Hãy lập dàn ý cho đoạn văn thể hiện những suy nghĩ về bài học rút ra của 2 câu thơ: “ Con sẽ không đợi một ngày kia/Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc l

By Aaliyah

Hãy lập dàn ý cho đoạn văn thể hiện những suy nghĩ về bài học rút ra của 2 câu thơ: “ Con sẽ không đợi một ngày kia/Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc”.

0 bình luận về “Hãy lập dàn ý cho đoạn văn thể hiện những suy nghĩ về bài học rút ra của 2 câu thơ: “ Con sẽ không đợi một ngày kia/Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc l”

  1. @nee.

    – Theo dàn ý này thì đoạn văn bn sẽ có 9 câu nje ^^

    1_ Mở đoạn : 

    – Dẫn câu chủ đề ” Con sẽ không đợi một ngày kia/Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc ” — 1 câu.

    2_Thân đoạn : 

    – Nêu quan điểm của bạn về câu nói trên ( bạn hiểu ý nghĩa câu đó như thế nào ) — từ 1 – 2 câu.

    – Phân tích : — 5 câu.

    + 3 câu : nêu công lao và tấm lòng của mẹ với người con.

    + 2 câu : tưởng tượng cảm xúc khi mẹ mất đi 

    – Kết vấn đề — 1 câu

    3_Kết đoạn — 1 câu ( nêu tổng quát vấn đề )

    Vd : Hãy trân trọng những giây phút mẹ còn ở bên chúng ta, đừng để mẹ rời đi mà lòng đau đớn khi chưa trả đủ tình thương và công lao của mẹ dành cho ta nhé !

    Học tốt nekk ^•^

    Trả lời
  2.  Chiều nay trên đường đi dạy thêm về, tôi tình cờ gặp những chiếc xe tang đang trên đường đưa tiễn một người mẹ già về nơi yên nghỉ. Trong bầu không khí đau thương ấy, vang bên tai tôi là tiếng đàn bầu não nùng réo rắt khúc nhạc…. “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…” Nghe khúc nhạc ấy mà tự dưng tôi thấy lòng mình trống trải. Một cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ trào dâng. Mình thấy sợ lắm, hoang mang lắm…sợ một ngày nào đó “ gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi…chẳng biết giờ này trên chiếc xe đạp cút kít kia, mẹ đã về chưa nhỉ, hay bánh còn chưa bán hết, mẹ còn đang loay hoay đi mời người này mua, người kia mua nhỉ ! Còn bệnh khớp của mẹ nữa chứ…trái gió trở trời thế này mẹ có đau lắm không ? Cả cuộc đời ba mẹ đã tần tảo cho cả gia đình, ngoài việc học hành ngoan ngoãn ra mình chưa biết làm gì để bù đắp phần nào cho ba mẹ cả . Ước gì giờ này có tiền chạy ngay xuống tàu về nhà để được gặp mẹ ngay nhỉ !

    Và rồi những chuyến xe ấy cũng đi qua, tôi trở về căn phòng trọ với nỗi buồn chẳng biết tâm sự cùng ai. Mở lap-top lên và nghe khúc ngâm của bác Đỗ Trung Quân bài thơ “ Mẹ” mà nước mắt cứ tuôn trào…

    “Con sẽ không đợi một ngày kia
    khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
    Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
    Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
    Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
    mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
    ai níu nổi thời gian?
    ai níu nổi?
    Con mỗi ngày một lớn lên
    Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi
    Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

