1: Nêu sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ? Phát biểu ý kiến về bản tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là một văn kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam?
1: Nêu sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ? Phát biểu ý kiến về bản tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là một văn kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam?
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (đây cũng là ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay), sau Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946.
Bản Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, là một kiệt tác, một áng “Thiên cổ hùng văn”, một áng văn lập quốc vĩ đại. Bản Tuyên ngôn độc lập không dài, chỉ vỏn vẹn có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, bản Tuyên ngôn độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quyền bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, tiếp theo là bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là những bản tuyên ngôn về quyền dân tộc của những người chiến thắng. Nội dung tư tưởng của các áng hùng văn lại được tiếp nối trong chặng đường mới. Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do trong thời đại cách mạng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập trong không khí vui mừng của ngày hội lớn của non sông. Phải làm sao thể hiện được khí phách của dân tộc trong trường kỳ lịch sử, đặc biệt là trong những phong trào cách mạng chống thực dân Pháp suốt gần một thế kỷ. Phải vạch ra tội ác của Nhật – Pháp đã đẩy dân ta vào vòng tăm tối, nô lệ, tới chỗ mất quyền sống tối thiểu nhất của con người. Phải xác lập những căn cứ, lý lẽ hùng hồn và thuyết phục để chứng minh tính tất yếu lịch sử của sự hình thành nhà nước dân chủ và cơ sở pháp lý vững chắc của nó. Và Tuyên ngôn độc lập cũng phải nói lên một cách thấm thía giá trị nhân bản cao đẹp của cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc đổi đời và tái sinh của hàng triệu kiếp người nô lệ giành lại được quyền làm chủ vận mệnh mình, làm chủ non sông đất nước và sống trong không khí tự do trong lành của Tổ quốc. Tuyên ngôn độc lập đã đáp ứng được tất cả những yêu cầu quan trọng đó. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã dựa vào những chân lý về quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người đã được lịch sử xác nhận qua những bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp. Những nguyên tắc này càng có ý nghĩa vững chắc, khó phản bác, khi chính những quốc gia trên đều có những mối liên hệ khá trực tiếp đến việc thừa nhận quyền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Ý nghĩa thiêng liêng và bên vững của những chân lý về quyền sống, quyền tự do của con người là sự khẳng định của lịch sử, dù ở vào một thời kỳ nào, một dân tộc nào. Từ những căn cứ vững chắc đó, tác giả bản Tuyên ngôn độc lập tố cáo chính sách ngu dân, bóc lột và kìm hãm kinh tế của Nhật, Pháp đã làm cho kiệt quệ mọi sự sống của người Việt Nam. Trong luận văn “Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng” Giáo sư Singô Sibata đã nhấn mạnh tính chất độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện trong Tuyên ngôn độc lập: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc, “quyền lợi của mỗi cá nhân được coi như là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng”. “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình” (theo Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới, NXB Sự thật, Hà Nội, 1979, tr 96). Ý thức tôn trọng và quan niệm thống nhất giữa quyền sống chân chính của mỗi cá nhân, quyền độc lập của các dân tộc, và quyền bình đẳng tự do của con người…, đã xác định giá trị nhân bản của bản Tuyên ngôn độc lập. Đó là cơ sở nhân đạo, mà cũng là cơ sở pháp lý vững chắc của nội dung văn kiện lịch sử quan trọng này. Nhân dân Việt Nam đã có ý thức sâu sắc về quyền tự quyết của dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam qua trườmg kỳ lịch sử chống các thế lực ngoại xâm cũng như lịch sử đấu tranh kiên cường trong hàng thế kỷ chống chế độ thực dân Pháp đã chứng minh chân lý đó. Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2/9//1945 Quyền độc lập, tự do không phải là một ân huệ được ban phát từ một thế lực nào bên trên đưa xuống, bên ngoài đưa vào mà do dân tộc Việt Nam tự giành lấy bằng xương máu của mình qua quá trình đấu tranh anh dũng. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trách nhiệm lịch sử chung của các dân tộc là phải đấu tranh chống thực dân và phát xít, những thế lực tàn bạo hủy diệt sự tiến bộ của nhân loại. Dân tộc Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào sứ mệnh lịch sử đó. Tuyên ngôn độc lập hai lần nhấn mạnh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp… một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít…”. Tiền đề ấy tất yếu phải dẫn đến kết luận: Dân tộc đó phải được tự do và độc lập. Và không phải chỉ là sự luận bàn về lý lẽ, chân lý ấy đã được biểu hiện bằng thực tế lịch sử. Tuyên ngôn độc lập khẳng định sự tồn tại của thực tế lịch sử trong quá khứ, hiện tại và tương lai; khẳng định truyền thống kiên cường chống ngoại xâm trong quá khứ, những nỗ lực lớn lao xây dựng chính quyền non trẻ trong hiện tại và lòng quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập trong tương lai. Nhân dân ta đã từng chịu đựng bao cơ cực, đau khổ dưới ách phát xít Nhật và thực dân Pháp, đã từng đấu tranh kiên cường qua các phong trào khởi nghĩa và hôm nay hoàn toàn xứng đáng với vai trò lịch sử của mình. Tuyên ngôn độc lập nói lên ý chí và khát vọng lớn lao của nhân dân Việt Nam khẳng định quyền làm chủ vận mệnh của mình. Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Vị Chủ tịch nước giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu của người chiến sĩ dãi dầu sương gió, và giọng nói trang trọng, ấm áp trong từng ý, từng lời, đã thu hút được tâm tư của mọi người. Câu hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” nói lên sâu sắc tình cảm của vị lãnh tụ. Từ đây nhân dân thực sự đã làm chủ vận mệnh mình và người đứng đầu Nhà nước là người lãnh đạo và cũng là người tận tụy phục vụ nhân dân. Bầu trời trong sáng, đẹp đẽ của mùa thu tháng Tám năm 1945, cùng bản Tuyên ngôn độc lập đã đi vào lịch sử dân tộc như những trang sử chói ngời nhất. Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca khẳng định sự toàn thắng của cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc suốt hàng thế kỷ. Tuyên ngôn độc lập mở đầu một thời kỳ lịch sử mới: nhà nước Cộng hòa non trẻ ra đời, là sự thách thức mọi kẻ thù về sức mạnh và lòng quyết tâm bảo vệ, dựng xây đất nước.
– Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do, độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã dũng cảm đứng về phía Đồng minh chống phát xít Nhật; dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập…. Và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.