Dịch Covid đang diễn biến phức tạp .Đội ngũ y tá,bác sĩ đanng chiến đấu thầm lặng với công việc của mình .Bằng tính cảm yêu mến các chiến sĩ áo trắng em hãy tả một bác sĩ hoặc cô y tá
Và tả thêm bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân nhé{phải có cả mở bài,thân bài,kết bài}
“Mệnh lệnh” từ trái tim
Những ngày đầu tháng 5/2021 phát hiện trường hợp có kết quả dương tính với Covid-19 của bệnh nhân P.T.H. (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là những ngày truy vết căng thẳng và áp lực nhất với đội ngũ cán bộ y tế dự phòng. Tuy nhiên, với bác sĩ Bùi Thanh Nam, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – CDC Quảng Ninh) cũng như các cán bộ y tế, đó dường như đã là “mệnh lệnh”, là trách nhiệm từ lương tâm nghề nghiệp, lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch, bảo vệ sự an toàn cho nhân dân.
Bác sĩ Nam, chia sẻ: Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng luôn là người tiên phong đi vào vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện công việc điều tra, truy vết. Thực hiện nhiệm vụ này, không chỉ riêng tôi mà các đồng nghiệp trong khoa đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 3 lần so với những ngày thường. Mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ giữa thời tiết tháng 5 lên đến 33-35 độ khiến mồ hôi vã ra như tắm, miệng khô khốc nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, vì chỉ cần chậm một chút sẽ có thêm nguy cơ lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Được biết, không phải đến thời điểm này mà ngay từ những ngày đầu chống dịch, bác sĩ Nam đã được đề xuất tham gia cùng Tổ công tác phòng chống dịch của tỉnh. Thời điểm đó, công tác điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm còn rất lúng túng đối với các cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, bác sĩ Nam cùng các đồng nghiệp đã xuống trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn công tác truy vết, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chuẩn bị từ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, hóa chất, triển khai diễn tập và tập huấn chuyên môn đối với các tổ truy vết cộng đồng… Anh không quản ngày, đêm, mưa gió, luôn thường trực, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ địa phương, để khoanh vùng tối đa, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Cũng như anh Nam, thời điểm này, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Vi sinh – Huyết học (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – CDC Quảng Ninh) đang nỗ lực làm việc ngày đêm để kịp trả kết quả xét nghiệm cho người dân. Chị Ánh Hồng có 24 năm trong nghề xét nghiệm, trải qua rất nhiều lần chống dịch như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết hay đại dịch SARS năm 2003, nhưng chị chưa bao giờ thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch bệnh Covid-19 này. Chị và các đồng nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và áp lực công việc nhưng điều đó cũng không khiến chị ái ngại.
Chị Hồng tâm sự: “Ngày ít việc nhất cũng phải tầm 21h tôi mới rời cơ quan, hôm nào các đơn vị gửi mẫu về chậm thì chúng tôi làm việc thâu đêm để sáng mai kịp trả mẫu. Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm song chúng tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, vì đó là nghề, là con đường mà chúng tôi đã chọn, cũng là vì sự bình yên của nhân dân, cộng đồng”.
Gác việc riêng, chung tay vì cộng đồng
Cùng với những “chiến binh áo trắng”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tuyến biên giới cũng đang ngày đêm căng mình tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở đảm bảo công tác phòng chống dịch và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Trung úy Nguyễn Văn Hợp, Đồn Biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) chia sẻ: Thời điểm này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ nguồn nhập cảnh trái phép rất lớn. Không những thế, đặc điểm khu vực biên giới nhiều rừng núi, sông suối cộng thêm thời tiết bước sang mùa hè, nóng ẩm, mưa bão khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn, phải “căng quân” liên tục. Vì “chiến dịch” chống dịch còn dài, anh em xác định, xây dựng ý chí quyết tâm, tư tưởng lạc quan, vững vàng, kiên trì bám chốt, góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Hơn lúc nào hết, trách nhiệm đang đè nặng trên vai những người chiến sĩ bộ đội biên phòng. Bởi lẽ, dịch bệnh càng phức tạp, việc nhập cảnh trái phép càng diễn ra mạnh mẽ khiến các anh phải tăng cường lực lượng và nhiệm vụ tuần tra. Những bước chân không mỏi xuyên rừng, băng suối, những ánh mắt sáng ngời ý chí trong đêm tối và sự kiên cường, mạnh mẽ của người lính như tiếp thêm sức mạnh vào niềm tin chống dịch của cả dân tộc.
