Một phản ứng trộn lẫn giữa những lời khen có cánh và những cái bĩu môi dài của công chúng, Như Cái Lò là ca khúc “phá chuẩn” táo bạo của Vpop nhưng đồng thời cũng tự thân mang trong mình những hạn chế của người nghệ sĩ trẻ khi khai thác đề tài phóng khoáng hơn thường thấy.
Táo bạo đến mức khó chịu
Đến từ một trong những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu của Vpop hiện nay – Khắc Hưng, Như Cái Lò (Sambi ft. Mr.A) là một hiện tượng Vpop trong thời gian qua. Giai điệu bắt tai – như người ta vẫn mô tả về bất cứ bài hát EDM sôi động nào, nhưng đó không phải là điều khiến người nghe nhớ đến ca khúc này. Điều làm nên sự khác biệt của Như Cái Lò nằm ở chỗ, chủ đề và ca từ của nó. Một cách táo bạo nhưng khá vụng về, lời bài hát khiến người nghe chưa kịp thích thú đã thấy khó chịu, không chỉ bởi nó khác quá xa với những ca từ của những bài hát vẫn nghe mà còn không tạo được “sinh thái” cho khán giả chìm đắm trong nó.
MV “Như Cái Lò” – Huyền Sambi ft. Mr.A
“Đây là bài hát tôi dành nhiều tình cảm nhất trong năm nay, và đánh dấu một bước thay đổi trong phong cách âm nhạc: giải phóng, táo bạo hơn, và làm nhiều cái mà trước đây chưa bao giờ mình nghĩ tới” – Khắc Hưng chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.
Không khó để nhận ra trong lời chia sẻ của Khắc Hưng, là một sự chủ động trong quá trình sáng tạo. Khác những những sản phẩm âm nhạc trước đây của anh được lòng cả giới truyền thông lẫn khán giả (Album Khởi hành đoạt giải Album của năm tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến; các bài hit Tìm – Min, Sau tất cả – Erik…), Như Cái Lò có hướng triển khai hoàn toàn khác. Sự táo bạo và phóng khoáng ở đây, nằm ở việc thách thức chính bản thân anh trong sáng tạo và đồng thời, thách thức người nghe nhạc tiếp cận với chủ đề vốn dễ gây ra nhạy cảm và sự hiểu lầm.
Cần phải nói thêm rằng, Sambi (Đào Thanh Huyền) cũng không hẳn là một cái tên mới dù Như Cái Lò được quảng bá là sản phẩm ra mắt. Cô là người quen của chương trình Bài hát Việt – sân chơi vốn được giới làm nghề đánh giá cao. Cô từng chiến thắng giải Bài hát tháng, lọt vào chung kết tại cuộc thi này. Điều đặc biệt hơn nằm ở chỗ phong cách của cô trước đây là hoàn toàn khác hẳn, âm nhạc sáng tạo và ca từ sâu sắc.
Kết quả của sự kết hợp giữa Khắc Hưng và Sambi (cùng rapper Mr.A) là hơn 3 triệu lượt xem MV trên YouTube chỉ sau 3 tuần ra mắt. Nếu xem lượt xem là một tiêu chí thành công trong thời đại ngày nay, Như Cài Lò cũng được xem là một sản phẩm thành công vậy. Và một sự thành công khác, nằm ở chính ê-kip thực hiện nên sản phẩm này. Họ đã công bố một sản phẩm âm nhạc biết trước có thể gây tranh cãi đối với khán giả đại chúng; và đặc biệt, rất tự hào về nó.
Tuy nhiên, thành công của một sản phẩm nhạc pop không chỉ đơn giản là số lượt nghe mà còn ở cách nó cộng hưởng với công chúng. Ở điểm này, có vẻ như đội ngũ sản xuất của Như Cái Lò gặp thất bại nhiều hơn. Những chỉ trích như về lời ca và cách thể hiện bài hát của ca sĩ và MV như “gợi dục”, “nhảm nhí”, “vô nghĩa” có thể hơi quá lời nhưng rõ ràng nó phản ánh thái độ không chấp nhận của khán giả. Có vẻ “liều cao” của Khắc Hưng và Sambi vô tình bị khán giả “sốc phản vệ”?!
Đôi lời phân bua
Phong cách âm nhạc và MV tương tự Như Cái Lò quả thực “cũ người mới ta”. Cách đây chưa lâu có bài viết đặt vấn đề: “Lãng mạn đã chết – Sự gợi dục đã giết chết các bản tình ca như thế nào?”. Một nghiên cứu phân tích trong khoảng 1250 ca khúc được phát hành từ năm 1960 và năm 2008 chỉ ra rằng có 7% viết về sex (các bài hát 1960) và 40% (cho năm 2008).
Không nói đâu xa, bài hát nổi tiếng nhất năm 2017 là Despacito (Louis Fonsi, Daddy Yankee và Justin Bieber cũng ngập ngụa lời ca về tình dục. Nói một cách cụ thể, bài hát mô tả một người đàn ông nhờ người tình làm chậm lại việc lên đỉnh quá nhanh trong khi đang quan hệ tình dục với anh ta.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Despacito lại thành công rực rỡ như vậy? Bài hát đứng nhất suốt 16 tuần trên BXH âm nhạc nước Mỹ, trở thành ca khúc mùa hè thành công nhất năm 2017?
