Viết bài văn giải thích câu ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn”

By Kennedy

Viết bài văn giải thích câu ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn”

0 bình luận về “Viết bài văn giải thích câu ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn””

  1. Bài làm
    Kho tàng tục ngữ, ca dao của Việt Nam có rất nhiều những câu tục ngữ, ca dao quý báu đã được ông cha đúc kết để răn dạy các con cháu đời sau. Lòng biết ơn là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Điều đó đã được nhân dân ta đúc kết qua hai câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây hay Uống nước nhớ nguồn. Câu tục ngữ cho ta bài học triết lí sống vô cùng sâu sắc và quý giá.
    Ý 1:
    Mặc dù hai câu tục ngữ này đều thể hiện chung một ý nghĩa song hai câu này lại có hình thức khác nhau. Thứ nhất, ta cần hiểu thế nào là “Ăn quả” nhớ “kẻ trồng cây”? Xét về nghĩa đen,”quả ” là tên gọi chung của các loại trái cây, khi được ” ăn quả ” tức là được hưởng thụ những trái thơm quả ngọt thì cần phải nhớ đến công sức của người “trồng cây” – người làm vườn vất vả đã vun xới, ươm
    cây, dày công chăm sóc và bảo vệ. Còn câu tục ngữ thứ hai, “Uống nước nhớ nguồn” có nghĩa là gì ? “Uống nước” là khi ta được uống dòng nước mát lành thì phải nhớ đến “nguồn” – nơi bắt nguồn của dòng nước ấy, phải nhớ tới và thầm cảm ơn mẹ thiên nhiên đã cho ta những nguồn nước quý giá đó. Mặt khác, hai câu này lại mang ý nghĩa sâu xa hơn, “Quả” và “nước” tượng trưng cho thành quả,
    thành tựu,  “ăn quả”  hay ” uống nước” chính là hưởng thụ những thành quả ấy. Khi đó, ta phải nhớ ơn đến công lao của người đã bỏ ra công sức, mồ hôi nước mắt thậm chí cả xương máu để có được thành quả ấy. Các câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng đắn, chúng đều thể hiện lòng biết ơn – một truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người, của cả dân tộc Việt Nam. Câu tục ngữ còn nhắc nhở chúng ta sống phải đề cao ơn nghĩa, phải biết đến cội nguồn, nguồn gốc của mình. Nó không chỉ nhắn nhủ cho ta một bài học về lòng biết ơn mà nó còn gợi lên tình cảm cội nguồn thiêng liêng sâu trong tâm hồn người Việt.
    Ý 2:
    Vậy tại sao ” uống nước ” phải “nhớ nguồn” và “ăn quả ” phải”nhớ kẻ trồng cây” ? Bởi lẽ, mọi thành quả lao động từ của cải vật chất đến tinh thần mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao lớp người đã đổ xuống để tạo nên. Đất nước ta trở nên giàu đẹp là nhờ bao công sức, hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước gây dựng lên, giữ gìn và tiếp truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lòng biết ơn là tình cảm cao đẹp, xuất phát từ lòng trân trọng, kính yêu đối với ân nhân của mình. Ngoài ra, lòng biết ơn còn bồi đắp tâm hồn con người, sống có tình có nghĩa, tạo nên sức mạnh tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn. Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, dù đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chúng ta vẫn luôn dành
    chiến thắng bởi sâu trong tâm của mỗi người dân Việt Nam luôn có một tinh thần “tương thân tương ái ” – một nền tảng của đạo đức để phát triển, hình thành lòng biết ơn. Tại sao lòng biết ơn lại được nhân dân ta trân trọng và đặt lên hàng đầu? Vì đó chính là tình cảm thiêng liêng của con người, là mọi cơ sở, nền tảng của mọi hành động tốt đẹp của cuộc sống. Người Việt Nam rất coi trọng phẩm chất, đạo đức của mỗi người nên ngay từ khi còn bé, mỗi đứa trẻ đã được dạy về cách đối nhân xử thế trong đó có lòng biết ơn. Vậy lòng biết ơn là cội nguồn của đạo đức để phát triển nhân cách con người theo hướng chân – thiện – mĩ. Người có biết ơn sẽ cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống và cảm nhận được giá trị tốt đẹp của cuộc sống.Thái độ sống biết ơn là thái độ tình cảm giữa con người và con người, chúng ta là thế hệ tiếp nối sẽ có nhiệm vụ phát huy, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh hơn.
