nêu sự giúp đỡ của Liên Xô và Đông Âu với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

By Isabelle

nêu sự giúp đỡ của Liên Xô và Đông Âu với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

0 bình luận về “nêu sự giúp đỡ của Liên Xô và Đông Âu với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”

  1. Năm 1945 đánh dấu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng nhà nước theo chế độ dân chủ nhân dân tiến lên CNXH do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tuy nhiên, chỉ ba tuần lễ sau khi tuyên bố độc lập, nhân dân Việt Nam lại phải đứng lên chiến đấu chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, được các thế lực đế quốc giúp sức, bảo vệ nền độc lập mới giành được.
    Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã nhanh chóng tích cực kêu gọi và đề nghị sự công nhận, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, trong đó có Liên Xô. Nhưng do các lý do, điều kiện khách quan, Liên Xô chưa công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Vì thế, Việt Nam bước vào kháng chiến trong bối cảnh chưa có được sự công nhận và ủng hộ quốc tế, phải hoàn toàn dựa vào sức mình, dựa vào nội lực nên gặp rất nhiều khó khăn. Với đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn: toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính của Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam đã quyết tâm kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đưa cuộc kháng chiến từng bước tiến lên giành được thắng lợi quan trọng. Đến cuối năm 1949, cuộc kháng chiến kiến quốc của Việt Nam đã trải qua những thời khắc gian khó nhất, đang từng bước giành được thế chủ động trong chiến dịch và chiến đấu; lực lượng vũ trang chính quy được xây dựng lên quy mô cấp đại đoàn. Cuộc kháng chiến lớn mạnh cũng đồng nghĩa với nhu cầu ngày càng lớn về vũ khí, đạn dược, trang bị vật chất. Điều cấp bách đặt ra là phải tìm thêm được sự giúp đỡ từ bên ngoài.
    1. Liên Xô công nhận Việt Nam, giúp vũ khí, trang bị chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược (1950-1954)
    Từ giữa tháng 1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi. Ngày 18-1-1950, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tiếp đó, ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, sau đó sang Liên Xô. Tại cuộc hội kiến với lãnh đạo Liên Xô là Xtalin (có Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông đang ở thăm Liên Xô cùng tham dự) vào đầu tháng 2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo rõ tình hình cuộc kháng chiến của Việt Nam và đề nghị hai nước Liên Xô, Trung Quốc trợ giúp Việt Nam kháng chiến, nhất là trợ giúp về quân sự. Lãnh đạo Liên Xô bày tỏ quan điểm công nhận Việt Nam, nhất trí sẽ viện trợ nhưng cho rằng về mặt địa lý, Liên Xô ở xa Việt Nam, nên đề nghị Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam, Liên Xô sẽ hoàn trả cho Trung Quốc khối lượng vũ khí, trang bị, vật chất mà Trung Quốc giúp Việt Nam.
    Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến Liên Xô, làm cho Liên Xô hiểu rõ hơn tình hình cuộc kháng chiến của Việt Nam đang phát triển thuận lợi, việc Liên Xô ngày càng mâu thuẫn gay gắt với Mỹ, có yêu cầu và ý định mở.ộng ảnh hưởng ở châu Á (sau khi cách mạng Trung Quốc thành công) và khu vực Đông Nam Á, cùng với quan hệ giữa Liên Xô với Pháp ngày càng xấu đi khi mà Hiệp định giữa hai nước ký tháng 12-1944 không còn hiệu lực là những lý do dẫn đến việc Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một đất nước tuyên bố đi theo con đường xây dựng CNXH.
    Sự kiện Liên Xô công nhận Việt Nam, hai nước đặt quan hệ ngoại giao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt cơ sở nền tảng cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân Việt Nam, Liên Xô, được dư luận tiến bộ trên thế giới đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện để các nước khác công nhận Việt Nam trên trường quốc tế, chấm dứt thời kỳ cuộc kháng chiến ở thế bị bao vây, mở ra cơ hội thực tiễn trong việc phối hợp hành động và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế một cách trực tiếp.
