Sao khi phân tích chủ trương, ý nghĩa của hôik nghị trung ương đảng lần 8. Nguyễn Ái Quốc có vai trò gì trong hội nghị này?

Sao khi phân tích chủ trương, ý nghĩa của hôik nghị trung ương đảng lần 8. Nguyễn Ái Quốc có vai trò gì trong hội nghị này?

0 bình luận về “Sao khi phân tích chủ trương, ý nghĩa của hôik nghị trung ương đảng lần 8. Nguyễn Ái Quốc có vai trò gì trong hội nghị này?”

  1. Sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc bí mật trở về nước. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về đến Cao Bằng rồi nhanh chóng bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại đây.

    Sau một thời gian chuẩn bị, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương do Nguyễn Ái Quốc chủ trì được triệu tập tại Pác Bó (Hà Quảng – Cao Bằng), từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ uỷ Trung Kỳ, Bắc Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.

    Phân tích tình hình thế giới, Hội nghị nhận định: chiến tranh thế giới đang lan rộng, phát xít Đức đang ráo riết chuẩn bị đánh Liên Xô, phát xít Nhật sắp gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Chiến tranh sẽ làm cho các nước đế quốc suy yếu, phong trào cách mạng thế giới sẽ phát triển nhanh chóng, Liên Xô nhất định chiến thắng và cách mạng nhiều nước nhân đó mà thắng lợi. “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công” (1).

    Phân tích tình hình Đông Dương, Hội nghị nhận định: từ khi Nhật nhảy vào xâm chiếm, Pháp đầu hàng Nhật, mọi hoạt động kinh tế ở Đông Dương đều bị chiến tranh hoá, tất cả bộ máy cai trị đều bị phát xít hoá. Chính sách phản động đó của Pháp – Nhật càng làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với chủ nghĩa đế quốc xâm lược thêm sâu sắc. “Các dân tộc Đông Dương hiện nay bị dưới hai tầng áp bức bóc lột của giặc Pháp – Nhật. Ách áp bức ấy quá nặng nề, các dân tộc Đông Dương không thể nào chịu được. Đế quốc Pháp – Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng” (2). Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh biến Đô Lương cuối năm 1940 đầu năm 1941 là hệ quả của ách thống trị tàn bạo đó. Trên cơ sở nhận định tình hình, Hội nghị xác định: “Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp – Nhật”(3). “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc… nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”(4). Như vậy, nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

    Dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc, căn cứ vào đặc điểm Đông Dương, hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc không phải chung trên toàn Đông Dương mà trong phạm vi từng nước, để “làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam)”. Đây là cơ sở cho sự đổi mới hình thức tên gọi Mặt trận dân tộc thống nhất để “có tính dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn”. Để tập hợp được mọi người Việt Nam yêu nước, tranh thủ các lực lượng cách mạng chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là phát xít Nhật-Pháp, hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh; tạm gác khẩu hiệu: “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”; đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo; giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng.

    Phân tích những điều kiện khách quan và chủ quan, hội nghị cho rằng “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”, chủ trương thành lập, phát triển và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và nửa vũ trang; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị nêu rõ: “ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Như vậy, vấn đề khởi nghĩa vũ trang đã có những dự kiến bước đầu trong các Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939); Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940), sự đúc rút kinh nghiệm Xô viết Nghệ – Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Đô Lương đến Hội nghị này được hoàn chỉnh từ những dự đoán xu thế phát triển của tình hình thế giới và trong nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị khẳng định phải xúc tiến ngay công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi. Đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời.

    Hội nghị cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương trong một chiến lược chống kẻ thù chung Pháp – Nhật và tay sai, giành độc lập ở từng dân tộc, coi đó là vấn đề sống còn của ba dân tộc. “Những dân tộc sống ở Đông Dương đều chịu dưới ách thống trị của giặc Pháp – Nhật, cho nên muốn đánh đuổi chúng nó không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia mà đủ, mà phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại” (5). Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, “ta phải thi hành đúng chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương” (6).

