Đã từng có một Beethoven bị điếc hoàn toàn, bị cơn đau bệnh tật dày vò và bị tình yêu chối từ trong nước mắt.
Thế giới đã chứng kiến rất nhiều nghệ sĩ đàn dương cầm (Piano) ghi dấu trong lịch sử nhân loại với những phím đàn kỳ diệu, làm lay động tâm hồn người nghe: Thiên tài âm nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791); Nhà soạn nhạc cổ điển lừng danh người Đức Ludwig van Beethoven (1770 – 1827); Nhà soạn nhạc người Ba Lan Frédéric Chopin (1810 – 1849); Hay nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Robert Schumann (1810 – 1856)… đều là những cái tên ghi dấu sâu đậm trong lòng hậu thế.
Điều chúng ta dễ nhận thấy ở những tài năng âm nhạc lỗi lạc thế giới này là, họ không chỉ sớm nảy nở tình yêu đối với âm nhạc nói chung cùng những phím dương cầm đen-trắng nói riêng, hay trải qua quãng thời gian khổ luyện để tạo nên những tác phẩm kinh điển, mà ở mỗi người đều phải trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời.
Nếu như Beethoven sớm phải chịu những cơn đau thể xác từ căn bệnh viêm loét đại tràng hay bị điếc hoàn toàn vào những năm tháng rực rỡ nhất của đời người thì Schumann lại bị hỏng đôi bàn tay khi cậu đang say mê luyện tập Piano cho ước vọng to lớn: Trở thành nghệ sĩ Piano bậc nhất châu Âu.
Đau đớn hơn cả, năm 21 tuổi, Mozart phải trải qua nỗi đau đớn về tinh thần lớn nhất cuộc đời khi người mẹ rất đỗi yêu thương của ông đột ngột qua đời. Một mình chàng thanh niên trẻ ấy bơ vơ ở nơi xứ người (ở Paris) và vật lộn với những ngày tháng bi thảm vì thương nhớ mẹ.
Thế nhưng…
Tất cả những nỗi đau kiệt cùng về thể xác và tinh thần ấy mà họ đã trải qua đã giúp họ có thêm nghị lực để tiếp tục sống, tiếp tục tập luyện rồi soạn nên những bản nhạc mà đến hàng trăm năm sau, hậu thế vẫn ngưỡng mộ, học tập.
Âm nhạc mang đến cho những vĩ nhân ấy những chân trời mới. Tình yêu với những phím đàn kỳ diệu đến mức: Những bản hòa tấu bất hủ của Beethoven được viết vào lúc ông hoàn toàn không nghe thấy gì; Hay trong những ngày thương nhớ người mẹ đã mất, Mozart đã soạn nên bản giao hưởng “Paris” nổi tiếng;
Khi đôi tay của Schumann không thể lướt trên những phím dương cầm kỳ diệu, tưởng chừng ước mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của châu Âu vụt tắt thì lúc ấy ông “đổi” ước mơ để rồi sau này trờ thành nhà soạn nhạc và nhà phê bình âm nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19.
Nếu không phải nghị lực phi thường, tình yêu và tác dụng tuyệt vời của âm nhạc nói chung và phím dương cầm nói riêng thì sao chúng ta có thể ngồi đây, nói về họ rồi lặng yên lắng nghe những giai điệu tuyệt vời của các bậc vĩ nhân ấy!
Thanh âm trong trẻo từ những phím đàn dương cầm đã hàn gắn tâm hồn của những vĩ nhân từng trải qua những cay đắng cuộc đời. Nhờ đó, bệnh tật, nỗi đau đớn khi mất người thân, những tai nạn gần như dập tắt ước mơ… đều trở nên “nhẹ nhàng hơn” khi họ đắm chìm vào thế giới của phím đàn Piano.
(Nguồn: Soha/ Tri thức trẻ)