    Hai mươi tư tuổi đời, cái tuổi không phải quá lớn để cảm nhận được hết những nỗi cơ cực của cuộc đời mẹ, nhưng ít ra ngần ấy thời gian được sống bên mẹ cũng là ngần ấy năm tôi chứng kiến mẹ tôi lo toan, vất vả cho gia đình. Tôi cảm nhận được nhà thơ đang cảm thấy mình có phần may mắn, vì đến lúc mái đầu hai thứ tóc vẫn còn được nhìn thấy mẹ. Mỗi một ngày đi qua, niềm vui của cuộc sống được nhân lên gấp bội phần khi chúng ta được sống bên mẹ. Nhưng trong niềm vui ấy có thoáng chút nỗi buồn, trên khuôn mặt gầy guộc ấy, những nếp nhăn cứ dần dần tăng lên. Thời gian như vừa là vị thần hạnh phúc nhưng cũng đồng thời là kẻ âm thầm hủy diệt. Chính vì cảm nhận được điều đó nên với nhà thơ Đỗ Trung Quân, mỗi giây phút được sống bên mẹ đều là những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Đặc biệt hơn nữa, nhà thơ lại xuất thân mà một đứa trẻ mồ côi cha. Nên trong anh mẹ vừa là mẹ nhưng cũng vừa là cha, để có được Đỗ Trung Quân như ngày hôm nay, mẹ anh đã phải tần tảo sớm hôm, chắt chiu từng hạt gạo, để lo cho anh ăn học nên người. Anh khóc ngay cả khi mẹ anh còn trên cõi đời này, khóc vì sự hi sinh của mẹ, khóc cho sự thầm trách bản thân vì đã có đôi lần anh thờ ơ với mẹ…Nhưng thà nhận ra sớm như thế còn hơn để đến lúc mẹ mất đi “ mới giật mình khóc lóc”. Những từ ngữ “ giật mình”, “ khóc lóc” gợi cho người đọc hình ảnh của một người con hối tiếc muộn màng, lúc còn ở bên mẹ thì không biết quý trọng, thì những giọt nước mắt kia chỉ là giả dối, chỉ là sự xúc động tầm thường. Và chính nhà thơ đã cảm thấy mình thật may mắn vì mình đã sớm nhận ra điều này. Nhưng anh lại hoảng hốt vì chuỗi thời gian kia trôi qua một cách “điên cuồng”. Biện pháp nhân hóa đã được tác giả sử dụng khéo léo, thời gian được ví như một kẻ hủy diệt kinh khủng, vô tâm, không ai và không gì có thể chế ngự được sự điên cuồng của hắn. Chính vì thế tác giả mới đặt câu hỏi tu từ mà không bao giờ có câu trả lời:

                        “ Ai níu nổi thời gian ?

                                 Ai níu nổi ?’

    Đó vừa là câu hỏi, vừa là sự oán trách nhưng đồng thời cũng vừa là lời kêu cứu…có ai có thể níu tên hủy diệt kia lại giúp tôi không ? Ai có thể níu lại những nếp nhăn làm mẹ tôi “ già nua” không ? Xin hãy giúp tôi !

    Đi cùng năm tháng con thấy mình mỗi ngày một “ lớn lên” nhưng đối lập với sự lớn lên ấy của con là mẹ mỗi ngày lại thêm “ cằn cỗi”. Từ “cằn cỗi” thường dùng để chỉ cho những mảnh đất nghèo dinh dưỡng, khô cằn. Nhưng tác giả lại dùng từ này để gợi cho người đọc hình ảnh người mẹ già, lưng còng, gầy guộc. Cả cuộc đời mẹ là cuộc hành trình hi sinh thầm lặng cho con cái cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

    Đi tiếp dòng cảm xúc ấy, tác giả lại tự nhủ:

    “Con sẽ không đợi một ngày kia
    có người cài cho con lên áo một nụ bạch hồng
    mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
    mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bạch hồng
    hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?”

    Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật có những câu thơ thật hay về bông hồng, đặc biệt khi những cành hồng này dành để tặng người yêu, ông viết:

    “Yêu em anh cứ tặng hoa                  
    Một ngày anh chợt nhận ra điều này
    Mẹ già sàng gạo run tay
    Anh về hối hận mấy ngày nằm đau…”

