Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ bánh trôi nước ( viết thành 1 bài văn nhé ) ( có thể tham khảo mạng nha nhưng đừng chép hết nhé )
Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ bánh trôi nước ( viết thành 1 bài văn nhé ) ( có thể tham khảo mạng nha nhưng đừng chép hết nhé )
Thân phận người phụ nữ lênh đênh, trôi nổi như mười hai bến nước vào thời phong kiến. Thương cảm cho thân phận đau thương của người phụ nữ, “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương đã sáng tác bài thơ “Bánh trôi nước”, một bài thơ em rất yêu thích. Chỉ bằng bốn câu thơ trữ tình chất chứa nhiều tâm tư, tình cảm sâu sắc, bài thơ đã lôi cuốn người đọc, người nghe bằng những vần điệu miêu tả một chiếc bánh dân gian thường dùng nhưng hàm ý lại xoay quanh vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam, được thể hiện sinh động như sau:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kể nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Khúc dạo đầu được thể hiện qua những vần thơ chân thật mà rất phong phú về hình ảnh:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn.”
Đọc câu thơ, em liên tưởng đến chiếc bánh trôi nước trăng trắng, tròn ủm gợi cho người đọc, người nghe một niềm thích thú ngọt ngào. Hình ảnh đó đã được nhà thơ vẽ ra với cách ẩn dụ đặc sắc: lồng ghép vào màu sắc và hình dáng của chiếc bánh hiện lên làn da trắng mịn màng và thân hình đầy đặn của người phụ nữ Việt Nam. Chỉ bằng một câu thơ súc tích mà Hồ Xuân Hương đã nêu bật được vẻ đẹp “Nhất dáng, nhì da” của người phụ nữ nước ta. Cùng cảm nhận được nét đẹp của người phụ nữ về làn da, vóc dáng, Khổng Tử đã viết trong bài thơ Thạc Nhân II như sau: “Tựa mỡ đọng trắng mướt làn da.” Hoặc nhà thơ Nguyễn Du cũng đã khen ngợi: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.” Cả hai tác giả này đều có cảm nhận rất hay về nét đẹp của người phụ nữ, nhưng theo em thì vần thơ của Hồ Xuân Hương súc tích, dễ thương và mang tính dân gian hơn.
Tuy đẹp như vậy, nhưng họ lại phải chịu cảnh:
“Bảy nổi ba chìm với nước non.”
Đọc đến đây, lòng tôi bỗng vỡ òa niềm thương cảm. Nhà thơ đã xuất sắc khi tiếp tục tả hình ảnh những chiếc bánh trôi bập bềnh trong nước đường sóng sánh ánh vàng. Nhưng kèm theo hình ảnh hấp dẫn đó là số phận lênh đênh của người phụ nữ trong thời phong kiến qua thành ngữ “Bảy nổi ba chìm”. Cùng đồng cảm với tác giả, Nguyễn Du cũng từng viết: “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”. Nhưng câu thơ của Hồ Xuân Hương lại mang đậm tính chân thật, hàm súc chất chứa nỗi niềm riêng tư mà có lẽ nhà thơ cũng đang phải chịu đựng.
Vậy do đâu mà người phụ nữ phải chịu cảnh “bảy nổi ba chìm, chín lênh đênh” như vậy? Câu trả lời như sau:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.”
Nghẹn ngào và xúc động là hai điều mà em cảm nhận được khi đọc câu thơ trên. Chiếc bánh trôi nước được vuông tròn hay nát vụn là đều do người nặn bánh quyết định. Và nhà thơ đã khéo léo sử dụng hình ảnh ẩn dụ này để nói lên thân phận người phụ nữ hạnh phúc hay đau khổ đều do người khác quyết định, chứ người phụ nữ không hề được tự tay định đoạt số phận hay tương lai của mình. Người khác đó là ai? Đó chính là nam giới với những quan niệm lạc hậu của xã hội phong kiến “Trọng nam khinh nữ”, “Chồng chúa vợ tôi”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tuy nhiên với quan hệ từ “mặc dầu”, Hồ Xuân Hương cũng toát lên được ước vọng vươn lên của người phụ nữ muốn phá tung khuôn khổ chật hẹp này.
