Cảm nhận về nhân vật huấn Cao trong đoạn trích cuối

Cảm nhận về nhân vật huấn Cao trong đoạn trích cuối

0 bình luận về “Cảm nhận về nhân vật huấn Cao trong đoạn trích cuối”

  1. Nguyễn Tuân là một trong những caay bút tài hoa của nền văn xuôi Việt Nam. Ông là một con người sống với ước mong “suốt đời đi tìm cái đẹp”, đi tìm “những hạt ngọc ẩn giấu” của cuộc đời. Đến với tác phẩm Chữ người tử tù, cái đẹp mà ông luôn tìm kiếm được thể hiện rõ ở nhân vật Huấn Cao. Không chỉ hiện lên với vẻ đẹp tài hoa và khí phách, nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù còn hiện lên với vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Vẻ đẹp về nhân cách ấy được miêu tả rõ trong đoạn trích cuối cùng của văn bản, đó là cảnh cho chữ của Huấn Cao- một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

    Như ta đã biết, ở phần đầu Huấn Cao xuất hiện với vị thế là kẻ tù tội nhưng lại được biệt đãi bởi viên quản ngục. Sau khi nghe lại câu chuyện từ thầy thơ lại, Huấn Cao đã nhận ra “suýt chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” và quyết định cho chữ viên quản ngục.

    Trong cảnh cho chữ, Huấn Cao- một kẻ tù tội nhưng lại hiện lên với tư thế hiên ngang “Một người tù kẻ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Một kẻ thân mang tội nhưng lại xuất hiện với tư thế của một người nghệ sĩ tài hoa đang chia sẻ cái đẹp. Rõ ràng đã có một sự đối lập đang xảy ra ở đây với ông Huấn và viên quan coi ngục. Xét về vị thế xã hội thì giữa họ là kẻ thù, một người nắm công lí triều đình còn một kẻ thân mang tội đang chờ tới ngày xử tử. Thế nhưng xét trên bình diện về cái đẹp thì họ lại gặp gỡ nhau ở chỗ là tri âm, tri kỉ cùng hướng tới một đích đó là cái thiện và cái đẹp.

    Không chỉ vậy, sau khi cho chữ xong Huấn Cao đã dành lời khuyên tới viên quản ngục “ở đây lẫn lộn…. nên thay đổi chốn ở đi… ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện”. Không chỉ xuất hiện với tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng mà những lời Huấn Cao dành cho viên quản ngục cũng như thầy thơ lại đã cho ta thấy nhân cách cao đẹp của một con người có thiên lương trong sáng. Huấn Cao không chỉ cho chữ mà  dường như ông đã cứu vớt được cả một đời người hướng về cái thiện.

    Hình ảnh Huấn Cao- người tử tù trong cảnh cho chữ hiện lên thật đẹp, thật lẫm liệt và hào hùng: trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời người anh hùng cũng là thời khắc sáng tạo dành cho người nghệ sĩ. Hai phẩm chất anh hùng và nghệ sĩ trong một con người đều để dành tôn vinh cái đẹp. Từ thân phận của kẻ tử tù nơi đề lao tăm tối, hình tượng Huấn Cao trở lên rực sáng, uy nghi trong tư thế của người hướng đạo với sức cảm hóa khiến cho ngục quan chỉ biết cúi đầu: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

    Cảnh tượng cho chữ của Huấn Cao dành cho viên quản ngục ở cuối tác phẩm Chữ người tử tù là cảnh tượng lẫm liệt, hào hùng nhất thể hiện vẻ đẹp cả về tài năng và nhân cách của Huấn Cao- người anh hùng, người nghệ sĩ trong thân phận kẻ tử tù. Cảnh tượng ấy cho chúng ta thấy được sự chiến thắng tuyệt đối của cái đẹp, cái thiện ngay ở trong hoàn cảnh tù ngục tối tăm.

    Bình luận

Viết một bình luận