Mọi người giúp em phân tích vẻ đẹp tài hoa trí dũng của người lái đò sông đà với ạ

Mọi người giúp em phân tích vẻ đẹp tài hoa trí dũng của người lái đò sông đà với ạ

0 bình luận về “Mọi người giúp em phân tích vẻ đẹp tài hoa trí dũng của người lái đò sông đà với ạ”

  1. Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông cũng là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Nguyễn Tuân sáng tác nhiều thể loại nhưng đặc biệt thành công ở tùy bút. Tác phẩm này được in trong tập tùy bút Sông Đà, xuất bản lần đầu năm 1960, tất cả gồm mười lăm bài tùy bút. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem lại cho tác giả nguồn cảm hứng sáng tạo để viết nên thiên tùy bút đặc sắc này nhằm ca ngợi những người lao động mới đang cống hiến cho công cuộc tái thiết, dựng xây đất nước. 

         Tuỳ bút Người lái đò sông Đà được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà”, gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”

         Trước hết, Người lái đò sông Đà là một hình tượng về người lao động mới trong giai đoạn kiến thiết và dựng xây đất nước. Trong cuộc chiến với thiên nhiên khốc liệt, ông lái đò đã bộc lộ tất cả khả năng tuyệt vời của mình, nhất là sự tài trí và lòng dũng cảm. Ý kiến thứ hai lại chú ý đến sự gần gữi, thân quen, dễ đi vào lòng người của ông lái đò. Ông lái đò được miêu tả như một người lao động kiên cường lại vừa như một nghệ sĩ tài hoa của sống nước, rất mực điệu nghệ trong công việc của mình. Thế nhưng sau cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên dữ dội, họ trở về với cuộc đời thường “giản dị và bình tâm”, hòa lẫn vô danh vào triệu triệu con người đang “đi tới” với đôi tay như “đôi cánh bay lên” và bàn chân mạnh mẽ “đạp bùn không sợ cá loài sên”. Người lái đò trong tác phẩm là một người lao động vô danh, làm lụng âm thầm, giản dị, nhờ lao động mà chinh phục được dòng sông dữ, trở nên lớn lao, kì vĩ, trở thành đại diện của con người. Người lao động nhờ ý chí kiên cường, bền bỉ, quyết tâm mà chiến thắng sức mạnh thần thánh của thiên nhiên. Đó chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc.

         Người lái đò có một trí nhớ tuyệt vời về những luồng nước và những con thác hiểm trở. Ông lái đò “đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”, “nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà” nên trước thác ghềnh hung bạo, ông vẫn bình tĩnh điều khiển thuyền an toàn. Sở dĩ ông lái đò có sự hiểu biết sâu sắc cùng với những kinh nghiệm quý báu là do ông đã xuôi ngược nhiều lần trên sông Đà. Ống lái đò là người thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì vậy tác giả đã chú ý miêu tả cuộc chiến đấu của người lái đò với sóng nước sông Đà. Trong cuộc chiến đấu vượt qua bao vòng vây của thác ghềnh hung bạo, người đọc đã thấy được sự dũng cảm, mưu trí và điêu luyện, thuần thục trong việc điều khiển con thuyền của người lái đò.Vòng vây này được tác giả miêu tả dài nhất. Người lái đò phải đối mặt cùng “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá” với những hòn đá hung hãn, ngỗ ngược đang mai phục từ ngàn năm nay chực chờ “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. Đá dàn bày thạch trận “ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền” với hàng tiền vệ “giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa” cho tuyến hai “đánh khuýp quật vu hối lại”, nếu thoát qua thì đã có tuyến ba gồm bao nhiêu “boong-ke chìm và pháo đài nổi” quyết tâm “phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng  thủy thủ ngay ở chân thác”.

