Chủ nghĩa xã hội hiện thực sự ra đời phát triển và những thành tựu chủ yếu

Chủ nghĩa xã hội hiện thực sự ra đời phát triển và những thành tựu chủ yếu

0 bình luận về “Chủ nghĩa xã hội hiện thực sự ra đời phát triển và những thành tựu chủ yếu”

  1. CNXH hiện thực (Real socialism) là khái niệm dùng để chỉ một chế độ xã hội đã và đang tồn tại trên thực tế từ khi giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được chính quyền. “Khái niệm chủ nghĩa xã hội hiện thực được nói tới ở đây có nội hàm là chủ nghĩa xã hội đã trở thành thực tế, đã ra đời, đang vận động, sinh thành và phát triển chứ chưa phải đã hoàn thiện, đã trưởng thành đầy đủ”(1).

    CNXH hiện thực ra đời ở nước Nga sau thắng lợi của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (1917) vĩ đại. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp: nền kinh tế lạc hậu lại bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ I; nội chiến và chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc; sự bao vây, cấm vận về kinh tế… từ năm 1918 đến đầu năm 1921, Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là V.I.Lênin đã thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến, tiến hành quốc hữu hóa tài sản, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của bọn tư bản độc quyền, đại địa chủ và các thế lực chống phá cách mạng khác. Đến tháng 3 – 1921, sau khi nội chiến kết thúc, Đại hội X Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP). V.I.Lênin đã chỉ rõ trong những điều kiện mới, việc sử dụng những hình thức kinh tế quá độ là một bộ phận rất quan trọng của chính sách này. Đó là việc thực hiện CNTB nhà nước, một trong những hình thức thích hợp để giúp nước Nga Xôviết nhanh chóng khắc phục tình trạng suy sụp kinh tế sau chiến tranh, hạn chế sự phát triển tự phát của nền sản xuất nhỏ. Theo V.I.Lênin, thông qua việc sử dụng CNTB nhà nước, giai cấp vô sản có thể học tập, kế thừa và phát huy có chọn lọc tất cả những tài sản vật chất- kỹ thuật và tinh hoa chất xám trong kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của các nhà tư bản cũng như tri thức khoa học – kỹ thuật và trình độ quản lý kinh tế của các chuyên gia tư sản. Nhà nước vô sản có thể sử dụng CNTB nhà nước như là một hệ thống các chính sách, công cụ, biện pháp nhằm điều tiết hoạt động của các xí nghiệp tư bản còn tồn tại trong thời kỳ quá độ, nhằm hướng tới mục đích vừa sử dụng, vừa cải tạo bằng phương pháp hòa bình đối với các thành phần kinh tế TBCN và sản xuất nhỏ. Với ý nghĩa đó, CNTB nhà nước còn có thể coi là một trong những phương thức, phương tiện, con đường có hiệu quả trong việc thúc đẩy xã hội hóa và làm tăng nhanh lực lượng sản xuất của CNXH.

    Sau khi V.I.Lênin qua đời, vì nhiều lý do, trong đó có lý do đối phó với nguy cơ chiến tranh thế giới thứ II, Chính sách kinh tế mới không được thực hiện đúng theo tinh thần của V.I.Lênin. Sau năm 1945, CNXH từ một nước đã trở thành hệ thống, các nước XHCN trên phạm vi quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa to lớn đối với hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

    Có thể khái quát những thành tựu cơ bản của CNXH hiện thực:

    Một là, chế độ XHCN đã từng bước đưa nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ trên toàn thế giới. Sự ra đời của chế độ XHCN cũng có nghĩa là chế độ dân chủ XHCN được thiết lập, dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản (theo V.I.Lênin). Từ bản chất giai cấp của nó, chế độ dân chủ XHCN, chế độ dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động, thực hiện ngày càng đầy đủ những quyền dân chủ, ngăn ngừa và trấn áp những hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân. Chế độ XHCN không chỉ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế cho nhân dân mà hơn thế nữa còn thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở các nước TBCN và trên toàn thế giới.

    Hai là, trong hơn 70 năm xây dựng CNXH, Liên Xô và các nước XHCN khác đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười so với các nước tư bản phát triển khác bị lạc hậu từ 50 đến 100 năm. Khi bắt tay vào xây dựng CNXH, thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ bằng 1/22 của Mỹ cùng thời. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Liên Xô đã trở thành một trong hai siêu cường của thế giới. Năm 1985, thu nhập quốc dân của Liên Xô bằng 66% của Mỹ, sản lượng công nghiệp bằng 85% của Mỹ.

