Để phát triển ngoại thương, trước hết Nhật Bản phải chú trọng

By Elliana

Để phát triển ngoại thương, trước hết Nhật Bản phải chú trọng

0 bình luận về “Để phát triển ngoại thương, trước hết Nhật Bản phải chú trọng”

  1. Những đặc điểm cơ bản của ngoại thương Nhật Bản – Châu Á những năm 19990 Mối quan hệ ngoại thương giữa Nhật Bản và các nước châu Á những năm 90 của thế kỷ XX chịu ảnh hưởng rất lớn của quá trình quốc tế hoá nền kinh tế Nhật Bản được tăng cường từ giữa thập kỷ 80.

    Trong quá trình này, nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng giảm sút trong nước như ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu(1) mà trước đó đã được chuyển dần sang các nước NICs, lúc này tiếp tục được chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua FDI. Đa số những ngành này đều có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp và cần nhiều lao động. Vì thế, nền kinh tế Nhật Bản ở thập kỷ 90 chủ yếu bao gồm các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và cần ít lao động. Sự thay đổi này trong cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản đã tạo nền móng cho sự phát triển mới trong phân công lao động giữa Nhật Bản và các nước đang phát triển châu Á và từ đó, để lại những dấu ấn nhất định lên quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với các nước đối tác nói chung và với các nước châu Á nói riêng trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Mối quan hệ thương mại này không chỉ có ý nghĩa đối với các bên tham gia, mà nó còn góp phần cải thiện mối quan hệ của họ với phần còn lại của thế giới. Trong thời gian trên, các nước phát triển đã gây sức ép lớn đối với Nhật Bản, đòi nước này phải mở cửa thị trường nội địa của mình. Trước tình hình đó, việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản  trong điều kiện các nước ASEAN tăng cường thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu và Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường không những làm cho đầu tư của Nhật Bản được chào đón nhiệt tình ở các nước nhận, mà còn giúp nước này tiếp cận với thị trường của các nước phát triển, đồng thời giúp các nước ASEAN và Trung Quốc mở rộng xuất khẩu sang các nước thứ ba.

    Nhìn lại quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với các nước đang phát triển châu Á thập kỷ 90, có thể ghi nhận nó có một số đặc điểm chính sau đây:

    Thứ nhất, tỷ trọng của các nước châu Á trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản đều được tăng lên. Năm 1990, toàn bộ châu Á chiếm 41,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, năm 2000 đã tăng lên 54,7%. Trong đó, tỷ trọng của Trung Quốc được tăng từ 5,1% lên 14,5%; của 5 nước ASEAN bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonexia, Malaysia và Philippin được tăng từ 10,6% lên 13,5%. Tỷ trọng của bốn NIEs trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản được tăng không đáng kể từ 11% lên 11,7% trong giai đoạn 1990 – 1996. Tương tự, tỷ trọng của các nước Đông Á trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản được gia tăng đáng kể – trong giai đoạn 1990 – 1996 đã tăng từ 28,8% lên 38,3%, phần chủ  yếu trong số này được xuất khẩu sang các NIEs và Trung Quốc.

    Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự gia tăng nói trên, như sự lên giá của đồng Yên làm tăng sự hấp dẫn của thị trường Nhật Bản đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài, do các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư ra nước ngoài để tận dụng nguồn chi phí rẻ hơn rồi nhập khẩu hàng hoá trở lại Nhật Bản và do Chính phủ Nhật Bản tăng cường thực hiện tự do hoá thương mại, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.

    Thứ hai, gia tăng đáng kể tỷ trọng của hàng chế tạo trong trao đổi ngoại thương giữa Nhật Bản và châu Á. Trong những năm 90, xuất khẩu hàng chế tạo trong đó chủ yếu là máy móc và thiết bị sang ASEAN tăng mạnh. Riêng năm 1993, nhóm hàng này chiếm khoảng 96% tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Nhật Bản và ASEAN. Những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của Nhật Bản thường được xuất khẩu sang các NIEs. Các thị trường này chiếm khoảng 65 – 68% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm IC của Nhật Bản. Từ cuối thập kỷ 80, Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu máy móc và thiết bị. Nhóm này thường chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản trong thời gian qua.

