Cảm nhận khổ thơ 1 bài: Mùa xuân nho nhỏ .-.

By Audrey

Cảm nhận khổ thơ 1 bài: Mùa xuân nho nhỏ .-.

0 bình luận về “Cảm nhận khổ thơ 1 bài: Mùa xuân nho nhỏ .-.”

  1.                                           ” Mọc giữa dòng sông xanh

                                                Một bông hoa tím biếc “

      Đây là bức tranh mùa xuân được vẽ lên bằng tâm hồn của người nghệ sĩ với những nét chấm phá dễ thương, đằm thắm, mang đặc trưng xứ Huế. Trong bức tranh ấy nổi bật hai hình ảnh: ” dòng sông xanh ” và ” bông hoa tím biếc “. Mặc dù nhà thơ không giới thiệu cụ thể nhưng ta vẫn cảm nhận được ” dòng sông xanh ” ở đây là dòng sông Hương thơ mộng, như một dải lụa uốn lượn quanh kinh thành Huế cổ kính thâm trầm, quê hương của nhà thơ. Còn bông hoa tím biếc phải chăng là hoa lục bình, hoa súng – những loài hoa đồng nội quen thuộc mà ta thường gặp ở ao hồ, sông nước nơi làng quê… Sắc xanh yên bình của dòng sông kết hợp hài hoà với sắc tím biếc của bông hoa xuân còn là màu sắc đặc trưng của xứ Huế, màu của sự thuỷ chung, chân thật, hồn hậu như chính tâm hồn của con người xứ Huế.

      Nhà thơ thật sáng tạo khi đảo động từ ” mọc ” giàu giá trị tạo hình lên đầu câu thơ, đầu bài thơ. Nhờ vậy nó vừa diễn tả sự trỗi dậy, sức vươn lên mạnh mẽ của bông hoa giữa bốn bề sông nước mênh mông, qua đó diễn tả sức sống mãnh liệt của mùa xuân vừa gợi tả trọn vẹn cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng, niềm vui hân hoan của nhà thơ trước sự xuất hiện đột ngột của bông hoa tím biếc – tín hiệu của mùa xuân. Mùa xuân từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, với Nguyễn Trãi: ” Trong tiếng cuốc kêu khi xuân đã muộn / Đầy xuân mưa bụi nở hoa xoan. ” Với Hàn Mặc Tử là: ” Sóng có xanh tươi gơn tới trời / Bao cô thôn nữ hát trên đồi / Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi “. Còn với Thanh Hải thì mùa xuân của thiên nhiên lại mở ra là hình ảnh của dòng sông xanh, của bông hoa tím biếc – bức tranh đẹp, trong sáng, tinh khôi và giàu sức sống.

                                                      ” Ơi con chim chiền chiện

                                                         Hót chi mà vang trời “

       Không gian mùa xuân được mở ra cao rộng hơn với bầu trời thoáng đãng, trong trẻo. Lảnh lót trong không gian đầy sinh khí ấy là tiếng hót vút cao, vang trời của con chim chiền chiện – sứ giả của mùa xuân, là người bạn của nhà nông – báo hiệu một mùa bội thu no ấm. Nét tài hoa của Thanh Hải là đã lấy kích thước rộng lớn của đất trời để đo đột cao, độ vang xa của tiếng chim đồng nội. Trong rung cảm của nhà thơ, âm thanh tự nhiên ấy vang lên như một bản nhạc mùa xuân. Nó không chỉ làm xao động không gian, làm bừng lên hơi thở và sức sống mãnh liệt của mùa xuân mà còn làm xao xuyến cả tâm hồn nhà thơ. Có phải vì thế mà trong niềm vui say ngây ngất, không ghìm nổi xúc động, tác giả đã bật lên thành tiếng gọi tha thiết: ” Ơi con chim chiền chiện – Hót chi mà vang trời “. Từ ” Hót chi ” đã đem đến cho câu hỏi tu từ này một giọng điệu ngọt ngào, rất Huế. Phải chăng chất nhạc trong tâm hồn Thanh Hải đã hoà quyện với chất nhạc của thiên nhiên, đất trời để rồi ngân vang một khúc ca xuân say đắm.

