suy nghĩ về đât nước con người việt namn qua câu chuyện chiếc lược ngà

By Savannah

suy nghĩ về đât nước con người việt namn qua câu chuyện chiếc lược ngà

0 bình luận về “suy nghĩ về đât nước con người việt namn qua câu chuyện chiếc lược ngà”

  1. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một truyện cảm động về tình cha con của những gia đình Việt Nam mà ở đó “lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Trong truyện đoạn cảm động nhất là đoạn “ba ngày nghỉ phép về quê của anh Sáu”.

    Năm 1946, năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Sáu lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Bấy giờ, bé Thu, con gái anh chưa đầy một tuổi. Chín năm đằng đẵng xa quê, xa nhà, anh Sáu vẫn mong có một ngày trở về quê gặp lại vợ con.

    Thế rồi, kháng chiến thắng lợi, anh được nghỉ 3 ngày phép về thăm quê, một làng nhỏ bên bờ sông Cửu Long. Về đến nhà, anh tưởng tượng bé Thu – con gái anh sẽ rất vui mừng khi được gặp cha. Giờ đây, nó cũng đã mười tuổi rồi còn gì. Mang một nỗi niềm rạo rực, phấn chấn, anh nôn nóng cho mau về đến nhà.

    Không chờ xuồng cập bến, anh đã nhảy lên bờ vừa bước, vừa gọi: “Thu! Con!” thật tha thiết. Ta có thể tưởng tượng nỗi vui sướng của anh như thế nào. Khi anh vừa bước đi, vừa lom khom người xuống đưa tay chờ con. Thế nhưng ngược lại với những điều anh Sáu mong chờ. Bé Thu tròn mắt nhìn anh ngạc nhiên rồi bỏ chạy. Phản ứng của bé Thu khiến anh Sáu sững sờ, đau khổ. Còn gì đáng buồn hơn khi đứa con mà anh hết lòng thương yêu và khắc khoải từng ngày để được gặp mặt, giờ đây trở nên xa lạ đến mức phũ phàng ấy.

    Thế rồi, anh Sáu tìm mọi cách gặp con để làm quen dần vì anh nghĩ rằng khi anh đi nó vừa mấy tháng tuổi nên nó lạ. Anh mong sao nó gọi một tiếng “ba”, vào ăn cơm nó chỉ nói trống không “Vô ăn cơm!”

    Những bài Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà tuyển chọn

    Bữa sau, cũng là ngày phép thứ hai, bé Thu trông hộ mẹ nồi cơm để chị Sáu chạy mua thức ăn. Trước khi đi, chị Sáu dặn nó có gì cần thì gọi ba giúp cho. Nồi cơm quá to mà bé Thu thì còn nhỏ, vậy mà khi nồi cơm sôi không tìm được cách nào để chắt nước, loay hoay mãi, nó nhìn anh Sáu một lúc rồi kêu lên: “Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái!” anh Sáu vẫn ngồi im, chờ đợi sự thay đổi của nó. Thế nhưng, nó nghĩ ra cách lấy vá múc ra từng vá nước chứ nhất định không chịu gọi anh Sáu bằng “Ba”. Con bé thật đáo để!

    Đến bữa ăn cơm, anh Sáu gắp cho bé Thu một cái trứng cá to, vàng bỏ vào chén. Lúc đầu nó để đó rồi bất thần hất cái trứng ra làm cơm đổ tung toé. Giận quá, không kìm được nữa, anh Sáu vung tay đánh vào mông nó. Thế là bé Thu vội chạy ra xuồng mở “lòi tói” rồi bơi qua sông lên nhà bà ngoại.

    Phép chỉ còn ngày cuối cùng, anh Sáu phải trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Bao nhiêu mơ ước được hôn, ôm con vào lòng từ bấy lâu nay của anh Sáu giờ chỉ càng làm cho anh thêm đau lòng và gần như anh không còn để ý đến nó nữa.

    Thân nhân, họ hàng đến chia tay anh cũng khá đông nên anh cứ bịn rịn mãi. Chị Sáu cũng lo sắp xếp đồ đạc cho chồng, không ai quan tâm bé Thu đang đứng bơ vơ một mình bên cửa nhà. Thì ra nó theo bà ngoại trở về vì bà ngoại sang đây để tiễn chân anh Sáu. Giờ này, trên gương mặt Thu không còn cái vẻ bướng bỉnh, ương ngạnh nữa, mà thoáng một nét buồn trông đến dễ thương. Nó nhìn mọi người, nhìn anh Sáu. Đến lúc mang ba lô và bắt tay với mọi người, anh Sáu mới nhìn quanh tìm bé Thu. Thấy con, dường như mọi việc trong ba ngày phép hiện lên trong anh nên anh chỉ đứng nhìn con với bao nỗi xót xa … cuối cùng, anh cũng phải nói lên lời chia tay với con mà không hy vọng bé Thu sẽ gọi một tiếng “ba” thiêng liêng ấy. Thật là đột ngột và không ngờ, bé Thu chạy đến bên anh Sáu và tiếng “Ba!” được thốt lên thật cảm động biết nhường nào. Nó ôm chầm thật chặt như không muốn rời ba nữa. Nó khóc, khóc thật nhiều và thét lên những lời khiến mọi người xung quanh đều xúc động: “Không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con!”

