Phân tích những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ.

By Mackenzie

Phân tích những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ.

0 bình luận về “Phân tích những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ.”

  1. a) Các thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế của Đông Nam Bộ:

    * Thuận lợi:

    – Địa hình thoải thuận lợi để xây dựng các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng, nhà máy…

    – Đất badan, đất xám, khí hậu cận xích đạo nóng ẩm, nguồn thủy sinh tốt thuận lợi hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây công nghiệp hằng năm (lạc, đậu tương, mía, thuốc lá), cây ăn quả…

    – Các vũng vịnh nước sâu thuận lợi để xây dựng cảng biển (cảng Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh), vùng biển gần các đường hàng hải quốc tế -> phát triển giao thông vận tải biển.

    – Nguồn lợi hải sản phong phú, ngư trường rộng lớn (Bà Rịa – Vũng Tàu), có các bãi tôm bãi cá, các vùng nước mặn nước lợ, rừng ngập mặn ven biển…thuân lợi cho phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

    – Giàu tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa phía nam, là tài nguyên khoáng sản vô cùng quan trọng của vùng, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí (các mỏ dầu Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bạch Hỏ, Đại Hùng; mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ).

    b) Các hạn chế:

    + Mùa khô kéo dài 4 – 5 tháng, thường xảy ra thiếu nước cho sinh hoạt dân cư, cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, xâm nhập mặn ở vùng ven biển.

    + Nạn triều cường gây nhiều trở ngại cho sản xuất, sinh hoạt dân cư ở các vùng thấp của thành phố Hồ Chí Minh

    + Môi trường tự nhiên ở nhiều nơi bị suy thoái do tốc độ công nghiệp hóa nhanh, chưa xử lí tốt các nguồn chất thải.

    Trả lời
  2. Vùng Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An có diện tích tự nhiên chiếm 8,4% diện tích tự nhiên cả nước, dân số chiếm 15,6% dân số cả nước. Vùng có cửa ngõ phía tây tiếp giáp với Cam-pu-chia và các nước Thái-lan, Ma-lai-xi-a thông qua mạng đường bộ xuyên Á; cửa ngõ phía đông liên hệ với các nước trên thế giới thông qua hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thị Vải tạo thành hành lang Ðông – Tây, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế sôi động, đã và đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hệ thống kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh như: hệ thống các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không nối với các vùng trong cả nước, với khu vực Ðông – Nam Á và các nước khác.

    Ngoài ra, vùng còn là nơi tập trung trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, còn 16 vạn ha đất chưa sử dụng. Vùng có lực lượng lao động không chỉ từ nguồn lao động trong vùng mà còn từ các tỉnh khác đến, có trình độ chuyên môn cao, năng động, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường hơn so với các vùng khác; trong vùng còn tập trung nhiều trường đại học, dạy nghề; có lực lượng trí thức đông đảo và tâm huyết. Tốc độ đô thị hóa trong vùng khá cao và nhanh so với cả nước. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất, là nơi hội tụ nền văn hóa của nhiều dân tộc trong nước và là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía nam.

    Những năm gần đây, nhịp độ phát triển kinh tế trong vùng khá cao (gấp khoảng 1,5 lần bình quân cả nước), tổng sản phẩm quốc nội của vùng năm 2004 bằng khoảng 40% của cả nước; năng lực sản xuất, trình độ công nghệ và khoa học – kỹ thuật có bước phát triển vượt trội hơn các vùng khác; đóng góp lớn vào thu ngân sách của cả nước (khoảng 60%); thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực ở phía nam và của cả nước. Công nghiệp phát triển mạnh nhất so với các vùng, nhiều khu công nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả; dịch vụ phát triển mạnh. Ðời sống dân cư ngày được nâng cao. Lĩnh vực văn hóa – xã hội không ngừng phát triển; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Với điều kiện địa kinh tế thuận lợi, kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, nguồn nhân lực có chất lượng, vùng đang trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HÐH) đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

    Cùng với những tiềm năng và lợi thế, trước yêu cầu mới về phát triển kinh tế – xã hội, một số hạn chế và thách thức nổi lên của vùng ngày càng rõ rệt, đó là:

    – Phát triển còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, quy hoạch vùng chưa đủ bao quát sự phát triển  toàn diện, cân đối; sự liên kết; phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả tổng hợp còn hạn chế.

