1.tự chọn một trong dân gian đã học hoặc đã đọc để cùng thảo luận: a]chủ đề của truyện là gì? b]nhận xét về bố cục của truyện[ý chính của từng phần] c

1.tự chọn một trong dân gian đã học hoặc đã đọc để cùng thảo luận:
a]chủ đề của truyện là gì?
b]nhận xét về bố cục của truyện[ý chính của từng phần]
c]có thể đặt một tên nào khác cho truyện?so sánh với tên cũ của truyện.
2.đọc các đề văn sau về thuẹc hiện yêu cầu:
[1]một câu chuyện tuổi thơ
[2]hãy kể về một người bạn tốt
[3]ngày sinh nhật của em
[4]người em yêu quý nhất.
a]hãy gạch dưới các từ quan trọng trong mỗi đề.
b]trong các đề trên,đề nào thiên về kể việc ,đề nào thiên về kể người,đề nào thiên về tường thuận?
vì sao em xác định như thế?
c]lập dàn ý cho bài văn tự sự của 1 trong 4 đề trên
làm hết 2 bài nha!

0 bình luận về “1.tự chọn một trong dân gian đã học hoặc đã đọc để cùng thảo luận: a]chủ đề của truyện là gì? b]nhận xét về bố cục của truyện[ý chính của từng phần] c”

  1. Bài 1

    a) Chủ đề:Gióng là con của người nông dân lương thiện: Gióng gần gũi với mọi người; Gióng là người anh hùng của nhân dân.

    b) Bố cục:

    • Từ đầu đến “nằm đấy”: sự ra đời của Gióng.
    • Tiếp đến “những việc chú bé dặn”: Gióng đòi đi đánh giặc.     
    • Tiếp đến “giết giặc cứu nước”: Gióng được nuôi lớn để đánh giặc.     
    • Tiếp đến hết: Gióng đánh thắng giặc và trở về trời.

    c)Có thể đặt tên khác ví dụ:Người anh hùng làng Gióng

    So sánh:Tên trước hay hơn vì nó nói lên được nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn tên mới đặt

    Bài 2

    1.

    Trong mỗi cuộc đời, có biết bao kỉ niệm đẹp về tình cảm gia đình và tình bạn, những kỷ niệm ấy thật thiêng liêng cao đẹp biết bao. Nhưng ấn tượng sâu nặng nhất đối với tôi là những kỷ niệm hồi học ở trường tiểu học.

    Ngôi trường của tôi ở nông thôn nên không có nét đẹp gì đặc biệt. Nhưng nó đã mang lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào khi lần đầu bước vào trường: cô giáo dạy tôi nắn nót từng chữ, đôi tay của cô nắm chặt tay tôi để rèn chữ, bàn tay cô ấm áp làm sao và cô lại còn tập cho chúng tôi múa hát, giọng cô trong trẻo làm sao.

    Thời gian trôi qua mau, kỷ niệm lại càng có nhiều với mái trường này… Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp lúc ra chơi, cùng các bạn chơi đủ các trò, nào là: chơi đuổi bắt, nhảy dây, chơi cầu nhưng ấn tượng sâu nhất đối với tôi đó là trò chơi bịt mắt bắt dê. Hôm ấy vào giờ ra chơi, Lan rủ các bạn trong lớp cùng nhau chơi. Đông quá các bạn phải oẳn tù tì xem ai bắt, cuối cùng là Nam bắt. Lan dùng khăn quàng của mình để bịt mắt Nam lại, các bạn chạy xoay vòng cậu ta, lúc này bạn ấy không thấy gì cả, chỉ tóm bừa nên chúng tôi chạy tán loạn. Bỗng dưng dính một người, Nam sờ từ đầu cho đến tóc và khẳng định là Nga. Nam bỏ khăn ra nhìn, hóa ra đó là bạn lớp khác. Lúc này hai người đều đỏ mặt còn các bạn cùng chơi thì bật cười.

    Bỗng dưng có một tiếng nói to “Cho tôi chơi với!” Đó chính là Thành, người bạn hay đùa nhất của lớp tôi. Bạn ấy từ trong lớp chạy ra và xung phong bắt. Lan dùng khăn bịt mắt Thành lại, các bạn bắt đầu trốn, Thành đứng giữa sân nhìn qua nhìn lại chẳng thấy gì cả, nhưng hình như bạn ấy đang nghe tiếng bước chân của Hiền. Hiền thấy thế liền chạy qua cột cờ và dừng chân lại, đứng né một bên. Thành nhào tới bắt, ai ngờ Thành bắt dính cột cờ, cả lớp cười lăn lộn, Thành cũng ôm mặt cười.

    Tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ vào học, thế là giờ ra chơi đã hết, vào lớp các bạn đều dùng tập, sách để quạt cho mát. Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi dưới mái trường này.

    Tuy bây giờ đã học cấp II nhưng kỷ niệm trong sáng hồn nhiên ấy tôi vẫn nhớ. Nhớ đến để thấy thời tiểu học đẹp đẽ làm sao và đó sẽ là kỷ niệm theo tôi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

    2.

     Tôi và Vân chơi với nhau từ năm lớp ba. Đến tận bây giờ nó vẫn là đứa bạn thân thiết nhất và hiểu tôi hơn bất kì ai.

           Vân là một đứa cao, to lớn hơn tôi rất nhiều. Mạnh mẽ, vui vẻ và sôi động chính là những từ thích hợp nhất để nói về Vân. Trong khi tôi  đứa bạn của nó thì hoàn toàn ngược lại: bé nhỏ, nhút nhát và hơi tự ti. Với tính cách đó nên khi chuyển vào lớp Vân, ban đầu tôi không có bạn. Tôi chỉ lặng lẽ thu mình trong không gian riêng, không trò chuyện, hay nói đúng hơn là không dám bắt chuyện với ai. Chính chiếc bút chì màu Vân cho tôi trong giờ mĩ thuật đã bắt đầu tình bạn của hai đứa. Nhớ lúc đó tôi đang loay hoay không biết làm thế nào để hoàn thiện hình vẽ ông mặt trời trong khi cây bút chì màu đỏ của tôi không cánh mà bay thì một cánh tay đưa ra, trên đó là thứ tôi cần. Bạn có dùng không? Ưu tiên bạn mới tô trước. Dúi bút vào tay tôi, Vân cười hì hì rồi quay lên. Tôi bất ngờ và cảm động. Không hiểu sao lúc đó, trong trí óc ngây thơ của tôi, Vân như thể là một cô tiên vừa ban cho tôi một phép màu. Từ đó, tình bạn giữa hai đứa bắt đầu.

           Trong lớp hai đứa lúc nào cũng như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau. Chúng tôi đến trường cùng nhau, ngồi gần bàn nhau, cùng học bài và cùng nhau vui chơi. Những lúc tôi bị bắt nạt, Vân luôn là “bảo kê” số một của tôi. Âu yếm và hài hước, Vân gọi tôi là Ngố còn tôi gọi nó là Voi con.

           Chơi với nhau lâu nên Vân hiểu tôi lắm. Những lúc tôi buồn nó thường đến bên tôi ngồi lặng lẽ, không nói gì. Bởi nó biết những lúc thế này tôi chỉ muốn một không gian yên tĩnh, tôi sợ cảm giác bị thương hại.

           Bên ngoài trông Vân có vẻ là một đứa nóng tính như Trương Phi nhưng thực ra nó cũng rất tình cảm. Nó thường viết thư trò chuyện, an ủi động viên tôi. Nó như một người chị lớn, luôn muốn dang rộng cánh tay che chở cho đứa em gái bé nhỏ của mình vậy.

           Khi chúng tôi chia tay để sang trường THPT khác nhau, dù rất ghét ngồi tỉ mẩn làm những đồ trang trí thế mà vì tôi, nó chịu ngồi cả tuần trong nhà, quyết gấp bằng được nghìn con hạc tặng tôi. Hôm nó mang đến, mặt tươi như hoa, tay đưa tôi một hộp thuỷ tinh rất to, bên trong là bao nhiêu chú hạc xinh xắn đủ các màu lại còn khuyến mại thêm đôi dây buộc tóc hình xúc xắc rất đáng yêu nữa chứ. Sung sướng và cảm động đến phát khóc, tôi ôm chặt nó, không nói lên lời…

           Bây giờ tuy mỗi đứa một trường, gặp nhau không được nhiều như trước nên chúng tôi hay nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nhờ ảnh hưởng từ nó mà giờ đây tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều, không còn nhút nhát như trước, thậm chí còn rất sôi nổi và hoạt bát. Tôi phải thầm cảm ơn Vân – người bạn yêu quý – đã đánh văng cái tính nhút nhát kinh niên của tôi, giúp tôi hoàn thiện mình hơn. Đối với tôi, Voi con luôn là người bạn mà tôi yêu quý nhất. Không bao giờ tôi muốn đánh mất người bạn người bạn này.

    3.

    Ngày sinh nhật của mình, ai ai cũng muốn được người thân và bạn bè quan tâm, chúc mừng động viên… Bởi vậy, tôi đã rất buồn khi sinh nhật của tôi trùng vào những ngày thi học kì: các bạn bận rộn lắm, chẳng ai đến được đâu. Vậy mà, trong lúc tôi tủi thân nhất, điều tuyệt vời đã xuất hiện.

    Sáng hôm ấy, mẹ đánh thức tôi bằng một nụ hôn thật kêu lên má rồi hỏi tôi xem hôm nay sinh nhật, tôi muốn mẹ mua những thứ gì mời các bạn. Tôi buồn thiu lắc đầu:

    –  Mai chúng con thi học kì rồi… Chắc các bạn chẳng ai đến đâu. Mẹ không cần mua gì hết!

    Mẹ mỉm cười:

    –  Thế sao được con yêu. Mà con cũng không nên buồn. Sinh nhật của mình con phải vui lên chứ! Hơn nữa, còn có bố mẹ và em Hin cơ mà!

    Tôi ôm choàng lấy cổ mẹ:

    –  Vâng, con cảm ơn mẹ! Nhất định con sẽ học và thi thật tốt để mẹ vui!

    Nói là làm. Mẹ đi chợ rồi, tôi lấy sách vở ôn bài. Phải rồi, đâu cứ phải ồn ào náo nhiệt mới là sinh nhật! Chỉ cần những người thân yêu quanh ta là rất hạnh phúc rồi. Nén lại nỗi buồn ban sớm, tôi cặm cụi ôn bài… Cứ thế, một ngày trôi qua, trong đầu tôi chỉ có những bài thơ, phép toán, sự kiện lịch sử,…

    Buổi tối. Trong bữa ăn, cả nhà tôi nói chuyện rất vui vẻ. Mẹ kể ngày mang thai tôi, mẹ đã bị tôi đạp mạnh như thế nào. Bố thì bồi hồi kể ngày tôi sinh, ông đã trồng một cây bưởi, “chính là cây bưởi trước sân nhà ông đó con! Những lần về quê, con còn bé quá nên không ai chỉ cho con”. Nghe bố nói vậy, tôi nghĩ thầm trong đầu rằng lần tới vê quê, tôi sẽ phải quan sát cây buởi ấy thật kĩ mới được! Bé Hin thì trịnh trọng tuyên bố rằng:

    –  Nhân dịp sinh nhật chị Bông, em sẽ rủ bố rửa bát giúp chị!

    Đang bồi hồi suy nghĩ về cây bưởi “của mình”, nghe Hin nói vậy tôi bật cười, bố mẹ cũng lắc đầu cười vang nhìn bé.

    Bữa cơm đã xong, mẹ mang ra bàn một chiếc bánh gatô, giục tôi cắm nến với mẹ. Tự nhiên tôi lại thấy buồn. Nhìn chiếc bánh, tôi nghĩ đến sinh nhật những năm trước, bạn bè cầm tay nhau chạy vòng quanh chiếc bánh ga tô hát bài “Chúc mừng sinh nhật” chờ tôi thổi nến… Còn năm nay… Nhưng không muốn cả nhà buồn, tôi cũng gượng cười thắp nến. Bố tắt điện, bố mẹ và Hin vừa vỗ tay vừa hát “Mừng ngày sinh nhật của Bông! Mừng ngày sinh nhật của Bông…”. Chiếc bánh được cắt, tôi và Hin bày trò chấm bánh kem vào mũi bố mẹ. Cả nhà trêu đùa nhau cười giòn giã. Bất giác, chiếc đồng hồ điểm chuông chín tiếng keng keng. Tôi giật mình nhìn lên. Chà, mọi năm, vào ngày này, cứ khi cái âm thanh ấy vang lên là các bạn lại lục tục xin phép ra về. Năm nay, có lẽ không ai đến thật.

    –  An ơi!

    Tôi giật mình, không tin vào tai mình.

    –  An An ơi! Bảo An ơi! – Âm thanh này vang lên lộn xộn, nhộn nhạo hơn.

    Tim tôi đập thình thịch, tôi đưa mắt nhìn bố mẹ. Bố ngạc nhiên nhìn tôi:

    –  Kìa, các bạn gọi sao con không thưa? Ra mời các bạn vào nhà đi chứ!

    Tôi đứng phắt dậy, chạy ào ra cổng. Các bạn ấy đến thật: Bình, Nhung, Hiền, Huy, Dũng,… Nhìn thấy em, cả nhóm đồng thanh:

    –  Chúc mừng sinh nhật!

