Sơ lược về dòng nhạc Jazz

Âm nhạc là điều kì diệu bởi mỗi thể loại âm nhạc đều mang những nét đặc trưng và màu sắc rất riêng. Trong những năm gần đây ở Việt Nam, nhạc Jazz đang dần tạo ra được sức hấp dẫn với đông đảo khán giả. Đặc biệt trong năm 2016, từ bộ phim La La Land, nhạc Jazz ngày càng khẳng định vị trí của mình không chỉ với khán giả thế giới mà còn với khán giả Việt Nam. Qua bài viết này, mTrend sẽ tổng hợp những kiến thức cơ bản nhất về dòng nhạc Jazz để giúp bạn hiểu rõ hơn về dòng nhạc này nhé.

Nhạc Jazz bắt nguồn từ cộng đồng người Châu Phi ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Nó là sự kết hợp tinh tế và hài hòa giữa chất nhạc Blues với hòa âm của Cổ điển, pha trộn với một chút vui nhộn trong âm nhạc Châu Phi. Đến với nhạc Jazz, người nghe sẽ luôn cảm nhận được sự tự do sáng tạo của người nghệ sĩ để rồi dần hòa mình và cảm nhận được giai điệu Jazz đang lan tỏa.

  1. Tác giả, tác phẩm

Vai trò của người tác giả trong dòng nhạc Jazz cũng mang vẻ khác biệt giống như chính dòng nhạc này vậy. Bất kì người nghệ sĩ chơi nhạc Jazz nào cũng có thể trở thành nhạc sĩ bởi điều đặc trưng của dòng nhạc này là sự tư do, phóng khoáng. Từ đó, sự biến tấu ngẫu nhiên của các nghệ sĩ là chuyện hiển nhiên. Không như nhạc Cổ điển, nghệ sĩ nhạc Jazz có thể mượn chủ đề của các nhạc sĩ đã có sẵn và biến tấu ngẫu hứng dựa trên chủ đề đó. Hoặc chính nghệ sĩ có thể tự sáng tác ra các chủ đề của bản thân và chơi theo cảm hứng. Chính vì vậy, cùng một chủ đề nhưng những nghệ sĩ khác nhau sẽ có cách chơi ngẫu hứng khác nhau, tạo ra nhiều bản nhạc mang nét riêng biệt, tự do, độc đáo nhưng vẫn thống nhất về mặt chủ đề chung.

Màn trình diễn Jazz của ca sĩ Tùng Dương và ban nhạc Jazz nổi tiếng Unit Asia tại Hà Nội

Từ sự khác biệt về cách sáng tác nên cũng tạo ra sự khác biệt về mặt tác phẩm trong dòng nhạc này. Thông thường, dựa trên những chủ đề ngắn, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn và biến tấu ngẫu hứng để tạo ra nét riêng. Chính vì vậy, các ngẫu hứng này không được ghi chép lại chính xác và đầy đủ như ở các dòng nhạc khác. Về sau này, các tác phẩm Jazz đã bắt đầu được ghi thành những bản tổng phổ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn sẽ thoải mái ngẫu hứng biến tấu dựa trên cảm xúc và cảm thụ âm nhạc, đưa tác phẩm ra khỏi khuôn khổ có sẵn. Như vậy mới đúng là chất của Jazz.

  1. Tiết tấu

Điểm đặc trưng không thể không đề cập khi nhắc tới Jazz đó chính là tiết tấu. Khác biệt hoàn toàn so với tiết tấu chỉ chú trọng vào kỹ thuật chạy ngón để tạo ra tiết tấu nghe thuận tai của dòng nhạc Cổ điển, Jazz chú trọng đến các tiết tấu đảo phách, nghịch phách và giật. Chính vì vậy, dòng nhạc Jazz khó khi nào bị nhầm lẫn với các dòng nhạc khác.

Hãy cũng xem các ví dụ mTrend đưa ra dưới đây để dễ hiểu hơn về sự khác biệt trong tiết tấu của Jazz nhé.

Ví dụ:

Một dạng tiết tấu cổ điển trong bài Sonatine số 55 chương 1 – nhạc sĩ Friedrich Kuhlau.

