Chia sẻ về một cuốn sách mà mình yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bạn [ KHÔNG COPY MẠNG ]
Chia sẻ về một cuốn sách mà mình yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bạn [ KHÔNG COPY MẠNG ]
Có ai đó đã nói rằng: “Mỗi cuốn sách là một bức tranh kì diệu, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời tri thức. Sách là người bạn thân thiết của mỗi người”. Qua mỗi cuốn sách, ta sẽ bắt gặp những câu chuyện, những con người với từng mảnh đời, số phận khác nhau. Tôi đã từng đọc nhiều cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Với tôi, cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng nhất là cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của văn hào Pháp Hector Malot. Bởi tính nhân văn sâu sắc, đồng thời qua câu chuyện phiêu lưu hết sức hấp dẫn của chú bé Remi. Cuốn sách cũng ca ngợi con người lao động, ca ngợi tinh thần tự lập và tự tin của tuổi trẻ, phát huy ý thức chịu đựng gian khổ và đề cao nghệ thuật, khuyến khích tình bạn chân chính.
“Không gia đình” cuốn tiểu thuyết được xem là nổi tiếng nhất của Hector Malot được xuất bản năm 1878. Cuốn tiểu thuyết đã đạt được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp và được thiếu nhi nước Pháp cũng như thiếu nhi toàn thế giới yêu thích trong suốt hơn một thế kỉ qua..
Bão giông có thể đến và lấy đi hạnh phúc của bất cứ một ai, điều quan trọng ở đây là cách ta đón nhận những nghịch cảnh đó và đối mặt với chúng ra sao để làm cho những điều bình dị trở nên phi thường. Giống như cách cậu bé Remi trong tác phẩm “Không gia đình” mà tôi sắp sửa chia sẻ cho tất cả các bạn, cho những người đã và đang cần “động lực” để sống.
Tựa đề “Không gia đình” gợi ra sự buồn bã, cô đơn. Nhưng trong suốt cuộc phưu lưu của Remi, ta ít thấy những giây phút cậu đau khổ. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh Remi luôn là những người tốt, giúp đỡ cậu, yêu thương cậu. “Không gia đình” nói lên hoàn cảnh mồ côi của Remi, nhưng cũng bao hàm ý nghĩa không phải một gia đình, mà Remi có rất nhiều gia đình, rất nhiều những người thân không cùng huyết thống trên đường đời.
Cuốn sách được chia làm 2 phần với 44 chương, mỗi chương lại là một tình huống nhỏ, với những thách thức, bài học và cũng là hàng tấn bi kịch chồng chất. Có khi những đau đớn, mất mát lại được dâng lên cao trào mở ra bức tranh sắc nét nhưng lại tối tăm, khiến người đọc hòa mình vào nhân vật.
Cuốn sách kể về cuộc phiêu bạt của Remi – một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, bị bỏ rơi sống với mẹ nuôi ở một vùng quê hẻo lánh. Remi được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của mẹ Barberin. Cho tới một ngày, biến cố ập tới cuộc đời cậu. Khi người cha nhiều năm không gặp bỗng chốc quay trở về và khẳng định một sự thật rằng: Người mẹ luôn yêu thương che chở cậu không phải mẹ đẻ và hiện giờ gia đình Barberin đang túng thiếu sau tai nạn lao động của người cha và họ hoàn toàn không có khả năng nuôi cậu nữa. Thay vì đưa cậu vào Nhà trẻ làm phúc họ bán cậu cho đoàn xiếc của cụ Vitalis, để cùng đi diễn trò rong với con khỉ Joli Coeur và ba con chó Capi, Zerbino, Dolce. Cụ Vitalis là một danh ca, cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và biểu diễn khắp mọi miền nước Pháp, cụ rất yêu thương Remi, rèn luyện cho em đức tính lao động, tự lập, tự trọng, lại dạy cho em học chữ, học nhạc.
Remi đã lớn lên trong sự gian khổ của cuộc hành trình, tuổi thơ của cậu bé lại là rong ruổi trên khắp các nẻo đường nước Pháp để mua vui cho thiên hạ. Khi may mắn thì cả đoàn được ăn no thêm một chút, nhưng khi chẳng có ai xem xiếc thì đến tiền trọ cũng chẳng có để trả. Rồi từ đây cuộc hành trình đầy khổ cực nhưng không ít nụ cười của Remi bắt đầu.
