So sánh phong trào cách mạng giai đoạn 1936-1939 với giai đoạn 1939-1945 thấy được tình hình thế giới và trong nước có gì thay đổi?
So sánh phong trào cách mạng giai đoạn 1936-1939 với giai đoạn 1939-1945 thấy được tình hình thế giới và trong nước có gì thay đổi?
1. Giai đoạn 1936-1939
* Tình hình thế giới:
– Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm cho mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản thêm gay gắt và phong trào cách mạng của quần chúng dâng cao.
– Một số nước đi vào con đường phát xít hoá: dùng bạo lực để đàn áp phong trào đấu tranh trong nước và ráo riết chạy đua vũ trang phát động chiến tranh thế giới mới. Chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức, Ý, Nhật, chúng liên kết với nhau lập ra phe “Trục”, tuyên bố chống Quốc tế Cộng sản và phát động chiến tranh chia lại thế giới. Nguy cơ phát xít và chiến tranh thế giới đe doạ nghiêm trọng nền hoà bình và an ninh quốc tế.
– Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcơva (7-1935) xác định:
+ Kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới chưa phải là chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít.
+ Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, giành chính quyền mà là chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hoà bình và cải thiện đời sống.
+ Đối với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, vấn đề lập Mặt trận thống nhất chống đế quốc có tầm quan trọng đặc biệt.
* Tình hình trong nước:
– Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
– Bọn cầm quyền phản động ở Đông Dương ra sức vơ vét, bóc lột và khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân làm cho bầu không khí chính trị trở nên ngột ngạt, yêu cầu có những cải cách dân chủ.
2. Giai đoạn 1939-1945
* Tình hình thế giới
– Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ: Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, trong đó Pháp là nước tham chiến.
– Chính phủ Pháp thi hành một loạt các biện pháp đàn áp lực lượng dân chủ ở trong nước và phong trào cách mạng thuộc địa.
– Tháng 6-1940, Đức tấn công Pháp và Chính phủ Pháp đã đầu hàng.
– Ngày 22-6-1941, quân phát xít Đức tấn công Liên Xô. Từ khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, tính chất chiến tranh đế quốc chuyển thành cuộc chiến tranh giữa các lực lượng dân chủ do Liên Xô làm trụ cột với các lực lượng phát xít do Đức cầm đầu.
* Tình hình trong nước:
– Ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành chính sách thời chiến rất phản động: thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta, tập trung lực lượng đánh vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
– Thực hiện chính sách “kinh tế chỉ huy” tăng cường vơ vét sức người, sức của phục vụ chiến tranh, bắt lính sang Pháp làm bia đỡ đạn.
– Lợi dụng sự thất thủ của Pháp ở Đông Dương, tháng 9-1940 Nhật Bản cho quân xâm lược Đông Dương, Pháp nhanh chóng đầu hàng và dâng Đông Dương cho Nhật.
– Chịu cảnh “một cổ hai tròng” đời sống của nhân dân Việt Nam lâm vào cảnh ngột ngạt về chính trị, bần cùng về kinh tế. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với Pháp, Nhật và tay sai phản động ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.