Soạn ngữ văn Mả táng hàm rồng Ông khổng lồ gánh núi

By Peyton

Soạn ngữ văn
Mả táng hàm rồng
Ông khổng lồ gánh núi

0 bình luận về “Soạn ngữ văn Mả táng hàm rồng Ông khổng lồ gánh núi”

  1. Mả táng hàm rồng

    Đinh Bộ Lĩnh là người rất có tài bơi lặn. Một hôm ông lặn xuống đáy sông Đại Hoàng và thấy ở đó có một ngầm đá lớn giống miệng một con rồng. Có một người khách lạ xuất hiện bảo ông đặt chiếc chĩnh sành vào đầu con rồng đó và hứa sẽ thưởng rất hậu. Đinh Bộ Lĩnh nhận lời nhưng lại để chĩnh sành ra ngoài sau đó ông bỏ hài cốt của người khách thuê ra ngoài chĩnh và để vào đó bộ xương Rái Thần và đặt vào giữa miệng rồng. Cũng từ đó Đinh Bộ Lĩnh lớn nhanh như thổi, dẹp loạn các sứ quân, đánh đâu thắng đấy và lên ngôi Hoàng đế. Sau khi ông lên làm vua thì có một thầy Địa lí người Tàu khuyên Đinh Bộ Lĩnh đặt hai thanh gươm bạc lên hai đầu rồng. Ông đã làm theo. Từ đó nước sông Đại Hoàng đỏ ngầu và cơ nghiệp nhà Đinh sụp đổ.

    Ông khổng lồ gánh núi

    Truyện kể rằng: “Ngày xưa, ông Khổng Lồ dựng lò nấu rượu ở mũi An Vĩnh (cửa biển Sa Kỳ, nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Quả đúng là cái lò nấu rượu của ông Khổng Lồ vì đó là một hang đá lớn chồm ra biển Đông, khi triều lên sóng biển đập ì âm. Bở vị trí lò rượu như vậy, nên gió luôn lò vào gây khó khăn cho việc củi lửa. Thế nên, ông Khổng Lồ hốt tro than đổ ra ngoài biển, cốt làm nên một ngọn núi ngăn gió. Kết quả là ông đã tạo thành hòn Bàn Than đen thui trên mặt biển ngoài khơi xa. Thế nhưng, hòn Bàn Than không đủ lớn để ngăn được gió nên ông Khổng Lồ bèn đan một đôi ki lớn để lên miền thượng gánh hai quả núi về đặt trước cửa lò cho kín gió. 

    Ông gánh hai hòn núi về gần đến nhà thì dây gióng bị đứt. Lẹ làng, ông bứt một sợi dây lông dái để nối lại dây gióng. Xong đâu dấy, ông gánh hai quả núi, bước một bước, một chân ở núi Đông Danh (xã Tịnh Thiện) và một chân bước lên núi An Vĩnh (Tịnh Kỳ). Dây dóng lại đứt! Công việc bất thành: hai quả núi rơi xuống – một là núi Răm (xã Tịnh Hoà) và núi Ngang (của Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê). Mặt khác, vì do dụng lực để gánh hai quả núi ấy nên hai bàn chân lún xuống đá núi, nay vẫn còn ở núi Đồng Danh và núi An Vĩnh.

    Đối với cộng đồng ngư dân từ của cổ Luỹ đến của Sa Kỳ thì người ta luôn nhớ ơn đến việc ông Khổng Lồ đã xin trời không thổi ngọn gió Nam ngang (từ đất liền ra biển) ở xứ Quảng Ngãi, ở đây gió Nam ngang là mối nguy hiểm hàng đầu đối với việc đi biển. Ngọn gió Nam ngang “độc” hơn ngọn gió Nam Non Nước (Quảng Nam) và ngọn gió Nam Hòn Khói (Khánh Hoà)”. Câu chuyện này đã trở thành một cổ mẫu định hình trong tâm thức của nhiều thế hệ cư dân xứ tôi. Ở đó, câu chuyện đã làm cho thiên nhiên ở đây thành một cảnh giới nửa hư nửa thực; và cũng đi theo tôi từ thuở thơ ấu đến giờ. Tất nhiên, càng lúc tôi hiểu nó có khác bởi rõ ràng là ông Khổng Lồ không phải là đặc sản văn hoá riêng của vùng duyên hải quê tôi.

