I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (2,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
(Ngữ Văn 9, tập 1, tr.94, NXB Giáo dục)
a. Xác định 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
b. Đoạn thơ trên được rút ra từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
c. Đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả dành cho nhân vật trữ tình?
II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Stephen R.Covey chia sẻ: Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn, bạn còn nghe bằng mắt và con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác.
(Stephen R.Covey, 7 thói quen để thành đạt, Vũ Tiến Phúc dịch,
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016, tr.353)
Từ ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc lắng nghe thấu hiểu đối với mỗi người trong cuộc sống.
I. Phần đọc hiểu
a,
– Điệp từ ”trông”
– Hình ảnh ẩn dụ: cánh buồm xa xa, hoa trôi man mác, ngọn nước mới sa.
b,
– Đoạn thơ được trích từ tác phẩm ”Kiều ở lầu Ngưng Bích” của Nguyễn Du.
c,
– Thể hiện sự thương cảm, xót thương, xót xa của tác giả đối với nhân vật Thúy Kiều – một người vừa có tài vừa có sắc nhưng lại phải sống trong tình cảnh đầy đau khổ.
II. Phần làm văn
Lắng nghe và thấu hiểu chính là chìa khóa trong kỹ năng giao tiếp hàng ngày, nó quyết định tới sự thành công hay thất bại ở mỗi người. Chính vì vậy, hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe thấu hiểu nên Stephen R.Covey đã nói: ”Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn, bạn còn nghe bằng mắt và con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác.” Câu nói của ông đã khẳng định, giúp cho người đọc nhận thức được việc lắng nghe và thấu hiểu là yếu tố rất quan trọng để đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp. Vậy trước khi tìm hiểu vai trò, ý nghĩa của việc lắng nghe thấu hiểu thì ta cần phải biết thế nào là lắng nghe. ”Lắng ” tức là sự im lặng, còn ”nghe” chính là việc chia sẻ, thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Người biết lắng nghe là người luôn tôn trọng ý kiến của người khác, lắng nghe khi người khác phát biểu, đến lượt mình mới được nói. Việc lắng nghe đem lại cho chúng ta vô cùng nhiều lợi ích, ý nghĩa. Đầu tiên, khi biết lắng nghe thì sẽ tạo được thiện cảm với mọi người xung quanh hơn. Bởi khi ta nói quá nhiều, nói chen, nói hết lời của người khác sẽ làm họ cảm thấy ta là một người không lịch sự, không tôn trọng họ. Tiếp đến, việc lắng nghe cũng giúp ta có thể có thêm kiến thức, hiểu sâu về cuộc sống cũng như con người. Thậm chí, ngoài việc lắng nghe trong các cuộc đối thoại thì lắng nghe để thấu hiểu cũng đem lại nhiều lợi ích. Những lúc lắng nghe và thấu hiểu những mảnh đời bất hạnh, ta sẽ có lòng thương cảm, biết giúp đỡ họ. Khi ấy, ta không chỉ là một người biết lắng nghe mà còn là một người sống có đức, được mọi người xung quanh noi theo. Như vậy, lắng nghe là một việc cần thiết, có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có một số người chưa thực sự nhận ra ý nghĩa của lắng nghe. Họ chính là những người cố chấp, ngang bướng, cực đoan và những người như thế thật đáng phê phán làm sao. Ngược lại thì những người biết thấu hiểu, lắng nghe và sẻ chia thật đáng ca ngợi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân em đã nhận thức được ý nghĩa to lớn của việc lắng nghe thấu hiểu. Chính vì thế, em sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh, thấu hiểu họ để có thể sẻ chia hay giúp đỡ họ…