Phân tích truyện tấm cám để thấy được quan niệm của nhân dân ta về cái thiện chiến thắng cái ác

Phân tích truyện tấm cám để thấy được quan niệm của nhân dân ta về cái thiện chiến thắng cái ác

0 bình luận về “Phân tích truyện tấm cám để thấy được quan niệm của nhân dân ta về cái thiện chiến thắng cái ác”

  1. Trong truyền thống đạo đức của dân tộc ta, cái Thiện luôn được trân trọng, đề cao. Đó là “mặt trời chân lý” để mỗi hành động, việc làm của con người hướng tới. Ngược lại, cái ác luôn bị lên án, ghét bỏ, kết tội. Trong cuộc chiến giữa cái Thiện và cái ác, dân gian luôn để cái Thiện chiến thắng vẻ vang hào sảng. Đó là ước mơ cũng là sự thực ở đời. Câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” sở dĩ được lưu truyền rộng rãi và có sức sống bền bỉ phần lớn vì đã phản ánh được sự chiến thắng của cái Thiện đối với cái ác đúng như quan niệm của nhân dân: Một chiến thắng đi từ những phản ứng yếu ớt đến mạnh mẽ, từ bị động chịu ấp bức đến chủ động phản kháng.

    Như ta đã biết, truyện cổ tích ra đời và phát triển khi xã hội đã phân chia giai cấp. Truyện cổ tích phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp ây. Yếu tố kì ảo được sử dụng để hỗ trợ cho cái Thiện, giúp cái Thiện chiến thắng.

    Trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, hai tuyến nhân vật Thiện – ác phân ra rất rõ rệt. Cái ác tiêu biểu là dì ghẻ và Cám. Đây là hai nhân vật luôn có những hành động áp bức, bóc lột đối với nhân vật khác đồng thời chúng có những âm mưu thâm độc, những hành động độc ác mất hết tính người. Nhân vật Tấm lại đại diện cho cái Thiện. Cô đẹp người đẹp nết nhưng phải chịu số phận hẩm hiu bất hạnh: mẹ mất sớm, bố nhu nhược, bị dì ghẻ và cô em cùng cha khác mẹ hiếp đáp.

    Khi xã hội đã phân giai cấp, trong quan niệm của dân gian, cái Thiện đồng nghĩa với cái Đẹp, chúng luôn bị chà đạp, ghen ghét. Hơn thế, cái Thiện, cái Đẹp còn là những điều thuộc về nhân dân lao động – giai cấp bị áp bức trong xã hội. Ngược lại, cái ác cũng là cái Xấu, ban đầu chúng rất mạnh, có khả năng áp bức bóc lột cái Thiện, cái Đẹp. Chúng thuộc về giai cấp trên, giai cấp bóc lột trong xã hội.

    Cái Thiện bị áp bức như thế nào?

    Dân gian có câu:

    “Bao giờ bánh đúc có xương

    Thì bà dì ghẻ mới thương con chồng”.

    Nó thật đúng với trường hợp của mối quan hệ bà dì ghẻ và Tấm. Phận con chồng, Tấm phải quần quật làm việc nhà từ sớm đến tối, không chút ngơi nghỉ. Trong khi đó, Cám – con đẻ của dì ghẻ – nhởn nhơ rong chơi, biếng nhác. Tấm bị nhiếc móc chửi bới, Cám được cưng chiều dung túng. Sự bất công ấy được cụ thể trong tình huống hai chị em Tấm Cám đi bắt tép. Cám ham chơi, lời biếng nhưng nhờ xảo trá quỷ quyệt lại được phần thưởng. Chưa hết, mẹ con Cám còn luôn âm mưu triệt mọi nguồn vui sống, mọi mối giao lưu của Tấm với cuộc đời, cho dù đó chỉ là con cá bống! Sau đó, chúng ngăn cản Tấm đi dự dạ hội bằng mọi trở ngại cũng chỉ vì độc ác, ích kỷ.

