên những thắng lợi mang tính chất bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tất thảy những chiến công vang dội như vậy, Quảng Trị xứng đáng là một “khải hoàn môn” trong tâm thức của nhân dân Việt Nam hôm nay cũng như mai sau.
     
     
    [1]. Ngày 25-8-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh – huyện duy nhất thuộc tỉnh Quảng Trị cùng với miền Bắc hoàn toàn sạch bóng quân thù. Ngày 16-6-1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg, thành lập Đặc khu Vĩnh Linh.
    [2]. ở Tà Cơn, địch đã lập sân bay chuyên dùng cho các loại máy bay trinh sát, nhòm ngó đánh phá tuyến vận tải quân sự 559. Lực lượng chiếm đóng ở đây là 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, một chi đoàn xe tăng, thiết giáp.
    [3]. Ngày 15-7-1968, địch rút hết quân về tập trung ở Tân Lâm – Cà Lu (chỉ còn đóng lại ở cứ điểm Động Tri trên điểm cao 1.010 m).
    [4]. Xem Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)Sđd, tr. 213.
    [5]. Đó là các đơn vị quân Mỹ: Sư đoàn 1 kỵ binh không vận, Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến.
    [6]. Dẫn theo Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975)Sđd, tr. 214-215.
    1. ý đồ của Mỹ trong việc mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương là nhằm cô lập đi tới bóp nghẹt cuộc kháng chiến của quân và dân ta trên chiến trường chính miền Nam. Để thực hiện ý đồ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở ba cuộc tiến công, gồm:Toàn Thắng 1/71 đánh sang Đông Bắc Campuchia, Quang Trung 4 đánh sang vùng ngã ba biên giới (bắc Tây Nguyên – Tà Xẻng, Pa Kha, Sê Sụ (Atôpơ – Lào)) và Lam Sơn 719 đánh sang khu vực Đường 9 – Nam Lào. Trong ba cuộc tiến công nói trên, Lam Sơn 719 được xác định là trọng điểm, diễn ra trên địa bàn rộng, gồm tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và tỉnh Xavanakhét (Lào), nhằm mục tiêu chủ yếu là chặt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta ở khu vực Đường 9 từ Bản Đông qua Sêpôn, Mường Phìn đến Pha Lan.

    Trả lời

Viết một bình luận