    – Những năm gần đây đã bộc lộ một số nhân tố kìm hãm, nên chưa phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế: tích lũy từ nội bộ thấp, giá trị gia tăng trong sản phẩm hàng hóa còn thấp; công nghiệp về cơ bản vẫn là gia công, sơ chế; các khu công nghiệp, khu chế xuất phân bố chưa hợp lý; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; tỷ trọng dịch vụ giảm, chưa theo kịp yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; ô nhiễm môi trường tăng; di dân cơ học và một số vấn đề xã hội còn nhiều phức tạp…

    – Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng chưa đồng đều, trình độ phát triển ở khu vực nông thôn, nhất là ba tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An còn thấp.

    Những hạn chế, thách thức nêu trên là do: một là, tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nhận thức đầy đủ và nhất quán, từ đó chưa có đủ hệ thống cơ chế, chính sách định hướng đồng bộ, tạo điều kiện cho vùng kinh tế năng động nhất cả nước phát triển tối đa; hai là, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng và điều hành của chính quyền trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của vùng; ba là, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với các tỉnh, thành phố thiếu chặt chẽ trong việc xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch tổng thể của toàn vùng, của từng tỉnh, thành phố và các ngành trên địa bàn.

    Những định hướng phát triển kinh tế – xã hội

    – Tiếp tục phát triển bền vững với tốc độ cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của cả nước và khu vực Ðông – Nam Á. Phát huy tốt vai trò vùng kinh tế động lực và có sức lan tỏa, giúp đỡ các tỉnh khác phát triển. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ và tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả hơn; khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    – Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần phát triển các ngành có năng suất lao động cao, dựa trên thế mạnh của từng địa phương và phân bố lực lượng sản xuất trên phạm vi toàn vùng, phù hợp phân bố lực lượng sản xuất toàn quốc, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội gắn kết và phân công hợp lý, có giải pháp tích cực thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh trong vùng, giữa các tiểu vùng trong mỗi địa phương.

    – Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển khu công nghiệp với phát triển hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí… cho người lao động trong môi trường đô thị ổn định và phát triển.

    – Phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo đảm công bằng xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người ở các tỉnh giáp biên giới Cam-pu-chia. Từng bước tổ chức quản lý tốt vấn đề di dân tự do tới các tỉnh trong vùng. Tạo bước chuyển biến cơ bản, toàn diện về chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học và công nghệ hiện đại.

    – Phát triển kinh tế – xã hội gắn với việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

    Thực hiện định hướng nêu trên là nhằm: huy động cao nhất các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng, để Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục phát triển nhanh, ổn định, hiệu quả và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo phát triển vào loại tiêu biểu cả nước; đi đầu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước và đặc biệt là khu vực phía nam, là địa bàn cầu nối để chủ động trong hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và thế giới; bảo đảm ổn định chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh vững chắc.

    Một số nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản về kinh tế – xã hội

    – Ðưa tổng sản phẩm trong vùng (GDP) năm 2010 ít nhất tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000 và đến năm 2020 gấp 2,3 – 2,5 lần năm 2010. Ðến năm 2010 khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 4- 5% tổng GDP, công nghiệp và xây dựng 59 – 60%, dịch vụ 35-36%; đến năm 2020 khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 97,5% – 98,0% tổng GDP; có biện pháp tích cực để đưa tỷ trọng dịch vụ tăng cao hơn mức bình quân của cả nước. Ðẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đang sử dụng, phấn đấu bình quân 20 – 25%/năm; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 50% vào năm 2010 và hơn 70% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm còn dưới 5% vào năm 2010 và còn khoảng 4% đến năm 2020.

