cảm nhận của anh/chị về nhận vật ông Hai trong cảnh ngộ nghe tin làng Dầu theo giặc đến khi tin được cải chính trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân
cảm nhận của anh/chị về nhận vật ông Hai trong cảnh ngộ nghe tin làng Dầu theo giặc đến khi tin được cải chính trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân
Biến cố đã xảy ra, một tình huống trớ trêu đã đến.Khi tâm trạng đang phân khởi, vui mừng vì những tin tức kháng chiến nghe được, ông Hai gặp những người tản cư từ dưới xuôi lên và nghe được cái tin làng Chợ Dầu của ông theo Tây từ một người đàn bà tản cư, ông ngay trước cái mặt đang vênh lên, lắp bắp: “Thế ta giết được bao nhiêu thằng?”.Và rồi, nét mặt phấn khích trong lòng ông dường như đã tan biến, “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân.Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được.” Ông lão bàng hoàng và sững sờ vô cùng, dường như có một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt trái tim ông.Ông không thể tiếp nhận được, ông cứ hỏi đi, hỏi lại như thể ông đang cô ngoi lên tìm chút hi vọng, mong cái tin dữ kia chỉ là do miệng đời đàm tiếu, giọng ông như lạc đi: “Liệu có thật không hở bác. Hay là chỉ lại…”. Đối diện với lời khẳng định của người đàn bà đi tản cư rằng làng ông “Việt gian từ thằng chủ tịch…Thằng Chánh Bệu..”thì khó mà bác bỏ được.Câu hỏi “Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?” như giáng một đòn mạnh vào tâm hồn gần như tê dại của ông, bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu niềm tự hào về ngôi làng mà ông luôn khoe khoang với mọi người bỗng chốc sụp đổ.Ông cảm thấy xấu hổ vô cùng nhưng để che giấu tâm trạng, cúi gằm mặt, thốt lên: “Hà, nắng gớm, về nào.”Lời độc thoại ấy đau lòng đến xót xa, nó dường như là cái cớ để ông rời khỏi nơi này, như một sự trốn chạy khỏi sự thật tàn nhẫn.Ông đau lắm, đến nỗi chẳng dám nhận mình là người làng Chợ Dầu dù ông rất tin tưởng ở những người đồng hương kháng chiến.
Ông Hai cố gắng chạy trốn, cố gắng lảng tránh nhưng cũng chẳng được vì trong tâm tưởng ông luôn có làng.Chính vì thế mà những lời nói của đám người tản cư lúc nãy cứ dõi theo ông về tận nhà.Ông sụp đổ thật rồi, trái tim ông như vỡ tan thành từng mảnh, cõi lòng ông lão giờ đây chỉ còn lại nỗi chua xót, ô nhục và tủi thân.Ông càng nghĩ càng giàn giụa nước mắt.Ông đang nghĩ cho những đứa trẻ “làng Việt gian” rồi đây sẽ bị hắt hủi hay ông đang nghĩ cho chính bản thân mình?Biết bao câu hỏi như đang giằng xé tâm trí ông, nhìn lũ con, “nước mắt ông lão cứ giàn ra” :”Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ?Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”Ông đã trung thành với cách mạng vậy mà giờ đây phải mang danh bán nước.Ông đau đớn khôn cùng khi nghĩ về những người anh em yêu nước của mình.Liệu họ có thể bán rẻ Tổ quốc?Cuộc mâu thuẫn trong lí trí và tình cảm trong ông ngày càng mãnh liệt.Nhưng những bằng chứng cụ thể kia đã nói lên tất cả.Ông căm phẫn lũ tội đồ theo giặc, tất cả như dồn nén trong từng câu chữ: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.Mang niềm hoài nghi, ông kiểm điểm lại từng người anh em đã cùng nhau đồng cam cộng khổ thuở trước, từng người con của làng Chợ Dầu. Trong tâm trí của ông, họ đều là những người sung sức, tràn đầy tinh thần yêu nước nồng nàn.Một mặt ông đang cô bảo vệ, mặt khác ông lên án để rồi tạo thành cuộc xung đột nội tâm ghê gớm.Nhục nhã quá!Ghê tởm thay cái giống Việt gian-quân bán nước.Song, ông cũng đâu chỉ đau cho mình, đau cho làng mà ông còn đau cho những người đồng hương cùng cảnh ngộ:”Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cớ sự này chưa?”.
Trong khung cảnh đau khổ ấy, bà Hai xuất hiện.Bà cũng đã nghe tin, cũng rất lo lắng.Khi nhắc đến tin đồn bà chỉ khiến cho một người im lặng vì “đau” phải cáu gắt.Cũng phải hiểu cho ông Hai, khi một người đang đau sẽ khó có thể thông cảm được cho nỗi đau của người khác.Ông không muốn nghe ai nhắc đến chuyện tồi tệ đó, không muốn ai sát muối vào vết thương trong lòng ông.Khoảnh khắc ấy, không khí trong nhà chật chội giờ trở nên khó thở hơn bao giờ hết.Đêm ấy, ông không sao ngủ được, nỗi lo ấy hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác khiến “chân tay nhủn ra, tưởng chừng như không cất lên được” hay “trống ngực ông lão đập thình thịch”.Bởi dân ta từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi đều ghét cay ghét đắng, ghê tởm và thù hằn bọn Việt gian bán nước nên ông càng lo sợ mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi, dồn gia đình ông vào thế cùng cưc, tuyệt đường đất sinh nhai.
