ọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
… Thế nhưng không biết tự bao giờ đã hình thành cả một thứ “văn hóa” chối tội, trốn lỗi. Bắt đầu thấp thoáng có vẻ như có chuyện ư? Phải bịt đầu mối cho nhanh. Khi đã bung ra ai cũng biết ư? Hãy lấp liếm làm mờ làm nhòe mọi chuyện. Khi một cây cầu hay một ngôi nhà bị sập thì việc đầu tiên của những người bảo vệ là cấm không cho các nhà báo tiếp cận hoặc quay phim. Những người phụ trách nông nghiệp không muốn báo cáo rằng khu vực mình đang có dịch bệnh. Cô giáo không thích báo cáo lên phòng và sở giáo dục về việc trong lớp mình học sinh đánh nhau hay có hiện tượng quay cóp,… Sự tự vệ kiểu này đang hiện ra với tất cả sự khôn ngoan tế nhị chỉ có ở con người hiện đại.
Khi nghe có một sự cố nào đó, cái mà dư luận chờ đợi chỉ là mọi việc được mang ra thanh thiên bạch nhật phân tích để có sự phán xét quy trách nhiệm rõ ràng. Và trước tiên mong chờ được thấy thiện chí của những người trong cuộc. Nhưng có vẻ như cái thiện chí đó ngày càng hiếm gặp.
Xin nói thêm là mấy chữ “người trong cuộc” ở đây xin được hiểu theo nghĩa rộng. Thời xưa, mỗi khi xảy ra mất mùa hay dịch bệnh, các bậc vua chúa thường tự nhận là do đức của mình mỏng, phải lập đàn cầu trời nhận tội và mong trời đừng vì mình mà làm khổ dân chúng. Trong các giờ sử, chúng tôi được dạy đó là một lối nghĩ duy tâm buồn cười. Nay nghĩ lại thấy đằng sau đó có “hạt nhân hợp lý” của nó. Đúng là lỗi của vua chúa thật, trong trường hợp này các vị tự xưng là cha mẹ dân có lỗi vì đã không biết tổ chức đời sống cho dân. Cũng trong thời phong kiến ấy, khi có những viên quan mắc lỗi thì ông thầy dạy người đó từ nhỏ đứng ra tự nhận lỗi là tại mình.
Tôi cho rằng có thể học lối nghĩ đó để nhìn tình hình hôm nay. Tai nạn xảy ra hàng ngày không chỉ do dân thiếu ý thức mà còn nằm trong lỗi của những người quy hoạch, quản lý giao thông, đang để đường sá thiếu thốn, hư hỏng. Khi xử một cán bộ thoái hóa, đáng lẽ phải lần về tận gốc, xem ai đã đặt anh ta vào bệ phóng của con đường hoạn lộ. Cũng như bàn về bạo lực học đường, chỉ nói tới lỗi của các thầy giáo, cô giáo là không đủ, ở đây có lỗi của cả những người viết sách giáo khoa, những người xác định chương trình giáo dục đạo đức cho lớp trẻ. Rút dây động rừng, chẳng có ai là vô can trong sự đi xuống của tình trạng nhân thế hiện thời. Có nghĩa là ở tất cả chúng ta, cảm giác có lỗi cần được đánh thức.
(Trích Cảm giác có lỗi – Vương Trí Nhàn, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn – 2010)
Câu 1. (0,75) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. (0,75) Người viết có quan niệm như thế nào về “người trong cuộc”?
Câu 3. (1,0) Anh/chị hiểu ý nghĩa của câu: “Sự tự vệ kiểu này đang hiện ra với tất cả sự khôn ngoan tế nhị chỉ có ở con người hiện đại” như thế nào?
Câu 4. (0,5) Anh/ chị rút ra được những điều gì từ đoạn trích trên?
1, nghị luận
2, Tác giả đã nhìn nhận thấy rằng thiện chí quy nhận trách nhiệm rõ ràng của những “người trong cuộc” ngày một hiếm gặp
3,
Câu văn này đã phê phán việc những người trong cuộc, hay những cá nhân liên quan đến những sự việc nổi cộm không trung thực, không quy nhận trách nhiệm minh bạch rõ ràng, cũng như thường che giấu những điều xấu của sự việc. Mục đích của họ là để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình. Đây chính là mặt tối của xã hội hiện đại và con người ngày càng có xu hướng trở nên vụ lợi, bất chấp cả những giá trị tốt đẹp của tập thể để có thể bảo vệ lợi ích của bản thân
4
Điều mà em rút ra được từ văn bản trên đó là sự cần thiết của sự tự giác, sự công tư phân minh và trách nhiệm của mỗi cá nhân liên quan đến những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Đạo đức của mỗi cá nhân cần nâng lên, cùng với đó là tinh thần trách nhiệm, nhận lỗi và khắc phục lỗi lầm của chính bản thân. Từ đó, đặt nền tảng cho một xã hội tốt đẹp, vững mạnh