Kể lại đoạn trích: Chị Dậu vùng lên đánh trả tên cai lệ và người nhà lí trưởng

Kể lại đoạn trích: Chị Dậu vùng lên đánh trả tên cai lệ và người nhà lí trưởng

0 bình luận về “Kể lại đoạn trích: Chị Dậu vùng lên đánh trả tên cai lệ và người nhà lí trưởng”

  1. Tôi là người hàng xóm của nhà chị Dậu, đang ngồi nhặt cỏ trong vườn, tôi bỗng nghe thấy tiếng ồn ào, quát tháo của ai đó vang lên từ nhà chị Dậu văng vẳng đến tai tôi. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, tôi tò mò chạy đến hàng rào ngó sang xem. Tôi hoảng sợ, khi từ sân, tên cai lệ và người nhà lý trưởng với khuôn mặt hậm hực với những roi song, tay thước, dây thừng sầm sập tiến vào nhà chị Dậu. Tôi sợ hãi quá nên cũng chỉ dám ngó đầu ra xem mà không dám đến gần. Tên cai lệ với gương mặt dữ tợn, hung ác, hắn gõ mạnh đầu roi xuống đất quát tháo, mắng mỏ đến đòi sưu. Từ trong nhà bước ra, chị Dậu tiến đến, gương mặt chị lúc này tái nhợt lại, xanh xao, tay run run hết lời van xin lễ phép với tên cai lệ. Tôi nhìn cảnh ấy mà thương chị Dậu quá, nhà thì nghèo, nhìn quần áo chị mặc vá đến sáu, bảy miếng. Vẫn cái tiếng thét ấy, tên cai lệ một mực đòi trói anh Dậu kiệu ra đình. Chị Dậu xám mặt lại, khóc mải miết  xin nài. Nhưng không, bắn bịch luôn mấy bịch vào ngực chị Dậu, rồi lại đánh một cái đánh bốp vào mặt chị. Tôi thấy thương chị quá, định chạy đến ngăn cản nhưng lại sợ hãi vì bọn chúng là người của nhà nước. Rồi tự nhiên, sự việc trước mắt tôi khiến tôi không tin là có thật. Chị Dậu đứng lên trước sự tàn nhẫn, hống hách của hai tên quỷ dữ, chị Dậu nghiến hai hàm răng quát: ” mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Rồi chị chạy tới bên cai lệ túm lấy cổ hắn, ấn dúi hắn ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện ngập cũng không chống lại được sức của một người đàn bà lực điền. Quần áo hai người xộc xệch. Rồi cuối cùng, tên cai lệ cũng ngã xuống mà miệng vẫn lảm nhảm thét. Nhìn vậy, tôi vừa sợ vừa run. Người lý trưởng lại sấn sổ tới, chị Dậu nhanh như cắt, chống lại tên người nhà lý trưởng, cuộc chiến dằng co hơn, hai người túm lấy tóc nhau, du đẩy nhau, áp vào vật nhau. Thế là người nhà lý trưởng cuối cùng vẫn bị chị ấn dúi ngã nhào ra thềm. Hai đứa con của chị khóc om sòm vang cả một góc xóm. Anh Dậu thì sợ sệt, run rẩy, cố can ngăn vợ. Chứng kiến cảnh ấy tôi vừa lo sợ cho chị Dậu, sợ chị có chuyện gì vì chị đang chống lại bọn của Nhà nước. Nhưng lòng tôi lại vừa sung sướng hả hê, tôi căm ghét trước sự tàn ác, thâm độc của bọn phong kiến, bọn chúng dám thẳng tay đánh đập, hành hạ một người phụ nữ giàu tình yêu thương chồng con tha thiết.

    Bình luận
  2. Tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Bao trùm “Tắt đèn” là một không gian chật chội, ngột ngạt bởi nỗi tủi nhục, sự ấm ức của người nông dân. Nhưng đó đây trong tác phẩm vẫn lóe lên những điểm sáng bất ngờ. Đọc đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, nhà văn Nguyễn Tuân từng đánh giá đó là khoảnh khắc cháy sáng trong tác phẩm. Còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan thì nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo”.

    Cái chật chội, ngột ngạt trong “Tắt đèn” bị gây nên bởi nạn sưu thuế trong xã hội Việt Nam phong kiến nửa thực dân xưa. Gia đình chị Dậu nghiêng ngả, xô dạt cũng vì cái nạn ấy, vốn là gia đình nghèo khổ “hạng cùng đinh” trong làng, nhà chị Dậu không có tiền đóng sưu thuế cho anh Dậu. Để cứu chồng khỏi đòn roi tù ngục, chị Dậu đành cắn răng bán con bán chó. Nhưng tai họa vẫn tiếp tục ập xuống: chị Dậu còn phải đóng thuế cho người em chồng đã chết. Anh Dậu vừa về đã bị bọn lính lệ ập đến bắt đi. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trích từ chương XVIII trong tác phẩm thuật lại cuộc giằng co giữa chị Dậu và đám cai lệ đến bắt chồng chị. Đoạn trích đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của chị Dậu, một người phụ nữ có lòng thương chồng rất mực đồng thời có tinh thần phản kháng thế lực áp bức.