    Còn Đỗ Trung Quân thì âm thầm hối hận, nhẹ nhàng hơn Nguyễn Hữu Nhật nhưng nỗi đau thì không hề thua kém. Hình ảnh “ nụ bạch hồng” thường xuất hiện trong các buổi lễ tang, gợi cho người đọc sự mất mát đi một người thân. Đã có nhiều tái bản khác nhau sử dụng “nụ hồng”, nhưng tôi trộm nghĩ, “nụ bạch hồng” sẽ là thích hợp nhất để diễn tả tâm trạng hoang mang, lo sợ tác giả lúc này. Đóa hồng trắng trong xuất hiện trong những buổi tang lễ mang ý nghĩa tôn vinh, kính trọng cho người đã khuất. Mỗi ngày đi qua thời gian mẹ bên anh như càng ngắn ngủi hơn, qua đi một ngày là một “nụ bạch hồng” lại được gắn lên áo anh. Nếu ở khổ thơ trên tác giả đã ý thức được mình “ hoảng hốt trước thời gian khắc nghiệt”, thì giờ đây anh lại không đợi mẹ mất đi mới chợt“ thảng thốt nhận ra mình mất mẹ”. Những từ ngữ diễn tả tâm trạng “ hoảng hốt”, “ thảng thốt”, “ hoảng sợ”, những thanh trắc được đặt trong hệ thống những câu thơ toàn vần bằng như một sự giật mình, thức tỉnh kịp thời trong dòng đời xô bồ, bon chen, làm ta đã từng quên mất dáng mẹ đang ngồi bên thềm nhà, lo lắng, nhìn xa xa ngóng chờ đứa con quay trở về. Ngay cả cái dấu nối kia, cũng mang đầy tâm trạng mâu thuẫn, tác giả vừa cảm nhận cái đẹp nhưng đồng thời cũng là sự lo âu cho sự sống của mẹ. Nhà thơ đang đánh thức tâm hồn người đọc những ai đang còn mẹ, hãy biết quý trọng mẹ để “ rủi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm”, lúc đó mới hối tiếc thì đã muộn màng…

    Tác giả hối tiếc vì suốt mười năm qua, trong hành trình rong ruổi, bôn ba trên đường đời, anh đã có những lúc anh quên mất mình có mẹ bên cạnh:

    “Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
    Sống tự do như một cánh chim bằng
    Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
    Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
    Những bài thơ chất ngập tâm hồn
    đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
    Có những bàn chân giẫm xuống trái tim ta độc ác
    mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
    ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
    giọt nước mắt già nua không ứa nổi
    ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
    mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
    Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
    mấy kẻ đi qua
    mấy người dừng lại?
    Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
    trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
    ta vẫn vô tình
    ta vẫn thản nhiên?”

    Suốt một đời nhà thơ đã làm không biết bao bài thơ với đủ các đề tài: “ đau khổ- buồn vui- chia lìa- hạnh phúc” với biết bao hình ảnh người con gái, dù họ đã làm anh đau khổ: Chút tình đầu, Bài thơ về đôi lứa, Biển, núi, sóng và em,…Thậm chí anh thừa nhận rằng mình có một lần gắt mẹ trong bài “ Đã không còn một điều bí mật…” với câu cuối “ Thú thật ngày xưa…tôi gắt mẹ một lần”. Lời thú nhận này cay đắng và buồn biết bao vì nó thật và không có gì thật hơn thế. Trong chúng ta mấy ai không từng gắt mẹ, không từng khó chịu trước sự thương yêu mà chúng ta cho là quá lố của bà trước chốn đông người để sau này khi bà mất, tất cả những lố bịch mà chúng ta mang đến cho bà quay trở lại dày vò chính mình như một tội đồ của lòng thương mến vô biên kia.

    Mẹ rồi sẽ qua đời. Thi sĩ làm thơ khóc mẹ. Người đọc chia sẻ niềm rung động ấy có khi bằng nước mắt nhưng chính bà mẹ của chúng ta lại không được gì dù chỉ là một tiếng mẹ ơi….Nhạc sĩ Phú Quang trong bài hát “Thương lắm tóc dài ơi” đã có câu “ mẹ là người đàn bà duy nhất không bao giờ phản bội ta”. Hay Trịnh Công Sơn đã từng nói “ có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng tôi nhất trên đời này người ấy có thể có thể vì tôi mà hy sinh tính cả tính mạng. Đó là mẹ tôi. Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là mẹ tôi.” Đúng vậy, khi mọi thứ đều từ bỏ bạn, kể cả người tình, chỉ có mẹ là luôn bên bạn. Khi những gai đời làm bàn chân bạn “ứa” máu, hỏi xem trong cuộc đời này có được “mấy người đi qua, mấy người dừng lại ?” để quan tâm đến bạn như quan tâm đến chính cơ thể họ. Chỉ có mẹ mà thôi. Với mẹ “ con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” ( Con cò- Chế Lan Viên), con vẫn là một đứa con bé bỏng của mẹ dù cho con bao lớn đi chăng nữa, mẹ vẫn “thầm lặng” dõi theo mỗi bước chân của con trên đường đời. Mẹ già ở cách xa đến ngàn dặm chỉ cần cảm nhận được con mình đang tổn thương thì đã “giục giã” lặn lội đi tìm đến bên con để gánh nỗi đau cho con rồi. Mẹ đau xót cho những vết thương của bạn, mẹ yêu thương bạn còn hơn bản thân mẹ. Hành động “giục giã” vội vàng chạy đến bên con của mẹ lại trái ngược với sự “vô tình”, “thản nhiên”, thờ ơ mà ta đã dành lại cho mẹ. Thậm chí, trong xã hội ngày nay, còn có những đứa con bất hiếu ngược đãi cha mẹ một cách tàn nhẫn. Nhưng trái tim người mẹ là vậy, bao dung, rộng lượng tha thứ tất cả những lỗi lầm của con mình…