    Với công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, Liên Xô đã trở thành một nước có trình độ học vấn cao, thu được những thành tựu đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe, phát triển y tế và bảo đảm phúc lợi xã hội cho nhân dân lao động. Trước Cách mạng Tháng Mười, 3/4 nhân dân Nga mù chữ, chỉ sau 20 năm, nạn mù chữ đã được xóa bỏ. Vào cuối năm 1980, Liên Xô là một trong những nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới (164 triệu nguời có trình độ trung học và đại học, số lượng các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực cũng đứng vào hàng đầu thế giới). Liên Xô và các nước XHCN khác trước đây đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học và công nghệ cũng có những thành tựu rất to lớn.

    Ba là, với sự lớn mạnh toàn diện, CNXH có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quyết định đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Chế độ XHCN được thiết lập không chỉ mở ra một xu thế phát triển tất yếu cho các dân tộc là con đường XHCN, mà bằng sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả về nhiều mặt, các nước XHCN đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1919, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa chiếm 72% diện tích và 70% dân số thế giới, tới những năm cuối của thế kỷ XX chỉ còn 0,7% diện tích và 5,3% dân số thế giới.

    Bốn là, sức mạnh của CNXH hiện thực đóng vai trò quyết định đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới; là sức mạnh vật chất, tinh thần, cổ vũ cho sự nghiệp cải cách, đổi mới vì CNXH.

    2. Nguyên nhân khủng hoảng và triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực

    Lịch sử xã hội loài người không đi theo con đường thẳng và phong trào cách mạng cũng không tránh khỏi sai lầm, thất bại hay những thời kỳ thoái trào. Ngay nền Cộng hòa Pháp cũng phải làm đi làm lại và chỉ đến nền cộng hòa thứ năm, thể chế TBCN ở Pháp mới cơ bản được khẳng định.

    Hệ thống các nước XHCN từ khi ra đời cũng có những thăng trầm khó tránh khỏi. Bắt đầu từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4 -1989 trở đi, sự đổ vỡ diễn ra liên tiếp ở các nước Đông Âu, đến tháng 9 -1991, chế độ XHCN ở Liên Xô và 6 nước Đông Âu đã bị sụp đổ hoàn toàn. Sự đổ vỡ cũng diễn ra ở Mông Cổ, Anbani và Nam Tư.

    Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ có nhiều, song như Cương lĩnh năm 1991 của Đảng ta chỉ rõ: “Do duy trì quá lâu những khuyết tật của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, chậm trễ trong cách mạng khoa học và công nghệ…”(2) đã gây tình trạng trì trệ kéo dài và khủng hoảng. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ, đó là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ 1986 và kết thúc trong sự đổ vỡ hoàn toàn năm 1991. Đường lối cải tổ trượt dài từ cơ hội hữu khuynh đến xét lại, từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ chủ trương ban đầu là cải tổ kinh tế chuyển nhanh sang cải tổ về chính trị một cách vô nguyên tắc đã tạo điều kiện cho sự phát triển làn sóng “công khai”, “dân chủ”, “không có vùng cấm”, phủ định mọi thành tựu của CNXH, gây tâm lý hoang mang cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với CNXH. Ngoài ra, các thế lực quốc tế lợi dụng những sai lầm, khó khăn do khủng hoảng đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt nhằm xóa bỏ các nước XHCN, thực hiện “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và các nước Đông Âu.

    Gần 3 thập niên sau sụp đổ, hiện nay sự phát triển của Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và một số nước khác đang chứng minh CNXH không sụp đổ, không mất đi mà đang có những triển vọng thực sự. Có thể khái quát về triển vọng của CNXH hiện thực trên một số khía cạnh sau:

    Thứ nhất, CNTB không phải là tương lai của xã hội loài người

    Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng đánh giá rất cao vai trò lịch sử của giai cấp tư sản và CNTB: “giai cấp tư sản đã đóng vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”; song các ông cũng dự báo và chứng minh những dự báo của mình: “sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau”.

    Thực tế đã chứng minh, CNTB có vai trò to lớn đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trong mấy thập kỷ qua, do biết “tự điều chỉnh và thích ứng” đồng thời sử dụng triệt để những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, các nước TBCN đã vượt qua được một số cuộc khủng hoảng và vẫn còn khả năng thích ứng và phát triển. Song, với bản chất của chế độ TBCN, chế độ xã hội luôn tồn tại mâu thuẫn không điều hòa được giữa quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân TBCN với lực lượng sản xuất xã hội hóa ngày càng cao, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa giai cấp tư sản và vô sản, bởi vậy, cách mạng XHCN tất yếu sẽ nổ ra và sự thay thế CNTB bằng CNXH là tất yếu khách quan.

    Tuy nhiên, do còn có điều kiện tồn tại và phát triển, CNTB cùng với quá trình thích nghi đã đồng thời tạo ra những điều kiện vật chất kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý để giai cấp công nhân kế thừa trong xây dựng xã hội mới. Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi khẳng định tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ lên CNXH, cũng đồng thời chỉ ra những hạt nhân hợp lý của CNTB, để CNXH kế thừa trong xây dựng xã hội mới: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”.