Tuy người phụ nữ phải sống trong cảnh nặng nề, tối tăm, nhưng đâu đó trong lòng họ vẫn ánh lên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Nhà thơ một lần nữa tiếp tục lồng ghép hình ảnh cái nhân của chiếc bánh mang sắc đỏ của đường thùng để tôn lên nét đẹp thanh tao của nhân phẩm người phụ nữ luôn trung hậu, thủy chung. Câu thơ cuối trong bài thất ngôn tứ tuyệt là câu “Hợp”, câu mang ý chính của toàn bài, mang ý nghĩa quan trọng nhất đó là “tấm lòng son”, tấm lòng son sắt như màu đỏ cao quí của máu chảy trong con người. Vừa miêu tả được bánh trôi nước vừa đề cao được nét đẹp bề ngoài lẫn bề trong của người phụ nữ, điều này đã thể hiện được tài năng xuất chúng của một nữ thi sĩ được người đời ca ngợi là “Bà chúa thơ Nôm”. Quả không ngoa chút nào vì với những quan hệ từ bình thường như “mặc dầu”, “mà”, nhà thơ đã diễn tả đầy đủ tinh thần hiên ngang bất khuất của người phụ nữ vừa sẵn sàng đối chọi với quan niệm hà khắc của chế độ phong kiến vừa giữ gìn phẩm chất cao đẹp của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bằng nghệ thuật điêu luyện của thể thơ Đường hàm súc cùng với thủ pháp ẩn dụ sinh động, bài thơ Bánh trôi nước của nữ văn sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương đã cùng lúc phác họa được hình ảnh của chiếc bánh trôi nước, đồng thời vẽ lên hình ảnh của người phụ nữ tuy số phận hẩm hiu trong một xã hội hủ lậu nhưng vẫn sáng lên niềm hy vọng và phẩm chất cao quí của mình.
Càng yêu quý tâm hồn và ngưỡng mộ tài năng văn thơ kiệt xuất của Bà chúa thơ Nôm, thế hệ phụ nữ ngày nay, đặc biệt là bản thân em, càng phải phát huy được những phẩm chất mà tác giả gửi gắm trong những câu thơ da diết, đầy xúc động. Trong công cuộc đổi mới đất nước, người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng, nên họ càng phải phấn đấu hơn nữa để giữ gìn nét đẹp nội tâm đồng thời trau dồi thêm kiến thức để tự khẳng định mình. Có như thế người phụ nữ mới bình đẳng với nam giới để cùng chung tay xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.
Hồ Xuân Hương là một trong những thi sĩ nổi tiếng cuối thế kỉ XVIII. Bà được người đời yêu mến tôn danh với cái tên Bà chúa thơ nôm. Thơ của Hồ Xuân Hương mang cái nét thanh thanh tục tục, là tiếng lòng đầy thổn thức đầy trắc ẩn của người phụ nữ xưa. Một trong những tác phẩm đáng quý còn xót lại của bà là bài Bánh trôi nước. Bốn câu thơ đơn giản, mộc mạc đã mở ra thân phận đầy trở trêu, đau khổ của phận nữ nhi trong xã hội phong kiến thối nát, bạc nhược.
Bốn câu thơ được làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với hai tầng lớp phong phú đa dang. Với nghĩa đen, tác giả đã tả chiếc bánh trôi thật tài tình, tinh xảo: màu trắng, hình tròn; nhân bánh màu đỏ, rắn nát phụ thuôc vào tay người làm bánh. Những câu thơ giàu sức gợi mang đến cho người đọc hình ảnh trân thực về chiếc bánh trôi truyền thông Việt Nam.
Tuy nhiên ẩn ý bài thơ đâu chỉ dừng lại ở đó, phải chăng nhà thơ đang muốn mượn hình ảnh chiếc bánh trôi vô tri vô giác để dựng nên cuộc đời, số phận của cả một thế hệ ?
Mở đầu bài thơ Hồ Xuân Hương đã dùng mô túy quen thuộc trong thơ ca xưa cổ: “Thân em..” Nhắc đến thân em vừa là nhắc đến hình ảnh chiếc bánh trôi lại cũng là nhắc về hình ảnh người phụ nữ. Phải chăng tác giả muốn đề cập muốn nhấn mạnh về thân thể về số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Hai tính từ trắng, tròn vừa à hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi vừa là hình ảnh ví von, miêu tả vè đẹp tài sắc, trong trắng vẹn tròn nhân phẩm của người con gái. Sử dụng hình ảnh liên tương mộc mạc, độc đáo tác giả vừa phô ra hết cái vẻ đẹp bao quát hình thể lại vừa cho người đọc thấm được cái chiều sâu cao thượng, phúc hậu và sắt son thủy chung trong tâm hồn người phụ nữ Việt.
