Theo em, Vì sao sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với đường lối kháng chiến đúng đắn là nguyên nhân
quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp ( 1946-1950) ? Vì sao? ( Có thể lấy ví dụ về từ các kết quả của các cuộc khởi nghĩa trước đó)
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong thời kỳ đổi mới hiện nay đã tạo nên vị thế, diện mạo mới để Việt Nam chủ động hội nhập, phát triển; trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là yếu tố đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định.
1. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã chấm dứt sự khủng khoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy thập kỷ, đồng thời chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đi theo con đường mới – con đường cách mạng vô sản. Đảng chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Mặc dù trong những năm đầu mới thành lập, Đảng ta phải hoạt động bí mật, nhưng với đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn đã được xác định trong Cương lĩnh của Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 là chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, mặc dù có giai đoạn cách mạng thoái trào, nhưng Đảng ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(1).
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta ở trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” và phải đương đầu với kẻ thù có vũ khí hiện đại, trong khi lực lượng của ta nhỏ bé, ít kinh nghiệm, vũ khí thô sơ, lạc hậu. Song, Đảng ta vẫn kiên định chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, bồi dưỡng sức dân về tinh thần và vật chất. Đặc biệt là quan tâm, chăm lo dân chủ, chú trọng quyền công dân, thi hành chính sách giảm tô, giảm tức, phát động quần chúng cải cách ruộng đất, hoàn thành thực hiện người cày có ruộng.
Nhờ chính sách đúng đắn, kịp thời, linh hoạt của Đảng, Nhân dân ta đoàn kết một lòng, muôn người như một đã anh dũng chiến đấu để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20/7/1954), lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sự kiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(2).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), đất nước tạm bị chia cắt, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam vẫn bị đế quốc Mỹ chiếm đóng. Từ đây, cách mạng Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ phải tiến hành đồng thời, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, với mục tiêu chung là củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập và dân chủ.
Cùng một lúc phải tiến hành hai chiến lược, hai nhiệm vụ cách mạng là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Để giải quyết nhiệm vụ to lớn và quan trọng đó, Đảng ta đề ra đường lối đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của đất nước và thế giới, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Đối với miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mà đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(3). Đối với nhiệm vụ cách mạng miền Nam và cả nước, Người chỉ rõ: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước; ra sức củng cố và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”(4).
Trong bài viết “Hồ Chí Minh – một nhà tư tưởng lớn”, Giáo sư Singo Shibata (Nhật Bản) khẳng định: “Một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về chủ nghĩa xã hội khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Theo tôi được biết Đảng Lao động Việt Nam là Đảng đầu tiên trong các Đảng mácxít trên thế giới vận dụng lý luận này”(5). Thực tiễn cho thấy, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng ta đã tỏ rõ trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo, lãnh đạo Nhân dân giành những thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa tới thành công là nhờ Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lại cho các thế hệ kế tiếp. Thời kỳ 1930-1945, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, còn chủ nghĩa xã hội là định hướng tiến lên của độc lập dân tộc, làm cho độc lập dân tộc mang tính cách mạng triệt để hơn bao giờ hết. Thời kỳ 1945-1954, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được thể hiện ở việc tiến hành nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, trong đó chứa đựng những tiền đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ 1954-1975, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ ở việc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Từ khi cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, Đảng ta đã nắm vững, vận dụng sáng tạo phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm thế giới; không ngừng làm giàu trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, phương pháp, nâng cao phẩm chất đạo đức. Đường lối của Đảng thể hiện ở sự đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, thể hiện bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, đạo đức, văn minh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đảng luôn chú trọng phòng, chống những nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu, sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Mặt khác, Đảng ta tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
2. Đảng ta luôn thực hiện đúng ý nguyện của Nhân dân, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực để lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (viết năm 1927), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cho mọi người hiểu vì sao cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hay hai người. Người chỉ rõ cách mạng Pháp năm 1789, cách mạng Nga năm 1917 đã dạy cho chúng ta rằng, dân chúng công nông là gốc của cách mạng; đàn bà, trẻ con cũng giúp cách mạng được nhiều. Những tư tưởng nêu trên của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ được truyền bá trong lớp thanh niên yêu nước đầu tiên của Việt Nam, mà còn thể hiện nhất quán, xuyên suốt từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay.
Mỗi thời kỳ cách mạng tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, Đảng ta thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất với những tên gọi khác nhau. Thời kỳ 1936-1939 gắn liền với Mặt trận Dân chủ chống phát xít và phản động thuộc địa ở Đông Dương, với phong trào đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, uy tín của Đảng ta được mở rộng và ăn sâu vào quần chúng nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gắn liền với Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Khẳng định tính chất lúc bấy giờ của cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta nêu khẩu hiệu chính là đoàn kết toàn dân, tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra chính sách giảm tô, giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày. Với chương trình rõ ràng, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết được mọi lực lượng yêu nước, trong đó có cả giai cấp địa chủ, chống đế quốc và tay sai. Thắng lợi đó đã chứng tỏ rằng: “Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi.v.v.”(6).
Chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ (1945-1954), Đảng ta đã phát huy sức mạnh, mở rộng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, từ Mặt trận Việt Minh đi tới Mặt trận Liên Việt – Việt Minh. Một trong những thành công lớn là Đảng đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, huy động lòng hăng hái, quyết tâm của toàn dân bằng phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu quyết tâm phải sửa đổi lối làm việc, chống thói quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, coi thường quần chúng, đồng thời đề cao lối làm việc quần chúng, từ trong quần chúng ra và trở lại nơi quần chúng. Người khẳng định phải theo đúng đường lối nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hành dân vận theo phương châm “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn, lực lượng đều ở nơi dân”; “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(7); “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”(8).
Thắng lợi vẻ vang sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khơi dậy, tập hợp. Lòng yêu nước và sự đoàn kết của Nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng là cội nguồn sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, mà trước hết yêu cầu “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(9).
“Lấy dân làm gốc” thể hiện tư tưởng của một đảng cầm quyền chân chính cách mạng, đạo đức, văn minh. Đảng cầm quyền thì phải chăm lo, củng cố sự liên hệ giữa Đảng với Nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân; khơi dậy được lòng hăng hái, đồng tình ủng hộ của quần chúng. Mỗi đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn thói quan liêu, mệnh lệnh, coi thường và xa rời quần chúng, đi ngược lại với lợi ích của quần chúng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là sau khi trở thành đảng cầm quyền và đặc biệt từ khi lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cụ thể, năm 1989 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam mới đạt 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD. Trong khu vực ASEAN, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã đứng thứ 4. Cùng với đó, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Như vậy so với trước Đổi mới, quy mô nền kinh tế đã khác, “bộ mặt”, diện mạo nền kinh tế, cũng như đời sống nhân dân đã khác… Đó chính là cơ đồ, tiềm lực, vị thế mà ngày nay Việt Nam đã gây dựng được(10).
Có được thành quả đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân mà cũng là bài học chủ yếu là nhờ Đảng đã có đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, luôn lấy dân làm gốc, theo đúng đường lối nhân dân, làm đúng ý nguyện của nhân dân, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được thành tựu hôm nay”(11). Đó cũng chính là một trong những bài học kinh nghiệm lớn được Đảng ta đúc rút trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đó là: “Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(12)./.