Cách đây khoảng hai mươi năm về trước, dân nghe rock Việt Nam nhất là những người yêu thích dòng heavy metal khi nói về những nhóm nhạc mình yêu thích thường đề cập đến bộ ba Metallica, Guns and Roses và Scorpions như những band nhạc metal nổi tiếng nhất thời đó. Nếu như Metallica và Guns and Roses có vẻ hơi thử thách người mới bắt đầu nghe rock thì Scorpions với những bản ballad ngọt ngào như “Still Loving You”, “Always Somewhere”, “When the Smoke is Going Down” hay “Send Me and Angel” luôn chinh phục được cả các fan của pop và rock. Và tôi, cậu học sinh cấp hai của hai mươi năm về trước, đã làm quen với rock qua những bản ballad của Scorpions như thế. Giờ đây, sau khi ngồi điểm lại quá trình hơn 20 năm nghe và chơi rock, Scorpions vẫn là một trong những ban nhạc mà tôi yêu thích nhất. Năm 2015 này, những con bọ cạp Đức đang chuẩn bị ăn mừng 50 năm ngày thành lập band nhạc của mình. Nửa thế kỉ cho một nhóm nhạc heavy metal tồn tại và phát triển vững mạnh quả là một điều không tưởng trong thế giới âm nhạc luôn luôn thay đổi và đầy thị phi. Đối với một nhóm nhạc không thuộc vào hai cái nôi nhạc rock Anh và Mỹ thì điều này lại là một kì tích. Bài viết này là lời tri ân dành cho một nhóm nhạc kì cựu của dòng classic heavy metal, ban nhạc đầu tiên đã giúp tôi khám phá thế giới đầy mê hoặc của rock.
I. Tóm tắt sự nghiệp:
Năm 1965, khi cả thế giới bị trào lưu British Invasion mà đại diện tiêu biểu là the Beatles và the Rolling Stones chinh phục thì ở thành phố Hannover, Tây Đức, một nhóm nhạc non choẹt do tay guitar kiêm ca sĩ Rudolf (Rudy) Schenker cùng ba người bạn thành lập cũng tập tành chơi lại những ca khúc thịnh hành thời đó của các nhóm nhạc Anh nổi tiếng. Lúc đó ở Anh cũng có một nhóm nhạc mang tên the Scorpions khiến nhóm nhiều lúc bị nhầm lẫn. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Rudy Schenker quyết định đổi tên nhóm thành the Nameless để tránh phiền phức.
Nhóm Scorpions lúc mới thành lập năm 1965 với tay guitar Rudolf Schenker là trưởng nhóm (thứ hai từ trái qua).
Sau nhiều năm chơi cover ở các quán bar và hợp đêm ở Đức, Rudolf quyết định đưa em trai của mình là Michael Schenker vào giữ vai trò lead guitar và mời cậu bạn Klaus Meine vào làm ca sĩ chính còn mình thì an phận với vai trò sáng tác và chơi rhythm guitar. Lúc này nhóm lại quyết định lấy lại cái tên Scorpions. Đội hình này đã giúp nhóm có hợp đồng thu âm đầu tiên với album Lonesome Crow (1972) với phong cách pha trộn hard rock, psychedelic và cả progressive rock. Scorpions bắt đầu nhận được những lời đánh giá tích cực từ phía khán giả lẫn những nhà phê bình âm nhạc như một nhóm hard rock xuất sắc ở Đức và dần dần mở rộng phạm vi chinh phục của mình ra khỏi quê nhà.
Scorpions năm 1971 với Michael Schenker (thứ hai từ phải qua)
Single trích từ album đầu tay “Lonesome Crow” của Scorpions mang tên “I’m Going Mad” năm 1972 với hơi hướng progressive kiểu Yes hoặc Genesis. Khó có thể nhận ra được Klaus Meine với bộ râu rậm như Robinson Crusoe trong MV này.
Nhưng rồi Michael Schenker nhanh chóng rời nhóm ra đi để đầu quân cho nhóm hard rock Anh nổi tiếng hơn là UFO sau khi Scorpions đi lưu diễn chung với nhóm này. Người thay thế anh là Ulrich “Uli” Jon Roth, một tay guitar đồng bóng, tưng tửng với lối chơi guitar gần như là bản sao phong cách của thiên tài Jimi Hendrix. Với sự đóng góp của Uli Roth, Scorpions tiếp tục phát hành những album mang đậm chất space/psychedelic/fusion như Fly to the Rainbow (1974), In Trance (1975), Virgin Killer (1976) và Taken by Force (1978). Trong thập niên 70, Scorpions dần khẳng định được vị trí hàng đầu của mình ở Đức và nhanh chóng được thị trường châu Âu nồng nhiệt đón nhận trước khi chinh phục khản giá châu Á, đặc biệt là đối với nước Nhật, nơi Scorpions có một lượng fan trung thành vô cùng hùng hậu. Tuy nhiên với tính khí thất thường của mình, cộng với định hướng âm nhạc ngày càng cách biệt với những thành viên khác trong nhóm, Uli Roth cuối cùng cũng từ giã Scorpions để toàn tâm toàn ý cho ban nhạc mới Electric Sun của mình với phong cách pha trộn giữa jazz, progressive và space rock. Michael Schenker quay lại chơi guitar chính một thời gian nhưng nhanh chóng bị sa thải vì thói nghiện ngập ảnh hướng rất nhiều tới lịch biểu diễn và thu âm của nhóm. Người thay thế anh là tay guitar trẻ măng Matthias Jabs mới vào nghề nhưng rất có tinh thần cầu tiến và hết mình vì đồng đội sau khi đã đánh bại gần 150 tay guitar khác trong vòng tuyển chọn. Việc chọn lựa Matthias Jabs vào band là một quyết định vô cùng đúng đắn vì anh chẳng những đưa Scorpions lên một tầm cao mới mà còn gắn bó với nhóm cho tới ngày hôm nay bên cạnh hai trụ cột chính là Rudy Schenker và Klaus Meine.