    – Về công nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: khai thác dầu khí, sản xuất điện, phân bón, hóa chất và lọc, hóa dầu từ dầu khí; công nghiệp dược phẩm; thiết bị thông tin; điện tử và công nghiệp sản xuất phần mềm; cơ khí chế tạo máy; công nghiệp nguyên liệu (thép, xi-măng, hóa chất, vật liệu xây dựng); công nghiệp phụ trợ và các ngành thu hút nhiều lao động ở các tỉnh có trình độ phát triển chưa cao: chế biến nông – lâm – thủy sản, công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng (dệt may, giày da, nhựa). Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh và những tỉnh trong vùng có điều kiện, sớm hình thành khu công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích phát triển công nghiệp thâm dụng vốn, công nghệ hiện đại ở các đô thị lớn; phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh trên cơ sở khai thác lợi thế đất đai, lao động vùng nông thôn. Nghiên cứu đề án xây dựng khu dịch vụ kỹ thuật đặt ở ngoại vi TP Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp ở phía nam. Tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp và khu chế xuất theo quy hoạch; hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, đi liền với xây dựng đồng bộ các điểm dân cư mới gắn với khu công nghiệp, phù hợp quy hoạch phát triển đô thị của mỗi địa phương, bảo đảm điều kiện sống cho những người tham gia phát triển công nghiệp.

    – Về dịch vụ: Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh, chất lượng cao, bảo đảm kinh tế vùng có nhịp độ tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ công nghệ, viễn thông, hội nghị quốc tế, xuất nhập khẩu, triển lãm – hội chợ khu vực và quốc tế, vận tải trong nước và quốc tế, dịch vụ đào tạo, y tế, biến vùng Ðông Nam Bộ, hạt nhân là TP Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế có tầm cỡ khu vực Ðông – Nam Á về công nghiệp, tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế. Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang phong cách riêng của vùng; chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí; đồng thời đẩy mạnh phát triển các trung tâm thông tin và tư vấn phát triển du lịch, gắn liền với xây dựng hệ thống an ninh và an toàn du lịch, để đến năm 2010 đón khách đến vùng Ðông Nam Bộ khoảng 13 – 14 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế là 2,2 – 3,5 triệu lượt người, đến năm 2020 đón khoảng 16 – 17 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế 4,5 – 5,0 triệu lượt người.

    – Về nông, lâm, ngư nghiệp: Phát huy lợi thế của vùng về đất đai, hệ sinh thái, khí hậu, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm đa dạng, hiệu quả kinh tế – xã hội cao, môi trường trong sạch, hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hình thành các vùng chuyên canh lớn cây cao-su, cây cà-phê, cây hồ tiêu, cây điều, cây ăn trái và vùng chuyên canh rau đi liền với công nghiệp chế biến có công nghệ cao. Phát triển chăn nuôi đại gia súc. Phát triển lâm nghiệp, tăng nhanh việc trồng và sớm ổn định rừng phòng hộ ven biển; đặc biệt giữ diện tích rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và ven biển của Ðồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, rừng phòng hộ đầu nguồn các sông lớn ở Ðồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, rừng nguyên liệu giấy, rừng quốc gia. Hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất vườn cao-su sang phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư. Chú trọng phát triển khai thác, chế biến và các dịch vụ nghề cá. Tập trung đầu tư đồng bộ các phương tiện đánh bắt ngoài khơi. Xây dựng hệ thống cảng, nạo vét luồng lạch và các cơ sở dịch vụ nghề cá hiện đại ở Côn Ðảo và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phát triển nuôi tôm thâm canh, nuôi cá nước ngọt; phát triển giống thủy sản và hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy sản trong vùng.

    Tập trung cao cho việc phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng

    – Phát triển đô thị: Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trong vùng một cách đồng bộ, hiện đại. Quản lý chặt chẽ quá trình phát triển đô thị và đầu tư xây dựng. Kết hợp cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện có và xây dựng các đô thị mới theo đúng quy hoạch và bảo đảm các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc đô thị, tiện ích công cộng và các chỉ tiêu khác của đô thị văn minh, hiện đại. Ðến năm 2010, hoàn thành cơ bản việc chỉnh trang đô thị, giải quyết xong việc giải tỏa nhà ở lụp xụp ven các kênh rạch.

    TP Hồ Chí Minh phát triển theo hướng đa trung tâm, nối kết với các tỉnh trong khu vực bằng những hành lang đô thị hóa. Ðối với các đô thị lớn khác, thực hiện đồng thời cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa phần đô thị cũ, đồng thời mở rộng phần đô thị mới, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa các khu vực. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng một số thành phố, đô thị lớn đang có những động thái phát triển hoặc những thay đổi về mặt hành chính lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương. Phát triển các đô thị vệ tinh chung quanh các thành phố lớn gắn với các khu công nghiệp. Hình thành các đô thị mới có quy mô dân số hợp lý ở Phú Mỹ, Long Sơn, Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Dĩ An – Tân Uyên (Bình Dương), Tam Phước, Nhơn Trạch (Ðồng Nai)… Xây dựng các đô thị mới tại vùng giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi), tỉnh Tây Ninh (huyện Trảng Bàng) và tỉnh Long An (huyện Ðức Hòa). Cần có thiết chế quản lý đô thị để kiểm soát chặt chẽ kiến trúc đô thị, bảo đảm hình thành cho được các đô thị văn minh, hiện đại.