    “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo”. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã lấy nội dung sự việc trong đoạn trích để gọi tên đoạn trích. Và khi đánh giá đó là “một đoạn tuyệt khéo”, Vũ Ngọc Phan đã đề cập đến thành công trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật, nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ tác phẩm…

    Đoạn trích tuy ngắn nhưng tính cách các nhân vật hiện lên thật rõ nét, sinh động. Đặc biệt là nhân vật chị Dậu và tên cai lệ. Là một người phụ nữ nông dân, chị Dậu rất mực thương chồng. Với chồng, chị tỏ ra rất nhẹ nhàng, nấu cháo, mời chồng ăn cháo. Ngay cả với đám cai lệ và người nhà lí trưởng, lúc đầu chị cũng rất mực lễ phép: “van xin tha thiết”, xưng “cháu” gọi “ông”. Hơn cả lễ phép, đó còn là sự nhẫn nhục cam chịu đến hạ mình. Nhưng khi thái độ đó không lay chuyển được đám đầu trâu mặt ngựa, chị Dậu trở nên mạnh mẽ lạ thường. Chị “cự lại” hành động sấn đôn bắt anh Dậu của tên cai lệ bằng lí lẽ: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”. Cách xưng hô đã thể hiện vị trí ngang hàng “tôi” – “ông”. Rổi khi bị cai lệ “tát vào mặt”, chị Dậu chuyển từ đấu lí sang đấu lực “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Cách xưng hô “bà” – “mày” đã thể hiện một vị thế khác của chị Dậu, một mối quan hệ khác giữa chị và cai lệ: “bà” – người trên, “mày” – kẻ dưới. Không dừng lại ở đó, chị còn thể hiện ở hành động quyết liệt “túm lấy cổ”, “ấn dúi ra cửa”, “túm tóc lẳng cho một cái”… Có thể nói, tính cách nhân vật chị Dậu trong đoạn trích này dược khắc họa rất khéo léo, độc đáo. Vừa bộc lộ được những nét truyền thống vừa thể hiện được sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ.

    Bên cạnh hình ảnh chị Dậu với những đặc điểm tiêu biểu của người phụ nữ nông dân Việt Nam là nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng – đám đầu trâu mặt ngựa hung hăng bất nhân thú tính. Chúng là đại diện trực tiếp cho quyền lực bất nhân của “nhà nước”, của chế độ thực dân phong kiến đương thời. Hình ảnh của chúng được khắc họa bằng những hành động, lời nói bộc lộ bản chất hung bạo, không chút tình người. Đến nhà một người ốm yếu, nghèo hèn mà chúng “sầm sập tiến vào”, “trợn ngược hai mắt”, “đùng đùng giật phắt cái thừng”, “bịch luôn vào ngực chị Dậu”… Chẳng những vậy, trước những lời “van xin tha thiết” và sự nhẫn nhục của chị Dậu, chúng chẳng chút động lòng vẫn sấn sổ đánh, bắt vợ chồng nhà chị.

    Miêu tả các nhân vật và cuộc ẩu đả trong đoạn trích, Ngô Tất Tố cũng thể hiện một ngòi bút linh hoạt, sống động. Ngôn ngữ nhân vật rất độc đáo, thể hiện tính cách và những diễn biến tinh tế trong cảm xúc nhân vật. Chị Dậu ban đầu xưng “cháu” gọi “ông” với cai lệ. Khi ấy chị đang lo lắng cho sức khỏe của chồng và sợ hãi vì thái độ hung hãn của hai tên tay sai. Nhưng khi bị chúng “bịch vào ngực”, lòng càm phẫn trào lên, chị “cự lại” xưng “tôi” gọi “ông”. Và khi lòng căm phẫn dâng lên tột điểm, chị đã vùng lên xưng “bà” đầy uy quyền và gọi “mày” rất coi thường, khinh bỉ. Cuộc ẩu đả giữa chị Dậu và hai tên tay sai cũng được miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ và sinh động. Hành động của tên cai lệ được diễn tả bằng những động từ, tính từ giàu sức biểu cảm “sầm sập”, “trợn ngược”, “đùng đùng giật phắt”… Hành động vùng lên đánh lại hai tên tay sai lại càng đặc biệt. Chỉ trong một câu văn, Ngô Tất Tố dùng đến bốn động từ diễn tả sức mạnh và hành động chớp nhoáng của chị Dậu: “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa, túm tóc lẳng cho một cái..”. Trước sức mạnh của người đàn bà lực điền, hai tên mạt hạng “chổng quèo”, “ngã nhào” ra hè.

    Bên cạnh nghệ thuật miêu tả là ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại khá đặc sắc. Nó vừa bộc lộ sắc nét tính cách nhân vật vừa phản ánh được những diễn biến tâm lí nhân vật.

    “Tức nước vỡ bờ” quả là “một đoạn tuyệt khéo”. Nhờ vậy, nhà văn đã dựng lên hình ảnh một người phụ nữ nông dân đầy sức mạnh, dám bứt phá để đòi quyền sống trong cái xã hội ngột ngạt đầy rẫy áp bức bất công. Cái khéo của Ngô Tất Tố là đã khêu một tia lửa lóe lên giữa bóng đêm phủ chụp “Tắt đèn”. Và nói như Nguyễn Tuân, lúc ấy Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”.

    Bình luận

Viết một bình luận