Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài : Viếng lăng Bác

By Maria

Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài : Viếng lăng Bác

0 bình luận về “Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài : Viếng lăng Bác”

  1. “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một bài văn xuất sắc được sáng tác vào năm 1976, bài thơ mang đậm chất trữ tình ghi lại tình cảm thành kính, sâu lắng của nhà thơ khi hòa vào dòng người đang vào viếng lăng Bác. Qua đó bài thơ được xem là tiếng nói nỗi niềm tâm sự của nhân dân dành cho Bác. Đặc biệt, những tình cảm ấy lại chan chứa và dạt vào ở hai khổ thơ cuối.

    Hai khổ cuối bài thơ như những nốt nhạc du dương, trầm bổng, réo rắt như tấm lòng tha thiết yêu mến của nhà thơ với Hồ Chủ tịch. Bằng những ngôn từ ẩn dụ đặc sắc, từ ngữ bình dị mà giàu sức gợi, câu thơ đã khơi gợi trong lòng người đọc những rung động sâu sắc và đáng quý…

    “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

    Khung cảnh bên trong lăng thật êm dịu, thanh bình. Lúc này, trước mặt mọi người chỉ có hình ảnh Bác. Bác nằm đó trong giấc ngủ vĩnh hằng. Bác mất thật rồi sao? Không đâu. Bác chỉ nằm đó ngủ thôi, Bác chỉ ngủ thôi mà! Suốt bảy mươi chín năm cống hiến cho đất nước, bây giờ đất nước đã bình yên, Bác phải được nghỉ ngơi chứ. Bao quanh giấc ngủ của Bác là một “vầng trăng sáng dịu hiền”. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho những năm tháng làm việc của Bác, lúc nào cũng có vầng trăng bên cạnh bầu bạn. Từ giữa chốn tù đày, đến “cảnh khuya” núi rừng Việt Bắc, rồi “nguyên tiêu”…Tuy vậy, Bác chưa bao giờ thảnh thơi để ngắm trăng đúng nghĩa. Khi thì “trong tù không rượu cũng không hoa”, khi thì “việc quân đang bận”. Chỉ có bây giờ, trong giấc ngủ yên, vầng trăng ấy mới thật sự là vầng trăng yên bình, để Bác nghỉ ngơi và ngắm. Trăng dịu hiền, soi sáng hình ảnh Bác. Nhìn Bác ngủ ở đấy thật bình yên, nhưng có một sự thật dù đau lòng cách mấy ta vẫn phải chấp nhận: Bác đã thật sự ra đi mãi mãi.

    “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
    Mà sao nghe nhói ở trong tim!”

    Trời xanh bao la kia kéo dài đến vô tận, không bao giờ chấm dứt. Dù lý trí vẫn luôn trấn an lòng mình rằng Bác vẫn sống đấy, vẫn còn dõi theo Tổ quốc mãi mãi như màu xanh thanh bình trên nền trời Tổ quốc độc lập nhưng con tim ta vẫn nhói đau vì một sự thật đau lòng. Một từ “nhói” của nhà thơ nói hộ ta nỗi đau đớn, nỗi đau vượt lên mọi lý lẽ, mọi lập luận lí trí. Bác như trời xanh, Bác là mãi mãi, Bác vẫn sống trong tâm tưởng mỗi chúng ta, Bác mãi hiện diện trên mỗi phần đất, mỗi thành quả, mỗi phần tử tạo nên đất nước này. Nhưng mà Bác mất thật rồi, ta không còn có Bác trong cuộc đời thường này. Mất Bác, cái thiếu vắng ấy liệu có thể nào bù đắp được? Tổ quốc ta đã thật sự không còn Bác dõi theo từng bước chân, không còn được Bác nâng đỡ mỗi khi vấp ngã. Bác ra đi, nỗi đau ấy liệu có từ ngữ nào diễn tả hết? Cả đàn con Việt Nam luôn tiếc thương Bác, luôn nhớ về Bác như một cái gì đó thật vĩ đại, không thể xoá nhoà. Dù Bác ra đi thật sự rồi nhưng những điều Bác đã làm vẫn sẽ đọng lại trong tâm hồn, hình ảnh Bác vẫn tồn tại trường kỳ trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

    Cuối cùng dẫu thương tiếc Bác đến mấy, cũng đến lúc phải rời lăng Bác để ra về. Khổ thơ cuối như một lời từ biệt đầy xúc động:

    “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”

    Ngày mai phải rời xa Bác rồi. Một tiếng “thương của miền Nam” lại vang lên, gợi về miền đất xa xôi của Tổ quốc, một nơi từng có vị trí sâu sắc trong trái tim người. Một tiếng “thương” ấy là yêu, là biết ơn, là kính trọng cuộc đời cao thượng, vĩ đại của Người. Đó là tiếng thương của nỗi đau xót khi mất Bác. Thương Bác lắm, nước mắt trào ra, thật đúng là tình thương của người Việt Nam, vô bờ bến và rất thật.