    Ý 3:
    Lòng biết ơn không chỉ được tâm niệm trong lòng của mỗi người mà nó còn được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Vậy để thể hiện lòng biết ơn thì ta phải làm gì? Chúng ta được xuất hiện trên thế giới này thì không thể quên các bậc cha mẹ đã nuôi dưỡng và sinh thành. Chính vì thế, chúng ta phải luôn ghi nhớ công lao to lớn này của cha mẹ – người đã ban cho ta quyền được hưởng những thứ tốt đẹp. Trong gia đình, anh chị em hòa thuận, không làm bố mẹ phiền lòng, biết
    san sẻ công việc, đỡ đần mẹ cha, lễ phép, kính trọng ông bà là biểu hiện cụ thể của lòng biết ơn. Ngoài ra, trong mỗi gia đình, nhà nào cũng có bàn thờ cúng tổ tiên ngày lễ, ngày Tết thắp hương tưởng nhớ đến cha ông đã khuất, người có công sinh thành, nuôi dưỡng con cháu nên người. Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với hàng chục đạo quân xâm lược hung hãn, tàn bạo, có biết bao người đổ máu để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chắc hẳn là người Việt thì không ai có thể quên ngày giỗ tổ hùng vương – ngày để nhìn lại những chiến công của các vị anh hùng dân tộc. Trên khắp mảnh đất hình chữ S, đâu đâu cũng có những miếu, chùa, đài tưởng niệm, nghĩa trang để ghi nhớ công ơn của những vị anh hùng liệt sĩ đã cống hiến và hy sinh để đem lại sự tự do, ấm no, hạnh phúc muôn người. Bác Hồ đã từng nói, “Các vua hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chính vì thế, dân gian có câu hát :”Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba “. Hay thể hiện tấm lòng thành kính đền ơn đáp nghĩa, nhà nước ta đã có các chính sách hỗ trợ những thương binh, liệt sĩ về chỗ ăn, chỗ ở, tổ chức các cuộc thăm hỏi, động viên những gia đình có người nhà đi đánh trận. Bên cạnh đó, ” tôn sư trọng đạo” cũng là một truyền thống của dân tộc ta. Những người thầy, người cô đã cống hiến hết mình cho nền giáo dục của nước nhà thì cũng rất đáng quý. Để tri ân công lao dạy dỗ của các thầy cô, ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20-11 đã ra đời. Lòng biết ơn đối với thầy cô còn được thể hiện ở sự chăm học, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao, trở thành một người công dân có ích cho nước nhà. Ngoài ra, việc duy trì, xây dựng và bảo vệ nét đẹp của dân tộc cũng là cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã tạo ra: xây dựng bảo tàng văn hóa lịch sử, bảo tàng cách mạng,… để nhắc nhở mọi người không quên những dấu son lịch sử mà cha ông ta để lại. Bên cạnh đó, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người là biểu hiện của sự tôn trọng người đã làm ra thành quả. Khi ta bưng bát cơm đầy, ta phải nhớ tới những người nông dân đã ” một nắng hai sương”,” rầm mưa rãi nắng”, vất vả, lam lũ ngoài đồng để nuôi sống con người. Vì vậy, chúng ta phải biết trân trọng từng hạt gạo mà các bác nông
    dân làm ra. Nhưng trái ngược lại, vẫn còn một số kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, làm trái với đạo lý sống như “vong ơn bội nghĩa”, ” ăn cháo đá bát”,”qua cầu rút ván”. Chúng ta phải nghiêm khắc phê phán, lên án hành vi ấy.
    KB:
    Ngoài hai câu tục ngữ trên, dân gian còn có nhiều câu tục ngữ có nội dung về lòng
    biết ơn như :
    “Công cha, nghĩa mẹ, chữ thầy
    Ơn sâu nghĩa nặng, cả đời khó quên”
    Hay
    ” Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
    Qua đó, câu tục ngữ khuyên con người nên sống sao cho xứng đáng chọn tình chọn nghĩa, theo đúng truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã răn dạy. Đây là một bài học quý báu để mà chúng ta học tập và noi theo. Phải biết giữ gìn, vun đắp và phát triển các thành quả lao động mà ông cha ta để lại, sống ân nghĩa thủy chung.

    Trả lời

Viết một bình luận