Hóa thân thành 1 nhân vật trong tác phẩm Người con gái Nam Xương kể lại chuyện theo ngôi thứ nhất
GIÚP MÌNH VS. MÌNH ĐANG CẦN GẤP
Hóa thân thành 1 nhân vật trong tác phẩm Người con gái Nam Xương kể lại chuyện theo ngôi thứ nhất
GIÚP MÌNH VS. MÌNH ĐANG CẦN GẤP
Bài làm
Tôi tên thật là Vũ Thị Thiết, quê nhà ở Nam Xương. Tôi trở thành tiên nữ của thủy cung Hoàng Giang đã ba năm nay, ba năm- một khoảng thời gian tuy không ngắn nhưng chưa đủ để cho tôi quên đi hết thảy mọi chuyện trần thế. Lâu nay, tôi vẫn giấu kín trong lòng những tâm sự thầm kín mà chưa thể nói ra, hôm nay, tôi muốn kể câu chuyện của cuộc đời tôi cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Năm ấy, khi tôi đến tuổi cập kê, trong làng có chàng Trương Sinh xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới tôi về. Cha mẹ tôi thấy chàng là con nhà hào phú, cũng ưng thuận gả tôi về làm dâu nà chàng. Song chàng có tính hay ghen, đối với tôi luôn có sự phòng ngừa quá mức. Vì đã được cha mẹ bảo ban rất ân cần, tôi cũng biết giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa. Cuộc đoàn viên chưa được mấy lâu thì nhà nước có việc đi đánh Chiêm Thành, bắt nhiều lính tráng. Phu quân tuy con nhà dòng, nhưng kém học vấn, tên đã ghi trong sổ khai tráng phải ra sung binh loạt đầu. Lúc chàng ra đi, mẹ chồng có dặn rằng:
– Nay con phải tạm ra tòng quân, xa lìa dưới gối. Tuy là hội công danh từ xưa ít gặp, nhưng trong chỗ binh cách, phải lấy việc giữ mình làm trọng, biết gặp nạn thì lui, lượng sức mà đánh, đừng nên tham miếng mồi thơm, để lỡ mắc vào lưới cá. Quan cao tước lớn nhường để người ta. Có như thế thì mẹ ở nhà mới đỡ lo lắng vì con được.
Chàng quỳ xuống đất vâng lời dạy. Trong hoàn cảnh ấy, ruột tôi đau như cắt, chỉ biết rót chén rượu đầy tiễn chồng mà rằng:
– Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, rợ man chạy tội, vương sư uổng công; lời tâu công lớn phá giặc đã chầy, kỳ hẹn thay quân hóa muộn, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng. Trông mảnh trăng Trường An, nhanh tay đập áo rét, ngắm liễu tàn rủ bóng động nỗi niềm biên ải xa xôi. Giả sử có muôn hàng thư tín, chỉ e không một tin về.
Vừa nói, những dòng lệ của tôi không tài nào ngưng rơi lã chã. Khi ấy, tôi vừa lo cho chồng, lại tủi phận mình đang bụng mang dạ chửa đã đến tháng thứ chín.Sau khi tương biệt được mươi ngày thì tôi trở dạ, sinh một đứa con trai, đặt tên là Đản.
Ngày qua tháng lại, mới vậy mà thoắt đã nửa năm. Mỗi khi thấy bướm bay vườn thúy, mây ám non Tần, nỗi buồn hải gốc thiên nhai, lại không thể nào ngăn được. Mẹ chồng tôi cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Tôi chăm lo mẹ chồng như đối với mẹ đẻ của mình, thuốc thang, cầu cúng không thiếu sót. Song bệnh thế mỗi ngày một trầm trọng hơn, một ngày kia, như đoán biết được số phận mình, mẹ nắm lấy tay tôi mà rằng:
– Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà gượng cơm cháo. Song tuổi thọ có chừng, số trời khó tránh. Đêm tàn chuông đổ, số tận mệnh cùng; một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, không khỏi phải phiền đến con. Chồng con xa xôi, mẹ chết lúc nào, không thể kịp về đền báo được. Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.
Khi nói xong câu ấy, mẹ tôi cũng lìa cõi đời. Khi ấy tôi thương xót mẹ biết bao cứ ngỡ đó là mẹ ruột chứ chả phải mẹ chồng của mình, nên phàm việc ma chay tế lễ tôi cố gắng chu toàn, lo liệu như đối với cha mẹ sinh ra.