Scorpions năm 1975 với các thành viên từ trái qua phải: Francis Buchholz (bass), Klaus Meine (vocal), Herman Rarebell (drums), Ulrich Jon Roth (lead guitar) và Rudolf Schenker (rhythm guitar).
Sails of Charon (1977) với tiếng guitar phóng túng của Uli Jon Roth, người có phong cách chịu nhiều ảnh hưởng của thần tượng Jimi Hendrix.
Thập niên 80 chứng kiến sự thành công vượt bậc của Scorpions về mặt thương mại với đội hình huyền thoại Rudy Schenker (rhythm guitar), Klaus Meine (ca sĩ), Matthias Jabs (lead guitar), Herman Rarebell (trống) và Francis Buchholz (bass). Nhóm bắt đầu tập trung đi theo định hướng heavy metal của thập niên 80 với những ảnh hưởng của các nhóm New Wave of British Metal như Iron Maiden hay Judas Priest mà vẫn giữ được chất riêng của mình. Một thử thách lớn lại đến với nhóm năm 1980 là giọng ca Klaus Meine gặp vấn đề nghiêm trọng về thanh quảng và buộc phải giải phẫu. Bác sĩ cảnh báo đó có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp ca hát của anh. Klaus tự nguyện rút khỏi band nhạc để nhóm có thể tiếp tục đi tiếp con đường với một ca sĩ khác nhưng những người đồng đội của anh đã không bỏ rơi anh. Họ đồng ý để Klaus nghỉ ngơi và phục hồi cho tới khi có thể trở lại với band nhạc thay vì tìm người thay thế. Chính tình đồng đội đáng quý đó của Scorpions đã gắn kết họ với nhau cho tới ngày hôm nay và trở thành một trong những nhóm rock huyền thoại. Không phụ lòng của những người bạn, Klaus Meine sau một thời gian dài dưỡng bệnh đã trở lại đầy phong độ với nhóm qua những album kinh điển của dòng metal thập niên 80 như Blackout (1982) và Love at First Sting (1985). Đặc biệt với single “Rock You Like a Hurricane” trích từ album “Love at First Sting”, Scorpions cuối cùng đã chinh phục được thị trường khó tấn công nhất là nước Mỹ. Cái tên Scorpions vốn đã rất nổi tiếng ở châu Âu giờ đây trở thành hiện tượng heavy metal mới ở Mỹ với hàng triệu bảng đĩa được tiêu thụ và những tour lưu diễn cháy vé. Sự thành công của Scorpions ở Mỹ phần lớn dựa vào công lăng xê của kênh truyền hình MTV với những video clip được quay khá công phu và hấp dẫn. Cũng chính kênh âm nhạc này đã trao cho nhóm danh hiệu “Ambassadors of Rock” vào năm 1985. Nửa sau thập niên 80 là sự chinh phục của Scorpions tới những miền đất mới như Brazil và đặc biệt là chọc thủng bức màn sắt của nước Nga Xô Viết, trở thành nhóm nhạc rock Tây Âu thứ hai biểu diễn ở Moscow và Leningrad với năm đêm diễn cháy vé. Tuy nhiên, album Savage Amusement (1988) đã thể hiện sự pop hóa âm nhạc của nhóm với phong cách dễ nghe hơn kiểu Bon Jovi hay Def Leppard khiến các fan kí cựu không hài lòng lắm. Vì lý do đó, nhóm quyết định chia tay nhà sản xuất lâu năm Dieter Dierks người đã gắn bó với nhóm từ thập niên 70 để thu album Crazy World năm 1990 với nhà sản xuất mới Keith Olsen. Một lần nữa tên tuổi của Scorpions lại trở thành tiêu điểm của giới nhạc rock với bài tụng ca hòa bình Wind of Change viết về sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản ở phương Tây. Ngày 21/7/1990, nhóm Scorpions tham gia biểu diễn tại buổi diễn the Wall do cựu thành viên Pink Floyd Roger Waters tổ chức ngay tại bức tưởng Berlin nổi tiếng trước đây đã chia cắt hai miền nước Đức.