    Bên cạnh sự ủng hộ Việt Nam về chính trị, ngoại giao như: đề xuất Việt Nam tham gia Hội đồng kinh tế châu Á – Viễn Đông (2-1951), đề nghị kết nạp Việt Nam vào Liên Hợp quốc (9-1952), đề nghị cho Việt Nam tham dự Hội nghị Giơnevơ bàn về giải quyết chiến tranh Đông Dương (2-1954)…, Liên Xô còn quyết định viện trợ (thông qua Trung Quốc) về vật chất cho cuộc kháng chiến.
    Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một số xe vận tải hiệu Môlôtôva, súng cao xạ phòng không 37 ly và thuốc quân y. Những xe vận tải của Liên Xô đã góp phần chở vũ khí, đạn dược và lương thực cho các đơn vị tham gia chiến dịch Biên Giới Thu Đông năm 1950. Trong tổng số 21.517 tấn hàng mà Việt Nam được quốc tế viện trợ từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, tổng trị giá 54 triệu rúp, thì Liên Xô đã giúp toàn bộ pháo cao xạ 37 ly gồm 76 khẩu, một tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng (cachiuxa) gồm 12 dàn, toàn bộ số lượng tiểu liên K50, hầu hết số xe vận tải quân sự (685/745 chiếc) và một số lượng lớn thuốc quân y, chủ yếu là thuốc ký ninh để chữa bệnh sốt.ét(1). Bên cạnh việc đề nghị các loại vũ khí, đạn dược cụ thể, Việt Nam còn đề nghị Liên Xô nhận đào tạo cho hàng trăm du học sinh Việt Nam để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc(2).
    Những vũ khí, trang bị mà Liên Xô viện trợ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch tiến công quân sự của Việt Nam mở trên chiến trường chính Bắc Bộ, từ chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950; ba chiến dịch Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh nửa đầu năm 1951 đánh vào trung du, đồng bằng Bắc Bộ, nơi quân Pháp và quân đội của Bảo Đại đang đóng giữ; chiến dịch tiến công Hòa Bình Đông Xuân 1951-1952; chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952; chiến dịch Thượng Lào Xuân Hè 1953; đặc biệt là các hoạt động tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
    Trong bối cảnh Việt Nam chưa chế tạo, sản xuất được những vũ khí, trang bị như vậy thì viện trợ quân sự của Liên Xô có ý nghĩa to lớn, giúp các đơn vị bộ đội Việt Nam đương đầu với vũ khí, trang bị của Pháp, Mỹ, bắn.ơi máy bay, bắn cháy xe tăng, tàu chiến, phá hủy công sự vững chắc bằng bê tông cốt thép của kẻ thù, giành thắng lợi.
    2. Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
    Không những giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam về quân sự, Liên Xô còn là nước chủ động đề xuất mở hội nghị quốc tế giữa các nước lớn trên thế giới như Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và các nước có liên quan trực tiếp để giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương bằng con đường đàm phán và đã đóng vai trò quan trọng, tích cực để các bên liên quan ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương (7-1954).
    Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã tìm cách từng bước thay chân thực dân Pháp, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản (Mỹ gọi là làn sóng đỏ) lan tràn khắp khu vực Đông Nam Á, dựng lên ở miền Nam Việt Nam một chính quyền thân Mỹ, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, phá hoại, không thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ.
    Vào thời gian này, bên cạnh quan điểm “ba hòa” (chung sống hòa bình, thi đua hòa bình, tồn tại hòa bình) với Mỹ, Đảng và Chính phủ Liên Xô tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến khu vực Đông Nam Á khi mà Mỹ đã trực tiếp can thiệp và hiện diện, cùng với đó là ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn ở khu vực này. Ban Lãnh đạo Liên Xô cho rằng cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam chống thực dân Pháp, được Mỹ giúp sức, đã giành được thắng lợi thì Việt Nam cũng có khả năng đương đầu với Mỹ nếu nhận được sự trợ giúp to lớn của quốc tế, nhằm thông qua Việt Nam, ngăn chặn ảnh hưởng và mưu đồ của Mỹ giữ vững tiền đồn của phe XHCN ở khu vực này. Đó là những lý do để Liên Xô tiếp tục trợ giúp Việt Nam về quân sự ngày càng to lớn và hiệu quả.