    Trong cuộc sống, thường thì chúng ta sẽ chỉ thấy một ai đó có ý nghĩa với mình khi họ đã rời xa ta. Mẹ ta cũng vậy, lúc mẹ còn bên cạnh thì ta vẫn xem đó là một điều hiển nhiên, nhưng đến lúc nhì ai đó mất mẹ thì ta mới tự hình dung những nỗi đau khi mình mất mẹ. Còn với nhà thơ Đỗ Trung Quân

    “ Hôm nay…
    anh đã bao nhiêu lần dừng lại trên phố quen
    ngã nón đứng chào xe tang qua phố…
    ai mất mẹ?
    sao lòng anh hoảng sợ
    giọt nước mắt kia bao lâu nữa
    của mình?
    Bài thơ này xin thắp một bình minh
    trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
    bài thơ như nụ bạch hồng
    Con cài sẵn cho tháng ngày
    …sẽ tới!”

    Những dòng thơ được làm trong lúc nhà thơ đang nghẹn ngào, hoảng sợ. Những dấu ba chấm như những tiếng khóc từ trong cõi lòng những đứa con mất mẹ, nhưng cũng vừa là những giọt nước mắt của nhà thơ đang khóc thương cho những người mẹ đã khuất, khóc cho nỗi đau của những đứa con mất mẹ. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật chung của tạo hóa, không ai tránh khỏi nhưng khi nhìn thấy ai kia mất mẹ anh bỗng hoảng sợ…Anh sợ một ngày kia, mẹ cũng lìa xa anh, một ngày kia, anh sẽ là người khóc bên nấm mồ của mẹ…Những câu thơ cuối của bài thơ là phần nào những lời cảm ơn, những lời xin lỗi mà anh gửi đến mẹ. Nghệ thuật đối lập đã được nhà thơ sử dụng để ngụ ý cả cuộc đời mẹ là những tháng ngày “tăm tối” vì phải hi sinh cho con, công ơn của mẹ không thể dùng bằng lời là có thể nói hết được. Nên bài thơ này với nhà thơ chỉ dám xem như là những ánh sáng nhẹ của buổi “bình minh” gửi đến mẹ anh và những người mẹ Việt Nam để tỏ lòng biết ơn. Và hình ảnh “nụ bạch hồng” một lần nữa lại xuất hiện ở cuối bài thơ là lời tự nhắc nhở bản thân mình và mọi người rằng thời gian đời người và thời gian thiên nhiên là đối lập nhau, mỗi ngày trôi đi vừa là thời gian thiên nhiên vừa ban cho mẹ sự sống nhưng cũng vừa lấy đi sự sống của mẹ, nên mỗi chúng ta phải biết quý trọng những ngày tháng ngắn ngủi còn lại bên mẹ, đừng để mất mẹ rồi mới biết mình mất mẹ thì hối tiếc cũng chẳng còn ý nghĩa gì…

    Bài thơ được tác giả Đỗ Trung Quân viết bằng hầu hết những từ ngữ mang vần bằng, âm điệu bằng, thể hiện sự hi sinh thầm lặng suốt cuộc đời của người mẹ. Ngôn từ mà nhà thơ sử dụng cũng rất giản dị, mộc mạc. Giọng thơ có lúc nhẹ nhàng, da diết, sâu lắng, nhưng cũng có lúc như khứa vào tim mỗi người đọc, lay động, thức tỉnh tình cảm của những đứa con còn đang mải mê bôn ba trên đường đời biết tìm đường về với mẹ. Vì “ ông mặt trời chỉ có một mà thôi, và mẹ em cũng chỉ có một trên đời”…  

    Trả lời

Viết một bình luận