         Có những hòn đá được nhà văn miêu tả hệt như những tên tướng giặc kiêu căng hợm hĩnh phối hợp cùng “nước thác reo hò” như một đội quân liều mạng đầy sát khí sẵn sàng ùa vào mà “bẻ gãy cán chèo” của người lái đò, mà “thúc gối vào bụng và hông thuyền”, “đội cả thuyền lên”, nhằm vào chỗ hiểm tấn công liên tiếp với lối “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm”. Cảnh tượng lúc bấy giờ cũng thật tráng lệ khi trong khoảng khắc mặt sông “lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. Đối diện với hiểm nguy, người lái đò vẫn hết sức bình tĩnh, hiên ngang như một tướng soái phóng thẳng thuyền vào kẻ thù. Trước những đòn thủ tàn độc của đối phương ông đã “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, “giữ mái chèo khỏi bị hất lên” và trên chiếc thuyền sáu bơi chèo, người ta vẫn nghe thấy “tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái” đang sẵn sàng đối mặt, chiến đấu và chiến thắng lũ giặc đá đông đảo, đầy chủ động, hiểm ác, ranh ma.

         Nếu như ở vòng vây thứ nhất sông nước nham hiểm đã mở ra bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh lại nằm “lập lờ ở phía tả ngạn con sông” thì ở vòng vây thứ hai này, sông Đà đã mở thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền và cửa sinh lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Ghê gớm hơn, đang chờ đón ông chính là “dòng hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá” với “bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Người lái đò tỏ ra không hề sợ hãi bởi vì ông vốn giàu kinh nghiệm và nắm chắc qui luật hoạt động của nước thác cũng như địa hình nơi đây. Thật táo bạo, với đôi bàn tay linh hoạt, tài hoa của mình ông đã khéo léo điều khiển con thuyền “bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Ông lái đò lúc “cưỡi lên thác”, lúc “nắm chặt được cái bờm sóng”, lúc thì “ghì cương lái”, lúc thì ống tránh mà “rảo bơi chèo lên”, lúc thì “đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”.

         Cuối cùng, ông đã chiến thắng cái lũ đá lúc này đang “tiêu nghỉu cái mặt xanh lè” vì thất vọng. Vòng vây thứ ba nguy hiểm hơn cả bởi vì “bên phải bên trái đều là luồng chết cả”, cái luồng sống ở vòng vây này lại “nằm ngay giữa bọn hậu vệ của con thác”. Nhưng ống lai đò cứ anh dũng phóng thẳng thuyền, chọc thủng vào cửa giữa đó. Người lái đò rất linh hoạt điều khiển “thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép”, qua bao nhiêu cửa “thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”.

         Trước thác ghềnh hung bạo, ông lái đò dũng cảm, táo bạo, liều lĩnh, thế nhưng khi vượt qua thì tất cả đều trở thành bình thường “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Tác giả đã miêu tả phong thái ung dung của những người lái đò khi họ “đót lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá đầm xanh… cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua”. Cuộc sống của họ thường nhật phải đối diện với thiên nhiên khốc liệt, “ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác” cho nên với họ tất cả đều “không có gì là hồi hộp đáng nhớ”. Họ đã chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức với thiên nhiên nhờ kinh nghiêm, sự ngoan cường, ý chí quyết tâm. Tất cả những điều đó đã đưa họ đến thắng lợi huy hoàng, tô đậm cho khúc tráng ca về sự nghiệp lao động vinh quang của con người mới.

         Hai ý kiến đúng, đã bổ sung cho nhau để hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về ý nghĩa của hình tượng này; giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thía hơn ý tưởng nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn đã tô đậm vẻ đẹp của nhân vật với những so sánh, ví von, liên tưởng độc đáo, bất ngờ và rất thú bị; tư tưởng phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả gân guốc, khi thì chậm rãi trữ tình. Khi khắc họa hình tượng này, Nguyễn Tuân có ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình. Nhà văn tiếp cận con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ nên mỗi nhân vật trong tác phẩm của ông đều là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình.

         Với sự quan sát tinh tường; trí tưởng tượng phong phú; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, độc đáo kết hợp cùng vốn kiến thức uyên bác, ngòi bút tài hoa và những cảm xúc dạt dào, say đắm thiết tha danh cho đất nước; Nguyễn Tuân đã tạo nên một áng văn trác tuyệt tác ngợi ca vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Tây Bắc trong ngày mới dựng xây. Đó đều là chất vàng mà tác giả tìm kiếm và khai phá; lấp lánh, sáng ngời quí giá như chính gương mặt của tác giả trong lịch sử văn học nước nhà.

         Qua Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc hoạ những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới: chất vàng mười của đất nước trong xây dựng CNXH qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.

    #Juunian (Juu)

    @Good_luck

    Bình luận

Viết một bình luận