    Trong giai đoạn 1954-1975, sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam có thể chia ra hai thời kỳ:
    Thời kỳ 1954 đến giữa 1965:
    Sự giúp đỡ, viện trợ quân sự của Liên Xô thời kỳ này diễn ra trong bối cảnh sự đối đầu Liên Xô – Mỹ, hai nước đứng đầu hai phe XHCN và tư bản chủ nghĩa, đang diễn ra căng thẳng trong tình trạng Chiến tranh Lạnh mặc dù đã có những hiệp định đình chiến ở Triều Tiên (7-1953) và ở Đông Dương (7-1954) cũng như chủ trương hòa hoãn của Liên Xô; mâu thuẫn gay gắt giữa Liên Xô với Trung Quốc và mối quan hệ Liên Xô – Việt Nam đã có lúc.ơi vào tình trạng tồi tệ vào cuối năm 1963 và năm 1964.
    Trong việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, Liên Xô đã đưa các tàu giúp Việt Nam chở vũ khí, trang bị và hàng chục nghìn bộ đội, người yêu nước từ miền Nam tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định, đồng thời chở bí mật hàng tấn vũ khí vào Cà Mau cho lực lượng cách mạng bám trụ ở lại.
    Sự giúp đỡ của Liên Xô thời kỳ 1954-1965 thể hiện trên ba lĩnh vực chủ yếu là viện trợ quân sự, giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ và cử chuyên gia quân sự.
    Về viện trợ quân sự, Liên Xô đã giúp cho Hải quân Việt Nam 12 tàu phóng ngư lôi và 4 tàu chống ngầm vào năm 1961. Trong 4 năm (1961-1964), Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 47.223/70.295 tấn hàng quân sự, chiếm gần 70% khối lượng các nước viện trợ cho Việt Nam. Từ năm 1962, đến đầu năm 1965, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam số lượng vũ khí, phương tiện, trang bị trị giá khoảng 200 triệu đô la Mỹ(3). Đây là khoản viện trợ có giá trị rất lớn vào thời điểm đó, trong đó có nhiều máy bay phản lực tiêm kích, giúp cho Việt Nam xây dựng được Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên mang phiên hiệu 921, giúp miền Bắc nâng cao khả năng phòng thủ trước khả năng Mỹ sẽ ném bom, bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.