                                                 ” Từng giọt long lanh rơi

                                                    Tôi đưa tay tôi hứng “

        Hình ảnh ” từng giọt long lanh rơi ” là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Thanh Hải, gợi liên tưởng thú vị cho người đọc. ” giọt long lanh ” có thể gợi liên tưởng đến giọt mưa xuân hay giọt sương sớm long lanh trong ánh sáng của trời xuân. Song, gắn hình ảnh thơ này với những câu thơ trước đó miêu tả tiếng chim chiền chiện thì ta sẽ có một cách hiểu thú vị hơn nhiều. Phải chnagư những giọt long lanh mà Thanh Hải trân trọng đưa tay ra ” hứng ” chính là ” những giọt âm thanh trong trẻo của tiếng chim chiền chiện “. Nếu hiểu theo cách này thì nhà thơ đã sử dụng thật tài tình nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Âm thanh tiếng chim vốn vô hình, vô ảnh và được cảm nhận bằng thính giác thì qua tâm hồn tinh tế của nhà thơ, nó như lắng đọng, ngưng tụ thành từng giọt, trở nên có hình khối tròn trịa, giống như chuỗi ngọc long lanh rồi rơi xuống cõi lòng thi nhân đang rộng mở, tức là được cảm nhận bằng thị giác. Không chỉ có vậy, nhà thơ còn cảm nhận bằng xúc giác âm thanh trong trẻo của tiếng chim chiền chiện. Thi sĩ  say mê đưa tay ra ” hứng ” từng giọt âm thanh như hứng lấy từng giọt sự sống lấp lánh muôn màu sắc. Nhờ sự chuyển đổi cảm giác thần tình này của nhà thơ mà hình ảnh thơ trở nên lung linh, đa nghĩa, đồng thời thể hiện tình cảm say sưa, ngây ngất, sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời vào xuân. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh ta càng cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ. Tình cảm ấy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Đọc những câu thơ của Thanh Hải, ta có thể bắt gặp một hồn thơ đầy lãng mạng trong thơ ca Việt Nam – đó là Nguyễn Bính.

                                             ” Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

                                               Hoa xoan lớp lớp rựng rơi đầy “

       Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được nhà thơ Thanh Hải gợi tả thật ấn tượng bằng nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Thể thơ năm chữ gần gũi với dân ca miền Trung đã đem đến cho khổ thơ âm hưởng nhẹ nhàng tha thiết. Sức hấp dẫn của những dòng thơ này còn ở ngòi bút miêu tả giàu chất nhạc và chất hoạ, hình ảnh thơ đẹp gợi cảm, các biện pháp tu từ như đảo ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng hết sức khéo léo… Tất cả những nét nghệ thuật ấy đã góp phần tô đậm vẻ đẹp tươi tắn, thơ mộng, giàu sức sống của tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha của nahf thơ. Bức tranh mùa xuân này là cõi tinh thần riêng của Thanh Hải, nó chính là mùa xuân của tâm hồn thi sĩ.

       Tóm lại, khổ thơ đầu của bài thơ là một khổ thơ đẹp cả về nội dung và nghệ thuật. Chỉ bằng vài nét chấm phá, Thanh Hải đã vẽ lên một bức tranh xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp mặn mà của xứ Huế và cũng là của thiên nhiên đất nước vào xuân. Khổ thơ cho ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ, đồng thời khơi gợi trong ta tình yêu cuộc sống và khát vọng sống cao đẹp, được làm mùa xuân nho nhỏ, góp phần vào mùa xuân rộng lớn của cuộc đời chung. 

                                                                   

    Trả lời

Viết một bình luận