Kể lại khoảnh khắc em đón nhận một niềm vui, niềm hạnh phúc hoặc phải chứng kiến nỗi buồn, thất vọng

Kể lại khoảnh khắc em đón nhận một niềm vui, niềm hạnh phúc hoặc phải chứng kiến nỗi buồn, thất vọng

0 bình luận về “Kể lại khoảnh khắc em đón nhận một niềm vui, niềm hạnh phúc hoặc phải chứng kiến nỗi buồn, thất vọng”

  1. Buồn vui tuổi thơ ai cũng có. Em hãy kể lại nỗi buồn hay một niềm vui của tuổi thơ đã qua – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn thành phố Hà Nội

     Làng Linh Chiểu quê em nằm sát chân đê sông Hồng, con đê sừng sững như một bưc tường thành bao đời nay ngăn nước lũ để bảo vệ mùa màng. Mùa xuân, chỉ sau vài cơn mưa bụi, cỏ non mọc xanh mướt hai bên triền đê. Chiều chiều, lũ trẻ chúng em thường hẹn nhau dắt trâu bò ra đấy thả.

    Trong lúc lũ trâu bò mải mê gặm cỏ, chúng em chia làm hai phe “quân ta” và “quân địch” để chơi trò đánh trận giả. Đứng đầu “quân ta” là Đức “kều” con bác Phúc, nhà ở xóm Đông. Đứng đầu “quân địch” là cu Kiệm, con bác Cần ở xóm Chùa.

    Tất cả “vũ khí” của “trận đánh” đều được chuẩn bị sẵn từ trước. Lựu đạn nặn bằng đất sét. Súng tiểu liên, trung liên ghép bằng bẹ chuối tươi, cũng có báng, có nòng, có dây đeo… đàng hoàng. Trên lưng mỗi đứa là một vòm lá ngụy trang. Thôi thì đủ cả lá bàng, lá ổi, lá muồng muồng, lá duối… Đứa nào kiếm được cái gì cài cái nấy, lùm xùm, lòe xòe trông thật buồn cười!

    Trước khi vào trận, quân của mỗi phe chụm đầu hội ý với nhau. Tiếng thì thầm vừa đủ nghe, không để lọt vào tai đối phương. Chỉ có tiếng hô Quyết thắng là cố gào thật to để vừa động viên tình thần phe ta, vừa khủng bố tinh thần phe địch. Sau đó, mỗi bên chiếm cứ một bên sườn đê làm trận địa.

    Bắt chước các anh bộ đội, chúng em cũng lăn, lê, bò, trườn, hoặc cúi mình lom khom chạy rồi bất thần ào qua mặt đê, tấn công “quân địch”. Đạn “mồm” nổ pằng pằng, chíu chíu. Lựu đạn “đất” ném vèo vèo về phía đối phương kèm theo những tiếng nổ ầm ầm và tiếng ho xung phong vang dội phát ra từ hàng chục cái họng đầy khí thế. Cu Đức dẫn đầu “quân ta”, tay cầm tiểu liên “bẹ chuối” bắn liên hồi. Đôi chân sếu chạy nhanh thoăn thoắt khiến em cầm cờ (bằng một tàu lá chuối to tướng) chạy theo nó bở cả hơi tai. Đằng sau em là hàng chục “chiến sĩ” cũng chiến đấu hăng say không kém. “Tướng địch” là cu Kiệm, béo tròn như cái hột mít, chân ngắn chạy không kịp nên đã bị “quân ta” bắt sống làm “tù binh”. Như rắn mắt đầu, “quân địch” quay lưng tháo chạy, có đứa ríu cả cẳng, ngã lăn lông lốc xuống tận vệ đê.

    Theo đúng thỏa thuận, bên thua phải làm ngựa cho bên thắng cưỡi. Được cưỡi lên lưng “ngựa”, miệng hét nhoong nhoong rồi quất roi (cũng bằng bẹ chuối) vào mông “con ngựa” nào chạy chậm, thật không gì thích thú bằng!