    – Quy hoạch xây dựng vùng nông thôn  có kết cấu hạ tầng phát triển, giữ vững môi trường sinh thái, đi liền với việc hình thành các đô thị ngoại vi, các thị trấn và các khu dân cư đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung. Giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở tại những địa phương có khu công nghiệp, nâng cao điều kiện sống của dân cư đô thị, bảo đảm trật tự và vệ sinh đô thị.

    – Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế: Xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ; TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Vũng Tàu; TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây – Ðà Lạt. Quy hoạch, đầu tư phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn. Ðối với TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới đường giao thông, xây dựng hệ thống cầu qua sông, xe điện chạy trên cao và chạy ngầm trong lòng đất. Tiến hành cải tạo đầu mối đường sắt TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đến năm 2020. Hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế thứ hai tại Long Thành để chủ động đón đầu khi sân bay Tân Sơn Nhất đủ công suất. Nghiên cứu xây dựng tổng kho trung chuyển hàng hóa từ các cảng biển và chuyển đi các nơi cho thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển cho cả vùng, ngoài vùng.

    Quy hoạch chuyển các cảng hàng hóa của TP Hồ Chí Minh ra khỏi nội thành và xây dựng cảng hàng hóa mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong và ngoài vùng. Ðầu tư hiện đại hóa các cảng cá Côn Ðảo, Lộc An, Phước Tỉnh, Cát Lở (Bà Rịa – Vũng Tàu); các cảng cá Chánh Hưng, Cần Giờ, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

    Rà soát quy hoạch, nâng cấp và xây dựng hệ thống cấp, thoát nước trên toàn vùng theo hướng liên kết giữa các địa phương trong vùng, không phân biệt địa giới hành chính. Ðể đáp ứng nhu cầu nước cho các đô thị và phát triển nông nghiệp, cần xây dựng một số hồ thủy lợi quy mô lớn. Giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Ðầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp 500 kV, 110 kV và các mạng lưới truyền dẫn khác, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao, sinh hoạt của nhân dân. Ðầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn trên cơ sở quy hoạch phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa làng xã Việt Nam. Sớm có quy hoạch các khu vực nghĩa trang, các nhà máy xử lý chất thải đô thị, công nghiệp, y tế, nghiên cứu xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn cho toàn vùng. Hạn chế tối đa tác động của phát triển đô thị, của khu công nghiệp đến môi trường sinh thái của nông thôn, đặc biệt các khu vực ven đô.

    Tập trung chăm lo phát triển văn hóa – xã hội

    – Giáo dục – đào tạo: Nhà nước tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, đồng thời khuyến khích nhân dân, tư nhân và nước ngoài đầu tư, thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tạo chuyển biến tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cả bề rộng lẫn bề sâu. Quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng và dạy nghề) theo hướng chủ động đào tạo các ngành kinh tế – kỹ thuật phục vụ sự phát triển hiện đại và công nghệ cao. Ðầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng các hình thức đào tạo đối với các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Nghiên cứu xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao và công nhân kỹ thuật ở Ðồng Nai và các tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật cho khu công nghiệp, các ngành dịch vụ hiện đại.

    – Y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân: Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ y tế trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân trong vùng mà cả người dân ngoài vùng và người nước ngoài. Thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế, mở rộng diện đối tượng tham gia mua bảo hiểm y tế. Ðẩy mạnh hoạt động công tác y tế dự phòng; tích cực và chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt HIV/AIDS và SARS, không để dịch lớn xảy ra. Nghiên cứu xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao với trang thiết bị hiện đại tại Ðồng Nai để giảm áp lực cho TP Hồ Chí Minh. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; bảo đảm 100% số trạm y tế xã có bác sĩ và 100% số thôn ấp có nhân viên y tế hoạt động thường xuyên.

