Phần đánh giá, bình luận của các tác giả trong nước và các tác giả nước ngoài về sự nghiệp văn học của Bác (càng nhiều càng tốt, trừ nhận xét của nhà

Phần đánh giá, bình luận của các tác giả trong nước và các tác giả nước ngoài về sự nghiệp văn học của Bác (càng nhiều càng tốt, trừ nhận xét của nhà thơ Đagiô ah)
Mong các pạn tốt bụng trả lời giúp mik nha :> Cảm ơn các bạn nhìuuu ah <3

0 bình luận về “Phần đánh giá, bình luận của các tác giả trong nước và các tác giả nước ngoài về sự nghiệp văn học của Bác (càng nhiều càng tốt, trừ nhận xét của nhà”

  1. Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Ở Người, có sự hội tụ, kết hợp và phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân văn, vĩ đại và giản dị, khiêm nhường. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người cũng là nguồn cảm hứng chưa bao giờ ngưng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sỹ ở nhiều loại hình báo chí và nghệ thuật khác nhau.

    Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920,
    đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh Tư liệu)

    Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước,  gắn bó mật thiết với nhân dân lao động. Quê hương xứ Nghệ của Người, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn là đất phên dậu, là “thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại” [2]. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Bác. Sau này, vượt trùng khơi tìm đường cứu nước, được hoà mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; gia nhập Đảng xã hội Pháp và là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; tiếp xúc, đón nhận chủ nghĩa Mác-Lê nin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng của dân tộc, của quê hương lên tầm cao mới: chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân bản sâu sắc; giải phóng dân tộc đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; cách mạng dân tộc, dân chủ tất yếu phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; sức mạnh dân tộc phải gắn liền với sức mạnh thời đại. Người đặc biệt coi trọng nhân dân, đề cao “dân là gốc”, “là người chủ” của cách mạng, của đất nước, là người tạo nên lịch sử. Tư tưởng yêu nước thương dân,  quý trọng con người; chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; đạo đức trong sáng, cao cả, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; phong cách bình dị, gần gũi, khiêm tốn, lão thực…Tất cả những điều ấy là di sản tư tưởng và văn hóa quý giá mà Người để lại cho đất nước, cho nhân dân và cho cả nhân loại.

    Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong tên mới Văn Ba xuống con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tresville sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”[3].

    Ở Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles (1919); viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Năm 1922, Người sáng lập báo “Người cùng khổ” (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Hơn 10 năm ở trời Tây, vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ một sự thật đầy đau xót, căm hận: chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc thực dân là những kẻ gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở các thuộc địa và ở ngay cả chính quốc.

    Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ Ba. Qua hoạt động yêu nước, tìm đường đi cho dân tộc, Người hiểu rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”[4] Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tiếp thu Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin. Sự gặp gỡ, tiếp xúc lịch sử ấy hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay may mắn, đó là một sự dấn thân, sự chủ động chọn đường, một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách mạng.

    Trước chuyến đi của Nguyễn Tất Thành – Văn Ba  năm 1911, cụ Phan Bội Châu, một người Nam Đàn là bạn đèn sách, tâm giao với thân phụ của Người chọn con đường đi về phương Đông, nhưng nước Nhật “đồng chủng”, “đồng cừu” đang xâm lược Trung Quốc, Triều Tiên, ra lệnh trục xuất chính Phan và các du học sinh Việt Nam yêu nước. Cải cách của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc thất bại, cho thấy Trung Quốc không thể đi theo con đường Duy Tân của Nhật Bản. Cách mạng Tân Hợi (1911) của Tôn Văn tuy lật đổ được ngai vàng đế chế, nhưng đã không cởi bỏ được quyền chiếm hữu ruộng đất và ách bóc lột của địa chủ phong kiến, ách nô dịch của đế quốc tư bản nước ngoài. Nhiều trí thức Việt Nam đương thời cũng sang Pháp, có người chỉ lo học hành, kiếm sống, làm giàu; có người vừa học chữ, vừa tìm đường cứu nước, cứu dân. Cụ Phó bảng Phan Chu Trinh và Luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường tiêu biểu cho nhóm thứ hai. Tuy nhiên, sống và hoạt động ở Pháp nhiều năm, từng tiếp xúc với các lực lượng cánh tả Pháp, vậy mà các ông vẫn không tìm được con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, giải phóng cần lao; không đến được với chủ nghĩa Mác – Lê nin như Nguyễn Ái Quốc.

    Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp thì năm 1913 đã có 7 người Việt Nam vào Đảng Xã hội Pháp, năm 1919 có 80 người Việt Nam tham gia Đảng này, nhưng đến năm 1920 chỉ còn 20 người, duy chỉ có Nguyễn Ái Quốc (vào Đảng Xã hội Pháp năm 1918) trở thành người cộng sản [5]. Chính Phan Châu Trinh, trong một bức thư đề ngày 18 tháng 2 năm 1922 gửi từ Marseille cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: “Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu…Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cụ Phan ví Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông…không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình, chí sỹ nước ta”[6] .

    Bức phù điêu Bác Hồ của tác giả V.Tsigal ở Quảng trường Hồ Chí Minh – Matxcơva.

    Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô. Trên đất nước của Lê-nin, Người dày công học tập, nghiên cứu mong có ngày trở về Tổ quốc để giải phóng nước mình, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam đã gặp Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm đáng nhớ đó và có bài viết về Người: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”… “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”[7]. Mấy chục năm sau, tại thủ đô Moskva của nước Nga, quảng trường mang tên Hồ Chí Minh do chính quyền và nhân dân Nga xây dựng. Ở đó, có tượng đài Hồ Chí Minh với dòng chữ bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trường Đại học Tổng hợp của thành phố Sankt-Peterburg có Học viện Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa Việt Nam.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những năm tháng hoạt động trên đất nước Trung Quốc. Giữa thập niên hai mươi của thế kỷ trước, Người đến Quảng Châu và mở các lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh được Người chọn làm Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hơn 15 năm sau, Người có chuyến đi đến Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuốn “Nhật ký trong tù” ra đời trong hoàn cảnh ấy “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã trải qua”…,.. “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Ngày cũng như đêm, Người luôn đau đáu “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”… Càng về sau, các tác phẩm chính luận, báo chí, văn nghệ của Bác càng được công chúng trong và ngoài nước đánh giá rất cao cả về tính tư tưởng, tính nhân văn và nghệ thuật. Đó là các tác phẩm khởi đầu viết bằng tiếng Pháp “Bản án chế độ thực dân Pháp”, các truyện ngắn đăng trên báo “Người cùng khổ”, tiếp đó là “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký chìm tàu”. Đặc biệt là tập thơ “Nhật ký trong tù” và hai áng hùng văn “Tuyên ngôn Độc lập”,  “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã trở thành bất hủ.

    Tập thơ “Nhật ký trong tù” được Bác Hồ viết bằng chữ Hán gồm 133 bài theo thể Đường luật trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Trong tập thơ này, Người nêu một tuyên ngôn có tính định hương cho thơ nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Người truyền sức mạnh, niềm tin, sự lạc quan cho những ai đang trong cảnh nguy nan, khốn khó “Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Ngày 10 tháng 12 năm 1951, Người viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa kháng chiến ở Việt Bắc. Trong thư, Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Với những người làm báo, Bác Hồ là người sáng lập, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”  .

    Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”, tác giả Trần Dân Tiên kể: “Có người hỏi Nguyễn Ái Quốc: Ông là người thế nào? Người cộng sản hay người theo chủ nghĩa Tôn Dật Tiên? Sau khi giải thích, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Khổng Tử, Jê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao! Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”[8]

    Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Ðộ năm 1958

    Tư tưởng đại đoàn kết, nhân ái, khoan dung, nhân văn ấy của Hồ Chí Minh làm rung động con tim nhiều quốc gia, dân tộc, giai tầng, tôn giáo. Những dòng tên thân yêu “Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ” được quen gọi ở nhiều nước. Trong chuyến thăm hữu nghị Ấn Ðộ lần thứ hai, năm 1958, Bác Hồ được các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ đón tiếp bằng sự hân hoan và kính trọng đặc biệt. Tại cuộc đồng diễn của hơn ba ngàn thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng vị Chủ tịch của Việt Nam, các em đồng thanh hô lớn: “Cha Hồ, cha Hồ !”.

    Sinh thời, Chủ tịch Cuba Fidel Castro ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn ở các dân tộc khác trên thế giới”. Nhà thơ Cuba Phê-lich Pi-ta Rô-đờ-ri-ghết nhận định: “Trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở Algérie, ở Tunisia, ở Congo, người bị áp bức ở quần đảo Ăng-ti-dát hoặc ở “miền Nam già cỗi” của nước Mỹ, đều có một người nhiệt thành bênh vực mình”.  Nhà thơ Cu-ba còn có nhiều bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu là hai tác phẩm “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ”.

    Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ ) Hồ Chủ Tịch (5/1956). (Ảnh Tư liệu)

    Nhiều chính khách, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội[9] đã cảm phục, dành những lời ca ngợi yêu kính, thân thương đối với Hồ Chí Minh. Ngài Tổng thống Algérie Áp-đun A-zit Bô-ti-phờ-li-ka viết: “Chúng tôi tự hào và đánh giá cao sự khiêm nhường, giản dị, thanh cao của Hồ Chí Minh. Cuộc đời con người vĩ đại này sẽ còn sống mãi, bất diệt trong ký ức của dân tộc mình. Người còn là nguồn hy vọng và ngọn đuốc cho các dân tộc đang đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, tự do, tiến bộ và thịnh vượng”. Ngài Gien-ni, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Mỹ ca ngợi: “Tuy sống giản dị, nhưng Người đã để lại một tài sản vô giá cho con cháu, cho nhân dân Việt Nam anh hùng và cho nhân dân toàn thế giới đang tha thiết một cuộc sống tốt đẹp hơn: Chủ nghĩa xã hội”.

    Đại diện Đảng Cộng sản Úc ghi những dòng xúc động: “Như tất cả những nhà cách mạng vĩ đại chân chính, Hồ Chí Minh là xương, thịt của nhân dân. Người sống giản dị, khiêm tốn trong sự vĩ đại, một lòng một dạ cống hiến cho sự nghiệp cao cả: độc lập, tự do cho Việt Nam, con đường cách mạng cho công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới”. Ngài Xten-ly Ma-bi-đê-la lãnh đạo của Hội đồng Cách mạng Đại hội dân tộc Phi khi thăm Việt Nam, thăm nơi ở lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một ngôi nhà đơn sơ, một chiếc giường giản dị. Người sống một cuộc sống vô cùng khiêm tốn trong lúc chính Người có thể sống như một ông vua. Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho mọi thời đại cách mạng. Đó là một con người suốt đời hoạt động cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, không chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà cho người châu Á, châu Phi, châu Mỹ-Latinh và ở khắp những nơi còn có sự bất công”. Bà Ét giơ Pê-tra-xa, người Chile, viết: “Nơi ở và làm việc của đồng chí Hồ Chí Minh quả là một bài học lớn đối với tất cả những người cách mạng trên thế giới. Cuộc sống đơn sơ và giản dị của Người chứng tỏ rằng Người đã vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc.

    Chính vì vậy, với dân tộc mình, Người trở nên vĩ đại và đáng yêu. Với các dân tộc trên thế giới, Người trở thành con người đáng kính và đáng khâm phục”. Ngài Tổng thống Ấn Độ Ven-ka-ta-ra-man ca ngợi: “Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà đấu tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu. Bằng bản lĩnh và tài năng, Người đã lãnh đạo nhân dân mình tự giải phóng khỏi gông xiềng đế quốc, tạo dựng nên hình ảnh bất diệt trong trái tim khối óc của những người yêu nước Việt Nam.

    Người còn là một người có tinh thần quốc tế chủ nghĩa tuyệt vời: sống hết mình cho niềm tin cuộc sống của những dân tộc anh em khác, vì những mục đích cao cả của loài người trên khắp năm châu. Người là nguồn động lực và khát vọng cho tất cả những ai yêu hòa bình trên thế giới trong mọi thời đại”. Nữ nhà báo, nhà văn Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô từng đến Việt Nam nhiều lần, ở nhiều ngày và vinh dự được nhận làm con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà  tặng  Bác Hồ cuốn sách “Ở miền Bắc Việt Nam viết dưới bom” với lời đề tặng: “Kính gửi Bác Hồ sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu”.

    Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ-la-tinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này…”. Giáo sư H.Din của Trường Đại học Boston (Mỹ) viết: “Người là một trong những lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ này.

    Giữa lúc ở nhiều nơi trên thế giới rất cần cách mạng thì Người đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở Việt Nam, một cuộc cách mạng nhằm thay đổi cơ cấu xã hội đã có từ lâu ở Việt Nam, để làm sao cho nhiều người hơn nữa có thể hưởng những thành quả của xã hội, và một cuộc cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của nước ngoài, trước đây là Pháp, sau này là Mỹ…”. Hai mươi năm trước, nhân kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M. Ácmét, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO đã nói: “Ít có nhân vật nào trong lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.

    Mô hình viên gạch Nguyễn Ái Quốc dùng để sưởi trong thời gian ở nhà số 9 ngõ Công Poanh, Paris, năm 1919,
    thời điểm Người ra đi tìm đường cứu nước.

    Ở nước Pháp, có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều di tích, tài liệu, hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1927 và năm 1946. Nổi bật nhất là Ngôi nhà số 9, ngõ Công-poanh, quận 17, Paris. Với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ”, Người đã góp phần thổi một luồng gió mới đến nhân dân các nước bị áp bức, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc. Ở Cu-ba, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm công viên Hòa bình trên Đại lộ 26, một trong những đại lộ lớn nhất của thủ đô La Ha-ba-na. Công viên này được người dân gọi trìu mến là công viên Hồ Chí Minh. Tình cảm của nhân dân Lào đối với Bác Hồ rất thành kính, sâu đậm. Ở tỉnh Sê Kông, trên bàn thờ của hầu hết các gia đình đều đặt di ảnh Bác Hồ. Mỗi dịp lễ, tết quan trọng, họ đều thắp hương lên bàn thờ, mong được Bác Hồ phù hộ. Bài hát “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của nhạc sĩ Buangeun Saphouvong là bài hát thường được biểu diễn trong các sự kiện lớn của hai nước.

    Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ”, nhạc sĩ người Anh E-van Mác-câu viết bài hát “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh). Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc với công chúng nhiều nước. Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác được dịch ra 35 thứ tiếng trên thế giới, có nước dịch và tái bản nhiều lần. Trong bài thơ “Hồ Chí Minh”, nhà thơ Algérie Tra-ba-ni Ac-khơ-mét viết: “Tên của Người đồng nghĩa với danh từ chống đế quốc/ Tên của người cao hơn mây bay/ Tên của Người cao hơn đại bác/ Tiếng nói của Người dội vang đất nước/ Kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đứng lên”.

    Nhà thơ Bulgaria Ghê-oóc-ghi Vê-xê-li-nôp viết về Người: “Một lãnh tụ và một trẻ thơ/ Đã hiểu nhau tự bao giờ/ Chân thành và bền chặt/ Và con tôi cứ tự hào nhắc mãi/ Hai bố con mình hôm ấy/ Đã cùng nói chuyện với Hồ Chí Minh…”. Nhà thơ Đa-giô của Indonesia ca ngợi Người: “Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm”. Nhân dân Hy Lạp đề những câu thơ tôn kính dưới bức ảnh Bác Hồ: “Người đã trở thành bất tử/ Người đã đứng vào hàng ngũ/ Những vị anh hùng của đỉnh A-cô-rô-pôn”.

    Ở đất nước của Hồ Chí Minh, từ năm 1945 đến nay, đã ra đời và lan tỏa hàng chục vạn tác phẩm báo chí, văn, thơ, lý luận, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số… về chủ đề Hồ Chí Minh, hình tượng Bác Hồ, về các tác phẩm báo chí, văn hóa, văn nghệ của Bác. Nếu muốn kể ra một số tác phẩm xuất sắc khắc họa về Người, thì điều ấy quả là không dễ khi nhìn lại những đỉnh cao được lập trong 75 năm qua. Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống báo chí, văn nghệ đã hình thành lớp lớp nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ hăng hái đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh “phò chính, trừ tà”. Nhiều người lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Trong số đó có nhiều người đã hi sinh anh dũng như các nhà văn, nhà báo – chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu…

    Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. (Ảnh: Tư liệu)

    Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, như các nhà báo, nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Phạm Tiến Duật..; có những người đã anh dũng hy sinh như Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Chu Cẩm Phong…; những liệt sỹ là đạo diễn, quay phim như Lê Văn Bằng, Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dung, Nông Văn Tư… 

    Về âm nhạc, có thể kể các tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Bài ca dâng Bác”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Vào lăng viếng Bác”, “Thăm bến Nhà Rồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”… Về Mỹ thuật, có thể kể đến họa sỹ Diệp Minh Châu ở Nam Bộ thời kỳ đầu chống Pháp. Sau khi được nghe  Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác và tốp ca thiếu nhi hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Lưu Hữu Phước, trong cảm xúc dâng trào, người họa sĩ đã lấy dao rạch vào cánh tay mình để lấy máu vẽ chân dung Bác với ba em bé đại diện cho thiếu nhi Bắc Trung Nam. Bức huyết họa sau đó đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác Hồ kính yêu. Một bức huyết họa khác khác ra đời gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ của họa sỹ-chiến sỹ Lê Duy Ứng. Sáng 28/4/1975, khi đoàn quân của Lê Duy Ứng chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn chưa đầy ba mươi cây số thì ông bị thương rất nặng do súng chống tăng của địch làm hỏng cả hai con mắt. Tỉnh dậy vẫn không nhìn thấy gì, nghĩ mình khó qua khỏi, người họa sỹ lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, lấy máu từ vết thương ở mắt của mình làm mực vẽ bức chân dung Bác Hồ trên nền lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Bức tranh đặc biệt đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

    Còn biết bao câu chuyện ở trong nước và nước ngoài mà ở đó, Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng, là niềm tin, là ánh lửa, là nguồn sức mạnh to lớn để các dân tộc, mọi con người vượt lên gian khổ, gông xiềng, bom đạn để giải phóng dân tộc mình, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vươn tới cuộc sống tự do, dân chủ, công bằng, ấm no, hạnh phúc; được làm một đất nước độc lập, được làm một con người giản dị, nhân văn và chân chính./.

    Bình luận

Viết một bình luận