    Chơi chán, đứa nào cũng mệt nhoài, mồ hôi lấm tấm trên những gương mặt ửng hồng, tươi rói. Trận đánh kết thúc, cả lũ xúm xít quanh đống lửa nhóm sau tường trạm canh đê, hí húi nướng khoai ăn. Mùi khoai chín thơm nức lan xa trong gió xuân hây hẩy. Cái vị ngọt bùi, đậm đà của củ khoai trồng trên đất phù sa sông Hồng cùng với tình bạn hồn nhiên thân thiết của tuổi thơ đã để lại trong em những kỉ niệm sâu sắc, không thể nào quên.

    Chiều muộn. Mặt sông Hồng như rộng thêm ra. Những bờ dâu, những bãi mía bên kia sông nhạt nhòa trong màn sương tim tím. Chúng em thong thả dong trâu về làng. Tiếng cười nói ríu rít, trong trẻo hòa cùng tiếng chân trâu gõ móng lộp cộp trên con đường quen thuộc đang sẫm lại tróng bóng hoàng hôn.

    Kể lại những kỉ niệm vui buồn tuổi thơ em – Bài làm 2

    Ôi! Thời gian sao trôi qua nhanh thật đấy. Mới tung tăng vui chơi, vô tư thì giờ đây tôi đà là học sinh lớp bảy rồi. Tôi thực sự rất nhớ những chuyến vui chơi của tôi lúc nhỏ. Lúc ấy, chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều và tuổi thơ cua tôi là những chuỗi ngày đáng nhớ.

    Tết trung thu vừa rồi đã khiến tôi sực nhở đến chuyện lúc tôi bốn tuổi. Ngày trước Tết trung thu, ba mẹ dắt tôi đi mua lồng đèn. Đường phố đông nghịt người. Khó khăn lắm, cả nhà tôi mới chen vào được một tiệm bán lồng đèn. Đứng trước những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, đa dạng về hình dạng, kiểu dáng tôi hoa cả mắt. Ba bảo: “Văn! Con lựa một chiếc đi”. Chà chà, biết lấy chiếc nào đây? Nhìn quanh ca tiệm rồi lên tiếng rất nhỏ chỉ đủ để mình tôi nghe: “Con muốn mua hết!”. “Sao, lựa nhanh đi con” – Mẹ tôi thúc giục.Lại đứng nhìn quanh một lần nữa, lần này tôi phát hiện chú bướm màu hồng xinh xinh đang núp bên anh Siêu nhân, vốn thích màu hồng, vừa thấy nó là tôi chỉ vào nó và đòi mua nó cho bằng được. Chú bán hàng lấy bé Bướm ra cho tôi. Ôi! Nó dễ thương làm sao ấy. Mặc dù nó không to bảng như con bướm bên tiệm kia, nhưng nó thật sự rất ấn tượng đối với tôi. Cả thân nó màu hồng, đôi cánh hồng nhạt, thêm vào đó là những sợi dây tua rua trông thật là thích mắt. Hai cọng râu cong cong rất đáng yêu. Nó là lồng đèn điện tử, mỗi lần tôi bật công tắc lên là nó chạy vòng vòng, ánh sáng rực rỡ cả xung quanh. Tôi thích lắm các bạn à!

