Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“ Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Ðôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Ðôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng.”
“ Cái chàng dế choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”.
(Ngữ văn 6- tập 2, trang 3, 4)
Câu 1: Đoạn văn trích trong văn bản nào? Văn bản ấy thuộc tác phẩm nào? Xác định năm sáng tác của tác phẩm đó.
Câu 2: Hai đoạn văn trên có cùng sử dụng một phương thức biểu đạt không ? Đó là phương thức biểu đạt nào?
Câu 3: Hai nhân vật được đề cập trong hai đoạn văn là những ai?
Câu 4:Cả hai nhân vật cùng được chọn tả các chi tiết thân hình, cánh, càng, râu….nhưng mỗi nhân vật lại gợi cho người đọc một ấn tượng riêng về sức vóc và tính nết. Theo em, ấn tượng ấy là gì ? Nhờ đâu nhà văn có thể gợi cho ta ấn tượng đó về nhân vật.
Câu 5: Tìm và viết lại các câu văn có sử dụng phép so sánh trong hai đoạn văn trên.
Chúc bạn học tốt
Câu 1:
– Trích trong văn bản ”Bài học đường đời đầu tiên”
– Văn bản ”Bài học đường đời đầu tiên” thuộc tác phẩm ”Dế Mèn phiêu lưu kí”
– Tác phẩm ”Dế Mèn phiêu lưu kí” sáng tác năm 1941
Câu 2:
– Có, đó là PTBĐ miêu tả.
Câu 3: Là Dế Mèn, Dế Choắt.
Câu 4:
– Ấn tượng đó là:
+ Đối với Dế Mèn, ấn tượng của người đọc đó là một chàng dế đẹp mã, cường tráng, khỏe mạnh nhưng lại có tính kiêu căng, khoe mẽ.
+ Đối với Dế Choắt, ấn tượng của người đọc đó là một nhân vật gầy gò, ốm yếu, có phần xấu xí.
– Nhờ những chi tiết miêu tả ngoại hình rất chi tiết, cụ thể, đặc sắc cùng với phép tu từ so sánh và kết hợp với vốn từ ngữ phong phú, độc đáo của nhà văn đã gợi cho người đọc những ấn tượng riêng biệt, đặc sắc về mỗi nhân vật.
Câu 5:
– Câu văn có phép so sánh:
+ Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.
+ Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.
+ Cái chàng dế choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
+ Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê.