em hãy viết một câu chuyện về tình cảm gia đình

em hãy viết một câu chuyện về tình cảm gia đình

0 bình luận về “em hãy viết một câu chuyện về tình cảm gia đình”

  1. Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

         Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” Dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

         Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

         Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

         Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

         Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hãy gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa.

         Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

    Bình luận
  2. Người mà tôi phải gọi là ba đã xuất hiện sau bao đêm dài tăm tối, nhưng trong tôi vẫn chẳng có chút cảm xúc nào với ông ấy.

    Từ nhỏ tôi chỉ biết đến mẹ, tuổi thơ tôi là những ngày tháng sống trong căn nhà lạnh lẽo chỉ có hai người. Mẹ luôn đi sớm về muộn, nhiều khi mẹ còn chẳng về nhà nữa. Căn nhà mái ngói nhỏ luôn dột mỗi khi trời mưa, bóng điện ngoài hiên đã hỏng từ lâu mà chẳng có ai sửa chữa. Có lẽ mọi người thấy nó giống căn nhà của một gia đình vượt khó, nhưng thực sự nhà tôi không nghèo, ngôi nhà ấy chỉ là từ lâu thiếu đi sự quan tâm của người lớn, thiếu hơi ấm của một người đàn ông mà thôi.

    Trong mắt mẹ dường như là không tồn tại. Bà chưa từng nhìn thẳng vào tôi, chưa từng âu yếm hay nói với tôi những lời dỗ dành ngon ngọt. Trong kí ức năm tháng tuổi thơ tôi luôn nhớ về mẹ với những câu đay nghiến, trì chiết và chửi rủa. Đôi khi tôi cảm thấy hận bà vô cùng. Bà ghét tôi đến vậy tại sao lại sinh ra tôi trên cõi đời này. Tôi hận bà cho tôi sự sống để rồi ruồng bỏ tôi như một nghiệp chướng. Tôi rất ghét, rất hận nhưng chưa từng nghĩ tới việc rời bỏ mẹ vì suy cho cùng bà vẫn là một người phụ nữ tội nghiệp. Nhiều khi đêm về tôi vẫn nghe thấy bà khóc rồi tự chửi mình mà thấy xót xa.

    Bà chưa từng kể cho tôi về bố, cuộc sống của tôi không biết đến một người thân nào khác ngoài mẹ. Ngày trước khi học cấp 1 tôi vẫn luôn bị bạn bè cười trêu là đứa con hoang, mỗi lần như vậy tôi chỉ biết khóc mà chạy về nhà. Tôi đã từng hỏi mẹ về bố nhưng lần nào bà ấy cũng chỉ khóc mà gào lên “mày làm gì có bố”. Từng câu, từng chữ của bà đã luôn đi theo tôi suốt chặng đường tuổi thơ dài, nó cứ bám theo tôi đến cả giấc mơ, một sự thật mà tôi không bao giờ chấp nhận nổi.
    Tôi hay xem phim trên tivi, có nhiều bộ phim về những đứa trẻ như tôi nhưng mẹ chúng hay nói rằng bố chúng chết rồi và… tôi cũng từng ước mẹ sẽ nói vậy chứ không phải câu “không có bố” kia. Tôi căm ghét cụm từ “con hoang” của lũ bạn, cũng ghét lời mắng chửi của mẹ, ghét ánh mắt diễu cợt , coi thường của bọn trẻ trong xóm. Ghét nhưng tôi vẫn cứ sống và lớn lên như vậy.

    Lớn hơn một chút, tôi chẳng còn quan tâm về bố, cũng chẳng quan tâm tới mẹ nữa. Bà vẫn chỉ xuất hiện vào ban đêm và đóng tiền học cho tôi đúng kì, vậy là đủ. Tuy rằng căn nhà này có hai người sống nhưng về căn bản luôn chỉ có mình tôi. Nhiều khi tôi cũng từng rất nhớ một ông bố tưởng tượng, và cũng từng vẽ ra những hình ảnh về bố, rồi còn cả viết thư cho ông ấy nữa. Những bức thư đã đầy trong một hộp sắt đựng bánh nhưng bố thì chưa một lần xuất hiện.