    Đêm đó tôi cảm thấy rất vui. Tối đến, tôi không tài nào ngủ được. Nằm trên chiếc giường nhỏ bé, tôi cứ xoay qua xoay lại, trằn trọc mãi. Có vô sổ câu hỏi đặt trong đầu tôi: “Tết trung thu là như thế nào nhỉ?”, “Có vui không ta?”, …suy nghĩ miên man rồi cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau vừa tỉnh giấc, tiếng ồn vang lên ở ngoài rộn vang cả khu xóm, à, thì ra là đám con nít trong xóm đang chuân bị cho tối nay Tết trung thu ấy mà. Vừa thấy tôi bước xuống phòng khách, mẹ cầm trên tay chiếc đầm màu đỏ nhạt lai vàng, nói: “Văn! Thử xem bộ này có hợp với con không ?”. Áo mới, a, đã quá đi mất. Tôi bỗng trở nên thích cái Tết này hẳn. Có đồ chơi mới nè, có quần áo mới nữa nè, còn được thưởng thức món bánh trung thu thơm ngon nữa chứ. Tối đến, con hẻm yên ắng thường ngày bỗng trở nên náo nhiệt hẳn, những chiếc lòng đèn của mọi người hòa hợp lại tạo nên nhiều màu sắc và đầy thú vị. Những bài hát trung thu vang lên, những đứa trẻ con xách theo lồng đèn của mình chạy vòng vòng trong hẻm. Người lớn thì dọn đồ ăn, trà bánh ra gần cửa để ngắm trăng, trò chuyện. Giờ đây những khoảnh khắc ẩy vẫn còn đọng mãi trong  lòng tôi.

    Mong rằng, những truyền thống văn hóa tốt đẹp này sẽ luôn được mọi người trân trọng và giữ gìn.

    Bài văn biểu cảm về vui buồn tuổi thơ – Bài làm 3

    Chẳng đẹp như một miền cổ tích nhưng tuổi thơ tôi là những tháng ngày đáng nhớ. Có thể tôi là một trong hàng ngàn vạn cô bé may mắn được ông trời ban tặng cho một khoảng trời tuổi thơ với biết bao niềm vui chan chứa dù đôi khi cũng có những nỗi buồn nho nhỏ nhưng chẳng thấm tháp gì so với những niềm vui mà tôi có được. 

    May mắn hơn những đứa trẻ thành thị, lớn lên trong sự chăm chút quá kĩ lưỡng của gia đình. Cả ngày chỉ ăn, ngủ, học, vui chơi trong môi trường hiện đại cùng những món đồ chơi xa xỉ, đắt tiền. Tôi thường được bố mẹ cho về thăm bà ngoại ở một làng nhỏ, yên bình nép mình bên dòng sông Hồng, quanh năm nước đỏ. Với tôi, đó là những ngày tuyệt vời nhất với những niềm vui mà chẳng mấy ai có được. Tôi thích mê những buổi sớm tinh mơ thức dậy, rón rén đi giữa những vòm cây ướt sương trong vườn nhà. Tôi rình những con chim chích chòe có tiếng hót lảnh lót và những quả ổi chín bị chim khoét rụng. Tôi mê mải ngắm nhìn lũ chim thân ái, trìu mến rỉa lông cho nhau. Tôi ngồi hít hà mùi hương lạ lùng, kì bí của bụi hoa móng rồng từ giàn hoa nhà cô Lý trùm sang. Chẳng còn gì vui hơn khi được theo chân mấy anh chị trong xóm ra ngoài bãi sông chơi. Không gian thơm ngát. Các bụi cây vòi voi đung đưa chùm hoa tím, các loài cúc áo đơm hoa dọc bờ cỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một dây lạc tiên hiếm hoi với những chùm quả như chiếc đèn lồng nhỏ. Tôi không biết ăn quả lạc tiên nhưng mấy đứa trẻ nông thôn tranh nhau ăn không kịp thở nhìn rất buồn cười. Tôi chỉ thích các anh chị bắt chuồn chuồn và cánh cam rồi buộc chỉ lại để chơi. Lúc đó tôi thấy rất hãnh diện vì là một đứa trẻ thành thị về quê nên ai cũng cưng chiều. Nhớ những ngày tháng Tư, khi hoa gạo nở bung sắc đỏ như chao nghiêng cả bầu trời trên cây gạo đầu làng, tôi lại cùng các bạn và các anh chị lớn hơn ngồi quanh gốc gạo để nhặt những bông gạo rụng, kết thành vòng hoa cài đầu rồi chơi trò cô dâu, chú rể. Lần nào tôi cũng được làm cô dâu và chú rể là thằng Tý Sún nhà cô Lý. Chuyện cách đây đã ba năm, giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy vui nhưng buồn cười và xấu hổ quá đi thôi. Rồi những đêm trăng, nằm trong lòng bà ngoại, nghe bà kể chuyện cổ tích ngày xưa hoặc ngước nhìn trời cao mà để tìm xem chòm sao Đại Hùng nằm ở đâu trên bầu trời xa thẳm mà đi vào giấc ngủ mê mệt từ lúc nào chẳng rõ. 