MV “Despacito” – Louis Fonsi ft. Daddy Yankee.
Nói đi cũng phải nói lại, Despacito là một ca khúc nhạc latin hay, phù hợp với không khí mùa hè. Chưa kế, tính chất âm nhạc trong giai điệu, hoà âm của bài hát trở thành điểm thu hút khán giả. Bên cạnh đó, văn hoá Tây phương vốn khá cởi mở với vấn đề tình dục trong âm nhạc. Bài hát có một “hệ sinh thái” – nơi mà những khán giả khá dễ dàng chấp nhận và hoà quyện theo.
Trở lại câu chuyện Vpop, bài hát của Sambi và Khắc Hưng chưa làm điều đó và không không được khán giả dễ dàng đón nhận, không phải bởi nó quá mới mẻ mà ở chỗ, chưa tìm thấy được đúng đối tượng người nghe phù hợp.
Bên cạnh đó, Vpop cũng không nhiều ca khúc Như Cái Lò nhưng những ca khúc cùng phong cách này đều từng trở nên thu hút sự quan tâm nhất thời của công chúng. Oh My Chuối (Sĩ Thanh), Phiếu Bé Ngoan (Yanbi, Bueno, Mr.A và TMT)… từng là hiện tượng Vpop. Thậm chí có một thời gian, bài hát Phiếu Bé Ngoan còn được cho là bài hát “rác ngôn ngữ” với lời ca tục tĩu khiến người nghe ngượng chín cả mặt. Sự đứt gãy trong mảng đề tài và phong cách này khiến cho những sản phẩm đơn lẻ được cho là kệch cỡm, gây sốc, nhảm nhí là điều không quá khó hiểu.
Sĩ Thanh trong MV từng gây sốc “Oh My Chuối”.
Như Cái Lò là một trường hợp khác. Bài hát không sử dụng tiếng lóng, hay ca từ tục tĩu. Ca từ của bài hát đơn giản, mình dân, khẩu ngữ. Tuy nhiên cách thể hiện, và đặc biệt là MV kém tinh tế (bên cạnh nghi án ăn cắp ý tưởng) khiến cho khán giả khó chịu. Phải nói thêm, ca khúc của Huyền Sambi sẽ không ấn tượng đến thế nếu thiếu một MV gây sốc như vậy.
Nhưng hãy coi chừng
Tuy nhiên, khi thực hiện những sản phẩm này, những nghệ sĩ hay coi chừng. Đó không phải là quan điểm cá nhân của một người viết mà là lời chia sẻ thành thực và chân thành của những những nhạc sĩ trẻ hiện nay.
Một tác giả trẻ đã chia sẻ với người viết rất nhiều về hiện tượng ca khúc Như Cái Lò nói riêng và xu hướng sáng tác những ca khúc tương tự như thế: “Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ mục đích và động cơ của người nhạc sĩ sáng tác mà thôi. Rõ ràng có hai trường hợp, người sáng tác chỉ có thể viết được đến thế và không thể sáng tạo hơn hoặc, có thể làm hơn thế nhưng vẫn cố tình chỉ sáng tác thế để gây chú ý”.
Anh thẳng thắn nói: “Vấn đề nằm ở chỗ nghệ thuật hay giải trí – có cung sẽ có cầu: Nếu bản thân người nghe nhạc cũng tự đặt ra những thông tin mà mình tiếp nhận thì chẳng có vấn nạn nào ở đây hết”.
Và: “Tôi nghĩ không hề đơn giản để sáng tác ra một ca khúc về chủ đề này. Tôi nghĩ họ muốn làm một cái gì đó thú vị, gây sốc được thì càng tốt. Một năm có bao nhiêu nghệ sĩ phát hành sản phẩm, đâu phải ai cũng tạo được sự chú ý. Hay thì khó nhưng không gây phản cảm tôi nghĩ họ có thể làm được. Tôi nghĩ để sáng tác một bài hát về chủ đề Như Cái Lò thì ngoài sự duyên dáng phải có thêm chút hài hước trong lời bài hát; mà cái duyên thì trời cho chứ tập cũng chẳng được”.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc trẻ tài năng Khắc Hưng. (Ảnh: zing.vn)
Đi sâu tìm hiểu góc độ từ người sáng tác, người viết cũng tham khảo một nhạc sĩ trẻ có tiếng và tạo nên nhiều bản hit cho các nghệ sĩ đương thời khác. Anh nói: “Dưới góc độ một người sáng tác, nhạc sĩ cũng có thể tạo ra một cái khác để xả stress hoặc chỉ để thoả được sự sáng tạo của bản thân. Đôi khi họ chỉ muốn bông đùa trong ca khúc của mình mà không suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, nếu khán giả thấy một bài hát tệ, phản cảm hay ca từ vô nghĩa thì đó là quyền của người nghe. Tôi nghĩ, sau mỗi lần như vậy họ sẽ có kinh nghiệm và sáng tác được những ca khúc hay hơn”.
Rõ ràng, dưới góc độ người sáng tác, các nhạc sĩ đều có quyền, động cơ cũng như mục đích khi sáng tác những bài hát tương tự Như Cái Lò. Tuy nhiên, tựu trung lại các nhạc sĩ đều cho rằng họ cũng cần dè chừng với chủ đề hay phong cách sáng tác này. Bởi chỉ cần kém duyên nó sẽ trở thành một ca khúc phản cảm và gây khó chịu.