    Thứ ba, tích cực tham gia các chương trình hợp tác khu vực. Từ cuối thập kỷ 80, làn sóng khu vực hoá đã được tăng cường rất mạnh mẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Cả Nhật Bản và các nước châu Á đều đã buộc phải điều chỉnh chính sách của mình theo hướng này. Những điều chỉnh chính sách của Nhật Bản chủ yếu theo hai hướng là chủ động gia tang vai trò và vị trí của mình trong các chương trình hợp tác khu vực Đông Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương và chú trọng phát triển hợp tác kinh tế đa phương kết hợp chặt chẽ với hợp tác song phương. Nhật Bản không những là nước đã đưa ra ý tưởng về hợp tác khu vực Đông Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương và chú trọng phát triển hợp tác kinh tế đa phương kết hợp chặt chẽ với hợp tác song phương. Nhật Bản không những là nước đã đưa ra ý tưởng về hợp tác khu vực Đông Á, mà còn tham gia tích cực vào tiến trình này. Nhật Bản cũng đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như chương trình hợp tác 10+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM). Bên cạnh đó, từ nửa sau của thập kỷ 90, Nhật Bản đã tích cực xúc tiến việc ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương với nhiều nước trong khu vực. Hiện đã ký kết với Singapore và đang trong quá trình đàm phán với Mexico, Hàn Quốc, Canada và Úc. Việc ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương sẽ tạo nền móng cho sự phát triển mới trong hợp tác khu vực với vai trò chủ đạo của Nhật Bản. Vì thế, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này trong tương lai.

     Thứ tư, có xu hướng Trung Quốc trở thành thị trường trọng tâm của Nhật Bản trong khu vực, đặc biệt sau khi nước này trở thành thành viên chính thức của WTO. Điều này dễ dàng nhận thấy qua sự gia tăng tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất và nhập khẩu của Nhật Bản. Có nhiều lý do khiến Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến thị trường Trung Quốc so với các thị trường khác trong khu vực Đông Á. Đó là: a) Những cải cách chính sách kinh tế của Trung Quốc nói chung và cải cách chính sách thương mại nói riêng đang làm cho thị trường nước này ngày càng trở nên thông thoáng và hấp dẫn hơn đối với các bạn hàng nước ngoài; b) Qui mô rộng lớn của thị trường nội địa; và c) Tính bổ sung cơ cấu rõ rệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho Nhật Bản được lợi nhiều nhất – các chế phẩm hoá chất là mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn trong khi Nhật Bản có khả năng xuất khẩu mặt hàng này, ngược lại Trung Quốc có khả năng xuất khẩu mạnh các sản phẩm công nghiệp nhẹ thì Nhật Bản lại có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của hàng điện và điện tử của Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng, đã vượt qua Thái Lan và đang gần đuổi kịp Hàn Quốc, trong khi đó của Nhật Bản lại giảm đi.

    Và thứ năm, quan hệ ngoại thương giữa Nhật Bản với châu Á được gắn liền với sự gia tăng đầu tư của Nhật Bản sang khu vực này. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, khi đồng yên bị tăng giá với mức kỷ lục so với đồng đô la Mỹ (khoảng 80 yên/1 USD), các công ty vừa và nhỏ cũng như những nhà sản xuất linh kiện của Nhật Bản đã ồ ạt đầu tư sang các nước ASEAN. Nhiều công ty còn chuyển các cơ sở của mình từ các NIEs sang đây để tranh thủ lợi thế về nguồn cung cấp đầu vào rẻ hơn. Bên cạnh đó, các công ty thương mại tổng hợp của Nhật Bản, gọi là sogoshoshia, cũng đã tăng đáng kể khối lượng đầu tư của mình vào khu vực này – chỉ riêng nửa đầu thập kỷ 90 đã tăng khoảng 4 lần, lên tới trên 415 tỷ Yên. Vốn đầu tư của các công ty này thường được tập trung vào các dự án lớn và đặc biệt là họ gánh chịu mọi rủi ro trong quá trình đầu tư. Trong số các dự án này phải kể đến Dự án khai thác khí hoá lỏng ở Brunây của Mishubishi Corp., Dự án hiện đại hoá ngành nông nghiệp Trung Quốc của Nichimen Corp., Dự án về sản xuất đồ điện gia dụng ở châu Á của Tomen Corp., Dự án về phát triển công viên công nghiệp ở Indonexia của Sumitomo Corp., Dự án về phát triển rừng ở Việt Nam của Nissho Iwai Corp.,… Sự gia tăng đầu tư này chính là cơ sở để mở rộng mối quan hệ thương mại giữa các nước châu Á với Nhật Bản.