    – Văn hóa, thông tin: Xây dựng các trung tâm hoạt động văn hóa ở mỗi tỉnh, thành phố trong vùng để khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống phương nam và đưa các hoạt động này vào nền nếp, vừa phục vụ nhu cầu nhân dân trong vùng, vừa phục vụ khách du lịch. Ðầu tư nâng cấp tháp truyền hình hiện có trong khu vực để nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng truyền hình. Tu bổ, tôn tạo và tái hiện các di tích văn hóa – lịch sử để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển du lịch.

    – Giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội: Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 15 – 20 vạn lao động. Thực hiện tốt chính sách với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, quan tâm chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

    – Bảo vệ môi trường sinh thái: Chú trọng xây dựng và bảo vệ các loại rừng trong vùng; quản lý chặt chẽ mật độ xây dựng và mảng xanh đô thị; xây dựng các nhà máy xử lý triệt để chất thải đô thị và công nghiệp trong cả vùng; xây dựng mạng lưới trạm quan trắc mức độ ô nhiễm không khí, nước và có biện pháp xử lý cho các tỉnh trong vùng.

    Một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện

    (1) Tiến hành rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng (cả việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để quy hoạch phát triển đô thị, các khu công nghiệp, hệ thống giao thông…) nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, theo hướng văn minh, hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, các ngành, các địa phương cần rà soát quy hoạch phát triển các ngành trên địa bàn, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố và sớm triển khai có trọng tâm, trọng điểm các quy hoạch chi tiết.

    (2) Có cơ chế, chính sách phù hợp trình độ phát triển kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của vùng nhằm khuyến khích mạnh mẽ việc huy động vốn cho đầu tư phát triển ngay từ nội lực của vùng (đất đai, tài nguyên, lao động, vốn của các thành phần kinh tế,…); đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút mạnh và có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, có giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh và đồng bộ hơn các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính, bất động sản, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho vùng.

    Bố trí vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm và phát triển nguồn nhân lực của vùng.

    (3) Ðầu tư nhiều hơn của Nhà nước và các thành phần kinh tế cho đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn trong vùng; đồng thời mở rộng quy mô đào tạo công nhân tay nghề cao đáp ứng nhu cầu CNH, HÐH của vùng và cho cả nước. Quan tâm đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

    Xây dựng lực lượng trí thức đầu đàn đáp ứng nhu cầu của khu vực phía nam và cho cả nước. Có chính sách đãi ngộ, khuyến khích sử dụng sinh viên xuất sắc, công nhân lành nghề từ các trường và trung tâm đào tạo trong và ngoài vùng.

    (4) Ðầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào phát triển sản xuất và dịch vụ; rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách để khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài và của các thành phần kinh tế khác đưa nhanh công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là ở những ngành có giá trị gia tăng cao.

    Tập trung sức xây dựng và phát triển khu công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh thành một mũi đột phát, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn mới.

    Có chính sách khuyến khích phân bố lại những dự án có công nghệ sử dụng nhiều lao động cho các tỉnh có trình độ phát triển thấp hơn để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

    (5) Ðẩy mạnh hơn việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 9 (khóa IX); hỗ trợ để kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX); đẩy mạnh thu hút và phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhanh chóng tạo lập và phát triển đồng bộ các loại thị trường theo Nghị quyết của Ðảng.

    (6) Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung cho đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp, chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, luật pháp; xác định rõ cơ chế phối hợp trong quản lý giữa các ngành với các địa phương và các địa phương với nhau; tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh.

    ***

    Vùng Ðông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam có tiềm năng, lợi thế lớn và cũng là vùng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, làm động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước. Ðể phấn đấu tiếp tục trở thành vùng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, có tác động lôi kéo, hỗ trợ các vùng khác, ngay từ bây giờ cần có quyết tâm cao hơn của từng tỉnh, thành phố trong vùng; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của bộ, ngành Trung ương với các địa phương trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước, khắc phục có kết quả những hạn chế, vượt qua mọi thách thức, cản trở, đưa kinh tế – xã hội trong vùng phát triển với nhịp độ nhanh và bền vững.

    Trả lời

Viết một bình luận