Ví dụ:        

 Khi biến đổi tay phải thành các tiết tấu đảo phách nghịch phách ta sẽ có tiết tấu của Jazz.

Ví dụ:              

Từ đó, bạn có thể nhận ra nhịp đập tiết tấu đặc thù của dòng nhạc Jazz là các tiết nhịp 2 phách trong hành khúc nhà binh được thay thế bằng nhịp 4 phách, nhấn mạnh phách 2 và phách 4 trong ô nhịp.

Sử dụng nhiều các tiết tấu đảo phách, nghịch phách và nhấn vào các phách nhẹ là điểm đặc trưng ở các tác phẩm nhạc Jazz. Tiết tấu này được sử dụng ở cả hai tay hoặc tay phải đảo phách còn tay trái giữ nhịp. Trong mỗi trường phái Jazz đều có các dạng tiết tấu đặc thù để phân biệt chúng. Dưới đây là vài ví dụ mTrend đưa ra để giúp bạn biết thêm về các trường phái trong dòng nhạc Jazz.

      Ví dụ: Ragtime (sử dụng tiết tấu nghịch phách)

      Ví dụ: Tiết tấu Funk (trong Jazz 78 của Manfed Schmitz)

Ở ví dụ trên sử dụng rất nhiều tiết tấu nghịch phách xuất hiện ngay ở ô nhịp 1 và ô nhịp 2. Nghịch phách ở nốt mi đen, nốt la đơn, ô nhịp thứ 3 là tiết tấu đảo phách ở hai nốt mi đơn. Phần tay trái được chia ra hai bè, bè trên và bè dưới. Đối với bè trên là tiết tấu đảo phách từ nốt fa đơn ngân sang nốt fa đen, có sự lặp lại ở các ô nhịp sau.

  1. Hòa thanh

Một tác phẩm nhạc hoàn thiện cần phải có vai trò của hòa thanh để làm tác phẩm âm nhạc có cấu trúc, giai điệu rõ nghĩa và màu sắc riêng. Chính vì vậy, nhạc Jazz cũng rất chú trọng vào phần hòa thanh.

Vòng hòa thanh của dòng nhạc Jazz phức tạp hơn nhiều so với quy luật cổ điển. Cách sử dụng hợp âm đặc trưng trong hòa thanh nhạc Jazz bao gồm tăng, giảm, hợp âm 7, hợp âm thêm các âm ngoài hợp âm như âm 9, âm 13, âm 11, …

Ví dụ: hòa thanh (trích) trong bài Israel của nhạc sĩ John Carisl

Nhìn vào phần hòa thanh của ví dụ trên, ta có thể thấy các hợp âm thuộc T – S – D – TSVI  của giọng nhưng không phải là các hợp âm T – S – D nguyên gốc, mà các hợp âm đã được biến đổi thành các hợp âm 7 (A7, Bb7, F7, Fmaj7), hợp âm tăng, giảm (Db5, A7(#9), G(#5), D7b9). Kết hợp các hợp âm lại với nhau để tạo thêm màu sắc cho hòa thanh. Ở phần cuối của bài không kết về hợp âm chủ mà được kết về hợp âm át (A7). Đây là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng và kết hợp các hợp âm trong nhạc Jazz.

Hòa thanh trong dòng nhạc Jazz được chuyển liên tiếp từ ô nhịp này sang ô nhịp khác với các hòa thanh khác nhau. Do đó, có thể mỗi một ô nhịp là một hòa thanh. Hòa thanh kết đặc trưng của Jazz là bậc II – V – I, khác biệt rất lớn so với hòa thanh kết truyền thống IV – V – I. Để tạo thêm nhiều màu sắc cho tác phẩm, các nghệ sĩ thường chú trọng vào tăng giảm các các hợp âm. Và dĩ nhiên, người nghệ sĩ chơi nhạc Jazz hoàn toàn có thể ngẫu hứng tự do sử dụng các vòng hòa thanh để tạo cho người nghe cảm giác hay và mới lạ, miễn sao vòng hòa thanh đó không đi lạc quá xa so với chủ đề của tác phẩm.