    “Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

    Cùng với nỗi niềm yêu thương vô hạn, tác giả nói lên muôn vàn lời tự nguyện. Điệp ngữ “muốn làm” khẳng định mạnh mẽ những ước nguyện ấy. Ước chi ta có thể biến hình thành những gì thân yêu quanh nơi Bác ngủ để mãi mãi được chiêm ngưỡng Bác, cuộc đời và tâm hồn của Bác, để bày tỏ lòng ta với Bác. Một con chim nhỏ góp tiếng hót làm vui những bình minh của Bác, một đóa hoa góp mùi hương làm thơm không gian quanh Bác hay một cây tre trong hàng tre xanh xanh Việt Nam tỏa bóng mát dịu dàng quê hương của Bác, tất cả đều làm Bác vui và ngủ an giấc hơn. Đây cũng chính là nguyện ước chân thành, sâu sắc của hàng triệu con tim người Việt sau một lần ra thăm lăng Bác. Bác ơi! Bác hãy ngủ lại bình yên nhé, chúng cháu về miền Nam tiếp tục xây dựng Tổ quốc từ nền móng Bác đã tạo ra đây! Câu thơ trầm xuống để kết thúc, ngừng lặng hoàn toàn…

    Về nghệ thuật, bài thơ Viếng lăng Bác có nhiều điểm nghệ thuật rất đặc sắc, giúp biểu hiện thành công thêm về những giá trị nội dung. Bài thơ viết theo thể tám chữ, trong đó có xen một vài câu bảy và chín chữ. Nhiều hình ảnh trong bài thơ lấy từ ngoài đời thực đã được ẩn dụ, trở thành một cách thể hiện cảm xúc thành kính của tác giả. Nhịp thơ của bài linh hoạt, lúc nhanh là biểu hiện cho ước nguyện đền đáp công ơn Bác, lúc chậm là lúc thể hiện lòng thành kính với Bác. Giọng điệu của bài trang trọng, tha thiết, ngôn ngữ thơ bình dị mà cô đúc.

    Bằng những từ ngữ, lời lẽ chân thành, giàu cảm xúc, nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ được niềm xúc động cùng lòng biết ơn sâu sắc đến Bác trong một dịp ra miền Bắc viếng lăng Bác. Bài thơ như một tiếng nói chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, biểu lộ niềm đau xót khi thấy Bác kính yêu ra đi. Qua bài thơ, tôi cảm thấy rằng đất nước ta có hoà bình như ngày hôm nay một phần lớn là nhờ công lao của Bác, như vậy chúng ta cần phải biết xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

    Trả lời
  2.    Có thể thấy rằng con người luôn là nơi bắt đầu cũng là nơi đi đến của văn học. Trong bối cảnh nghệ thuật khác nhau, sẽ đưa người đọc đến những thể nghiệm không giống nhau. Trong tác phẩm ” Viếng lăng Bác ” của nhà thơ Viễn Phương đã dùng chính ngòi bút của mình để tạo lên những vần thơ hay leo động mãi trong tâm hồn chúng ta. Trong bài thơ ấy, gồm có tất cả `4` khổ thơ, khổ nào cũng hay cũng đẹp trong đó đặc sắc nhất là `2` khổ thơ cuối cùng đã thể hiện cảm xúc thành kính, tự hào ngưỡng mộ biết ơn trước những công lao vĩ đại của Bác dành cho dân tộc trước thềm lăng viếng và nghẹn ngào, đau xót của nhà thơ khi vào trong lăng được ở bên thế giới của Người ngắm nhìn di hài của Bác.

                                               ” Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

                                                   Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền ” 

       Cảm nhận đầu tiên của nhà thơ khi đã vào trong lăng là hình ảnh; ” Bác nằm trong giấc ngủ bình yên “. Có thể nói không gian và thời gian trong lăng như ngưng đọng trước một hình ảnh có tính vĩnh hằng. Thêm một lần nữa nhà thơ lại cố giấu tiếng nấc nghẹn ngào khi sử dụng nghệ thuật nói giảm, nói tránh qua cụm từ ” giấc ngủ bình yên “. Trong cảm nhận của nhà thơ Bác vẫn còn đó và Người mới chỉ vừa ngả lưng, chợp mắt nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt mỏi thôi mà. Cách nói tránh đó vừa để giảm nhẹ đi nỗi đau xót, xúc động đang dâng trào dâng trong lòng nhà thơ khi nhìn thấy di hài của Bác, vừa là để ngợi ca sự ra đi nhẹ nhàng và thanh thản của Người.

