Tóm tắt ngắn gọn chất tình và chất thép trong tập thơ nhật kí trong tù

By Savannah

Tóm tắt ngắn gọn chất tình và chất thép trong tập thơ nhật kí trong tù

0 bình luận về “Tóm tắt ngắn gọn chất tình và chất thép trong tập thơ nhật kí trong tù”

  1. Trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh có một tuyên ngôn nghệ thuật được ghi lại bằng bài thơ tứ tuyệt:

    “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
    Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
    Nay ở trong thơ nên có thép,
    Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”

    (Cảm tưỏng đọc “Thiên gia thi”)

    Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã bàn về quan điểm nghệ thuật mới mẻ, hiện đại và cách mạng đó của Hồ Chí Minh. Sau đây là ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh: “Khi Bác nói trong thơ có thép ta cũng cần tìm hiếu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải có nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép”.

    Hoài Thanh đặt vấn đề tìm hiểu thế nào là “thép” trong thơ Bác là cần thiết vì đây là quan điểm vãn nghệ cách mạng của Bác.

    Theo Bác thì thơ xưa thiên về miêu tả cảnh thiên nhiên, biểu hiện tình yêu đối với thiên nhiên:

    “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
    Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;”

    Người quan niệm thơ ngày nay trước hết phải có chất cách mạng, có tính chiến đấu thể hiện tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.

    “Nay ở trong thơ nên có thép”

    “Chữ thép chỉ xuất hiện một lần trong tập thơ nhưng trong “Nhật kí trong tù” bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép”. Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) đã nhận định như vậy. Ông Trường Chinh cũng nói trong thơ Hồ Chủ tịch mỗi câu mỗi chữ đều mang chất “thép”, đều toát ra tư tưởng và tình cảm của một chiến sĩ vĩ đại. Trong “Nhật kí trong tù” một mặt ta thấy có những bài trực tiếp nói đến cách mạng và thể hiện tinh thần cách mạng:

    “Thân thể ở trong lao
    Tinh thần ở ngoài lao
    Muốn nên sự nghiệp lớn
    Tinh thần càng phải cao.”

    (Bài thơ đề từ tập Nhật kí)

    Hay là:

    “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi
    Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền
    Xót mình giam hãm trong tù ngục
    Chưa được xông ra giữa trận tiền. ”

    (Việt Nam có biến động)

    Có thể kể thêm một số bài nữa như “Nghe tiếng giã gạo”, “Tự khuyên mình”, “Học đánh cờ” đã trực tiếp nói đến tinh thần cách mạng, đã ‘lên giọng thép”.

    Mặt khác, có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện “thép”, lên giọng “thép”, mới có tinh thần “thép”.

    Trong tập thơ có nhiều bài thơ không hề nói đến cách mạng, tinh thần chiến đấu. Có nhiều bài thơ chỉ ghi lại sinh hoạt trong tù như “Nhà lao Nam Ninh”, “Tiền đèn”, “Tù cờ bạc”, “Cháu bé trong nhà lao Tân Dương”, “Lính ngục đánh mất chiếc gậy”, “Chiếc chăn giấy của người bạn tù”…

    Có nhiều bài thơ thể hiện xúc cảm của nhà thơ trước hiện thực trong và ngoài nhà tù. Nhân vật trữ tình ở đây là một thi sĩ nhạy cảm với những cảnh ngộ trớ trêu trong tù, với vẻ đẹp thiên nhiên trên đường giải tù như “Đi đường”, “Chiều tối”, “Giải đi sớm”, “Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh”, “Hoàng hôn”, “Nắng sớm”…

    Có nhiều bài thể hiện tinh thần trào lộng, cười cợt với đau khổ của Bác như: “Pha trò”, “Đi Nam Ninh”, “Hụt chân ngã”, “Ghẻ”, “Báo động”, “Dây trói”, “Đáp xe lửa đi Lai Tân”. Những bài thơ ấy rõ ràng là không “nói chuyện thép”, không “lên giọng thép” nhưng lại có “tinh thần thép”, tinh thần kiên cường bất khuất của một chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc.

    Xin dẫn ra đây một bài thơ trong tập “Nhật kí trong tù” của Bác không “nói chuyện thép” không “lên giọng thép” mà có “tinh thần thép”:

    “Trong tù không rượu cũng không hoa,
    Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
    Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
    Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

    Bài thơ không nói gì đến thép, chỉ nói đến rượu và hoa, chỉ có hai nhân vật là nhà thơ (thi gia) và trăng (nguyệt). Giọng điệu lại trữ tình, tha thiết. Trước trăng sáng, Bác muốn có rượu và hoa để thưởng trăng. Đó là cái thú của các thi nhân xưa nay. Lí Bạch đã từng “nâng cốc mời trăng sáng” (cử bôi yêu minh nguyệt). Nguyễn Khuyên đã từng say dưới trăng thu “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Bác cũng là thi gia, sao không được tự do mà thưởng nguyệt?

    Tất nhiên trong cái nhà tù “rệp bò lổm ngổm như xe cóc, muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay”, ấy thì nói gì đến “rượu” và “hoa”.
    Vì thiếu những điều kiện thưởng trăng cho xứng với trăng nên Bác hơi bốì rối. Vì vậy khó có thể dịch được cái tâm trạng bối rối thoảng qua trong mấy chữ “nại nhược hà”. Một chút băn khoăn bối rối rất thi sĩ. Nhưng rồi Người lại làm chủ được tình thế. Thôi thì thưởng trăng với tất cả tấm lòng yêu mến và ngưỡng mộ vậy:

    “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
    Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

    Tôi tưởng tượng thấy nhà tù bấy giờ tối mịt, vài tia trăng lọt vào khe cửa sắt, Bác hướng về phía khe cửa ngắm trăng, mà Bác đã tiều tụy đi rất nhiều. Cái cảnh một cụ già răng rụng, tóc bạc, chân bị cùm ngồi ngắm trăng qua khe cửa tù, chao ôi, thơ Bác có thể làm kinh động lòng người là ở cái sự thật này đây.

    Trong hoàn cảnh ấy mà vẫn có được cảm hứng thơ, vẫn giữ được tư thế ung dung thì người làm thơ phải có tinh thần “thép” để vượt lên mọi gian khổ khủng khiếp của nhà tù. Chất thơ ấy, trước hết phải là chất thép. Hình tượng thi sĩ ấy bản chất phải là một chiến sĩ “uy vũ bất năng khuất”.

    Bài thơ tứ tuyệt hai mươi tám chữ không có chữ nào là chữ “thép”, nhưng chữ nào cũng có “thép”. Giọng điệu thơ trữ tình, mượt mà, uyển chuyển mà có “tinh thần thép”, chất thép ấy, “tinh thần thép” ấy đã toát ra từ nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh.

    Trả lời

Viết một bình luận