Sự nghiệp và công lao của Phan Đình Phùng đối với đất nước.
0 bình luận về “Sự nghiệp và công lao của Phan Đình Phùng đối với đất nước.”
Cuối thế kỉ XIX, trong phong trào chống Pháp của các văn thân, sĩ phu Việt Nam cụ Phan Đình Phùng xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất, ” tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước” ( Nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Cụ Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6/6/1847, tại làng Đông Thái( nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống hiếu học.
Năm 1876, Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân; năm 1877, đậu Đình nguyên Tiến sĩ, nên nhân dân địa phương gọi là cụ Đình và được bổ làm tri huyện Yên Khánh ( Ninh Bình), sau đó Cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện chuyên ” giữ việc giám sát trăm quan, biện minh oan khuất, phàm có án kiện quan trọng thì cùng Bộ Hình và Đại lý tự hội thẩm”. Làm Ngự sử thời bình đã khó, Phan Đình Phùng lại giữ chức vụ này ở thời mà :
Dân đói bên trời xao xác nhạn,
Quân gian chật đất rộn ràng ong.
thì càng khó khăn biết bao. Nhưng với bản chất cương trực, Cụ luôn làm hết chức năng của của một vị quan ở Đô sát viện, trên thì can gián vua, dưới thì đàn hặc các quan, giữ nghiêm phép nước. Năm 1882, cụ dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội “ứng binh bất biến” ( cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tiến công thành Nam Định. Năm 1883, vì thấy Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức lập Hiệp Hòa, không làm theo di chiếu của vua Tự Đức, cụ đứng lên phản đối và vì thế bị Tôn Thất Thuyết cách chức đuổi về quê.
Về quê chưa được bao lâu thì Tôn Thất Thuyết đã bí mật cử Cụ làm Sơn phòng sứ, củng cố miền Tây Hà tĩnh làm cơ sở cho việc chống Pháp sau này. Công việc chưa tiến hành được bao nhiêu thì Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần vương và Phan Đình Phùng thực sự bắt tay vào công cuộc chống Pháp. Lúc này Cụ được nhà vua phong làm Thống đốc Quân vụ Đại thần chỉ đạo phong trào chống Pháp bốn tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình. Từ việc văn, Cụ đã kiêm luôn cả việc võ.Với tầm nhìn chiến lược và quan điểm phải kháng chiến lâu dài Phan Đình Phùng đã tiến hành xây dựng căn cứ địa vững chắc và thống nhất phong trào chống Pháp. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê ( Hà Tĩnh), nhưng địa bàn hoạt động rất rộng, trải dài trên cả bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cụ còn ra Bắc để bàn bạc với các nhà yêu nước tìm cách thống nhất lực lượng chống Pháp ở cả hai miền. Lực lượng nghĩa quân được chia ra làm 15 quân thứ. Tổ chức quân thứ là một sáng tạo lớn của Phan Đình Phùng mà các cuộc khởi nghĩa khác cùng thời không có. Nghĩa quân còn chế tạo được súng trường kiểu 1874, loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ.
Chiến thuật, chiến lược của cụ là dựa vào núi rừng hiểm trở và công sự kiên cố để đánh giặc. Nhưng khác với lối đánh lập chiến tuyến cố định như nghĩa quân Ba Đình ( Thanh Hóa) trước đó, Cụ biết dùng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích để tiêu diệt quân thù. Nghĩa quân có căn cứ địa nhưng không thủ hiểm, luôn luôn phân tán hoạt động đánh đồn diệt viện, chặn đường giao thông; không phá được đồn thì nhử địch ra ngoài để tiêu diệt; dùng hố chông, cạm bẫy để đánh địch, do đó đã làm cho quân Pháp nhiều phen thất điên bát đảo. Trận Vụ Quang tháng 10/ 1894, với kế ” Sa nang úng thủy” của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã làm cho quân địch tổ thất nặng nề. Vì vậy, dù phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ nhưng cụ vẫn duy trì cuộc kháng chiến được 10 năm, là thời gian dài nhất trong phong trào Cần vương.Chính bọn chỉ huy Pháp cũng thừa nhận Phan Đình Phùng ” có tài tổ chức đến lạ lùng trong công cuộc đối kháng với người Pháp”.