    Về đào tạo, huấn luyện. Theo đề nghị của Việt Nam, Liên Xô đã đồng ý nhận đào tạo cán bộ quân sự cho các lĩnh vực chuyên môn mà Việt Nam cần. Tính đến tháng 4-1964, đã có 1.450 cán bộ quân sự Việt Nam được gửi sang học ở 31 trường, học viện quân sự của Liên Xô (trong số này có 91 cán bộ cấp tá, 546 cấp úy, 135 người học ngành chính trị, 354 người học ngành kỹ thuật và các ngành khác, 48 người học ngành y…(4)
    Về chuyên gia quân sự, Liên Xô đã cử sang Việt Nam nhiều chuyên gia giúp xây dựng các công trình quốc phòng; tư vấn các nội dung liên quan đến xây dựng quân đội, xây dựng Bộ Tổng Tham mưu, xây dựng kế hoạch phòng thủ miền Bắc, kế hoạch tác chiến chiến lược bảo vệ miền Bắc (kế hoạch A). Nhiều đoàn chuyên gia quân sự của Liên Xô, do các tướng lĩnh dẫn đầu, đã sang Việt Nam giúp xây dựng các quân chủng, binh chủng phòng không, không quân, hải quân, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vũ khí, khí tài. Tính đến tháng 4-1964, đã có 44 chuyên gia quân sự Liên Xô, trong đó có 2 sĩ quan cấp tướng đã sang Việt Nam công tác(5). Cơ quan Tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội đã đóng góp tích cực trong việc tư vấn các nội dung xây dựng lực lượng, tác chiến phòng thủ và tạo điều kiện để các chuyên gia Liên Xô có thể giúp cho các cơ quan, đơn vị Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
    Thời kỳ từ tháng 2-1965 đến tháng 4-1975
    Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh ở Việt Nam diễn ra khốc liệt ở cả hai miền Nam, Bắc, với việc quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, máy bay, tàu chiến Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Đây cũng là thời kỳ quan hệ giữa Liên Xô – Mỹ, Mỹ – Trung Quốc và Liên Xô – Trung Quốc căng thẳng nghiêm trọng. Đây cũng là thời kỳ quan hệ giữa Liên Xô với Việt Nam trở nên chặt chẽ, tin cậy hơn mặc dù vẫn còn vấn đề khúc mắc liên quan đến vấn đề chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô ở Việt Nam.
    Thời kỳ này được đánh dấu mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Côxưghin vào đầu tháng 2-1965. Dường như phía Mỹ đã cố ý chọn thời điểm này để chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, vừa là để nhằm cảnh báo Liên Xô. Tuy nhiên, hành động ném bom miền Bắc của Mỹ ngay khi Côxưghin vừa đặt chân đến Hà Nội đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của Liên Xô. Nhà lãnh đạo Chính phủ Liên Xô một mặt lên án gay gắt hành động ném bom của Mỹ, mặt khác tuyên bố Liên Xô cam kết ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, tăng cường khả năng bảo vệ, phòng thủ miền Bắc. Sự kiện này được xem như một bước ngoặt trong quan hệ Liên Xô – Việt Nam, mở đầu một giai đoạn hợp tác, gắn bó chặt chẽ giữa hai nước.
    Sau chuyến thăm của Côxưghin, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã họp bàn về việc Liên Xô giúp đỡ quân sự cho Việt Nam, thỏa thuận 5 nguyên tắc trợ giúp: Một là, số lượng trang bị kỹ thuật Chính phủ Liên Xô cung cấp cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại, gồm vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự đặc dụng; Hai là, Việt Nam gửi cán bộ sang Liên Xô học tập kỹ thuật mới; Ba là, Liên Xô cử chuyên gia quân sự sang Việt Nam huấn luyện bộ đội Việt Nam sử dụng, tiếp nhận vũ khí, khí tài; Bốn là, Liên Xô hỗ trợ Việt Nam xây dựng trang bị vật chất cho các cơ sở có mục đích quân sự; Năm là, hai bên thống nhất các biện pháp chủ yếu đảm bảo vận chuyển viện trợ kịp thời và chu đáo.
    Đầu năm 1965, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề nghị Liên Xô viện trợ: 200 khẩu súng máy cao xạ 14,5 ly; 48 khẩu pháo cao xạ 100 ly; 24 khẩu pháo mặt đất 130 ly; 50 xe tăng T54, 31 xe bọc thép lội nước bánh xích PT-76; 152 khẩu pháo cao xạ 57 ly; 20 máy bay MiG17; 8 máy bay IL-28, 12 máy bay An-2, 6 tàu phóng ngư lôi, 4 tàu vớt mìn, 680 máy vô tuyến điện… Phía Liên Xô cơ bản nhất trí và đã nhanh chóng chuyển hàng viện trợ cho Việt Nam(6).