Nỗi ám ảnh nặng nề, cảm giác đau xót, nhục nhã đã biến thành nỗi sợ hãi thường trực trong ông Hai kể từ lúc nghe được tin dữ ấy.Ông tự dày vò mình trong căn nhà nhỏ bốn ngày liền.Ông cảm thấy như mình cũng là kẻ có tội, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trong nỗi ám ảnh,đau đớn, tủi nhục ê chề.Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, “không bước chân ra đến ngoài”.Khi ai đó thoáng nhắc đến những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông…là ông “lủi ra một góc nhà, nín thít. Ông chỉ nghe ngóng xem người ta bàn chuyện đó ra sao và gọi chuyện phản bội tồi tệ đó là “chuyện ấy”.Chính ông chẳng dám và cũng chẳng đủ kiên cường để nhìn thẳng vào thực tế đầy phũ phàng và đau đớn. Đối với một lão nông dân chất phác, hiền lành, luôn tự hào và yêu làng tha thiết như ông thì cái tin làng theo giặc quả là nỗi uất ức lớn , nhục nhã tột cùng. Với ông Hai, làng không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là một thứ gì đó lớn lao hơn, là lòng tự tôn, là danh dự.Ông và cái làng ấy đã trở thành máu thịt, ông và làng là một, danh dự của làng cũng là danh dự của ông.
Nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, mụ chủ đánh tiếng đuổi gia đình ông đi, ông sa vào bế tắc.Trước mắt ông lão chỉ có hai con đường.Ông đã thoáng nghĩ đến “Hay là quay về làng?”.Vừa chớm nghĩ thôi là ông đã gạt phắt đi ngay.Là một người như ông, há ông chịu quay về cái chốn nhục nhã đó nữa, quay về chẳng phải là cùng hàng với bọn Việt gian sao?Thuở trước, làng Chợ Dầu của ông giàu có, đáng tự hào lắm.Nhưng giờ đây chỉ nghĩ đến làng là lòng ông lại đau nhói từng hồi.Mới hôm nào về làng là khao khát, là mong ước cháy bỏng của ông thế mà bây giờ ông gạt phắt và phải dập tắt ngay cái ý nghĩ ấy.Làng ông đã theo Tây và “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ.”Ông đã khổ tâm quá rồi.Chọn làng hay chọn kháng chiến?Tận sâu trong cõi lòng ông luôn rạo rực tình yêu quê hương đất nước, một lòng đi theo kháng chiến.Ông khổ tâm đến mức phải đau đớn thốt ra: “ Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!”Trước lựa chọn khó khăn ấy, tình yêu Tổ quốc của ông mạnh mẽ, cao đẹp và lớn lao hơn cả, nó vượt qua, bao trùm tình cảm làng quê.
Mâu thuẫn nội tâm đã được đẩy lên đỉnh điểm.Ông sa vào bế tắc.Ông đã nén, nén cái đau khổ quá nhiều rồi.Ông Hai chỉ còn biết thả trôi nỗi lòng của mình qua những lời thủ thỉ, tâm sự cùng đứa con út. Chỉ khi tâm sự cùng con ông mới dám trải hết thảy cái tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn như những cơn sóng đang ngày đêm âm ỉ trong lòng. Ông hỏi con về làng, để thỏa nỗi nhớ làng, để khắc sâu tình cảm cội nguồn nơi con. Ông muốn con ghi nhớ “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” cũng như muốn chính mình không được quên Chợ Dầu là quê hương.Ông đưa đứa con thơ một tình yêu làng Chợ Dầu tha thiết, hình ảnh làng vẫn đau đáu trong tâm khảm ông.Ông còn hỏi con về Cụ Hồ để khẳng định tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với Cụ Hồ.Và hơn hết, ông đã gạt bỏ cái riêng mà hòa vào cái chung của kháng chiến.Gánh nặng trong ông đã vơi đôi phần.Ông muốn truyền cho con, cho cả các thế hệ sau một tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc nhất trong ông đó là tình yêu làng, yêu quê hương và lòng yêu nước, một lòng theo kháng chiến, theo Cụ Hồ.Ông nói với con cũng như đang nói với chính mình, ông nói để vơi bớt nỗi buồn, minh oan cho tấm lòng trong sạch của mình.Hình như, đến giây phút ấy từ trong tấn bi kịch đó lại sáng ngời lên một tình cảm cao đẹp đó là tinh thần dân tộc, trung thành với cách mạng, với Cụ Hồ.