Cảm nhận của em về cái hay của khổ thơ sau:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá,
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã,
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang,
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng,
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
(Quê hương, Tế Hanh)
Giữa lúc phần đông các thi sĩ Thơ mới đang than thở sướt mướt với tình yêu tuyệt vọng, với mối sầu cô đơn, Quê hương của Tế Hanh cất lên một tiếng nói khỏe khoắn khác lạ. Đến với Quê hương của Tế Hanh, ta đến với cái làng chài ven biển giữa cù lao bốn bề sông nước và vẻ đẹp vừa chân chất, mộc mạc, vừa hùng tráng, thiêng liêng của người dân lao động nơi đây:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá,
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã,
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang,
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng,
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.
(Quê hương, Tế Hanh)
Lời thơ như băng băng về phía trước, như muốn rướn lên cao bao la cùng với con thuyền, với cánh buồm! Các hình ảnh so sánh đậm màu sắc hùng tráng hiếm thấy trong Thơ mới lãng mạn.Hình ảnh chiếc thuyền vốn thân thiết gắn liền với cuộc sống lao động nay dưới ngòi bút miêu tả đầy đặc sắc của tác giả , chiếc thuyền hiện lên đầy khỏe khoắn, hùng tráng mang tầm vóc vũ trụ , chiếc thuyền có thể vượt muôn trùng khơi , mạnh mẽ vượt qua trường giang. Mặc cho sóng to , gió lớn , nhưng cánh buồm của những người chài vẫn rướn thân trắng kiêu hãnh, vượt qua mọi khó khăn, cản trở mang về những mẻ cá to. Và Tế Hanh đã phải cảm nhận cuộc sống làng quê thiết tha đến mấy nên mới có thể liên tưởng: “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”. Bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hi vọng mưu sinh của người lao động đều được gửi gắm vào đây.
Đoạn thơ là cảnh người dân làng chài ra khơi đánh cá, từ đó tác giả Tế Hanh gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình. Câu thơ bắt đầu với “Khi trời trong..hồng” là lúc bình minh đang lên là dân làng chài ra thuyền đánh cá. Câu thơ “Chiếc..mã/ Phăng mái chèo…giang” là một hình ảnh thơ lãng mạn. Hình ảnh thơ có biện pháp tu từ so sánh chiếc thuyền với con tuấn mã. Nhờ có hình ảnh này mà đoạn thơ gợi được vẻ đẹp khỏe khoắn, hăng hái rắn rỏi của con thuyền giống như tuấn mã cũng như vẻ đẹp hình thể của những người dân làng chài. Không những vậy, con thuyền còn được nhân hóa :”Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang” được thể hiện qua từ “phăng”, “vượt” diễn tả được tư thế, hào khí phăng phăng, tràn ngập sức sống của con thuyền cũng như người dân làng chài đang hăm hở về 1 chuyến đi đánh cá thắng lợi và thành công. Không những vậy, hình ảnh cánh buồm trắng chính là linh hồn của bài thơ. “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” đã sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ. So sánh, ẩn dụ cánh buồm với mảnh hồn làng là để hình tượng hóa mảnh hồn làng cũng như linh thiêng hóa cánh buồm. Cánh buồm ra khơi mang theo những ước mơ khát vọng của những người dân làng chài ra khơi. Mảnh hồn làng chính là những tâm tư, ước mơ, khát vọng của người dân làng chài. Biện pháp này làm cho hình ảnh cánh buồm trở nên sinh động và thiêng liêng. Cùng với đó, “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” là cánh buồm được nhân hóa qua từ “rướn” , “thâu góp” làm cho con thuyền trở nên sinh động chân thực như 1 con người. Tóm lại, tác giả đã gửi gắm những tình cảm, suy nghĩ của mình vào cánh buồm và con thuyền chất chứa tình yêu ông dành cho quê hương.