Qua sang năm sau, tình hình biên ải có chút dịu nhẹ. Phu quân từ biên ải trở về, khi nghe tin ấy, tôi còn đang ở ngoài chợ, biết tin tôi liền bỏ hết mọi công việc, chạy về ngay nhà với lòng vui sướng không nguôi, xa cách bao năm, cuối cùng đã đến ngày đàn tụ. Vậy là từ nay, mọi vất vả khổ cực đã qua, gia đình tôi sẽ hạnh phúc lắm. Nhưng thật trớ trêu thay, vừa về đến nhà, tôi còn chưa kịp tỏ hết sự vui mừng đã nghe từ phu quân những lời lẽ oan uổng, chàng rằng tôi ở nhà có người đàn ông khác, là người vợ lăng loàng không giữ phụ đạo. Khi ấy, tôi nghĩ rằng chàng về được tin mẹ mất nên còn đang buồn lòng, tôi lại gần an ủi, chàng liền hất tôi ngã ra đất và xé tờ hôn thú. Tôi vẫn chưa biết nguyên do vì sao chàng lại không tin vào đức hạnh của tôi, liền than khóc gãi bày van xin nhưng chàng đến một cơ hội giải thích cũng không cho tôi, nhất định đánh đuổi tôi ra khỏi nhà, bao nhiêu bà con làng xóm đứng ra làm chứng cho sự trong sạch của tôi cũng vô tác dụng. Biết mọi chuyện đã không thể nào cứu vãn, tôi chỉ còn biết khóc với chồng những lời gan ruột:
– Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa màn, nước thẳm buồm xa, đâu còn thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.
Nói xong những lời ấy, tôi đau lòng khôn xiết mà chạy ra bến Hoàng Giang khóc tủi phận mình. Rốt cuộc, tôi đã làm những điều sai trái gì để bản thân lâm vào cảnh ngộ như vậy, đến người chồng đầu ấp tay gối cũng không tin vào mình. Mấy năm qua, tôi chịu khổ cực không một lời than vãn, chỉ nghĩ đến ngày chàng trở về gia đình đoàn tụ, ai ngờ ngày chàng về là ngày tôi phải đi. Bây giờ thân tôi mang tiếng phụ chồng, là người vợ không ra gì, tuy sự thực oan trái nhưng có ai tin tôi? Nhà hiện tôi không thể về, về với cha mẹ bây giờ thì lại làm khổ cha, khổ mẹ, đã không còn biết về đâu trong nỗi oan khó giải ấy nữa thì “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Đoạn rồi tôi tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang thác mình.
Nhưng có lẽ, ông trời có mắt, biết tôi oan khuất nên không nỡ để cho linh hồn tôi phải vất vưởng nơi âm tài địa phủ mà để cho Linh Phi ở sống thu nhận tôi làm cung nữ cho cung của Người. Tôi tiếp tục sống dưới thân phận ấy cho đến một ngày gặp được Phan Lang, là người cùng làng với tôi xưa kia, thì ra Phan là ân nhân của Linh Phi, thấy Phan có vẻ nhận ra mình, tôi liền lại gần để Phan biết mình chính là Vũ Nương. Nghe Phan kể lại cảnh quê nhà, gia đình mà lòng tôi như thắt lại. Bao lâu nay, tuy sống ở nơi phong thủy hữu tình, mọi người lại nhân hậu, trong một cuộc sống mơ ước nhưng lòng tôi có khi nào nguôi nhớ quê cha đất tổ, nhớ chồng nhớ con, nay nghe tin lại càng mong ngày gặp. Tôi bèn đưa chàng Phan một chiếc hoa vàng nhờ gửi hộ cho phu quân mình để được giãi bày nhưng trăn tối cuối cùng.
Vài ngày sau, phu quân đã lập một đàn ba ngày ba đêm ở bến Hoàng Giang nơi tôi thác xuống. Nhưng tôi đã trở thành bóng hồn từ lâu, làm sao có thể trở về như trước, nhìn chồng con đứng trên bờ mà chỉ có thể ngậm ngùi trăn trối:
– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.
Rồi trong chốc lát, biết không thể ở lại lâu, tôi tan biến đi theo làn sương mờ.
Cho đến bây giờ, tuy lòng đã có chút an nhiên trong cảnh bồng lai nhưng đó mãi là câu chuyện buồn của đời tôi. Nhưng tôi đã không còn trách phu quân mình mà chỉ trách xã hội phong kiến hủ tục, bất công cùng chiến tranh tàn nhẫn phi nghĩa. Trong một xã hội như vậy, đã có biết bao người phụ nữ như tôi phải chịu khổ cực, chỉ khi xã hội thay đổi, những người phụ nữ như chúng tôi mới có được hạnh phúc chân chính.