Kinh thành Thăng Long phát triển như thế nào dưới thời nhà Lý

Kinh thành Thăng Long phát triển như thế nào dưới thời nhà Lý

0 bình luận về “Kinh thành Thăng Long phát triển như thế nào dưới thời nhà Lý”

  1. Thời Lý, Kinh thành Thăng Long được chia làm 61 phường là nơi ở, làm ăn, sản xuất và buôn bán của nhân dân. Nguyên nghĩa của chữ “phường” là “ô đất vuông”. 61 phường có từ thời Lý là 61 ô đất vuông tập hợp các hộ gia đình thành một đơn vị hành chính tương đương với một xã ở nông thôn. Các phường này được giới hạn với nhau bằng đường phố. Đây là kiểu quy hoạch kinh đô đặc trưng thời Trung đại. Tuy nhiên, Kinh đô Thăng Long lại có điểm đặc sắc riêng, ấy là mỗi phường đều là nơi tập trung các thợ thủ công làm chung một nghề và thường có chung một quê. Bởi vậy, người ta thường nói về “phường thợ xây”, “phường thợ mộc” hay “phường thợ hàn”. Phường từ một đơn vị hành chính đã gắn với nghề nghiệp chủ đạo của những người dân cư trú tại phường đó. Người dân thường mở cửa hàng bán sản phẩm của phường mình ở ven các con phố chạy qua phường, hình thành nên các con phố buôn bán chủ yếu chung một mặt hàng và phố được gọi tên theo mặt hàng kinh doanh từ đó.

    Trung tâm Kinh thành Thăng Long có Thái Hồ là nơi nhà Lý dựng Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám. Phía Nam Thái Hồ là hồ Chu Tước (sau gọi là hồ Bích Câu, sau nữa được tách thành hồ Bảy Mẫu và hồ Thuyền Quang). Năm 1154, vua Lý Anh Tông cho dựng đàn Viên Khâu cạnh hồ Chu Tước để làm lễ Tế Giao hằng năm.

    Thời Lý, hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đã tách khỏi sông Hồng, nhưng hồ Lục Thủy (hồ Gươm) và hồ Chu Tước thì vẫn ăn thông với sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch – hai con sông uốn khúc chảy quanh trong nội thành Thăng Long. Trên đoạn sông Tô Lịch cổ chạy qua Kinh thành Thăng Long được dựng một vài cây cầu để cư dân hai bên bờ sông có thể qua lại, giao thương: cầu Đông xây bằng đá, cầu Thái Hòa dựng bằng gỗ, cầu Cau và cầu Tây Dương.

    Cũng do Kinh đô Thăng Long có hệ thống sông hồ thông thoáng nên hình thành những bến thuyền (từ cổ gọi là “búa”) tấp nập thuyền bè vào ra buôn bán: bến Triều Đông (Hòe Nhai), bến Thái Cực (Hàng Đào), bến Thái Tổ (Nguyễn Du), bến Giang Tân (Nghĩa Đô), bến Thiên Thu, bến Đại Thông (hiện chưa xác định thuộc khu vực nào)… Thăng Long thời xưa chợ và bến thuyền thường song hành với nhau như thế nên mới hình thành cách gọi “chợ búa” như dân ta vẫn quen dùng cho đến nay.

    Kinh thành Thăng Long nằm ven sông Hồng (còn gọi là sông Nhị, hay Lô Giang thời Lý). Các nhà vua thời Lý cho dựng bốn cung điện ven sông này để nhà vua và tùy tùng, quan lại ra xem lễ hội đua thuyền hằng năm. Bốn cung điện đó là Hàm Quang (được xây dựng năm 1011), Linh Quang (được xây dựng năm 1058), Thủy Tinh và cung Thánh Từ (được xây dựng vào đầu thế kỷ XII). Trong đó, cung Thánh Từ cũng chính là nơi dành cho Thái Hậu ở. Các cung điện ở đây đều được xây dựng với quy mô rất lớn thành quần thể cung điện nguy nga, tráng lệ. Chẳng hạn, bên trái điện Linh Quang được dựng thêm điện Kiến Lễ, bên phải là điện Sùng Nghi, mặt tiền dựng lầu chuông một cột 6 cạnh hình hoa sen (thời Lý, Phật giáo trở nên thịnh hành và hình ảnh hoa sen được cách điệu thành những họa tiết trang trí và công trình xây dựng, làm nên những công trình lịch sử như Chùa Một Cột…)

    Bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây), các nhà vua triều Lý cũng cho xây nhiều cung điện làm hành cung hoặc quán quan ngự trên mặt nước để xem đánh cá, bơi thuyền. Đầu thế kỷ XIII, công chúa Từ Hoa, con gái của vua Lý Thần Tông, ở cung Từ Hoa ven hồ Dâm Đàm đã cùng các cung nữ mở nghề trồng dâu nuôi tằm. Vì thế, nơi này mới có tên là trại Tàm Tang, sau đổi thành Nghi Tàm.

    Còn bên hồ Lục Thủy, nhà Lý cho dựng nhiều công trình quan trọng, như tháp Báo Thiên và chùa Báo Thiên được dựng để ghi công chiến thắng quân Chiêm Thành, cung Chiêm Nữ là nơi dành cho các cung nữ Chiêm Thành bị bắt tới ở.

    Thời Lý, do đạo Phật thịnh hành nên trong Kinh thành được nhà vua cho dựng nhiều chùa chiền, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vạn Tuế, chùa Diên Hựu, chùa Ngọc Hồ.

    Bình luận
  2. Cuối năm 1009, tại Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn được lập làm vua, sáng lập vương triều Lý. Chưa đầy một năm sau (1010), ông dời đô ra thành Đại La và đổi thành Thăng Long.

    Trên cơ sở thành Đại La, Lý Công Uẩn xây dựng một kinh thành mới. Kinh thành được giới hạn bằng 3 con sông, phía Đông là sông Hồng, phía Bắc và phía Tây là sông Tô Lịch, phía Nam là sông Kim Ngưu.

    Khu Hoàng thành ở gần hồ Tây là nơi thiết triều, tất cả được bao bọc bằng một tòa thành gọi là Hoàng thành. Phần còn lại là khu dân sự, chia ra làm các phường, trong đó có những phường nông nghiệp, phường thủ công nghiệp và phường thương nghiệp, tách biệt hoặc đan xen. Cả hai khu được gọi là kinh thành, được bao bọc bằng một tòa thành bằng đất, phát triển từ đê của 3 con sông nói trên.

    Trong khu dân sự có những kiến trúc tôn giáo: năm 1028, xây đền Đồng Cổ trên bờ sông Tô Lịch, năm 1049 xây chùa Diên Hựu (Một Cột) ở phía Tây Hoàng thành, năm 1057 xây chùa tháp Báo Thiên, năm 1070 xây Văn Miếu và nhà học cho thái tử, sau phát triển thành Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Từ điện Giảng Võ trong Hoàng thành, năm 1170 phát triển thành Xạ đình (sân bắn) đặt ở phía Nam kinh thành.

    Như vậy, trong khoảng một trăm năm, sau khi trở thành Kinh đô, Thăng Long đã được xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Thành lũy, đê điều, các loại kiến trúc cung điện, lễ hội dân gian, văn hoá, tôn giáo… tất cả hoà quyện với thiên nhiên tạo nên dáng vẻ riêng của kinh thành

    Bình luận

Viết một bình luận