Cụ Vitalis phải ở tù vì chống lại tên cảnh sát đánh đánh đập Remi. Remi một mình cưu mang bốn con vật, may mà nhờ bà Miligan và đứa con tàn tật rước lên tàu Thiên Nga. Ra tù, cụ Vitalis nhận lại đoàn. Nhưng cái rủi lại đến hai con chó bị chó sói ăn thịt, tiếp đến con khỉ bị cảm lạnh, ốm, chết. Hết tiền, cụ định đi Paris, gửi Remi cho Garofoli, một người nuôi trẻ con đi làm mướn, trong khi chờ mình dạy lại vài con chó khác. Thấy tên này quá tàn ác, cụ lại đưa bé Remi đi. Đói, rét, kiệt sức, cụ chết cổng vườn nhà bác Acquin. Remi được bác Acquin cứu sống. Các con bác coi Remi như anh em và Remi lao động, hưởng thụ như họ. Rồi một trận mưa tuyết bất ngờ ập đến trong lúc cả nhà vắng mặt làm tan tành cơ nghiệp của họ. Bác Acquin ở tù vì nợ, các con đi phân tán lao động để nuôi thân hoăc nhờ họ hàng. Remi lại lên đường với con chó và cây đàn. Từ đây em tự lập, không những lo cho mình, em còn cưu mang chú bé Matchia vào gánh hát rong. Họ đã trở thành đôi bạn thân, cùng nhau phiêu bạt, cùng chịu đựng gian khổ và cùng sẻ chia niềm sung sướng.
Nhưng cuộc đời em đâu đã hết gian truân! Đã có lúc em bị kẹt dưới hầm mỏ lụt đến mười bốn ngày đêm. Có lúc khác, em vào nhầm nhà một tên vô lại vì tưởng đó là cha đẻ của mình. Rồi em lại phải vào tù vì bị mắc án oan…Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp sống của cụ Vitalis: giữ gìn nhân phẩm, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, nhớ ơn nghĩa, luôn làm người có ích.
“ Tôi sẽ buộc dây vào cổ con Capi rồi đem dìm nó xuống sông Thames mặc dù tôi yêu quý nó. Tôi không muốn con Capi trở thành một tên trộm cắp, cũng như không muốn mình trở thành một tên trộm cắp. Nếu tôi nghĩ rằng một ngày kia tôi sẽ phải thế thì ngay tức khắc tôi đâm đầu xuống sông tự tử cùng với nó.”
Tình yêu thương nhưng cũng có lúc rắn rỏi và cương quyết của cụ Vitalis đã thành công rèn luyện cho Remi bài học về tính tự lập và ý chí sắt đá:
“Và con cũng nên hiểu rằng bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng của xã hội, nếu con quyết tâm con có thể dần đạt được bậc cao hơn!”
Cuối cùng, giống như những kết thúc có hậu trong các câu chuyện cổ tích, Remi tìm lại được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.
Qua cuộc phiêu lưu của Remi ta thấy được nhiều điều về số phận đau khổ của con người.Trước hết là Remi – nạn nhân của cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản. Cuộc đời của cụ Vitalis cũng là một bi kịch. Cụ vốn là một người đứng trên bậc cao nhất của xã hội, nhưng cuối cùng lại phải làm nghề xiếc. Cụ bị bào mòn bởi sự khắc nghiệt của xã hội. Để rồi cụ chết vì không tin vào lòng tốt của con người. Còn cả chú bé Matchia luôn bị đánh đập, hành hạ bởi ông chủ. Liệu còn số phận nào đáng buồn hơn.
Nhưng cuốn sách này không chỉ có toàn đau khổ, nó cũng có nhiều điều thú vị để đọc, để cảm thấy vui. Trước hết là tình cảm gia đình, những ngày tháng đầu đời Remi được bao bọc trong vòng tay của mẹ Barberin, tình thương của cụ Vitalis dành cho Remi. Bà Miligan và Arthur cũng yêu Remi. Họ chăm sóc, cưu mang khi em rơi vào tình trạng khó khăn nhất. Gia đình bác Acquin đã cứu sống Remi và coi em như người trong nhà. Và cũng phải kể đến tình bạn thắm thiết giữa Remi và Matchia. Hai anh em sống đùm bọc nhau, luôn sát cánh cùng nhau trong hoạn nạn.
“Không gia đình” là một tác phẩm đặc biệt dành cho thiếu nhi, nhưng khi đọc xong cuốn sách, tôi nghĩ món quà này không chỉ dừng lại ở độ tuổi ấy. Bởi lẽ, với những bài học sâu sắc mà nhà văn gửi gắm qua từng trang viết, cuốn sách này xứng đáng trở thành tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ở đó, người ta có thể dễ dàng cảm nhận được sức mạnh của tình thương, niềm tin và ý chí vượt lên số phận.
“Không gia đình” của nhà văn Hector Malot là một tác phẩm rất hay và ý nghĩa, một cuốn sách chưa nhiều bài học dành cho mỗi chúng ta. Trong cuộc đời này, bạn đã gặp bao nhiêu cảnh đời khổ đau và bất hạnh? Bạn có cảm thấy rằng mình đã may mắn hơn rất nhiều người khi bạn được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ? Khi đọc “Không gia đình” bạn sẽ cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Hiện nay, khi việc tìm kiếm sách không quá khó khăn như trước nữa, sao bạn không thử tìm đọc nó. Tôi nghĩ bạn sẽ không tiếc thời gian đã bỏ ra, nhất là sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết đầy tính nhân văn ấy.
No Coppy
Đây là bài dự thi của mình nha
Bạn tham khảo ạ
Nếu hay cho mình xin câu tl hay nhất nha
Bạn có thể tham khảo thêm tại đây ạ
https://hoidap247.com/bai-viet-dap-an-tham-khao-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-2021-tat-ca-cac-de/28