    Ở Bình Định, ông Khổng Lồ cũng đã: 1/ Gánh núi và trật chân, bỏ rơi hai hòn núi là hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long (thuộc quần sơn Thứ Hương Sơn vùng Tây Sơn hạ đạo); 2/ Gánh hai hòn núi Chóp Vung và Kỳ Sơn để “sửa sang vùng  núi gần mé biển”; 3/ Ông đã tát nước ở đầm Thị Nại để bắt cá ăn, bỏ xương cá thành núi Xương Cá (ở Phước Thuận); 4/ Ông đuổi bắt con cá Vược, dậm mạnh chân khiến đá sụp thành vũng, phần còn lại thành Eo Vược; 5/ Những nơi ông từng ngồi câu hay đơm cá đều để lại dấu chân: Đá Tượng (suối Ba La, phụ lưu sông Côn), suối Đá Trải (xã Bình Nghi, Tây Sơn); 6/ Đắp cái sa khổng lồ trên sông Ba làm cho dòng sông đổ dốc về Phú Yên; 7/ Đào vét một đoạn sông An Khê: đắp đất đá thành núi và xẻ núi tạo ra ba dòng sông lớn (sông Ba); và 8/ Gánh đất đá quá nặng nên đứt quang làm rơi vãi thành Hòn Lúp, Hòn Bùn, Hòn Cong… 

    Vào dần về phương Nam, truyện Khổng Lồ vẫn bảo lưu những cổ mẫu, nhưng độ đậm nhạt không chừng, đặc biệt là danh tính bị thay thế, do chịu ảnh hưởng các nguồn văn liệu khác. Ở Huyền thoại Ô Loan (Phú Yên), ông Khổng Lồ đã được đồng nhất với Lã Vọng (Khương Thượng/Tử Nha – Tướng quốc đòi nhà Chu, Trung Quốc) và tình tiết kể về việc ông ngồi câu cá để lại dấu chân trên đá và làm văng chiếc giày thành Hòn Giày lại phảng phất điển tích Lã Vọng ngồi câu bên bờ sông Vị (Vị Thuỷ).

    Có phần tương tự, truyện kể về nguồn gốc địa danh các hòn đảo ngoài khơi vùng biển Kiên Giang cũng chen lẫn mẫu đề ông Khổng Lồ (ông ngồi tựa vào Hòn Chông ngủ, chộp lấy bầy ong vo ve bên tai vất xuống biển: mỗi con ong hoá thành một hòn đảo) với các tình tiết đậm tính chất cổ tích thần kỳ hơn là tính chất thô phác hồn nhiên của thần thoại. Trường hợp điển hình cho sự pha tạp do giao lưu văn hoá của truyện Khổng Lồ là các mẩu chuyện quanh núi Bà Đen (Tây Ninh).

    Một mặt, các cổ mẫu chuyện Khổng Lồ vẫn còn tồn tại ở đây tận đến nay; và mặt khác, ở truyện Hai thần Đực – Cái là một tập thành cả các cổ mẫu nguyên sơ đậm chất phồn thực (sinh thực khí của hai thân đều có kích cỡ dị thường: L… bà Nữ Oa bằng ba đám ruộng/ C… ông Tứ Tượng: mười bốn con sào) lẫn nguyên lý âm dương hoà hợp để sinh tạo vạn vật (hai thần Đực Cái kết hôn), với bản thể luận của kinh Dịch (Thái Cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái dương, thái âm, thiếu âm, thiếu dương), Tứ tượng sinh Bát quái) 

    Mặt khác, cũng phảng phất thần thoại cặp đôi nguyên thủy Phục Hi – Nữ Oa của Trung Quốc . Việc gọi ông Khổng Lồ/ Đực là Tứ Tượng và bà Khổng Lồ/ Cái là Nữ Oa đã chỉ ra dấu ấn văn hoá Trung Quốc, song điều lý thú là truyện được xây dựng theo môtíp trai gái thi nhau đắp núi, đào ao/ giếng, đào sông phổ biến trong kho tàng truyện dân gian Khmer, hay biến thể của môtíp này là kiểu truyện hai phe đối lập thi nhau xây tháp phổ biến trong truyện kể dân gian Trung Bộ (truyện Thành Lồi là một ví dụ).