Trong sự nghiệp chống Pháp, Phan Đình Phùng luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên định. Giặc đem danh lợi ra mua chuộc Cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần, Cụ không sờn lòng. Chúng bắt người thân, khai quật mồ mả tổ tiên, Cụ không nhụt chí. Cụ đã trả lời giặc khi chúng dọa giết người anh ruột và đào mả tổ tiên rằng: ” Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”
Phan Đình Phùng kiên quyết kháng chiến, một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước. Cuối năm 1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Cụ bị thương và sau đó đã trút hơi thở cuối cùng tại núi Quạt vào ngày 28/12/1895. Theo các tài liệu của thực dân Pháp, 10 ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, quân của Nguyễn Thân ( tay sai Pháp) đã bắt được một nghĩa quân cải trang thành dân thường đi mua lương thực. Bị tra tấn dã man, người lính ấy đã khai báo về cái chết của lãnh tụ Phan Đình Phùng và dẫn quân Nguyễn Thân đi tìm mộ. Nguyễn Thân đã sai người đào mồ lên , khám nghiệm, cho người nhận mặt rồi đốt thi thể, lấy tro trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La trước sự chứng kiến của mọi người để thị uy.
Thế nhưng, trong nhân dân và sĩ phu Nghệ Tĩnh vẫn lưu truyền câu chuyện về bí mật mộ cụ Phan, rằng thi hài cụ được người dân Đông Thái đang đêm lẻn đến đánh tráo về chôn ở rú Son thuộc địa phận xã Tùng Ảnh. Tuy nhiên, vì các nhân chứng đã qua đời quá lâu nên cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác vị trí của ngôi mộ. Mặc dù vậy, cuộc đời chiến đấu anh dũng, ngoan cường của cụ Phan đã để lại cho các thế hệ sau tấm gương sáng chói về sự hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, về khí phách hiên ngang, bất khuất trước mọi kẻ thù hung bạo. Hiện nay, tại làng Tùng Ảnh, một ngôi mộ được xây cất trang trọng để các thế hệ sau đời đời ghi nhớ tấm gương yêu nước – cụ Phan Đình Phùng. Tên Phan Đình Phùng được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam. Kể từ ngày 01/01/2012, trên mảnh đất Quảng Bình cũng có một ngôi trường vinh dự mang tên Phan Đình Phùng. Thầy và trò trường THPT Phan Đình Phùng quyết tâm phấn đấu văn ôn võ luyện thành tài để xứng đáng với Phan Đình Phùng – vị nho tướng văn võ song toàn của dân tộc.
Cuối thế kỉ XIX, trong phong trào chống Pháp của các văn thân, sĩ phu Việt Nam cụ Phan Đình Phùng xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất, ” tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước” ( Nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Cụ Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6/6/1847, tại làng Đông Thái( nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống hiếu học.
Năm 1876, Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân; năm 1877, đậu Đình nguyên Tiến sĩ, nên nhân dân địa phương gọi là cụ Đình và được bổ làm tri huyện Yên Khánh ( Ninh Bình), sau đó Cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện chuyên ” giữ việc giám sát trăm quan, biện minh oan khuất, phàm có án kiện quan trọng thì cùng Bộ Hình và Đại lý tự hội thẩm”. Làm Ngự sử thời bình đã khó, Phan Đình Phùng lại giữ chức vụ này ở thời mà :
Dân đói bên trời xao xác nhạn,
Quân gian chật đất rộn ràng ong.
thì càng khó khăn biết bao. Nhưng với bản chất cương trực, Cụ luôn làm hết chức năng của của một vị quan ở Đô sát viện, trên thì can gián vua, dưới thì đàn hặc các quan, giữ nghiêm phép nước. Năm 1882, cụ dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội “ứng binh bất biến” ( cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tiến công thành Nam Định. Năm 1883, vì thấy Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức lập Hiệp Hòa, không làm theo di chiếu của vua Tự Đức, cụ đứng lên phản đối và vì thế bị Tôn Thất Thuyết cách chức đuổi về quê.