    Viện trợ quân sự của Liên Xô thời kỳ này bao gồm tên lửa đối không (SAM), pháo cao xạ, ra đa, các thiết bị điện tử, các loại máy bay chiến đấu như MiG-17, MiG19, MiG21, SU-17, máy bay ném bom, máy bay vận tải IL18, IL14; các loại xe tăng T34, T54, xe bọc thép lội nước bánh xích PT-76, xe vận tải quân sự, các khí tài công binh, thông tin, phòng hóa và các loại tàu phóng ngư lôi, tàu huấn luyện, tàu vận tải…
    Ngoài ra, Liên Xô còn dự định cung cấp cho quân đội nhân dân Việt Nam 50.000 bộ quân phục. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Lên Xô còn đề nghị gửi một số đơn vị sang Việt Nam để bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng, đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bao gồm: một lữ đoàn tên lửa, hai trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật bảo đảm, một đơn vị máy bay MiG-21, một tiểu đoàn địa hình, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật. Các đơn vị trên khi sang đến Việt Nam sẽ do phía Việt Nam giao nhiệm vụ chiến đấu. Mọi chi phí hoạt động sẽ do Liên Xô đảm bảo, phía Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ an ninh các cơ sở đóng quân của các đơn vị Liên Xô. Thời gian sang Việt Nam chiến đấu là một năm(7). Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế cuộc kháng chiến và yêu cầu đối ngoại, phía Việt Nam đã cảm ơn dự định nêu trên của Liên Xô nhưng từ chối tiếp nhận các đơn vị đó, xin được nhận viện trợ vũ khí trang bị và đề nghị Liên Xô cử các chuyên gia quân sự sang giúp.
    Bên cạnh các cuộc làm việc trực tiếp giữa các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng hai nước bàn về viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam, vào tháng 4-1965, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô ký kết Hiệp định về việc Liên Xô viện trợ quân sự và thỏa thuận về viện trợ bổ sung cho Việt Nam vào tháng 7 và tháng 10-1965. Nội dung chính của Hiệp định là: phía Liên Xô: 1- Cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự chuyên biệt; 2 – Biệt phái các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận, sử dụng các loại trang thiết bị quân sự được viện trợ, giúp sửa chữa và hiện đại hóa chúng; 3 – Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các mục đích quân sự; 4 – Chuyển giao giấy phép, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc sản xuất đạn dược, một số loại vũ khí, thiết bị quân sự cũng như các hướng dẫn kỹ thuật khác; 5 – Đào tạo quân nhân Việt Nam trong các cơ sở quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô(8).
    Trên cơ sở các nội dung chính đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội hai nước Liên Xô, Việt Nam thỏa thuận, từ năm 1965, Liên Xô đẩy mạnh viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, trong đó chủ yếu là viện trợ quân sự.
    Năm 1965, giá trị viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 210 triệu đô la Mỹ, chiếm 60% tổng viện trợ. Ngoài ra, Liên Xô còn có kế hoạch viện trợ bổ sung trong hai năm 1965-1966 với khối lượng vật chất khá lớn(9).
    Năm 1967, là năm Liên Xô viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, trị giá 416 triệu rúp, chủ yếu là các loại máy bay, các vũ khí phòng không, xe tăng, pháo binh, khí tài, trinh sát điện tử(10).
    Trong hai năm 1966-1967, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam về trang thiết bị quân sự trị giá 500 triệu rúp (tương đương 550 triệu đô la)(11).
    Năm 1968, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 357 triệu rúp (tương đương 369,7 triệu đô la), chiếm 2/3 tổng toàn bộ viện trợ mọi mặt(12).
    Theo số liệu thống kê của Việt Nam, tính chung trong 4 năm 1965-1968, khối lượng Liên Xô viện trợ là 226.969 tấn(13). Trong những năm này, Liên Xô là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Việt Nam.