    Sung sướng, hạnh phúc và cũng thật đau lòng, anh Sáu cũng chỉ biết ôm con và khóc cùng với con. Rồi cũng đến lúc phải chia tay, thật bịn rịn vô cùng. Vừa mới nhận được tiếng “ba” của đứa con thân yêu cũng là lúc phải nghẹn ngào chia tay với con để trở về đơn vị làm tròn trách nhiệm khi đang ở quân ngũ.

    Trước kia anh Sáu đã thương con, giờ đây anh càng thương con gấp bội. Bởi lẽ anh đã hiểu lí do vì sao bé Thu quyết định từ chối không gọi anh bằng “ba” từ ba hôm nay.

    Làm sao chấp nhận một người xa lạ mà khuôn mặt không giống trong tấm ảnh mà mẹ nó thường ngày vẫn nói với nó đó là “ba” được. Chính vết sẹo quái ác kia đã làm cho bé Thu không nhận anh Sáu, hằn học với anh Sáu. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo hằn trên gương mặt của ba, bé Thu mới thấy hổ thẹn và ăn năn. Tình cảm cha con bỗng dâng đầy, tràn ngập trong lòng em. Tình cảm đó được thể hiện bằng thái độ, cử chỉ dồn dập, gấp rút khi nó gọi và ôm chầm lấy anh Sáu. Ba ngày phép ngắn ngủi nhưng lại rất nặng nề với anh Sáu và bé Thu. Nghịch cảnh này là một trong muôn ngàn nghịch cảnh khác mà đã có biết bao gia đình phải ngậm ngùi vì những ngộ nhận đáng thương. Đó cũng là một sự thật đau lòng của nước Việt Nam ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

    Chiến tranh đã đi qua nhưng qua tài liệu chúng ta có thể thấy được chiến tranh tàn ác như thế nào và khiến đời sống của chúng ta nhà tan, cửa nát, mất mát và chia li. Đọc truyện ngắn Chiếc Lược Ngà chúng ta có thể thấy được lòng yêu thương con sau bao nhiêu năm xa cách như thế nào, nó đã làm rung động biết bao trái tim khi đọc qua tác phẩm này.

    Trả lời
  2. Đọc truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc không khỏi xúc động trước tình cha con ấm áp và thiêng liêng giữa ông Sáu và bé Thu – con gái ông. Truyện ngắn được sáng tác năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt ở chiến trường Nam Bộ. Trong chiến tranh, ta vẫn thấy được đời sống tình cảm gia đình thiêng liêng, to lớn của mỗi người lính đối với người thân của họ.

    Ông Sáu cũng như bao người dân khác, ông phải tạm biệt vợ và con gái để lên đường đi đánh giặc. Khi ông đi xa, bé Thu – con gái ông mới chỉ tròn một tuổi – bé còn quá nhỏ để nhận biết được người cha của mình. Rồi tám năm sau, ông Sáu lần đầu tiên có dịp được trở về thăm gia đình. Ông đã dành trọn 3 ngày để ở bên vợ và con. Đây cũng là lúc tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu được bộc lộ.

    Trước hết, ta có thể thấy được tình cảm của bé Thu dành cho ba. Xa cha từ khi còn rất nhỏ, bé Thu chưa từng một lần được nhìn thấy mặt ba mà chỉ biết về ba thông qua tấm ảnh ba chụp chung với má. Chính vì vậy mà bé không chấp nhận một người đàn ông nào không giống với ảnh ba của bé. Ta hiểu được vì sao bé Thu lại giật mình, hét lên gọi má khi ông Sáu gọi: “Thu! Con.” Trong suốt ba ngày ở bên ba, bé Thu thường trả lời trống không với ba của nó: “Vô ăn cơm”, rồi hành động hất cái trứng cá của bé… cũng đều là bởi vì em thấy người đàn ông này có một cái vết thẹo, không giống với ba. Tình yêu thương ba của bé Thu còn được thể hiện qua chi tiết em nghe bà kể về ba. Bé Thu “thở dài như người lớn” khi được bà giải thích rằng vết thẹo trên gương mặt ba là do chiến tranh. Em hiểu rằng mình đã cư xử không đúng với ba. Em muốn bù đắp cho ba, nhưng lúc em hiểu ra thì cũng là lúc ba phải đi rồi. Tình yêu thương ba sâu sắc của bé Thu được thể hiện đậm nét trong tình huống ba em tạm biệt mọi người để trở về căn cứ. Em gọi theo:

    “Ba…..a…..a….ba!”

