Câu 1: Căn cứ vào hình dáng của tháp tuổi ta không thể biết đặc điểm nào?
A. Số người sinh, tử của một năm.
B. Số người dưới tuổi lao động.
C. Các độ tuổi của dân số.
D. Số lượng nam và nữ.
Câu 2: Sự bùng nổ dân số diễn ra vào năm nào dưới đây?
A. 1927.
B. 1950.
C. 1500.
D. 1804.
Câu 3: Nguyên nhân dân cư thế giới thường tập trung đông đúc ở khu vực địa hình đồng bằng do:
A. khí hậu mát mẻ, ổn định.
B. tập trung nguồn tài nguyên khoáng sản.
C. ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.
D. thuận lợi cho cư trú, giao lưu phát triển kinh tế.
Câu 4: Châu lục nào có tập trung dân cư đông đúc nhất thế giới?
A. châu Âu.
B. châu Á.
C. châu Phi.
D. châu Mĩ.
Câu 5: Đới nóng trên Trái Đất có giới hạn nào dưới đây?
A. Từ vĩ tuyến 40oN – B đến 2 vòng cực Nam – Bắc.
B. Từ xích đạo đến vĩ tuyến 20o Bắc – Nam.
C. Nằm giữa chí tuyến Bắc và Nam.
D. Từ chí tuyến Bắc về vĩ tuyến 40o Bắc.
Câu 6: Gió Tín phong thổi quanh năm ở đới nào?
A. Đới ôn hòa.
B. Đới nóng.
C. Đới lạnh.
D. Đới cận cực.
Câu 7: Môi trường nhiệt đới gió mùa phân bố điển hình ở khu vực nào?
A. Nam Á, Đông Nam Á
B. Tây Nam Á, Nam Á.
C. Bắc Á, Tây Phi.
D. Nam Á, Đông Á
Câu 8: Vào thời kì mùa đông ở môi trường nhiệt đới gió mùa có hướng gió chủ yếu nào dưới đây?
A. Đông Nam.
B. Tây Bắc.
C. Tây Nam.
D. Đông Bắc.
Câu 9: Ở môi trường nhiệt đới gió mùa, cây lương thực quan trọng nhất ở các đồng bằng là:
A. cây lúa mì.
B. cây lúa nước.
C. cây ngô.
D. cây cao lương.
Câu 10: Đặc điểm nào dưới đây không đúng về sản xuất nông nghiệp ở đới nóng?
A. Các cây công nghiệp nhiệt đới rất phong phú (cà phê, cao su, mía,..).
B. Phổ biến hình thức chăn thả dê, cừu, trâu, bò trên các đồng cỏ.
C. Chăn nuôi phát triển hơn trồng trọt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
D. Vùng thuận lợi sản xuất cây lương thực (đặc biệt cây lúa nước) và cây công nghiệp.
Phần tự luận
Câu 1 (3 điểm). Bùng nổ dân số thế giới xảy ra khi nào? Nêu nguyên nhân, hậu quả và phương hướng giải quyết?
Câu 2 (2 điểm). Trình bày hướng gió thổi vào mùa hạ và vào mùa đông ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Giải thích tại sao lượng mưa ở các khu vực này lại có sự chênh lệch rất lớn giữa mùa hạ và mùa đông?
Câu 1:
Hình dáng của tháp tuổi không cho ta có thể biết số người sinh ra, mất đi của một nước hay một địa phương.
Chọn: A.
Câu 2:
Xem kiến thức sách giáo khoa trang 5, phần 3 sự bùng nổ dân số, dòng đầu tiên từ trên xuống. Sự bùng nổ dân số diễn ra vào năm 50 của thế kỉ XX.
Chọn: B.
Câu 3:
Vùng đồng bằng có địa hình bằng phẳng, giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi cho trao đổi giao lưu với các vùng khác nên thu hút dân cư đông đúc.
Chọn: D.
Câu 4:
Châu lục tập trung dân cư đông đúc nhất thế giới là châu Á, có Nam Á và Đông Nam Á là hai khu vực có dân cư đông đúc nhất với các cường quốc dân số trên 1 tỉ người như Trung Quốc, Ấn Độ,…
Chọn: B.
Câu 5:
Đới nóng có phạm vi nằm giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam.
Chọn: C.
Câu 6:
Loại gió thổi quanh năm ở đới nóng là gió tín phong (tín phong Đông Bắc và tín phong Đông Nam).
Chọn: B.
Câu 7:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa là loại khí hậu đặc sắc của đới nóng, điển hình là ở Nam Á và Đông Nam Á.
Chọn: A.
Câu 8:
Vào mùa đông, gió mùa thổi từ lục địa châu Á ra theo hướng Đông Bắc, đem theo không khí khô và lạnh cho môi trường nhiệt đới gió mùa.
Chọn: D.
Câu 9:
Cây lương thực quan trọng nhất ở các đồng bằng của vùng nhiệt đới gió mùa là cây lúa nước.
Chọn: B.
Câu 10:
Đới nóng thuận lợi cho canh tác cây lương thực (đặc biệt cây lúa nước) và cây công nghiệp; các cây công nghiệp nhiệt đới rất phong phú (cà phê, cao su, mía,..), hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn. Chăn nuôi ở đới nóng phổ biến hình thức chăn thả dê, cừu, trâu, bò trên các đồng cỏ. Nhưng nhìn chung chăn nuôi chưa phát triển bằng trồng trọt.
Chọn: C.
Phần tự luận
Câu 1:
– Bùng nổ dân số xảy ra vào những năm 50 của thế kỉ XX. Vào thời kì này, tỉ lệ gia tăng bình quân hàng năm của dân số thế giới lên đến 2,1 %. Bùng nổ dân số xảy ra chủ yếu ở các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. (1 điểm)
– Nguyên nhân: Do tỉ suất sinh lớn, tỉ suất tử thấp. Trong những năm này, các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mĩ Latinh giành được độc lập, đời sống được cải thiện và những tiến bộ y tế làm giảm nhanh tỉ lệ tử vong, trong khi tỉ lệ sinh vẫn còn cao. (1 điểm)
– Hậu quả: Gánh nặng cả vấn đề ăn, mặc, ở, học hành, việc làm,… do có nhiều trẻ em và thanh niên. (0.5 điểm)
– Phương hướng giải quyết: Ngăn chặn sự bùng nổ dân số bằng các biện pháp: Kiểm soát sinh đẻ, phát triển giáo dục, cách mạng nông nghiệp và công nghiệp hóa,… (0,5 điểm)
Câu 2:
– Hướng gió ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á:
+ Về mùa hạ: Hướng gió chủ yếu thổi vào Nam Á và Đông Nam Á là tây nam; khi thổi lên phía bắc, hướng gió đổi sang đông nam. (0,75 điểm)
+ Về mùa đông: Hướng gió chủ yếu thổi vào Nam Á và Đông Nam Á là đông bắc; khi thổi xuống phía nam, hướng gió đổi sang tây nam. (0,75 điểm)
– Giải thích: Mùa hạ mưa nhiều do gió Tây Nam thổi qua vùng biển xích đạo mang theo nhiều hơi nước; mùa đông mưa rất ít do gió Đông Bắc thổi từ lục địa về, có tính chất khô. (0,5 điểm)