    Vấn đề xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng. Hội nghị chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về công vận, nông vận, binh vận…; tăng thêm thành phần vô sản trong Đảng, lấy việc vận động công nhân làm công việc đầu tiên trong tổ chức quần chúng của Đảng, làm cho phong trào công nhân lên cao và tiên phong cho các phong trào khác. Đảng bộ miền Nam, đảng bộ miền Trung phải giúp đỡ việc xây dựng Đảng ở Campuchia, Lào,… nhằm làm cho Đảng có đủ năng lực lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến toàn thắng. Hội nghị công bố một số văn kiện quan trọng như Chương trình Việt Minh, Điều lệ của Nông dân cứu quốc, Điều lệ của du kích cứu quốc, lời kêu gọi nhân dân bản xứ trong tình hình mới, văn kiện về vấn đề Đảng…

    Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, bầu Ban Thường vụ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Chế độ làm việc của Ban Chấp hành Trung ương theo nguyên tắc: nêu cao tinh thần trách nhiệm; đoàn kết, nhất trí; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phê bình và tự phê bình. Ngay sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đuổi đế quốc Nhật-Pháp.

    Rõ ràng, nghị quyết của hội nghị lần thứ 8 đã đánh dấu bước tiến mới trong tư duy cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, phát triển, hoàn chỉnh những chủ trương được đề ra ở Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) và Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) đã phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc như nước ta; có tác dụng quyết định trong việc vận động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

    Sau Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, vấn đề “Nam tiến” được thực hiện khẩn trương. Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ đánh thông hai con đường Cao Bằng – Lạng Sơn và Cao Bằng – Bắc Cạn – Thái Nguyên để giữ vững liên lạc với Thường vụ Trung ương Đảng, tạo điều kiện phát triển các cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng.

    Năm 1944, phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển khá mạnh. Trên cơ sở các lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, thực hiện chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trong khi chú trọng xây dựng lực lượng chính trị và quân sự, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước khẳng định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần và động viên các đoàn thể, đảng phái ra sức chuẩn bị để họp Toàn quốc Đại biểu hội nghị. Bức thư của Người có đoạn: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”

    Đúng như nhận định của Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng từ hội nghị Trung ương 8, phát xít Nhật và thực dân Pháp nhất định loại trừ nhau, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Từ ngày 9 đến 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh), ra Bản chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, kẻ thù chính của dân tộc là phát xít Nhật và bọn tay sai; phát động phong trào chống Nhật, cứu nước.

    Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong cả nước. Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng ở Việt Bắc, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng và đề ra “10 chính sách” với mục đích đánh đuổi bọn phát xít và bè lũ tay sai, chăm lo đời sống và mang lại các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Khu giải phóng.

    Lúc này, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức, Ý đã đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Quân Nhật vô cùng hoang mang, dao động; phong trào cách mạng cả nước sôi sục. Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

    Hội nghị Toàn quốc của Đảng (họp từ ngày 13 đến 15/8/1945) ra quyết định Tổng khởi nghĩa. Tiếp theo đó, Quốc dân Đại hội họp ngày 16/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, thể hiện sự đoàn kết toàn dân, đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quy định Quốc kỳ và Quốc ca của nước Việt Nam mới. Từ Quốc dân Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy làm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

    Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào trở về Hà Nội. Người chủ tọa các cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại trong tình hình mới; xác định trước hết, phải sớm ra bản Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân và thế giới về quyền độc lập và tự do của đất nước và dân tộc Việt Nam.

    Như vậy, từ tư tưởng và định hướng của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), Cách mạng Tháng Tám đã thành công, mở ra một trang mới cho dân tộc và lịch sử nước nhà.

    Có thể nói, với sự có mặt và chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1941 đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị đã phân tích sâu sắc mâu thuẫn chủ yếu của xã hội và vạch ra những sách lược cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu chiến lược số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc. Trên cơ sở đó mà có những chủ trương sáng tạo như thành lập mặt trận Việt Minh, xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 đã góp phần bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta.

    Lật giở lại những trang Lịch sử Đảng, chúng ta lại càng thấy rõ tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh. Tinh hoa trí tuệ trong tư tưởng và năng lực lãnh đạo của Người đã giúp cho Đảng ta kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng Việt Nam phát triển phù hợp với quỹ đạo vận động của thời đại, đồng thời có khả năng thâu tóm được những thời cơ, vận hội quý báu để tạo bước ngoặt quyết định thắng lợi của cách mạng. Bài học kinh nghiệm để Đảng ta hôm nay tiếp tục quán triệt và vận dụng chính là phát huy năng lực lãnh đạo, kịp thời điều chỉnh, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược một cách linh hoạt, sáng tạo khi tình hình thay đổi.

    Kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ về nước (28/01/1941 – 28/01/2018), những giá trị to lớn trong tư tưởng của Người và những bài học rút ra từ những năm tháng lịch sử cần được học tập và vận dụng một cách nghiêm túc, sáng tạo vào thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.,.

    Bình luận

Viết một bình luận