Nhân gian có câu: “tài sắc bạc mệnh” Một người phụ nữ với tấm thân trắng trong, tài sắc vẹn toàn nhưng liệu rằng có được sống một cuộc đồi hạnh phúc, an lạc. Câu thơ thứ hai như một tiếng nấc nghẹn ngào đầy đau thương, xót xa:
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” dùng để ám chỉ về một cuộc đời nổi trôi, lênh đênh, vô định. Người phụ nữ trong xã hội xưa không biết răng cuộc đời mình sẽ đi về đâu, sẽ đến đâu, và gặp những ai. Họ bị sóng gió của chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu với hình thức Trọng nam khinh nữ nhấn chìm. Họ không có quyền lên tiếng quyết định cho số phận cuộc đời, cho hạnh phúc của chính mình. Họ chỉ biết nghe theo sự sắp đặt từ người khác, từ xã hội. Thanh bằng được đặt giữa cau thơ như mọt nốt trầm nhạt nhòa trong cuộc đời bão giông người phụ nữ. Số phận bèo dạt mây trôi đầy đau xót, bẽ bàng ấy đã không dưới một lần được văn thơ tái hiện lại:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng rồi biết tấp vào đâu”
Và rồi họ chỉ đành biết ngậm ngùi chấp nhận, phó mặc cho dòng đời chảy trôi:
“rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Nhà thơ đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đảo ngữ tài tình để nhấn mạnh về cuộc đời người phụ nữ. Rắn nát là tính từ chỉ mức độ, ở đây để nói về sự khổ đau hay hạnh phúc viên mãn trong những năm tháng cuộc đời. Sự khổ đau hay hạnh phúc ấy lại không do chính bản thân họ được định đoạt mà lại phụ thuộc vào người khác : “mặc dầu tay kẻ nặn” . Tay kẻ nặn phải chăng đang nói về người đàn ông. Có lẽ vậy, bởi cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội xưa đã được định đoạt từ trước là phụ thuộc vào người đàn ông: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” . Những người phụ nữ sinh ra đã là thân phận yếu thế, trong xã hội Và rồi buồn đau hay yêu thương hạnh phúc họ cũng chỉ còn biết chông chờ vào chình những người đàn ông. Cũng giống như ca dao xưa đã từng viết:
“Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”
Thân phận những người con gái, những bà những mẹ như chiếc cây tầm gửi, bấu víu, phó mặc vào bàn tay người khác. Hồ Xuân Hương đã không hề giấu diếm không hề trốn tránh mà đứng lên nhìn thẳng vào hiện tại, nhìn thẳng vào cuộc đời chính mình để rồi dấy lên tiếng nói, dấy lên một nỗi lòng thương cảm, sẻ chia nghẹn ngào trăm bề.
Nhưng dù rằng là đau khổ, dù rằng là mệt mỏi cơ cực nhưng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vẫn thật đẹp, vẫn thật cao quý:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Tấm lòng son chính là tấm lòng thủy trong, son sắt của người phụ nữ. Câu thơ cuối như một lời tuyên thệ, lời khẳng định chắc nịch cho phẩm chất sáng trong của người phụ nữ, rằng dù có lênh đênh, có bị vùi dập, có đặt trong hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa trong họ vẫn luôn ngời lên đức tính cao đẹp, đức hạnh vô cùng.
Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, âm luật chặt chẽ, sử dụng hình ảnh ẩn dụ mộc mạc giản dị nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh nhân văn tuyệt đẹp trong xã hội xưa đó chính là cuộc đời số phận người phụ nữ. Qua đó đã lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến giao thời xưa cũ lạc hậu, bạc nhược đầy bất công. Đây là những nét đặc trưng rất riêng mang hồn thơ Hồ Xuân Hương.
Bài này mih đã kt rồi và đã đạt điểm cao. Không chép mạng đâu