    Các năm 1970-1971, viện trợ quân sự của Liên Xô giảm: năm 1970, giá trị viện trợ là 240 triệu rúp; năm 1971 là 89 triệu rúp. Đến giữa năm 1971, Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị một danh mục viện trợ vũ khí, khí tài lớn trị giá khoảng 300 triệu rúp cho năm 1972 để đáp ứng với tình hình và nhu cầu cuộc chiến tranh. Liên Xô đã chấp thuận giá trị viện trợ khoảng 150 triệu rúp, cung cấp những vũ khí, khí tài chủ yếu cho bộ đội phòng không, không quân, hải quân. Tính chung giai đoạn 1969-1972, tổng số viện trợ của Liên Xô giành cho Việt Nam là 143.793 tấn(14). Năm 1973, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam trị giá 210 triệu rúp.
    Tính chung từ năm 1965 đến 1974, Việt Nam nhận được từ Liên Xô 2.056 xe tăng, 1.708 xe bọc thép, 7.000 súng (pháo) và súng cối, hơn 5.000 khẩu pháo cao xạ và bệ đỡ, 158 tổ hợp tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, 100 tàu chiến, giúp xây dựng 117 cơ sở quốc phòng gồm sân bay, căn cứ hải quân, công trình phòng thủ, trường huấn luyện…
    Bên cạnh viện trợ quân sự, theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước Liên Xô còn cử chuyên gia sang giúp trên các lĩnh vực. Ngày 6-7-1965, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành quyết định về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác định nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia: Trong thời gian ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng phòng không và không quân Việt Nam đủ khả năng tác chiến. Trước khi sang công tác tại Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô phải trải qua các đợt huấn luyện quân sự,.èn luyện thể lực, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khám sức khỏe… để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt đề ra. Các chuyên gia được lưu ý: quan hệ cụ thể với các chiến sĩ Việt Nam sẽ là hòn đá tảng cho việc cải thiện các quan hệ chính trị, ngoại giao và tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là các sĩ quan cấp tướng như Thiếu tướng G ra Belốp (1965-1967); Thượng tướng Abramốp (1967-1968); Trung tướng B ra Stônhikốp (1968-1970); Thiếu tướng N.K Mácximenkô (1970-1972); Thượng tướng A.I Hiupênen (1972-1975). Thành phần Đoàn chuyên gia ban đầu chỉ có các sĩ quan về tên lửa phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện, sau đó có thêm các phi công, kỹ thuật hải quân, xe tăng, y tế, chỉ huy tham mưu. Số chuyên gia quân sự Liên Xô có mặt ở Việt Nam từ năm 1965-1968 là 3.019 người (đến cuối năm 1968, số chuyên gia đã về nước là 2.743 người, đầu năm 1969, số còn lại là 285 người tiếp tục.út hết về nước). Năm 1970, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Liên Xô lại cử 310 chuyên gia quân sự sang giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, sửa chữa vũ khí, huấn luyện sử dụng các khí tài mới…
    Đến cuối năm 1974, quy chế “Chuyên gia quân sự Liên Xô” được thay thế bằng quy chế “Cố vấn quân sự Liên Xô”. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, số quân nhân Liên Xô có mặt tại miền Bắc Việt Nam từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974 làm chuyên gia quân sự và tham gia chiến đấu gồm 6.359 tướng lĩnh, sĩ quan và hơn 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ(15).
    Về đào tạo, năm 1966, theo báo cáo của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, đã có 2.600 người Việt Nam được gửi sang Liên Xô đào tạo ngành phòng không và không quân. Đến hết năm 1975, Liên Xô đào tạo cho Việt Nam 13.500 quân nhân trong các cơ sở giáo dục quốc phòng, trường quân sự của Liên Xô(16).
