Từ những thách thức mà trẻ em đang gặp phải trong VB Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ bà phát triển của trẻ em và thực tế cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay, em thấy mình và các bạn càn phải làm gì để tự bảo vệ, chăm sóc bản thân mình và những trẻ em khác trong xã hội. Trình bày vấn đề trên bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi.
Nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Tuy vậy, qua sự phản ánh của báo chí và qua các kết quả khảo sát, điều tra thì có thể nói hiện nay tình trạng trẻ em thiếu sự quan tâm, bị xúc phạm, xâm hại, trừng phạt, bạo lực, bóc lột… hiện vẫn đang ở mức cao và càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đáng lo lắng là những hiện tượng này diễn ra không chỉ trong môi trường xã hội mà còn ở ngay trong chính gia đình của các em. Nói cách khác, trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được an toàn ngay trong nhà mình, quyền của trẻ em chưa được chính các bậc cha mẹ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Tất nhiên, khi trẻ em bị mất an toàn (cả về thể xác, cả về tinh thần) ngay trong nhà mình thì lỗi trước tiên phải thuộc về cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Có thể kể ra đây một số nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong ý thức của gia đình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thứ nhất, đó là do một số quan niệm mang nặng tư tưởng phong kiến còn khá phổ biến như: coi con cái là “sở hữu” của cha mẹ, cha mẹ yêu cầu gì, ép buộc gì con cái cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến; quan niệm dạy con là việc riêng của từng gia đình, không ai bên ngoài có quyền góp ý hay can thiệp; nhiều gia đình áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt” đối với con; hà khắc với trẻ em gái vì cho rằng “con gái là con người ta”… Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần; ý kiến của các em không được cha mẹ tôn trọng, danh dự bị xúc phạm… Hậu quả là không ít em đã có những hành động dại dột, rất thương tâm; nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội. Nói cách khác là những em này đã bị chính cha mẹ mình đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.