Vừa mới ra mắt, ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP đã kịp dính ngay nghi án đạo nhạc, tuy nhiên chúng ta hãy tạm gác nghi án này qua một bên để cảm ơn Tùng, vì nhờ anh mà những ngày gần đây showbiz Việt nhạy cảm với “đạo nhạc” hơn bao giờ hết.
Khi “Chúng ta không thuộc về nhau” ra mắt đồng thời với MV “We don’t talk anymore”, không chỉ cộng đồng mạng mà nhiều người trước nay vốn kín tiếng và hiếm khi phát ngôn đụng chạm đến đồng nghiệp showbiz cũng bị cuốn vào vòng xoáy nghi án Sơn Tùng đạo nhạc.
Tố đạo nhạc là “há miệng mắc quai”?
Người góp công rất lớn làm dậy lên làn sóng tố đạo nhạc những ngày qua chắc hẳn là đương kim huấn luyện viên The Voice Kids: Vũ Cát Tường. Khi Vũ Cát Tường lên tiếng “dạy dỗ” Sơn Tùng, chắc chính cô cũng không ngờ rằng đã tự tay hắt một gáo nước bẩn lên chính mình, và cũng nhờ lần “há miệng mắc quai” này làm showbiz thực sự dậy sóng.
Những ca khúc trước đây của Cát Tường như “Don’t you go”, “Vết mưa” của Vũ Cát Tường bị chỉ ra nhiều điểm trùng hợp với của nhiều ca sĩ đình đám khác cũng bị soi ra những điểm trùng hợp đến kinh ngạc với những bài hát của ca sĩ nước ngoài. Thậm chí những chuyện riêng tư trước đây như dối trá, chép code, xin điểm, lừa học bổng hay chat sex, nói xấu đồng nghiệp cũng liên tiếp bị đưa lên mặt báo.
Có lẽ bạn cũng thắc mắc vì sao Sơn Tùng luôn gắn liền với những nghi án đạo nhạc, nhưng anh vẫn được ủng hộ nhiệt tình mỗi lần ra mắt ca khúc mới. Và nhiều người cũng biết rằng, nhạc Việt không phải chỉ có Sơn Tùng mới biết đạo nhạc. Nhưng quan trọng nhất là chẳng ai lên án hay tẩy chay. Vì sao ư? Hãy nhìn tấm gương Vũ Cát Tường ngay trước mắt!
Không biết rằng khán giả nên cảm ơn Vũ Cát Tường và những ca sĩ khác đã lên tiếng tố ca khúc mới của Sơn Tùng, hay cảm ơn giọng ca “Chúng ta không thuộc về nhau” đã đưa vấn nạn đạo nhạc phơi bày trước công chúng. Nhưng nếu không, những ồn ào nhiều ngày qua thì có lẽ người nghe nhạc Việt vẫn bị ru ngủ trong những sản phẩm được gom nhặt từ nơi khác, của những người khác đã bỏ công sáng tạo nên.
Đạo nhạc – căn bệnh không phải của riêng Vpop
Họa mi nước Anh – Adele rất nhiều lần bị nghi ngờ “ăn cắp” đối với hàng loạt ca khúc đình đám trong đó có “Hello”, “Million Years Ago” từng nổi đình nổi đám. Công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift cũng từng vướng phải lùm xùm đạo nhạc với bài hit “Haunted” bị cho rằng rất giống ca khúc “The Scientist” của Coldplay. “Roar” của Katy Perry có nhiều điểm giống với ca khúc “Brave” của Sara Bareilles….
Không phải chỉ có nhạc sĩ, ca sĩ Việt mới đạo nhạc. Ngay cả những ca sĩ đình đám trên thế giới cũng không ít lần mang tiếng vay mượn. Adele, Taylor Swift hay Katy Perry và khá nhiều những giọng ca đình đám khác cũng chỉ là trường hợp điển hình bị truyền thông bóc mẽ. Dường như vấn nạn đạo nhạc đã nghiễm nhiên được chấp nhận và coi là chuyện bình thường?
Không phủ nhận có những phiên bản vay mượn còn thành công hơn cả bản gốc, và chính sự vay mượn một-cách-văn-minh giúp cho âm nhạc thêm phong phú. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc học hỏi và sao chép là rất mong manh, do vậy người làm nghề sáng tạo nghệ thuật luôn cần đặt cái tâm của mình lên trên hết; và người nghe nhạc luôn cần sự tỉnh táo và công bằng hơn trong thưởng thức âm nhạc. Không phải vì ca sĩ, nhạc sĩ tài năng “cứ ra bài nào là thành hit bài đó” mà du di, lấy đó làm cớ bao biện cho hành vi vay mượn, bắt chước chất xám của những con người tâm huyết thực sự.