       Đến câu thơ thứ hai thể hiện cảm nhận của nhà thơ về không gian nơi Bác yên nghỉ qua hình ảnh ” Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền “. Trong không gian tĩnh lặng trang nghiêm, trong dòng cảm xúc trào dâng, hình ảnh vầng trăng bỗng hiện về trong tâm tưởng của nhà thơ. Đây là một hình ảnh ẩn dụ rất giàu ý nghĩa. Bởi sinh thời Bác là người yêu trăng, yêu thiên nhiên. Trăng là người bạn gần gũi, gắn bó tâm giao tri kỉ của Bác trên mọi nẻo đường và Bác cũng đã có những vần thơ tuyệt bút về trăng:

                                                 ” Tiếng suối trong như tiếng hát xa

                                                    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa “

                                                                ( Cảnh khuya )

    Hay:

                                                      ” Rằm xuân lồng lộng trăng soi

                                                Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân “

                                                             ( Rằm tháng Giêng )

        Vì thế từ ánh sáng rất dịu nhẹ, trong trẻo của ánh đèn Nê ông trong lăng nhà thơ liên tưởng ánh sáng ấy giống như ánh sáng của vầng trăng dịu hiền. Hình ảnh ẩn dụ này còn gợi cho ta liên tưởng đến tâm hồn thanh cao và trong sáng rộng mở giản dị của Bác Hồ đó chính là nhân cách của Người. Hình ảnh ẩn dụ này còn gợi cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp của đất nước thanh bình, thành quả cách mạng mà Bác đã mang lại cho dân tộc Việt Nam.

                                                   ” Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

                                                    Mà sao nghe nhói ở trong tim “

       Từ hình ảnh vầng trăng nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh trời xanh khi nghĩ về Bác. Từ láy mãi mãi và hình ảnh trời xanh cũng là một ẩn dụ đẹp có ý nghĩa sâu xa. Viễn Phương đã lấy hình ảnh thiên nhiên mênh mông đẹp đẽ vĩnh hằng để so sánh với Bác qua đó ngợi ca lối sống thanh cao đẹp đẽ của Người và khẳng định Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước như trời xanh kia còn mãi với thời gian. Như nahf thơ Tố Hữu cũng đã từng viết: ” Bác sống như trời đất của ta “. Người đã hoá thành thiên nhiên đất nước. 

        Dù vẫn tin như thế nhưng con tim nhà thơ vẫn thấy nhói đau khi lí trí nhắc nhở rằng Bác không còn nữa, Bác đã mất thật rồi, một sự thật không thể phủ nhận. Ta không còn thấy Bác trong cuộc sống thường ngày, Tổ quốc ta không còn được Bác nâng đỡ mỗi khi vấp ngã. Câu thơ tiếp theo đã thể hiện trực tiếp nỗi đau xót ấy của nhà thơ:

                                                 ” Mà sao nghe nhói ở trong tim “

        Sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn không có gì bù đắp nổi. Nỗi đau quá lớn ấy đã vượt lên mọi lập luận của lý trí. Hai câu thơ với cặp quan hệ từ ” vẫn biết – mà sao ” đã cho thấy sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và tình cảm của nhà thơ. Vẫn biết rằng Bác trường tồn cùng non sông đất nước song không thể không đau xót vì sự ra đi vĩnh viễn của Người: ” Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm “. Đặc biệt động từ ” nhói ” diễn tả một cách trực tiếp nỗi đau quặn thắt trong lòng và tâm trạng xót xa thương tiếc đến nghẹn ngào không thể kìm nén của tác giả khi ở bên di hài của người cha tôn kính. Cảm xúc này là đỉnh điểm của nỗi nhớ của niềm đau xót của nhà thơ, của nhân dân ta khi Bác không còn nữa. Nỗi đau xót này làm cho tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân trở nên ruột rà xót xa. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến những khát vọng của nhà thơ ở khổ cuối cùng. 

