Trái ngược với sự thất vọng đối với các sản phẩm âm nhạc đến từ những nghệ sĩ chính thống, một bộ phận nghe nhạc tại Việt Nam tìm thấy sự hài lòng, hứng thú đối với những tác phẩm do các nghệ sĩ độc lập làm ra.
Sự phát triển của những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến (Soundcloud, Apple Music, YouTube…) khiến cho khái niệm Indie Artist (Nghệ sĩ Độc lập) không còn phù hợp bởi vì mọi nghệ sĩ đều có quyền bình đẳng như nhau trên môi trường Internet. Bên cạnh đó, người làm nhạc Indie ngày nay, nhất là tại Việt Nam cũng hướng đến mặt thương mại cũng như “thị trường” để họ phát triển.
Gần đây, khái niệm Underground (hoạt động ngầm) được giới làm nhạc và khán giả sử dụng nhiều hơn thay vì Indie Artist như trước đây nhưng nó vẫn không phản ánh đúng với chất nhạc của những nghệ sĩ làm nhạc độc lập.
Tuy ranh giới bị xoá nhoà nhưng rõ ràng âm nhạc mang màu sắc indie vẫn không ngừng phát triển. Người viết mạn phép đưa ra khái niệm “giới làm nhạc dưới tinh thần độc lập” thay vì khái niệm Nghệ sĩ độc lập như vẫn được hiểu thông thường trước đây. Tức là, họ giữ nguyên các nguyên tắc của làm nhạc độc lập nhưng đã biến đổi, cách tân để phù hợp với thời đại.
Các sản phẩm dưới “tinh thần âm nhạc độc lập”
Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc chính thống trên thị trường, âm nhạc độc lập có một dòng chảy riêng và đang tiếp nối vào mạch nguồn của nền âm nhạc Việt Nam. Những năm gần đây nổi lên các dự án có tinh thần độc lập, ít nhiều đã tạo được tiếng vang đối với công chúng.
Đầu tiên phải kể đến dự án Thằng mõ – Cái nường 8X của nhạc sĩ Ngọc Đại. Đĩa nhạc của người nghệ sĩ Việt nam được xem là “đi trước thời đại” này dù tai tiếng hơn nổi tiếng nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm nhất định. Tinh thần độc lập của Ngọc Đại chặt chẽ trong cả cách sáng tác nhạc và viết lời, đặt tên cho album lẫn ca khúc. Nhanh chóng bị thu hồi cũng như khá “khó tiếp nhận”, đĩa nhạc Thằng mõ – Cái nường 8X giống như một tiếng động mạnh quăng vào nền âm nhạc Việt Nam vốn thừa mữa những ca khúc thị trường, chạy theo xu hướng thị hiếu mà thiếu những tìm tòi, đột phá.
Sẽ rất thiếu sót nếu như không kể ra cái tên Lê Cát Trọng Lý với chuỗi album độc đáo của cô. Từ album đầu tay mang chính tên mình Lê Cát Trọng Lý cho đến sản phẩm mới nhất sắp phát hành Không sao về bắt đầu đều cho thấy mình tinh thần độc lập mạch lạc và cá tính. Có thể nói, Lý là cái tên không dễ bị trộn lẫn và âm nhạc của cô cũng chẳng giống ai đương thời.
Cách cô “giữ mình” trong nghệ thuật, cách cô thực hiện các sản phẩm âm nhạc đều giữ tinh thần đặc biệt. Nổi tiếng với ca khúc Chênh vênh (Bài hát của năm tại Bài hát Việt từ cách đây 8 năm như một nghệ sĩ mainstream nhưng Lê Cát Trọng Lý lại dành gần 1 thập kỷ qua để làm việc như một nghệ sĩ độc lập. Hay đúng hơn là làm nhạc trên tinh thần độc lập. Và rõ ràng, cô đã thành công khi có công chúng riêng và cổ vũ cô hết mình trong suốt chặng đường vừa qua.
Cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ vẫy vùng
Nếu như Ngọc Đại hay Lê Cát Trọng Lý là những nghệ sĩ chính thống hẳn hay tiệm cận với âm nhạc mainstream thì âm nhạc Indie vẫn là một mạch nguồn chưa bao giờ ngừng tại Việt Nam.