“No One Like You” ( 1982) là ca khúc đầu tiên và duy nhất của Scorpions đứng nhất Billboard của Mỹ. MV được quay tại nhà tù khét tiếng Alcatrazz của Mỹ.
Đội ngũ thành công nhất về mặt thương mại của Scorpions trong thập niên 80 với lead guitarist Matthias Jabs (thứ hai từ phải qua) thay thế cho Uli Jon Roth.
https://www.youtube.com/watch?v=6yP… Nhưng khi nhắc tới Scorpions, người Mỹ lại nhớ nhất là ca khúc “Rock You Like a Hurricane” (1984) vì nó gắn liền với tour diễn của nhóm ở Mỹ và sự lăng xê hết mình của kênh truyền hình MTV.
Thập niên 90 chứng kiến sự ra đi của hai thành viên lâu năm là Francis Buchholz và Herman Rarebell vì những lý do riêng. Bộ ba Schenker, Meine và Jabs với những thành viên mới đã nỗ lực duy trì danh tiếng của nhóm trước sự lấn át của các trào lưu mới như grunge và alternative rock. Các album phát hành trong giai đoạn này cũng thể hiện sự bất nhất về phong cách của mình với sự thay đổi liên tục từ heavy metal dữ dội như Face the Heat (1993) nhẹ nhàng và sâu lắng hơn với Pure Instinct (1996), cho tới phá cách khi cho ra đời một album kết hợp giữa rock với techno và electro pop Eye II Eye (1999) khiến nhiều fan lâu năm phật ý. Năm 2000, nhóm lại kết hợp thu âm album Moments of Glory với dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmonic, một ý tưởng nhóm đã ấp ủ từ những năm 80. Rủi thay, với thành công vượt bậc của album S&M của nhóm Metallica chơi với dàn giao hưởng San Francisco được phát hành trước đó không lâu, Scorpions phải mang tiếng oan là ăn theo về mặt ý tưởng. Album tiếp theo Acoustica (2001) là một album live hoàn toàn bằng nhạc cụ mộc chơi lại những ca khúc hit của nhóm được phối theo phong cách unplugged. Album này mang lại cho Scorpions một lượng fan trẻ không nhỏ nhưng một lần nữa, nó khiến cho các fan lâu năm không hài lòng vì quá nhẹ, nghe không đủ phê. Rồi những album tiếp theo như Unbreakable (2004) Humanity Hour I (2007, hợp tác nhà sản xuất lừng danh Desmond Child), Sting in the Tail (2010) Comeblack (2012, chơi lại những ca khúc kinh điển của chính mình và những nghệ sĩ khác) thể hiện một sự đều tay và đầy đặn của một band nhạc lão làng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhưng lại không có một bước đột phá nào đáng kể. Tuy nhiên, trên các sân khấu nhạc sống, các khứa lão ở tuổi lục tuần đã lên chức ông này vẫn tràn đầy sức sống và cháy hết mình. Như để chứng tỏ sự dai sức của mình, Scorpions rất chăm đi tour với lịch biểu diễn dày đặc ở Châu Âu, Nam Mỹ và cả Châu Á đặc biệt là những buổi diễn mang tính từ thiện.
Scorpions năm 1996 với hai thành viên mới Ralph Riekerman thay thế cho tay bass Francis Buchholz và tay trống gốc Thổ Nhĩ Kỳ James Kottak thay cho Herman Rarebell.
Thập niên 1990, Scorpions chinh phục những khán giả trẻ tuổi với phong cách acoustic nhẹ nhàng chơi lại những ca khúc hit của mình.
Năm 2015, để kỉ niệm 50 năm ngày thành lập, một kỉ lục đáng mơ ước của bất cứ một nhóm nhạc rock nào, Scorpions đã phát hành album studio thứ 18 mang tên Return to Forever gồm các ca khúc được viết cho những album trước nhưng chưa bao giờ được thu âm và phát hành với cách hòa âm mới mẻ và hiện đại nhưng vẫn giữ những nét tinh túy của chất hard rock mà nhóm đã kiên trì theo đuổi. Khi nhắc đến kế hoạch về hưu, thành viên sáng lập và cũng là thành viên duy nhất luôn trụ lại với nhóm qua biết bao thăng trầm thay đổi Rudolf Schenker vẫn chưa có vẻ sẵn sàng cho việc nghỉ ngơi. Hai trụ cột khác của band là ca sĩ Klaus Meine và tay guitar Mathias Jabs cũng thế. Dường như họ khó có thể tách rời nhau ra sau từng ấy năm cộng tác vô cùng ăn ý. (còn tiếp)
Scorpions sau một thời gian dài thay đổi bassist đã ổn định với tay bass người Ba Lan Pawel Maciwoda. Đây cũng là đội hình chính thức của nhóm từ năm 2003 cho tới nay. https://www.youtube.com/watch?v=Zgb…
Thật khó tưởng tượng rằng sau 50 năm, Scorpions vẫn còn đầy năng lượng và sức hấp dẫn như thế này dù các thành viên phần lớn đã lên chức ông.