  1. Giai điệu

Những thang âm có “blue notes” – những nốt ở quãng ba và nốt ở quãng bảy của thang âm này bị giảm về cao độ, là nền tảng chủ yếu trong việc xây dựng giai điệu cho nhạc Jazz. Điểm tiêu biểu đặc trưng mà chỉ có giai điệu của nhạc Jazz mới có chính là cách các nhạc cụ vang lên như giọng người. Đề làm được điều này, các nhạc công Jazz sử dụng kỹ thuật đặc biệt đưa những nốt hóa, nốt hoa mỹ, nốt “blues”, glissando (vuốt nốt) và vibrato vào giai điệu. Ví dụ mà mTrend đưa ra dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra nét kỹ thuật này của giai điệu Jazz nhé.

            Ví dụ: Funky Two – Five (trích) – Tim Richards.

Ban có thể thấy rõ giai điệu xuất hiện các nốt blues ở phần cuối chủ đề và phần đầu solo.

  1. Tính ngẫu hứng trong Jazz

Nhắc đến Jazz, bất kì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến tính ngẫu hứng của nó. Một trong những yêu cầu tối thiểu để trở thành một nhạc công chơi Jazz đó là sự sáng tạo. Mỗi khi xem một màn trình diễn nhac Jazz, bạn có thể dễ dàng thấy sự hứng thú, say mê và sáng tạo của mỗi một nhạc công. Chính vì vậy, có thể cùng một bài nhạc nhưng không có màn trình diễn Jazz nào giống hoàn toàn với màn trình diễn Jazz khác. Điều này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn với âm nhạc cổ điển, dòng nhạc mà người chơi phải tuân theo các quy tắc được xác lập bởi người nhạc sĩ. Để cho bạn dễ hình dung hơn, khi các nghệ sĩ khác nhau biểu diễn cùng một tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Beethoven, thì họ đều phải thể hiện thật chính xác và chi tiết những gì nhạc sĩ đã viết trong tác phẩm.

Chính vì vậy, người chơi nhạc Jazz khổng đơn thuần chỉ là một nhạc công mà còn phải là một nghệ sĩ biến tấu ngẫu nhiên. Ngay cả ở những dàn nhạc Jazz lớn và chuyên nghiệp, mặc dù đã có phần đệm được hòa âm phối khí chỉnh chu thì những người độc tấu vẫn được toàn quyền tự do biến tấu, sáng tạo với đoạn nhạc solo của chính họ. Những người đệm các nhạc cụ khác sẽ giúp họ phát triển ý định và các chủ đề dựa trên nền hòa âm. Đặc biệt hơn, các nghệ sĩ độc tấu không hề bị giới hạn bó gọn trong chủ đề mà có thể đi ra xa khỏi chủ đề, miễn sao vẫn dựa trên nền tảng các hợp âm nền để tạo ra giai điệu mới cho khán giả.

Người nghệ sĩ độc tấu biến tấu ngẫu nhiên để tạo ra sự mới mẻ cho tác phẩm Jazz

Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ nhạc Jazz biến tấu ngẫu nhiên liên tục bất kể thời điểm sẽ tạo thành một sự hỗn loạn trong giai điệu. Chính vì vậy, các nghệ sĩ độc tấu và những người đệm theo luôn có chung một số các chủ đề quen thuộc, lấy đó làm nền tảng để phối hợp ăn ý tạo ra tác phẩm nhạc Jazz hoàn chỉnh và mới mẻ. Tóm lại, điểm chung duy nhất giữa nhạc Jazz và nhạc Cổ điển là lúc bắt đầu trình diễn sẽ thể hiện chủ đề nguyên vẹn. Sau đó Jazz sẽ là nới những biến tấu ngẫu hứng thay thế cho các quy định phải tuân theo của Cổ điển.

Nhìn chung, Jazz là một dòng nhạc luôn mang lại cho người nghe cảm giác mới mẻ và khác lạ về nhiều mặt trong âm nhạc, từ hòa thanh, giai điệu, tiết tấu đến cả cách thể hiện và trình diễn. Trong đó, điểm đặc trưng nhất chính là tính ứng tấu ngẫu nhiên của các nghệ sĩ chơi Jazz. mTrend mong rằng những thông tin chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn có hiểu rõ hơn về dòng nhạc nổi tiếng thế giới và cảm nhận được nét riêng biệt và khác lạ chỉ có ở Jazz nhé.

Viết một bình luận