Cùng với lực lượng ở tuyến biên giới, chúng ta ghi nhận cả những sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận, tổ chức cách ly công dân Việt Nam trở về từ các vùng dịch. Ở đó, có những người phụ nữ tạm gác lại chuyện gia đình để đặt trách nhiệm chống dịch lên trên hết. Đó là Thượng úy Bùi Thị Thắm, cán bộ quân y, một trong những “bông hồng thép”, luôn tất bật thăm khám sức khỏe cho các công dân tại Trung đoàn 244 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).
Chị luôn chủ động, sẵn sàng và trở thành điểm tựa giúp người dân vượt qua dịch bệnh. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị luôn gắn với hình ảnh một nữ quân nhân tóc búi gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình thăm hỏi công dân, không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ, tư vấn thông tin để công dân sớm hoàn thành cách ly.
Trải qua 2 đợt dịch, những lần chị Thắm về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Thắm tâm sự: Tôi gắn bó với khu cách ly thuộc Trung đoàn từ ngày mới được thành lập. Công việc của tôi tại khu cách ly thường bắt đầu từ 0h đến 6h sáng vì hầu hết các chuyến bay chở công dân về từ vùng dịch tới Sân bay Vân Đồn vào tối muộn. Ban ngày, tôi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thăm khám, theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, đảm bảo các hoạt động chống dịch cho công dân được thực hiện nghiêm túc.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp gần như ngày nào cũng có công dân ra, vào cách ly. Cường độ làm việc cao, không có thời gian về nhà, chồng tôi lại thường xuyên phải đi làm theo ca, nên hai con nhỏ phải gửi cho bà ngoại trông giúp. Nhiều lúc nghe các con gọi điện vì nhớ mẹ, mong mẹ về khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng mạnh mẽ động viên các con để các con đỡ tủi thân và trở thành hậu phương vững chắc cho bố mẹ yên tâm công tác.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến mọi lực lượng đều phải ra quân, đặt tinh thần cảnh giác và trách nhiệm lên cao nhất. Mọi phương án phòng chống dịch bệnh đều đã được kích hoạt. Trong đó, phải kể đến việc tái thành lập chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ thành phố và trên địa bàn các phường để đo thân nhiệt, điều tra dịch tễ, giúp sớm sàng lọc được những người nghi nhiễm. Các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ 24/24h, bất kể thời tiết, những người làm nhiệm vụ ở đây phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người mỗi ngày, họ không chỉ phải vượt qua những vất vả, khó khăn đơn thuần mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với họ cũng rất cao.
Tại chốt kiểm soát liên ngành chân đèo Hạ My (xã Tân Dân), nằm trên Quốc lộ 279 đi tỉnh Bắc Giang, lượng xe cơ giới vào thành phố vẫn khá nhiều, chủ yếu là các xe tải chở hàng, người dân đi lại làm việc. Vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội, y tế, dân phòng, cán bộ phường… làm việc gần như không ngơi nghỉ. Mỗi người một nhiệm vụ, từ ra hiệu lệnh dừng xe đến đo thân nhiệt, ghi chép thông tin.
Đã quen với công việc trực 24/24h trên các tuyến đường, Đại úy Vũ Hải Long, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an TP Hạ Long, chia sẻ: Bên cạnh việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Những lúc lượng phương tiện lớn, anh em trong chốt kiểm soát làm việc không lúc nào ngơi nghỉ; vừa ra hiệu lệnh dừng xe, vừa giải thích, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch.
Vất vả nhất là khi mưa lớn, chốt kiểm soát không đủ chỗ cho người dân khai báo, anh em phải dầm mưa để đảm bảo trật tự giao thông cũng như giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện. Có khi đứng làm nhiệm vụ liên tục, chân tay mỏi rời nhưng chúng tôi vẫn không rời vị trí vì lượng xe ra vào quá đông, mình chỉ cần nghỉ một lúc, cả tuyến đường sẽ ách tắc…
Dịch Covid-19 tại Quảng Ninh thời điểm này đang được ngăn chặn và kiểm soát tốt chính là nhờ mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế làm việc bất chấp khó khăn, nguy hiểm và không kể giờ giấc, ngày đêm. Họ chính là những “chiến binh” thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch. Và hình ảnh đẹp về những “lá chắn”, những “pháo đài” vững chắc ở tuyến đầu sẽ luôn là niềm tự hào, sự biết ơn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân.