Học một bản piano mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn thời gian. Cho dù bạn đang phải “vật lộn” với một bài piano mà thầy giáo yêu cầu hay bạn đang tự học một bài piano mà bạn thích thì bài viết dưới đây của mTrend đều sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian để bạn thuần thục bản piano mà bạn đang tập.
Bước 1: Học bản piano một cách thông minh
Hãy nghe lại bản nhạc mà bạn đang tập luyện. Tập trung lắng nghe các cường độ của nốt nhạc, đặc biệt là với các bản nhạc cổ điển.
Chia nhỏ bản piano ra thành nhiều phần. Sau đó bạn hãy tự đặt ra cho mình mỗi một phần cần phải hoàn thành trong thời gian bao lâu. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và thời gian để chơi được bản piano đó. Ngoài ra, bằng cách này bạn cũng sẽ dễ dàng nghe được các cường độ của nốt nhạc và làm theo dễ hơn. Bạn cũng sẽ nhận ra được sự khác biệt giữa cách chơi của bạn và của các nghệ sĩ khác khi luyện tập theo cách này. Độ dài của các đoạn sẽ phụ thuộc và độ dài và độ khó của bản nhạc mà bạn đang tập.
Bước 2: Tập luyện
Hãy tập luyện từng tay trước. Thử bắt đầu tập luyện với phần đàn của tay phải trước, sau đó đến tay trái. Đừng cố gắng tập chơi cả hai tay ngay từ lúc đầu vì sẽ dễ dàng làm cho bạn nản. Khi đã nhuần nhuyễn từng tay, bạn bắt đầu tập hai tay cùng lúc sẽ dễ dàng và nhanh hơn.
Nếu như bản nhạc bạn đang tập là bản nhạc nổi tiếng mà bạn đã quá quen thuộc, hãy nhẩm giai điệu hoặc lời bài hát trong đầu khi bạn đang tập tay phải trước. Cách này sẽ giúp bạn biết khi nào bạn đang đánh sai, từ đó bạn sẽ dễ dàng thuộc lòng bản piano này nhanh hơn.
Tập từ từ từng chút một. Thay vì cố gắng chơi nguyên một đoạn một lúc thì bạn có thể bắt đầu chơi vài dòng trước cho nhuần nhuyễn rồi thêm từ từ các dòng khác vào. Cứ như vậy cho đến khi kết thúc một đoạn.
Đánh chậm mà chắc. Đừng cố gắng chơi đoạn nhạc ở tốc độ bình thường của nó cho đến khi bạn chắc chắn rằng bạn đánh đoạn nhạc đó mà không mắc bất kì lỗi nào. Muốn như vậy hãy luyện tập chậm để quen với các nốt nhạc và giai điệu rồi từ từ tăng tốc lên khi đã làm đúng tất cả các kỹ thuật.
Hãy bình tĩnh. Bạn sẽ cảm thấy rất “đuối” nếu cố gắng chơi bản piano đó chỉ trong một lần. Hãy nghỉ ngơi một chút khi cảm thấy một đoạn nhạc nào đó quá khó bằng cách chơi những đoạn nhạc mà bạn đã thuần thục để lấy lại cảm hứng nhé.
Bước 3: Vượt qua những đoạn khó
Xác định những chỗ khó để tập luyện những đoạn đó nhiều hơn. Cứ dành thời gian để tập luyện chúng vì bạn không thể thúc ép quá trình nhanh hơn được nếu không chơi nhuần nhuyễn những đoạn khó này. Nếu bạn cố tình làm lơ những đoạn khó thì sau này khi bạn quay lại, bạn sẽ cảm thấy rất nản vì đó là đoạn duy nhất mà bận không thể chơi được.
Hãy kiên nhẫn dành thời gian để tập luyện ở những đoạn khó
Đánh lại nguyên một đoạn khó mà bạn vừa tập. Sau khi bạn đã giải quyết được những chỗ khó trong một đoạn, hãy đánh lại nguyên đoạn đó để xem còn chỗ nào bạn cần chỉnh sửa hay không. Đừng quên tập lại các đoạn cũ để khỏi quên bài nhé.
Khi sai hãy sửa lại ngay. Bạn đừng nên ngưng tập khi vừa phát hiện ra bạn đánh sai mà hãy chỉnh sửa lại sao cho đúng rồi tập lại. Nếu không lần sau khi bạn quay lại bạn sẽ chỉ nhớ cách đánh sai mà quên mất phải chỉnh chỗ nào vì giai điệu đã đi sâu vào tâm trí bạn rồi.
Nói tóm lại, để rút ngắn thời gian học một bản piano, bạn hãy chia nhỏ bản nhạc đó ra thành nhiều đoạn và đặt ra mục tiêu hoàn thành cho chính mình nhé. Đừng quên luyện tập thường xuyên và áp dụng các phương pháp tập mà mTrend đã chia sẻ để nhanh chóng đánh được bài piano mà mình muốn.