    Nói đến niềm vui tuổi thơ thì trẻ con thành thị hay nông thôn đều không thể bỏ qua đêm Trung Thu thần tiên. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày mười ba, mười bốn âm lịch là tôi lại thấy sướng như điên. Tôi thắc thỏm mong trời nhanh tối để được bố mẹ cho đi chơi phố Hàng Mã. Tôi mê mải ngắm nhìn thế giới đồ chơi đa dạng đủ sắc màu. Từ những cô búp bê Barbie xinh xắn, đến những con thú bông dễ thương và cơ man là những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, màu sắc, lúc nào cũng phát ra những âm thanh du dương đầy mê hoặc. Còn gì vui hơn đối với một đứa bé con như tôi khi được tham gia phá cỗ trông trăng rồi cùng đám trẻ con rồng rắn rước đèn trong tiếng trống, tiếng ca làm náo nhiệt cả con ngõ nhỏ. Những niềm vui đó, những hạnh phúc đó chắc chắn sẽ là những kỉ niệm in sâu trong tâm thức tôi chẳng thể xóa mờ. 

    Tuổi thơ cũng có những nỗi buồn nho nhỏ, nhiều khi còn là những nỗi buồn vô duyên cớ. Có thể tôi là một cô bé đa cảm quá chăng? Tôi đã từng thấy lòng buồn vô hạn khi phải ngồi bên cửa sổ hàng giờ nhìn mưa rơi. Mưa cứ rơi mãi, làm sao mà ra ngoài chơi với các bạn được. Những lúc như thế tôi thấy ghét ông trời ghê lắm. Hay có những buổi chiều mùa đông u ám, không gian xám xịt, đường ngõ vắng hoe không có bóng đứa trẻ con nào. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng anh con trai què nhà bác Bồng ở cuối ngõ gào lên: 

    “Rồi thu sang lá vàng rơi đầy 
    Hàng bạch dương buồn im xác xơ ven đồi” 

    Tiếng hát sai lạc rơi vào không gian cô tịch của ngõ xóm càng làm cho đứa bé con là tôi thêm buồn. Nhưng những nỗi buồn vớ vẩn đó thường qua đi rất mau vì hết mưa lại nắng, mùa đông qua thì mùa xuân nồng nàn, mùa hạ tươi vui, mùa thu dịu dàng lại tới và những trò chơi có thể mang đến niềm vui cho tuổi thơ thì lại nhiều vô kể. 

    Dẫu biết rằng quanh ta vẫn còn có những số phận đáng thương, những cô bé, cậu bé không may mắn có được những ký ức ngọt ngào thời niên thiếu. Những đa phần tuổi thơ đều chất chứa sự hồn nhiên trong sáng. Ôi tuổi thơ quả là tuyệt diệu! mà người lớn ai cũng đôi lần có những giấc mơ về miền ký ức đã qua. Tôi thầm cám ơn cuộc sống đẹp tươi, cám ơn cha mẹ đã sinh ra tôi và ban cho tôi một tuổi thơ tuyệt đẹp.

    Kể lại những kỉ niệm vui buồn mà em đã trải qua thời tuổi thơ – Bài làm 4

    Trong cuộc đời mỗi người ai cũng trải qua thời thơ ấu. Có những người có tuổi thơ đẹp, hạnh phúc, không ít người phải chịu cảnh khổ cực bất hạnh. Nhưng dù là ai và rơi vào hoàn cảnh nào cũng đều có kỉ niệm vui buồn của thời tuổi thơ. Kỉ niệm đáng nhớ đối với em là kỉ niệm năm học lớp 4.

    Đó là năm em học lớp 4A Trường Tiểu học Uy Nỗ. Năm học đó em đã chăm chỉ, nỗ lực, hăng say học tập. Và sau những ngày thi vất vả chúng em được nghỉ học một thời gian ngắn để đón chờ ngày tổng kết năm học. Rồi cái ngày vui sướng ấy cũng đến. Cô giáo bước vào lớp nhìn chúng em mỉm cười. Sau những lời tổng kết ngắn gọn tình hình năm học, cô thông báo lớp có năm bạn đạt danh hiệu học sinh giỏi, mười chín bạn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Cô còn thông báo rằng bạn học sinh có điểm tổng kết cao nhất lớp cũng đồng thời là bạn có điểm tổng kết cao nhất khối lớp một trong trường. Chúng em nghe vậy thì hồi hộp lắm! Không biết mình có trong danh sách học sinh giỏi không? Và không biết ai là người học sinh đặc biệt kia? 

    Cô đọc tên từng bạn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến một. Không có tên em trong đó! Em run run ngồi im thin thít. Rồi đến danh sách năm bạn học sinh giỏi: 

    – Phạm Đức Duy! 

    – Ngô Đức Nhung! 

    – Ngô Minh Tuyết! 

    – Nguyễn Ngọc Tuấn! 

    Và… 

    – Phạm Bảo An! 

    Cô cũng xin thông báo: Bạn Phạm Bảo An đồng thời cũng là bạn học sinh có kết quả học tập xuất sắc nhất lớp ta! 

    Em như không tin vào tai minh nữa, tim em như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cả lớp vang lên những tràng pháo tay giòn giã. Tất cả mọi ánh mắt trong lớp đổ dồn về phía em. Em bất chợt đứng dậy và ôm chầm lấy người bạn cùng bàn như một hành động vô thức.Sau khoảnh khắc vui sướng và bất ngờ ấy, những tràng pháo tay đã ngớt, mọi người im lặng ngẫm nghĩ về kết quả của mình em mới rời tay khỏi người bạn của mình, nhìn sang bạn đó em chợt nhận ra đó là một bạn nam. Cả lớp lại được một phen cười bể bụng, còn em và bạn trai đó thì xấu hổ đỏ mặt không giám nhìn đi đâu.

    Sau không khí nào nhiệt đó, mọi người cũng dần im lặng để dành thời gian cho cô giáo căn dặn. Cô nhắc nhở chúng em nhìn vào kết quả học tập để tự đánh giá những nỗ lực học tập của mình và khuyên chúng em cố gắng trong năm học tới. Đã có lúc, em cảm tưởng như ánh mắt cô dừng lại rất lâu trên gương mặt em như muốn khích lệ: 

    – Em cố gắng phát huy thành tích của mình nhé! 

    Tan buổi tổng kết, em chạy thật nhanh về nhà. Vừa về đến cổng em đã cất tiếng rất to gọi bố mẹ. Nghe tiếng em cả nhà đi nhanh ra hè, em ôm chầm lấy mẹ – khi đó đã chạy vội ra sân. Em hổn hển thông báo kết quả học tập của mình, và cũng không quên thông báo cả thứ bậc xếp loại trong khối. 

    Bây giờ thì em đâu còn nghĩ đến những ngày ấy! Hai ngày sau là ngày tổng kết năm học của trường, đón em lên nhận phần thưởng đầy vinh dự của mình là nắng vàng, gió nhẹ và những tràng pháo tay khen ngợi của bạn bè, thầy cô. Cảm giác của em khi này đã khác, thay cho niềm hồi hộp, ngỡngàng là lời tự nhủ phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa.

    Sau lần đạt danh hiệu cao quý ấy, em cũng liên tiếp được nhận danh hiệu đó trong những năm học tiếp theo, những kỉ niệm về năm học lớp 4 làm em cứ nhớ mãi, vì đó là năm học đầu tiên em đạt được danh hiệu đó, kỉ niệm đó còn gắn cả với một bạn trai mà giờ đây bạn ấy là bạn thân nhất của em.

    Bình luận

Viết một bình luận