Về quê chưa được bao lâu thì Tôn Thất Thuyết đã bí mật cử Cụ làm Sơn phòng sứ, củng cố miền Tây Hà tĩnh làm cơ sở cho việc chống Pháp sau này. Công việc chưa tiến hành được bao nhiêu thì Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần vương và Phan Đình Phùng thực sự bắt tay vào công cuộc chống Pháp. Lúc này Cụ được nhà vua phong làm Thống đốc Quân vụ Đại thần chỉ đạo phong trào chống Pháp bốn tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình. Từ việc văn, Cụ đã kiêm luôn cả việc võ.Với tầm nhìn chiến lược và quan điểm phải kháng chiến lâu dài Phan Đình Phùng đã tiến hành xây dựng căn cứ địa vững chắc và thống nhất phong trào chống Pháp. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê ( Hà Tĩnh), nhưng địa bàn hoạt động rất rộng, trải dài trên cả bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cụ còn ra Bắc để bàn bạc với các nhà yêu nước tìm cách thống nhất lực lượng chống Pháp ở cả hai miền. Lực lượng nghĩa quân được chia ra làm 15 quân thứ. Tổ chức quân thứ là một sáng tạo lớn của Phan Đình Phùng mà các cuộc khởi nghĩa khác cùng thời không có. Nghĩa quân còn chế tạo được súng trường kiểu 1874, loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ.
Chiến thuật, chiến lược của cụ là dựa vào núi rừng hiểm trở và công sự kiên cố để đánh giặc. Nhưng khác với lối đánh lập chiến tuyến cố định như nghĩa quân Ba Đình ( Thanh Hóa) trước đó, Cụ biết dùng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích để tiêu diệt quân thù. Nghĩa quân có căn cứ địa nhưng không thủ hiểm, luôn luôn phân tán hoạt động đánh đồn diệt viện, chặn đường giao thông; không phá được đồn thì nhử địch ra ngoài để tiêu diệt; dùng hố chông, cạm bẫy để đánh địch, do đó đã làm cho quân Pháp nhiều phen thất điên bát đảo. Trận Vụ Quang tháng 10/ 1894, với kế ” Sa nang úng thủy” của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã làm cho quân địch tổ thất nặng nề. Vì vậy, dù phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ nhưng cụ vẫn duy trì cuộc kháng chiến được 10 năm, là thời gian dài nhất trong phong trào Cần vương.Chính bọn chỉ huy Pháp cũng thừa nhận Phan Đình Phùng ” có tài tổ chức đến lạ lùng trong công cuộc đối kháng với người Pháp”.
Trong sự nghiệp chống Pháp, Phan Đình Phùng luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên định. Giặc đem danh lợi ra mua chuộc Cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần, Cụ không sờn lòng. Chúng bắt người thân, khai quật mồ mả tổ tiên, Cụ không nhụt chí. Cụ đã trả lời giặc khi chúng dọa giết người anh ruột và đào mả tổ tiên rằng: ” Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”
Phan Đình Phùng kiên quyết kháng chiến, một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước. Cuối năm 1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Cụ bị thương và sau đó đã trút hơi thở cuối cùng tại núi Quạt vào ngày 28/12/1895. Theo các tài liệu của thực dân Pháp, 10 ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, quân của Nguyễn Thân ( tay sai Pháp) đã bắt được một nghĩa quân cải trang thành dân thường đi mua lương thực. Bị tra tấn dã man, người lính ấy đã khai báo về cái chết của lãnh tụ Phan Đình Phùng và dẫn quân Nguyễn Thân đi tìm mộ. Nguyễn Thân đã sai người đào mồ lên , khám nghiệm, cho người nhận mặt rồi đốt thi thể, lấy tro trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La trước sự chứng kiến của mọi người để thị uy.
Thế nhưng, trong nhân dân và sĩ phu Nghệ Tĩnh vẫn lưu truyền câu chuyện về bí mật mộ cụ Phan, rằng thi hài cụ được người dân Đông Thái đang đêm lẻn đến đánh tráo về chôn ở rú Son thuộc địa phận xã Tùng Ảnh. Tuy nhiên, vì các nhân chứng đã qua đời quá lâu nên cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác vị trí của ngôi mộ. Mặc dù vậy, cuộc đời chiến đấu anh dũng, ngoan cường của cụ Phan đã để lại cho các thế hệ sau tấm gương sáng chói về sự hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, về khí phách hiên ngang, bất khuất trước mọi kẻ thù hung bạo. Hiện nay, tại làng Tùng Ảnh, một ngôi mộ được xây cất trang trọng để các thế hệ sau đời đời ghi nhớ tấm gương yêu nước – cụ Phan Đình Phùng. Tên Phan Đình Phùng được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam. Kể từ ngày 01/01/2012, trên mảnh đất Quảng Bình cũng có một ngôi trường vinh dự mang tên Phan Đình Phùng. Thầy và trò trường THPT Phan Đình Phùng quyết tâm phấn đấu văn ôn võ luyện thành tài để xứng đáng với Phan Đình Phùng – vị nho tướng văn võ song toàn của dân tộc.