    Xem thêm:  Bàn về bệnh thành tích – Một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay

    Tấm, trước mọi hành hạ áp bức của mẹ con Cám, có chẳng biết làm gì ngoài việc ôm mặt khóc. Cô nhẫn nhục nơi xó bếp của chính nhà mình. Bị cướp mất cá. Khóc. Bị giết cá bông. Khóc. Không được đi dự dạ hội. Khóc. Không có quần áo đẹp. Khóc,…

    Rõ ràng, ban đầu cái Thiện luôn tỏ một vẻ nhẫn nhục đến nhu nhược. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ nào đó, ta thấy được quan niệm “dĩ hòa vi quý” của dân gian. Không ai muốn ân oán chất chồng mà thường chọn cách chịu thiệt một phần để mong bình yên vạn thuở. Nhưng cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng. Vậy đến một ngưỡng nào đó, cái Thiện sẽ vùng lên chống trả.

    Ấy chính là khi cái ác tàn nhẫn muốn độc chiếm sự sống, âm mưu sát hại cái Thiện. Cái Thiện muốn sinh tồn phải chống trả. Và rất phù hợp với bản chất hiền hòa của cái Thiện, sự phản kháng đi từ yếu đến mạnh, từ bị động đến chủ động để rồi giành chiến thắng vẻ vang.

    Mụ dì ghẻ và đứa con đẻ ác nghiệt không chiếm được ngòi vị hoàng hậu thì âm mưu giết Tấm. Bốn lần chúng ra tay thì cả bốn lần đều thất bại: chặt cây cau, giết chim vàng anh, chặt cây xoan đào, đốt khung cửi. Sau mỗi lần bị hại, Tấm không khóc nức nở nhịn nhục. Bị bức hại, nàng hóa kiếp trở về. Lần đầu nàng chỉ nhắc nhở:

    “Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào

    Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”.

    Đây chỉ là tiếng nói của một linh hồn còn vương vấn nhân gian. Cụ thể là nhớ nghĩa cũ duyên xưa trở về thăm lại (chồng). Dù biết mình bị giết hại, Tấm không hề oán thán, thù hằn mẹ con Cám.

    Đến lần bị giết hại thứ hai sự tình đã khác. Tấm không nhắc nhở Cám nữa mà lặng lẽ giành lạnh hạnh phúc của mình. Nàng hóa thân thành cây xoan đào, ngày ngày che mát cho vua, ở bên chồng nhớ về tình nghĩa cũ. Rõ ràng ở đây là có một sự thay đổi về thái độ. Tấm đã ý thức sâu sắc về sự mất mát của mình, nàng chủ động tìm lại nó.

    Tiến thêm một bước nữa, cô còn chủ động tìm đến kẻ thù để răn đe:

    Xem thêm:  Bàn về phẩm chất mà một người thanh niên ngày nay cần có

    “Kẽo cà kẽo kẹt

    Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”.

    Tư thế của Tấm giờ đây đã khác trước. Lần trước nàng xác định quan hệ ngang bằng với Cám, “tao – mày”; giờ đây nàng coi mình là người trên, xưng “chị”. Không chỉ hiểu về nỗi mất mát nàng còn thâm thía căn nguyên của nỗi đau đời mình. Nàng biết mình bị “tranh chồng” và sự đe dọa của Tấm thật quyết liệt – “khoét mắt ra”.

    Lần hóa thân cuối cùng của Tấm đã thể hiện quyết tâm vùng dậy làm chủ cuộc đời, làm chủ hạnh phúc của mình. Quả thị thơm lừng như vẻ đẹp nơi cô Tấm ngát hương. Nàng trở về kiếp con người để chủ động tận hưởng hương thơm và mật ngọt cuộc sống – thứ mà nàng đáng được hưởng và thực sự đang và sẽ được hưởng. Đây là một kết thúc có hậu, là khúc khải hoàn viên mãn của cái Thiện trong cuộc đời này.

    Sự trở về của cô Tấm trong ngôi vị hoàng hậu, sự chiến thắng trọn vẹn của cái Thiện đã chứng minh cho quy luật “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”. Song cái Thiện đã phải trải qua bao áp bức, bất công, muốn có được kết quả tốt đẹp cuối cùng cái Thiện không thể mãi nhu nhược, nhún mình. Nó phải chủ động đứng dậy giành lấy quyền sống, quyền hạnh phúc.