Từ đầu thập niên 2010, nền âm nhạc của chúng ta đã chứng kiến từng đợt “sóng ngầm” đến từ những nghệ sĩ hoạt động ngầm. Thậm chí, có thời điểm, âm nhạc của giới Underground còn lấn án cả mainstream. Đó là thời kỳ của những nghệ sĩ trẻ đến từ Hà Nội như cộng đồn AnhEmRap, Space Speaker (Yanbi, Mr.T, LK, JustaTee, Kimmese)…. với những bản hit thời thượng như Thu Cuối, She Neva Knows, Xin anh Đừng… Tuy nhiên, có không ít cho rằng đây là kiểu nhạc Underground bắt chước Kpop (nhạc trẻ Hàn Quốc), với kiểu Rn’B thời thượng và chưa cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi.
Sau thời kỳ này, nhạc Việt thực sự có nhiều nghệ sĩ hay ban nhạc phát triển tinh thần độc lập một cách rõ rệt. Một trong những tên tuổi mới nổi, đáng phải kể đến chính là Ngọt – ban nhạc được định danh là Indie rock ra đời tại Hà Nội.
Ngọt ra mắt album đầu tay mang chính tên của mình vào năm 2016 và gây được tiếng vang trong cộng đồng nghe nhạc “online”. 2 nghìn bản đĩa nhạc CD nhanh chóng được bán hết ra. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là tinh thần độc lập đã ảnh hưởng đến chất nhạc, chủ đề và phương thức thực hiện của band nhạc trẻ này. Vẫn chưa hoàn hảo nhưng Ngọt khiến cho khán giả phải tò mò, chờ đợi và kỳ vọng những sản phẩm âm nhạc tiếp theo của mình.
Ngoài Ngọt, không khó để kể tên những nghệ sĩ làm nhạc theo tinh thần độc lập bước đầu được khán giả quan tâm. Ở mảng rap, những cái tên như Đen, Da LAB (thành lập và hoạt động được 10 năm), Wowy, Karik… đã trở nên quen thuộc và được yêu thích với một bộ phận khán giả rất lớn.
Năm 2016 có nhiều cái tên và sản phẩm âm nhạc mang tinh thần độc lập bắt đầu tạo được dấu ấn riêng. Marzuz (My Anh, con gái nhạc sĩ Thanh Phương), ban nhạc Xanh 8+1, Cá Hồi Hoang, các ca/nhạc sĩ trẻ như Vũ, Trang, Mademoiselle… đều có những sản phẩm âm nhạc độc đáo, khác biệt và đáng nghe. Dù các tác phẩm của họ đi theo các dòng nhạc quen thuộc như rock, pop/ballad hay EDM thời thượng thì nó vẫn mang những tinh thần riêng biệt không dễ bị trộn lẫn.
Có thể nói, bên cạnh một lứa ca sĩ trẻ được “sản xuất” hậu thời truyền hình thực tế, nhạc Việt đã có những lứa nghệ sĩ lớn lên với tinh thần độc lập, xem các ứng dụng trực tuyến là môi trường hoạt động động, cộng đồng fan là những người dùng trên Soundcloud, YouTube… Rõ ràng, hai kiểu nghệ sĩ này đang làm ra những sản phẩm âm nhạc đi theo hai hướng khác nhau dù cùng chung một mục đích – mang đến cho khán giả những âm nhạc chất lượng nhất.
Như đã nói ở trên, hoạt động âm nhạc như một nghệ sĩ độc lập hay làm nhạc với tinh thần độc lập thực sự là cơ hội và hướng đi của những nghệ sĩ trẻ đang đặt những bước chân đầu tiên vào âm nhạc. Họ có cá tính, có môi trường và có người hâm mộ riêng. Bên cạnh đó, thành công ban đầu về mặt thương mại của những đại diện nổi bật kể trên chắc chắn sẽ khiến cho nền âm nhạc Việt Nam trở nên đa dạng, màu sắc và phát triển hơn.
Còn tiếp
Giới làm nhạc Indie Việt (kỳ 2): “cửa hẹp” nay đã rộng mở