    Nhà tôi lại càng ồn ào, vui vẻ hơn. Thì ra, cũng vì bận ôn thi nên các bạn không có nhiều thời gian chuẩn bị (để đi chọn quà), cũng không thống nhất thời gian sớm được với nhau nên người nọ phải đợi người kia hơi lâu. Dầu vậy, cuối cùng mọi người cũng đã đến. Nhưng… Tôi giật mình chợt nghĩ đến khi sáng, tôi đã nói với mẹ là không cần mua thức gì hết. Không lẽ mời các bạn chiếc bánh đang dùng dở. Nhưng kia! Tôi thấy bé Hin lon ton bưng ra một đĩa bánh kẹo, mẹ tôi đi sau mang rất nhiêu hoa quả… Tôi nhìn mẹ đầy biết ơn, còn mẹ chỉ mỉm cười.

    Chúng em đã nói chuyện, cười đùa rất vui vẻ. Tuy các bạn không ngồi chơi lâu như những năm truớc được. Chủ đề chính là học thi như thế nào, đã ôn hết chưa, khúc khích tự khen nhau là học giỏi, thông minh, sáng dạ!

    Các bạn đã về hết, bố mẹ và em Hin giúp tôi dọn dẹp. Cả nhà ưu tiên để em đi nghỉ trước “lấy sức mai đi thi con ạ” nhưng em vẫn muốn ở lại cùng làm với mọi người. Khi hai mẹ con đứng rửa đĩa, em khẽ thì thầm ngượng ngịu vào tai mẹ: “Con cảm ơn mẹ nhé!”. Mẹ khẽ lườm yêu tôi: “Cha bố cô! Lại đi cảm ơn mẹ bao giờ! May mà tôi không nghe cô đấy!”. Tôi chỉ còn biết nũng nịu: “Mẹ…”

    Ngày sinh nhật của tôi đã diễn ra đầy buồn, vui như thế. Ngày đặc biệt ấy đã cho tôi những bài học thấm thía và cảm động về tình bạn, tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử.

    4.

    Mỗi người chúng ta sinh ra đều có một người mẹ. Đó là người mang nặng đẻ đau, chăm lo và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành. Mẹ của em cũng như bao người mẹ khác, đều rất yêu thương con cái. Em rất yêu mẹ của em.

    Mẹ năm nay đã gần 45 tuổi, mái đầu mẹ đã bắt đầu có những sợi tóc màu bạc. Mỗi lần ngồi cạnh mẹ, mẹ lại bảo nhổ cho mẹ những sợi tóc đó. Người ta bảo với em rằng đó là dấu hiệu của tuổi già. Mà em thì không muốn mẹ già đi chút nào.

    Gương mặt mẹ tròn, làn da bị sạm vì rám năng. Suốt ngày mẹ em làm việc đồng áng từ sáng đến tối nên mẹ không trắng như nhiều người khác. Nhưng em vẫn thích sờ vào má mẹ khi nằm ngủ. Vì em nhận ra sự nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Đôi mắt của mẹ em hiền lắm, mẹ cười mà mắt cũng biết cười.

    Mẹ chăm sóc cho hai chị em rất cẩn thận, mỗi sáng mẹ đều chuẩn bị cơm canh rất ngon cho em và ba ăn. Mẹ bảo bữa sáng quan trọng nhất nên không được bỏ bữa. Khi chúng em đến trường, mẹ còn không quên chuẩn bị khẩu trang cũng như nước uống bỏ vào túi. Mẹ luôn là người phụ nữ chu đáo như vậy.

    Mỗi khi chị em em đi học, mẹ ở nhà dọn dẹp rất ngăn nắp, vừa làm việc đồng vừa làm việc nhà nhưng chưa bao giờ mẹ than mệt mỏi. Mẹ bảo là người mẹ, người vợ thì cần phải đảm đang mới được nhiều người yêu quý.

    Mẹ thường hay tết tóc cho em mỗi khi em đến trường. Mẹ bảo rằng phải gọn gàng, sạch sẽ thì mới có thể học hành giỏi giang được. Mỗi khi chúng em bị ốm nét mặt mẹ lo lắng chạy vạy khắp nơi để mua thuốc, nấu cháo cho hai chị em. Nhìn mẹ lúc ấy mà em thương quá, chỉ muốn mình nhanh khỏi để mẹ đỡ vất vả.

    Cuối tuần mẹ hay dẫn hai chị em đến thăm ông bà nội. Mẹ dọn dẹp, nấu cơm tươm tất cho cả nhà cùng ăn. Bà nội yêu quý mẹ lắm, vì mẹ vừa hiền vừa đảm đang. Hàng xóm xung quanh em cũng rất yêu quý mẹ, vì mẹ hay giúp đỡ người khác.

    Mẹ em là một người phụ nữ tuyệt vời. Em rất yêu quý mẹ và mong mẹ luôn khỏe mạnh để sống mãi với em.

    Bình luận

Viết một bình luận