    Truyện “Tấm Cám” đã có một kết thúc tốt đẹp. Người lương thiện sẽ nhận lại được hạnh phúc sau khi trải qua nhiều khổ nạn. Kẻ ác cuối cùng cũng sẽ phải nhận lấy sự trừng phạt thích đáng. Điều người ta đọc thấy ở các câu chuyện dân gian về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác luôn lừ tiếng nói khát khao chính nghĩa và sự công bằng và hạnh phúc, ước mơ “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” – điều không chỉ có ý nghĩa trong thời đại đó mà còn là muốn đời sau nữa. Trong thời đại ngày nay còn biết bao những kẻ như mẹ con nhà Cám, để đạt được mục đích của mình bất kể đó là những điều phi nghĩa; Còn có biết bao con người phải chịu số phận bất hạnh, bị những thế lực xấu tìm mọi cách hãm hại như cô Tấm. Xã hội càng văn minh, thì dường như cái ác lại càng trở nên biến ảo và khó kiểm soát hơn. Nó có khi hiển hiện ra trong cuộc sống nhưng có khi lại lẩn khuất, đan xen cái thiện, được ngụy trang tinh vi, thậm chí khoác áo thánh thiện, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm… Đó là cái ác có thể làm bùng nổ chiến trang dưới danh nghĩa bảo vệ hòa bình thế giới; là cái ác “rửa tiền” trong vỏ bọc nhân văn “làm từ thiện”; là cái ác trong hình ảnh của những kẻ không lên tiếng phản đối mà còn ủng hộ cho cái ác, những kẻ thờ ơ trước nỗi khổ của người khác, những kẻ ích kỉ chỉ lo lắng đến hạnh phúc của cá nhân mình mà dẫm đạp lên cuộc sống, lên hạnh phúc của người… Cuộc sống luôn là sự tồn tại song song không thế tránh khỏi giữa thiện và ác bởi vậy nên cuộc đấu tranh giữa chúng là cần thiết, tất yếu làm động lực thúc đẩy cho sự phát triển xã hội.

    Xem thêm:  Bình luận bài “Về luân lí xã hội ở nước ta” của Phan Châu Trinh

    Trước hiện thực cuộc sống phức tạp đó, mỗi người cần xác định một tư tưởng và thái độ sống đúng đắn. Trước hết, cần rèn luyện cho mình những tình cảm yêu thương chân thành và đúng đắn. Đó sẽ là cái gốc để vươn tới cái thiện. Một người có đời sống tư tưởng và tình cảm đúng đắn sẽ là người nhận thức được đâu là phải – trái; đâu là điều mình cần làm và không nên làm để không trái với lương tâm và đạo đức. Nhưng thế thôi chưa đủ! Tấm phải trải qua biết bao khó khăn và biết bao lần lột xác mới có thể đến được với kết thúc có hậu. Và trong những lần lột xác đó, Tấm càng nhẫn nhịn, chịu đựng, thì mẹ con nhà Cám lại càng thâm độc và tàn ác. Không thể dung hòa, nàng vùng lên chống đỡ và chỉ khi đó mới có thể giành lại hạnh phúc. Những gì đã đến với Tấm chứng tỏ cho tính chất khó khăn và quyết liệt trong cuộc đấu tranh giữa xấu – tốt. Xác đinh được điều này, chúng ta phải luôn kiên trì, nhẫn nại và vững tin vào bản thân, vào lẽ phải. Để chống lại cái ác, dù hành động dưới bất cứ hình thức nào cũng cần phải có thái độ kiên quyết và cứng rắn đến cùng. Đó là cách duy nhất để cái thiện có thể tiêu diệt cái ác hoặc đáng khâm phục hơn nữa là mở đường, cứu vớt, cảm hóa cái ác, đưa nó đến với ánh hào quang của cái đẹp. Có thể sẽ có rất nhiều khó khăn, sóng gió, có thể sẽ có những đắng cay, nhưng rồi lẽ phải, rồi cái thiện cũng sẽ vươn tới được chiến thắng cuối cùng một cách đầy vinh quang.

    Ra đời từ thuở xa xa trong lịch sử dân tộc, cho đến ngày nay và sẽ mãi mãi mai sau, câu chuyện cổ tích Tấm Cám được người Việt giữ gìn, truyền lại cho nhau như người xa giữ lửa và truyền lửa qua mỗi nếp nhà. Ấy là ngọn lửa của truyền thống dân tộc, truyền thống yêu cái Thiện, ghét cái ác. Quan trọng hơn, đó là truyền thống đấu tranh với cái ác để chiến thắng vẻ vang.

    Bình luận

Viết một bình luận