                                         ” Mai về miền Nam thương trào nước mắt “

       Cuối cùng dẫu thương tiếc Bác đến bao nhiêu, cũng đến lúc nhà thơ phải rời lăng để trở về miền Nam,… phải xa Bác phải chia tay với thế giới của Bác. Khoảng cách thời gian rời xa còn rất ngắn đó là ” mai về “, không gian trở về thì nghìn trùng xã cách: tận ” miền Nam “. Nghĩ đến điều ấy, nỗi niềm thương xót bỗng trào lên trong lòng nhà thơ đến rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt của tình thương nỗi nhớ, của lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Không phải là ” rưng rưng “, rơm rớm mà là ” trào nước mắt “. Từ ” trào ” đã diễn tả sự vỡ oà của một cảm xúc mãnh liệt bị dồn lén. Câu thơ không có biện pháp nghệ thuật nào nhưng vẫn làm xúc động lòng người bởi sự chân thành trong cảm xúc. Cụm từ ” thường trào nước mắt ” thể hiện niềm cảm xúc thương nhớ pha lẫn nỗi xót đau bị kìm nén trong lòng giờ vỡ oà không thể dừng lại, không thể kiềm chế khi phải đối mặt với giây phút chia li cận kề. Đó cũng chính là nỗi lòng bịn rịn lưu luyến của nhà thơ khi sắp phải rời lăng.

                                           ” Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

                                              Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

                                              Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này “

           Nhà thơ muốn hoá thân thành con chim cất lên tiếng hót say mê làm vui không gian lăng Bác, ca ngợi công lao của người cha muôn vàn kính yêu; làm đoá hoa đem hương sắc điểm tô cho khu vườn quanh lăng Bác. Đặc biệt là ước nguyện muốn làm một cây tre trung hiếu trong muôn ngàn cây tre trong lăng Bác canh giữ giấc ngủ thiên thu cho người. Điều đó có nghĩa là nhà thơ muốn được hoá thân thành những hình ảnh đẹp nhất của cảnh vật bên lăng Bác để được mãi mãi bên Bác, chiêm ngưỡng Bác và bày tỏ lòng biết ơn với Bác. Đó là ước nguyện để lại một thanh âm, một làn hương và xúc động biết bao khi nhà thơ nguyện là một người con trung hiếu mãi mãi đi theo con đường Bác đã lựa chọn. Hình ảnh ” Cây tre trung hiếu ” còn là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng thành kính, sự trung thành vô hạn đối với Bác, nguyện mãi đi theo con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn. Nhất là đặt trong hoàn cảnh đất nước ta lúc bấy giờ, câu thơ khẳng định tấm lòng chung thuỷ, sắt son với Đảng, với Bác Hồ của đồng bào miền Nam. Hình ảnh ” cây tre ” được nhắc ở khổ đầu được lặp lại trong khổ thơ cuối này tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài thơ, góp phần hoàn thiện vẻ đẹp của cây tre Việt Nam – biểu tượng trọn vẹn của con người Việt Nam, đồng thời tô đậm hơn ước nguyện cao đẹp của nhà thơ. Ước nguyện đó cũng chính là ước nguyện chung chân thành sâu sắc của hàng triệu trái tim người Việt khi vào lăng viếng Bác. Điệp ngữ ” muốn làm ” được nhắc lại nhiều lần như để khẳng định đó là những ước nguyện đẹp đẽ chân thành, tha thiết cháy bỏng, sôi nổi và mạnh mẽ của nhà thơ muốn làm vui, làm đẹp hơn thế giới của người cha. Bình dị, khiêm nhường, không ồn ào khoa trương, ước nguyện của nhà thơ cũng là ước nguyện của chúng ta: Ai cũng muốn ở bên Bác, muốn làm điều gì đó dẫu là nhỏ bé cho Bác được vui lòng. 

        Có thể nói làm nên thành công cho `2` khổ thơ trên phải kể đến những đặc sắc về nghệ thuật với thể thơ `8` chữ xen lẫn những dòng thơ `7` hoặc `9` chữ, giọng điệu trang nghiêm thành kính, xúc động thiết tha, với những hình ảnh ẩn dụ đẹp như hình ảnh ” con chim, bông hoa, cây tre ” kết hợp với các biện pháp tu từ khác như điệp ngữ, ẩn dụ và từ ngữ giàu tính biểu cảm. Bao trùm toàn khổ thơ là cảm xúc nghẹn ngào, thương nhớ Bác khôn nguôi và ước nguyện muốn được mãi mãi bên Bác của nhà thơ. Đó cũng là cảm xúc của nhân dân Việt Nam khi đến thăm lăng Bác.

         Nhiều thập kỉ trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện trong không khí vươn lên của đất nước, của dân tộc, sẽ còn tìm thấy nhiều tầng lớp ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong tác phẩm ” Viếng lăng Bác ” của nhà thơ Viễn Phương. Thông qua những khổ thơ hay và đặc sắc, tác giả Viễn Phương đã đặt ra những vấn đề tư tưởng thật đậm chất nhân văn, không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà còn ý nghĩa với muôn đời về sau. Và ngay hôm nay, được sống trong yên vui hoà bình, thế hệ trẻ chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn trời biển của Bác và ra sức học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp như Bác đã từng mong ước.

        

    Trả lời

Viết một bình luận