    Tiếng ba thân thương cất lên từ bao cảm xúc bị dồn nén bấy lâu nay của em. Em chưa một lần được gọi ba, vậy mà giờ đây, em cũng đã được gọi tiếng “Ba” ấy. Rồi em chạy đến ôm hôn ba “Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, nó hôn cả vết thẹo dài trên mặt của ba nó nữa.” Tình cảm của bé Thu dành cho ba vô cùng sâu sắc, em đã nhận ra ba của mình và chạy đến ôm hôn với bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kìm nén vỡ òa.

    Bé Thu yêu ba nhiều như vậy, nhưng ông Sáu còn yêu em nhiều hơn. Trong bữa cơm gia đình hôm ấy, ông Sáu đã trót đánh con vì hành động hất cái trứng cá của bé Thu. Nhưng bé Thu đâu nào biết, ông Sáu đã cảm thấy hối hận vô cùng khi trở về chiến khu. Ông Sáu trách mình đã không kìm lòng được, ra tay đánh con. Ông chỉ được về phép ba ngày, vậy mà ông lại đối xử không tốt với bé Thu. Tình yêu thương của ông dành cho con được thể hiện khéo léo qua chi tiết ông tỉ mỉ làm chiếc lược ngà “Khi tìm được chiếc khúc ngà, ông vui như đứa trẻ được quà. Ông tỉ mỉ cưa từng chiếc răng lược, gò công như người thợ bạc.” Với ông Sáu, món quà này chứa chan biết bao tình cảm ông dành cho con, ông muốn bù đắp cho bé Thu vì đã đánh bé. Chiếc lược còn là một vật dụng để mỗi khi ông Sáu nhớ con, ông lại đem ra ngắm. Ông yêu thương bé Thu là thế, tỉ mẩn làm quà cho con gái là thế, vậy mà trong một trận càn của giặc, ông Sáu đã vĩnh viễn không thể gặp lại bé Thu và gia đình ông. Trước khi chết, ông vẫn không quên trao cho anh Ba chiếc lược ngà, nhìn anh Ba hồi lâu, đợi anh hứa sẽ trao cho bé Thu chiếc lược, ông mới an tâm nhắm mắt. Chi tiết cuối truyện khiến cho người đọc rưng rưng nước mắt, xúc động trước tình cảm của ông Sáu dành cho con.

    Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một câu chuyện ý nghĩa về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cha con. Ta có thể thấy được điều đó qua những chuyển biến trong tâm trạng của em bé Thu, trong hành động của cả bé Thu và ông Sáu. Không chỉ vậy, người đọc còn cảm thấy được một thứ tình cảm thiêng liêng, bền chặt mà chỉ gia đình mới có được. Nó khơi dậy trong tâm hồn người đọc nhận thức sâu xa về tình cảm gia đình, cũng đồng thời lên án sự tàn ác của chiến tranh, khiến cho bao nhiêu gia đình phải chịu sự mất mát, chia li. Hình ảnh của bé Thu chính là hình ảnh đại diện cho những đứa trẻ trong thời kì kháng chiến trường kì, các em phải xa cha từ khi còn rất rất nhỏ, phải sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương. Còn mẹ của bé Thu trở thành một người mẹ chịu thương chịu khó, cũng trở thành một người cha gánh vác việc nhà, một mình nuôi nấng bé Thu trong suốt 8 năm trời. Ông Sáu cũng như vậy, ta có thể nhận ra ông mang trong mình hai hình ảnh song song. Một là hình ảnh người lính với những thương tích quái ác do chiến tranh gây ra, những vết thương không bao giờ lành lại được. Và hai là hình ảnh một người cha yêu thương con, dù chiến tranh có tàn khốc như thế nào, người cha ấy vẫn luôn nghĩ về gia đình nhỏ của mình, coi đó là động lực để chiến đấu. Bé Thu, mẹ của bé và ông Sáu chính là ba nhân vật khắc họa nên hình ảnh toàn diện của một gia đình người Việt Nam trong chiến tranh. Đau thương có, mất mát có nhưng ở họ, tình cảm gia đình là thứ vĩnh viễn không bị mai một và mất đi được… Điều ấy không chỉ có trong lịch sử, mà ở thời bình, tình cảm gia đình vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, lớn lao nhất.

    Có lẽ đối với bất cứ ai, khi đọc những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ta cũng đều thấy được cái chất giọng Nam Bộ rõ nét và ấn tượng trong câu chữ của ông. Nếu không phải nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc sẽ khó có thể có một nhà văn nào viết được một câu chuyện hay, cảm động và mang cái chất riêng như ông.

    Trả lời

Viết một bình luận