Khi nhắc tới sự phát triển của nền âm nhạc đương đại Việt Nam, người ta nhận ra rằng những hình thức nhận xét về mặt chuyên môn đang dần biến mất khỏi thị trường.
Ngày xưa để đánh giá sự thành công của một album, ta thường theo dõi những bài bình luận chuyên sâu của những cây viết lý luận âm nhạc tầm cỡ, nơi những bài hát được các nhà bình luận mổ xẻ từng nốt nhạc, từng câu hát, để khán giả có thể cảm nhận được “nhịp thở” của bài hát.
Đó là kim chỉ nam để khán giả quyết định xem có nên sở hữu đĩa CD này trên kệ nhà mình hay không, và số lượng đĩa bán ra cũng là thước đo cho sự thành công của một ca sĩ. Hồi tưởng lại những ngày xa cũ ấy, việc bỏ ra số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tại Việt Nam để sở hữu một chiếc đĩa “ hàng xịn” từ nhà sản xuất là thứ xa xỉ đối với nhiều bạn trẻ.
Thị trường ngày đó ngập tràn đĩa lậu, khiến việc ra MV hay album trở thành gánh nặng đối với tất cả các ca sĩ, vì làm kiểu gì cũng sẽ chẳng thu lại nổi số tiền đã đầu tư cho một album hoàn chỉnh. Nên rất ít những ca sĩ dám đầu tư hẳn vào album mà thay vào đó thường là những bài hát lẻ tẻ để thăm dò thị trường.
Còn ngày nay, những ca sĩ mới nổi đều đều cho ra sản phẩm của mình, hằng ngày trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Bởi công nghệ số dần thay đổi cách thức thưởng thức âm nhạc của mọi người, cũng là nơi thực hiện giấc mơ làm ca sĩ của nhiều người.
Năm 2017 Việt Nam bắt đầu có những ca sĩ cán mốc trăm triệu view cho một MV trên Youtube, nhưng bên cạnh đó cũng có những hình ảnh các fans cứng, điên cuồng dùng tất cả các thiết bị mình có để cày view cho thần tượng của mình. Điều đó đương nhiên không có gì sai, nhưng các thước đo về chất lượng âm nhạc gần như chẳng còn có nghĩa lý gì nữa.
Chúng ta sẽ không phủ nhận năng lực cũng như công sức lao động của chủ nhân của những Hit trên, nhưng cũng không thể lơ là cho qua những vấn đề giá trị cốt lõi trong văn hóa âm nhạc. Khi mà những bài viết, đánh giá của các nhà lý luận âm nhạc không còn xuất hiện nhiều như trước, mà có hay không thì tại thời điểm hiện tại nó đã không còn nhận được nhiều sự tôn trọng cũng như tiếng nói như ngày trước.
Công thức nổi tiếng thay vì sử dụng những bài hát có chiều sâu, ca từ truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Thì thay vào đó là những ca từ hợp thời, những hình ảnh bắt mắt và gây nhiều sự chú ý ngày càng trở thành xu hướng.
Có thể thấy rằng giá trị của nghệ sĩ hay những tác phẩm đang dần được định đoạt qua sự thật ảo của mạng xã hội – nơi mọi thứ có thể diễn ra mà đồng tiền và sự xô bồ có thể chi phối được khá nhiều thứ.
Phát triển âm nhạc số là hướng đi tất yếu, chúng ta không thể nằm ngoài sự phát triển đó, nhưng để chất lượng âm nhạc phát triển tương ứng, thì phụ thuộc khá nhiều vào nhận thức, thẩm mỹ âm nhạc của người làm nhạc cũng như người nghe trong thời đại này.
Để làm được điều đó, cần có giải pháp mang tính chiến lược của cả ngành văn hóa, âm nhạc, và đặc biệt là sự thay đổi về giáo dục âm nhạc trong cả hệ thống đào tạo. Khi đó, những lượt view, like sẽ không trở thành những con số ảo, và sự khắt khe trong mỗi lần like của công chúng cũng sẽ tạo thành động lực để người làm nhạc cố gắng tự hoàn thiện những sản phẩm của mình theo hướng tích cực hơn.
(Nguồn: nhandan.com)