    Điều này đã chỉ ra ảnh hưởng của dòng truyện dân gian Khmer và Chăm – hai tộc người thuộc vùng văn hoá Ấn hoá. Đặc điểm nổi bật của Hai thần Đực – Cái là mức độ phiếm chỉ của nó có phần rõ rệt hơn so với các truyền thuyết Khổng Lồ của các địa phương. Trong việc thi nhau đắp núi, Tứ Tượng bị thua: “Không rõ bây giờ núi của Tứ Tượng ở đâu, nhưng núi của Nữ Oa tương truyền bây giờ là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh, nhưng có người lại bảo là núi Tây Ninh, ngày nay ta vẫn thường gọi là núi Bà Đen. Thân Tứ Tượng không nản lòng lại cất công xây đắp nhiều núi khác cho vừa ý người bạn gái. Thần đắp nhiều núi từ Bắc chí Nam. Ngày nay người hạ giới vẫn cho những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở một vài núi ở Bắc bộ và Trung bộ là những  dấu chân của thần đó. Họ còn gọi đó là dấu chân của thần Khổng Lồ” (Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr. 79).

    Lời người kể truyện dẫn trên đây xét một cách đại thể là đúng với thực tế phổ biến của truyền thuyết về Khổng Lồ. Song trong mỗi trường hợp cụ thể thì mỗi câu chuyện có tình tiết khá đặc dị và bản thân danh tính, hành trang, công năng của Khổng Lồ cũng biến thái theo những chiều hướng đa dạng do nó được xây dụng trên những cơ sở ảo hoá khác nhau. Một là, các cổ mẫu thô phác dựa trên nếp tư duy truy nguyên dân dã đã tạo nên hình tượng người Khổng Lồ có hình tướng to lớn, thể chất vượt trội cộng với các hành vi lao tác thông tục (bưng, gánh, đứt dây gióng, gãy đòn gánh, nhổ cây làm gậy, tát nước bắt cá…) đặc biệt nhấn mạnh đến các biểu hiện phồn thực, các sự kiện tạo sự liên tưởng đến kích cỡ to lớn của sinh thực khí.

    Đó là những tình tiết đặc trưng thấy trong các truyện Khổng Lồ: Sự tích núi Thạch Bồ, Sự tích Lò Thung (Quảng Nam), các sự tích Núi Tuý Vân và núi Linh Thái, Hòn Lăn và núi Trôốc Xôi (Thừa Thiên-Huế), Truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lò Ren (Quảng Trị), chùm truyện về Ông Đùng (ở Nghệ An), chùm truyện về Ông Bưng/ Lê Phụng Hiểu, thần Độc Cước (Thanh Hoá), các truyện Bà Tồ Cồ – ông Lộc Cộc (Tiên Du, Sóc Sơn…/ Hà Bắc), Bà Chúa Binh – Tư Sình (Ý Yên), Nàng Vú Thúng (Liên Sơn, Hà Nam Ninh) và đáng chú ý là các mẩu truyện gắn với hành trạng của thiền sư Không Lộ, Thánh Gióng và đặc biệt là Sơn Tinh: Sự tích núi Chẹ và núi Chẹ Đồng (Soen Tinh gánh hai trái núi chặn phía tây nam núi Tản), truyện Sơn Tinh quảy núi (bị đứt quang: hai sọt đất thành hai trái núi ở xã La Phù và Thạch Khoán), sự tích Đồi Mòm và Gò Choi (Sơn Tinh gánh đất đắp chặn dòng nước dữ của Thuỷ Tinh: Đất tảng lọt sọt thành dãy gò đồi ở Tòng Lệnh, tảng đất lớn rơi thành đôi Mòm, những hòn đất nhỏ rơi thành những quả gò Choi ở xã Tòng Bạt ngày nay).

    Theo Từ điển biểu trưng văn hoá thế giới, Khổng Lồ là “những sinh linh thuộc về đất, tượng trưng cho ưu thế vượt trội của những sức mạnh sinh ra từ Đất, bởi thân xác Khổng Lồ và trí tuệ nghèo nàn của chúng”. Nhận định này khá phù hợp với các cổ mẫu thô phác nêu trên, song trong tiến trình lịch sử và lịch sử văn hoá các cổ mẫu đó cũng đổi thay theo nhũng xu hướng đa dạng. Xu hướng chủ đạo làm cơ sở cho việc ảo hoá nhân vật Khổng Lồ ở xứ ta đáng chú ý là xu hướng lích sử hoá. Dưới cái nhìn của tầng lớp trí thức quan lại Nho giáo thì phẩm chất hàng đầu của bậc anh hùng là việc phò vua giúp nước hay nói rộng hơn là giúp nước cứu dân. Chính vì vậy, các cổ mẫu Khổng Lồ dần dần đều trở thành người giúp vua chống giặc ngoại xâm (Sơn Tinh, Thánh Gióng…) hay phò vua dẹp loạn (Thánh Bưng/ Lê Phụng Hiểu, Lý Ông Trọng…). Đây là tư tưởng làm cơ sở ảo hoá thứ hai.