    Từ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô trên lĩnh vực quân sự cho Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, có thể khẳng định:
    Một là, đây là sự giúp đỡ về vật chất rất to lớn, hiệu quả, liên tục từ năm 1950 sau khi chính phủ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
    Hai là, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là toàn diện trên cả ba mặt: Viện trợ về vũ khí, trang bị quân sự; cử đội ngũ chuyên gia quân sự đông đảo (gần 11.000 người) sang trực tiếp giúp Việt Nam trên các lĩnh vực huấn luyện, sử dụng vũ khí trang bị, xây dựng phương án tác chiến phòng thủ, các nhà trường, cơ sở đào tạo, tổ chức lực lượng v.v..; nhận đào tạo tại Liên Xô hàng chục nghìn cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
    Ba là, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam các trang thiết bị hiện đại như máy bay chiến đấu (tiêm kích, cường kích), máy bay vận tải các loại, hệ thống tên lửa phòng không, pháo phòng không các cỡ từ 12,7mm đến 100mm, pháo mặt đất các cỡ từ 75mm đến 130mm, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu vận tải, hệ thống ra đa các cấp, thiết bị công trình công binh, phòng chống hóa học, các loại máy bay thông tin v.v… Trong số đó, có loại vũ khí trang bị mới, có loại đã qua sử dụng, có loại Liên Xô đáp ứng 100% theo đề nghị của Việt Nam, có loại đáp ứng 50-60%, có loại chỉ 20-30%.
    Bốn là, viện trợ quân sự của Liên Xô là viện trợ vô tư không hoàn lại. Phần lớn các loại vũ khí, trang thiết bị viện trợ có tính năng tác dụng tốt, phù hợp với khả năng sử dụng, trình độ tác chiến, điều kiện thời tiết, địa hình của Việt Nam.
    Trong quá trình tiếp nhận viện trợ, sử dụng, phía Việt Nam đã có đóng góp quan trọng, cùng với chuyên gia kỹ thuật quân sự Liên Xô vào việc cải tiến vũ khí, trang thiết bị được viện trợ (ví dụ như về bệ phóng tên lửa, phóng máy bay, về ra đa…) giúp cho Liên Xô hoàn thiện một bước vũ khí, trang bị để đối phó với vũ khí, trang bị kỹ thuật của Mỹ. Việc sáng tạo, cải tiến vũ khí trang bị của Việt Nam được Liên Xô đánh giá cao.
    Năm là, viện trợ được thực hiện trên cơ sở hiến pháp, pháp luật của nhà nước Liên Xô, tuân thủ các điều ước, hiệp ước và thông lệ quốc tế, trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và tình cảm quốc tế sâu sắc. Bên cạnh cùng chung ý thức hệ, cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam và thông qua Việt Nam để kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Liên Xô coi Việt Nam là tiền đồn của phe XHCN ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, có điều kiện để tìm hiểu vũ khí, trang bị Mỹ sử dụng ở Việt Nam để tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.
    Sáu là, sự viện trợ quân sự của Liên Xô trên các mặt, gồm cả chuyên gia và đào tạo đã giúp nâng cao tiềm lực, khả năng và hiệu quả chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là sự giúp đỡ vô giá, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
    Sự giúp đỡ này thể hiện mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nhà nước, chính phủ, nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam – Liên Xô. Đây là một mốc son không thể phai mờ trong lịch sử quan hệ hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới và là một hình mẫu đặc biệt, tiêu biểu trong quan hệ quốc tế thời kỳ hiện đại. Tất cả sự giúp đỡ trên là một trong những nhân tố góp phần vào sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 75 năm qua.
    __________________
    Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019
    (1) Tập tài liệu về nhu cầu giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954. Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, phông Phủ Thủ tướng, đơn vị bảo quản 2167.
    (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (14), (15), (16) Xem Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 44, 103, 106, 104, 107-110, 107, 110, 112, 113-114, 116, 124, 145, 127
    (12) Đây là số liệu thống kê của Tổng cục 10 Hợp tác quân sự quốc tế trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, trực tiếp điều phối và thực hiện viện trợ quân sự cho Việt Nam. Còn theo số liệu của Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS) thì năm 1968, Việt Nam nhận được 542 triệu.ups (tương đương với 209 triệu đô la, trong đó có 361 triệu rúp là viện trợ không hoàn lại (Dẫn theo sách: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), tr. 116).
    (13) Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng. Hồ sơ số 795, số 15.

    Trả lời

Viết một bình luận