    Thứ hai, chủ nghĩa xã hội – tương lai của xã hội loài người

    Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ không có nghĩa là sự cáo chung của CNXH. Sau sự kiện Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống CNXH ra sức rêu rao về “cái chết của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác-Lênin”. Song, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đã khẳng định, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của mô hình CNXH không phải là sự cáo chung của CNXH với tư cách là mục tiêu, lý tưởng, là hình thái kinh tế – xã hội mà loài người đang vươn tới. Tương lai của loài người vẫn là CNXH, đó là quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã khẳng định: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(3).

    Các nước XHCN còn lại tiến hành cải cách, mở cửa, đổi mới và ngày càng đạt được những thành tựu to lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã có tác động mạnh mẽ đến các nước XHCN còn lại, nhưng với sự kiên định con đường XHCN, các nước này không những đứng vững mà còn thực hiện đổi mới thành công. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể, Trung Quốc và Việt Nam, Cu Ba đã từng bước định hình và định lượng mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp.

    Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” kiên trì phương châm: “cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật; “tất cả vì nhân dân”; “tất cả dựa vào nhân dân” và thực hiện 5 nguyên tắc (5 kiên trì)(4). Đại hội XIX (2017) với chủ đề: “Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, đã khẳng định: Xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào năm 2050; “Nhân dân Trung Quốc sẽ được hưởng sự hạnh phúc và thịnh vượng cao hơn, và dân tộc Trung Quốc sẽ có chỗ đứng cao hơn, vững hơn trên trường quốc tế”(5).

    Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn có những đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin:

    – Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là một tính quy luật của cách mạng Việt Nam, trong điều kiện thời đại ngày nay;

     – Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, đồng thời đổi mới từng bước về chính trị, đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện gắn phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là khâu then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo ra ba trụ cột cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững;

    – Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường vai trò kiến tạo và quản lý của Nhà nước. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái;

    – Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân;

    – Mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc và tôn giáo, mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận xã hội, động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

    – Mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện hội nhập quốc tế; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, khai thác mọi khả năng có thể hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;

    – Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

    Xu hướng đi lên CNXH ở các nước Mỹ Latinh khẳng định niềm tin và khả năng phát triển của CNXH.

    Vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở khu vực Mỹ Latinh nổi lên phong trào của những người cánh tả trên lập trường dân tộc tiến bộ. Bằng con đường bầu cử dân chủ tư sản, nhiều đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội cánh tả đã giành được chính quyền. Có nhiều nước đã tuyên bố xây dựng CNXH theo mô hình “chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”: Veneduela, Nicaragua, Ecuador, Bolivia. Veneduela là nước khởi đầu cho trào lưu đi theo “mô hình chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI”(6).

    Mô hình CNXH Mỹ Latinh lựa chọn tạo thành mô hình “chủ nghĩa xã hội Mỹ Latinh thế kỷ XXI” đã thể hiện khá rõ nhiều tính chất XHCN.

    Về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng tiến bộ của Ximôn Bôlivia, tư tưởng nhân đạo thiên chúa giáo làm nền tảng. Về chính trị, nhấn mạnh tư tưởng “dân chủ cách mạng” và chính quyền nhân dân, xây dựng mô hình xã hội theo đó nhân dân tham gia vào công việc của nhà nước, thực hiện công bằng xã hội. Về kinh tế, chủ trương thực hiện kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước và hợp tác giữ vai trò chủ đạo, giành lại chủ quyền dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là dầu mỏ, nước sạch…; thực hiện công bằng, giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hóa xã hội. Về đối ngoại, thúc đẩy khối đại đoàn kết Mỹ Latinh và quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, lấy hợp tác thay thế cạnh tranh, đấu tranh cho một thế giới đa cực dân chủ, chú trọng kinh nghiệm quốc tế của các nước XHCN như Cu Ba, Việt Nam, Trung Quốc.

    Tất nhiên, mô hình CNXH Mỹ Latinh còn nhiều điểm cần được tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, nhưng với sự xuất hiện mô hình đó chứng tỏ sức sống và khả năng phát triển của CNXH và lòng tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của nhân dân lao động.

    Đánh giá về khuynh hướng tích cực này, Tuyên bố chung Việt Nam – Veneduela (6-2007) khẳng định: “Hai bên nhất trí cho rằng những biến đổi chính trị gần đây ở Mỹ Latinh và kết quả đấu tranh quả cảm của nhân dân các nước trong khu vực là những bước tiến quan trọng trong quá trình khẳng định độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, thực hành một nền dân chủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân và là một cơ hội để thiết lập các mô hình phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo và xã hội chủ nghĩa”(7).

    Bình luận

Viết một bình luận