    Ba là, các tôn giáo mà cụ thể là giáo lý và kiểu thức của các đối tượng thờ tự đã từng phần hay toàn phần đồng hoá các cổ mẫu thần thoại dân gian. Trên bình diện tổng quát, Đạo giáo đã thánh hoá các nhân vật Khổng Lồ: Sơn Tinh/ Tản Viên Sơn Thánh, cậu bé con ông Đổng làng Phù Đổng/Thánh Gióng… ở cấp độ cụ thể, cái dấu chân khổng lồ ở bờ biển Trường Lộc (Sầm Sơn) được coi là của thần Độc Cước, một đối tượng thờ tự “một nửa làm thân, một nửa làm thánh” hoặc trở thành “Tiêu Sơn độc cước thần tướng” (xã An Sơn, Phượng Nhãn, Bắc Ninh) là “thần tướng bị Thượng đế giáng chức” nhưng lại  “theo lệnh Phật, nhận phép Phật’ giết quỉ tặc ở biển Đông đang gây bệnh tật tràn lan, hoặc là một thiên sư đời nhà Lý, họ Cao, tên Độc Cước.

    Nói chung, Thần tướng Tiêu Sơn Độc Cước được tạo dựng trên cơ sở ảo hoá của cả Đạo giáo lẫn Phật giáo! Theo Lê Mạnh Thát, phép tu đứng một chân của Khâu Đà La (đến Giao Châu khoảng năm 189) được ghi trong Lĩnh Nam trích quái (truyện Man Nương) là một trong các pháp môn của Phật giáo vốn có gốc từ Bà La môn giáo. Trường hợp này cũng giống như cậu bé làng Phù Đổng được Đạo giáo hoá thành “Thánh” Gióng và đồng thời được Phật giáo hoá thành Phù Đổng “Thiên Vương” (Sóc Thiên vương, vị thiên vương chủ quản phương bắc theo vũ trụ luận Phật giáo: Tỳ Sa môn Thiên Vương/ Đa Văn Thiên Vương/ Vaisravana).

    Một kiểu thức Phật giáo hoá triệt để là coi các dấu chân Khổng Lồ trên đá là Phật tích. Đó là trường hợp dấu chân ở khu Mả Mang, nơi Khâu Đà La tu hành, là của vị thiền sư thực hành phép tu đứng một chân (hành độc cước) này. Các dấu chân Phật ở chùa Am vải (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), chùa Yên Mã (xã Bắc Lùng), chùa Hang Non (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam), thuộc tỉnh Bắc Giang là các ví dụ khác.  Với cái nhìn so sánh, và với một chút tình cảm thiên vị chủ quan, tôi thấy rằng truyện kể về ông Khổng Lồ ở vùng đất duyên hải quê tôi là cổ mẫu thô phác nhất, ở đó, sự thô phác không chỉ thể hiện ở chi tiết dung tục (nối cái dây dóng) đậm chất phồn thực mà hơn hết thảy, ông Khổng Lồ ở quê tôi đã gánh núi, đổ than ra biển thành hòn Bàn Than và cầu xin trời không thổi ngọn gió độc Nam ngang vào xứ này.

    Tóm lại, các cổ mẫu về ông Khổng Lồ vẫn được lưu truyền : “Nhất ông đếm cát, Nhì ông tát bể, Ba ông kể sao, Bốn ông đào sông, Năm ông trồng cây, Sáu ông xây rú, Bảy ông trụ trời”… và các ông làm các thứ việc khác qua tiến trình lịch sử đã tích hợp các yếu tố mới và được diễn đạt theo các chiều hướng khác nhau để hình thành nên sản phẩm văn hoá mới.  Ở đây, hiển lộ rõ ràng ông là người cố công ngăn gió/ bão, tức đem ngọn gió lành “phong điều vũ thuận” cho làng mạc cư dân xứ Quảng Ngãi quê tôi.

    Trả lời

Viết một bình luận