     2. Xu hướng phát triển ngoại thương Nhật Bản – Châu Á đầu thế kỷ XXI

     Bên cạnh các yếu tố quốc tế như quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá, triển vọng phát triển quan hệ ngoại thương giữa Nhật Bản và các nước châu Á trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI chịu tác động của những nhân tố đặc thù trong khu vực Đông Á. Tầm quan trọng của Đông Á trong chiến lược kinh tế đối ngoại của Nhật Bản, triển vọng trở thành một cường quốc kinh tế của Trung Quốc, tiềm năng phát triển kinh tế vững chắc của Nhật Bản cũng như tầm quan trọng của nó ở Đông Á. Sự lớn mạnh của các NIEs thế hệ thứ nhất bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, một số vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế có ảnh hưởng đến xu thế phát triển chung của khu vực như vấn đề giá dịch vụ, cung cấp năng lượng, vấn đề ổn định chính trị ở một số quốc gia Đông Nam Á, Đông Bắc Á… là những nhân tố có tác động quan trọng lên quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Châu Á.

     Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, khu vực Đông Á tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản. Đây là khu vực đông dân nhất thế giới va có mật độ dân cư đông đúc. Hiện tại dân số ở đây khoảng 1,84 tỷ người và đến năm 2020 sẽ là 2,16 tỷ người. Đây tiếp tục là một khu vực có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trên thế giới trong những thập kỷ tới. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, trong giai đoạn 2000 – 2020, GDP của châu Á sẽ tăng trưởng với mức 5,5%/năm, trong đó tăng nhanh nhất là Trung Quốc – từ 6,0 – 8,0%/năm, sau đến các nước ASEAN – từ 6 – 6,5%/năm và NIEs – từ 4,5 – 5%/năm, trong khi đó Nhật Bản chỉ tăng khoảng 1,7 – 2,1%/năm, Mỹ – từ 1,8 – 2,4%/năm. Ngoài ra, đây còn là khu vực có nhiều thế mạnh về kinh tế, như tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư cao, có triển vọng phát triển lớn, tình hình chính trị khá ổn định khi xem xét trên toàn khu vực, sự hiện diện của giới kinh doanh người Hoa có kinh nghiệm và trình độ học vấn cao ở hầu khắp các nước trong khu vực. Tất cả các yếu tố đó, cộng với trình độ công nghệ và quản lý cao cũng như tiềm năng kinh tế của Nhật Bản, sẽ tạo cơ sở cho việc hình thành ở đây một trung tâm sản xuất hàng hoá toàn cầu – nền móng cho sự phát triển lên một mức cao hơn quan hệ thương mại Nhật Bản – châu Á.

     Một nhân tố có tác động khá quan trọng lên quan hệ thương mại Nhật Bản – chau Á trong tương lai là tiềm năng phát triển của Trung Quốc. Cho đến nay, hầu hết các dự báo đều cho rằng Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành một cường quốc  kinh tế trong tương lai. Trung Quốc đã có tốc độ phát triển trung bình rất cao trong 25 năm qua, song theo qui luật, tới đây tốc độ đó sẽ giảm đi đôi chút, khoảng 8%/năm trong giai đoạ đến năm 2020. Với tốc độ đó, vào năm 2020, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng GDP của thế giới sẽ là 8%, trong khi của ASEAN chỉ khoảng 4%, còn của Nhật Bản là 11%, Tây Âu là 31% và của Mỹ là 21%. Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc cũng có thể đạt 6% tổng GDP của thế giới vào năm 2020. Với đường lối phát triển kinh tế rõ ràng và các chương trình cải cách cụ thể và thực hiện triệt để như Chương trình cải cách DNNN, cải cách hệ thống ngân hàng và cải cách hành chính, nền kinh tế Trung Quốc được phát triển với nhiều dấu hiệu khá khả quan – cán cân tài  khoản vãng lai lành mạnh, có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới trên 110 tỷ USD, chưa lệ thuộc vào nợ nước ngoài, thu hút được hàng trăm tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, các chính sách kinh tế khá linh  hoạt, đặc biệt là chính sách tỷ giá hối đoái. Đó chính là nền tảng cho sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc hiện tại và trong tương lai.

     Một nhân tố khác cũng có tác động lên quan hệ thương mại Nhật Bản – châu Á là sự lớn mạnh của các NIEs, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Năm 1995, các nước này chỉ chiếm khoảng 1 – 2% tổng GDP của thế giới, song đến năm 2020, riêng Hồng Kông và Đài Loan có thể đạt 3%. Sự lớn mạnh của các nước này không chỉ được thể hiện thông qua tiềm năng kinh tế, mà cả chính trị nữa. Họ đã có được sự độc lập tương đối trong quan hệ với Nhật Bản, cũng như nhiều nước lớn khác.

     Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhờ tăng cường hợp tác kinh tế khu vực thông qua việc thành lập AFTA và nhiều sáng kiến khác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM), Chương trình Hợp tác 10+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tổ chức các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và 10 nước đối thoại, vai trò của các quốc gia Đông Nam Á trong khu vực đã dần tăng lên trong sự gia tăng đồng thời về tiềm năng kinh tế của họ. TỪ ngày 1/1/2003, với việc thực hiện các cam kết theo AFTA của 6 nướ thành viên cũ, với dòng vốn đầu tư tiếp tục được chảy vào từ phía Nhật Bản và những cải cách tích cực của các nước sau khủng khoảng 1997, ASEAN vẫn tiếp tục là một đối tác quan trọng của Nhật Bản trong tương lai.

     Bên cạnh các nhân tố quan trọng trên đây, nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực, cũng như những xu thế chung của nền kinh tế thế giới và của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ sẽ gây ảnh hưởng lên mối quan hệ thương mại Nhật Bản – châu Á. Cuộc cách mạng thông tin có thể làm thay đổi mọi giao dịch giữa các nước với nhau. Những dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực này được thực hiện trong thời gian qua, cũng như sẽ được thực hiện trong tương lai là cơ sở để hình thành nên một “Châu Á – điện tử”, một “châu Á không biên giới” và đi kèm với nó là sự phát triển của thương mại điện tử. Vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực cũng cần phải được quan tâm thích đáng, vì ở đây cung thấp hơn cầu. Nạn đói và dịch AIDS, nạn tham nhũng, nạn khủng bố và những bất ổn về chính trị trên bán đảo Triều Tiên, ở Indonexia hay Philippin cũng sẽ có ảnh hưởng lên quan hệ thương mại Nhật Bản – châu Á, song chỉ mang tính cục bộ, tức giữa Nhật Bản với từng nước riêng lẻ.

     Dưới tác động của các nhân tố đa dạng trên đây, sự phát triển quan hệ thương mại Nhật Bản – châu Á trong những thập niên đầu thế kỷ XXI có thể được thể hiện thông qua một số đặc điểm sau đây:

     Thứ nhất, các dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản tiếp tục được chảy vào châu Á trong thời gian sau khủng hoảng 1997 sẽ góp phần làm tăng kim ngạch trao đổi giữa Nhật Bản và châu Á trong tương lai, song sẽ không đồng đều giữa các nhóm nước. Quan hệ thương mại Nhật Bản – Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tiếp đến là các nước ASEAN, rồi mới đến các NIEs do các nước này đã thể hiện sự độc lập tương đối trong quan hệ với Nhật Bản.

     Thứ hai, triển vọng hình thành trong khu vực một trung tâm sản xuất hàng hoá toàn cầu sẽ là cơ sở để phát triển trao đổi thương mại nội ngành và trao đổi công nghệ giữa Nhật Bản với các nước châu Á, từ đó sẽ tạo cơ sở cho cả hai bên gia tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới.

     Thứ ba, các rào cản đối với thương mại sẽ dần được dỡ bỏ thông qua việc thực hiện các cam kết về tự do hoá thương mại khu vực trong APEC và ASEAN, cũng như những hiệp định thương mại tự do song phương đã và sẽ được ký kết giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực.

     Thứ tư, các công ty thương mại tổng hợp (sogo-shosha) vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển hoạt động thương mại giữa Nhật Bản và châu Á. Trong tương lai, các công ty này sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng cho toàn châu Á và cung cấp thực phẩm từ các nước châu Á cho Nhật Bản. Họ tiếp tục là những nhà cung cấp vốn cho các dự án phát triển ở các nước trong khu vực. Nhưng khác với ngân hàng, họ sẽ chịu mọi rủi ro liên quan và hoạt động với tư cách là những người chủ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Các công ty này sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án tái trồng rừng và cải tạo môi trường ở các nước bạn hàng của Nhật Bản. Họ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ sinh học và công nghệ vũ trụ. Trên cơ sở đó, sẽ sản xuất các hoá chất và phân bón có nguồn gốc sinh học dùng trong nông nghiệp, cũng như các công cụ để dự báo những thay đổi trong môi trường tự nhiên nhằm ngăn chặn thiên tai và các bệnh dịch. Điều đặc biệt là các công ty thương mại tổng hợp của Nhật Bản sẽ chuyển trọng tâm hoạt động của mình từ góc độ tài chính và “phần cứng” sang con người và “phần mềm”. Tức là, họ sẽ nghiên cứu các nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng châu Á để từ đó có được các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của họ, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ở các nước châu Á, cũng như các hoạt động giao lưu văn hoá để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Suy cho cùng, hoạt động của các sogo – shosha hiện tại và tương lai được định hướng vào việc nâng cao mức độ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện để các nước châu Á đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, từ đó sẽ cung cấp cho thị trường Nhật Bản những sản phẩm có chất lượng cao hơn.

    Trả lời

Viết một bình luận