    Mỗi ngày, ngoài việc học thật giỏi tôi chẳng còn thú vui nào khác nên việc đỗ vào một trường chuyên không có gì là khó. Ngày đầu tiên bắt đầu đi học tôi đã rất yêu thích môi trường ấy. Ở đó không ai hỏi bố tôi là ai cả, cũng không ai hỏi tôi sống ở đâu hết, mỗi người nơi ấy chỉ nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ khi tôi học giỏi, và mọi người luôn cười với tôi khi tôi được thầy cô khen ngợi. Vào cấp ba, tôi thực sự quên hết bao chuyện không vui trước kia và chỉ sống như một cô học trò ngoan, một người bạn thân thiện. Không còn nghĩ về bố, không còn nghĩ về mẹ, không còn nghĩ mình đã sinh ra như thế nào.

    Tôi từng ước thời gian cứ êm đềm trong sự lãng quên như vậy, nhưng có lẽ cuộc đời không bao giờ diễn ra như người ta muốn. Lần sinh nhật thứ 18 cũng là lần đầu tiên mẹ về sớm mua bánh, mua kẹo, mua những món ăn ngon. Khi ấy mẹ đã cười với tôi, lần đầu trong đời bà cười và nhìn tôi như vậy, thậm chí bà còn mua cho tôi một chiếc váy làm quà sinh nhật và cứ khen mãi tôi mặc đẹp.

    Tất cả như thể trong mơ, giấc mơ mỗi đêm tôi đã từng thấy. Khi thức ăn bày xong xuôi trên bàn, mẹ cứ bắt tôi phải mặc bộ váy mới, và bà nói có mời thêm một vị khách. Ở nơi đây 18 năm rồi, tôi chưa từng biết đến một vị khách và điều này càng khiến tôi tò mò. Tôi hỏi nhưng mẹ chỉ cười.Tôi lạ lẫm, tôi khó hiểu chỉ biết nhìn mẹ rồi nhìn người đàn ông ấy. Cùng lúc ấy, mẹ nói với tôi “ Con chào bằng ba đi”.

    Một tiếng “ba”, mẹ nói ra thật dễ dàng nhưng nó lại khiến tai tôi ù đi, mọi thứ ong ong trong đầu, không còn suy nghĩ nổi những gì mẹ vừa nói. 18 năm, khoảng thời gian dài đến vậy mà lần đầu tiên mẹ nói với tôi về ba, người đàn ông lịch thiệp kia tiến lại gần vuốt lên mái tóc dài của tôi rồi nói với mẹ “con gái chúng ta lớn quá rồi”.

    Thật nực cười, tôi thấy nực cười và giả dối vô cùng trước sự xuất hiện ấy, trước những lời nói ấy. Sau đó, tới vài tháng sau, tôi vẫn chưa từng gọi ông ấy là “ba”. Chúng tôi đã rời khỏi căn nhà nhỏ cũ kỹ và đến một nơi sang trọng hơn rất nhiều. Mẹ cũng chẳng còn đi sớm về muộn mà luôn ở nhà nấu cơm, làm việc nội trợ như bao người phụ nữ khác. Lúc này đây tôi vẫn chưa thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra. Mọi thứ thật sự quá nhanh, 18 năm sống cùng bóng tối của chiếc đèn hiên đã hỏng, tôi chưa từng nghĩ những ngày tháng này dù chỉ trong mơ.

    Giây phút này đây, ngồi viết ra những dòng tâm sự tôi vẫn hoang mang, lạ lẫm với cuộc sống trước mắt. Tôi không biết mình có nên gọi người đàn ông kia là “bố” không nữa. Tôi hận người đàn ông đã sinh ra tôi và bỏ mặc. Con đường tiếp theo, tôi sẽ phải làm gì đây? Người mà tôi phải gọi là ba đã xuất hiện sau bao đêm dài tăm tối, nhưng trong tôi vẫn chẳng có chút cảm xúc nào với ông ấy. Tôi có nên rời bỏ gia đình này không? Thực sự tôi không có cảm giác đây là một gia đình, các bạn ạ…

    Bình luận

Viết một bình luận