Thư bảo cho tướng hiệu, quan viên quân nhân thành Tam Giang được biết: Người quân tử quý nhất ở chỗ biết thời cơ, hiểu lẽ biến, lượng sức để làm việc. Nay có người lấy trứng chim chọi với núi Thái Sơn, lấy càng bọ ngựa ra ngăn bánh xe, mà cứ cho là còn có thừa sức, thế thì có thể cho là ngu quá. Lũ các ngươi có vài trăm quân, độc giữ cô thành, kháng cự với ta, như thế có khác gì đâu. Xét thành trì các ngươi, không cao sâu bằng thành trì Nghệ An. Lương thực các ngươi trữ không nhiều bằng lương thực ở Diễn An. Mà tướng tá vũ dũng các ngươi đông sao bằng Diễn Nghệ. Chức vị các ngươi lại không bằng Sái Đô Đốc. Nay Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Thanh Hóa, Thị Kiều, Xương Giang, Tân Giang, quân sĩ đóng ở các xứ đều mở cửa thành ra hàng. Ở dưới ngàn Bồ Đề, Sái Đô Đốc đã định ngày rút quân về Kinh. Phàm các vợ con quan quân cùng tài sản, nhất thiết không bị tơ hào. Thế mà lũ các ngươi vẫn cứ mê muội, không biết nghĩ xa, sao xét việc chậm thế. Phàm các tướng sĩ ta, người nào lại chẳng lăm le cầm giáo mác định lên mặt thành. Nhưng ta còn ngại trong thành dân vô tội, chỉ vì lũ ngươi làm cho mê muội. Đến khi trống trận nổi lên, ngọc đá sẽ không phân biệt.
Thư mấy chữ gửi cho biết.
(Thư dụ thành Tam Giang, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập, Tập hạ,
Hoàng Khôi biên dịch, NXB Văn hóa thông tin, 2001, tr. 526 – 527)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?
Câu 2. Theo văn bản, điều đáng quý nhất của người quân tử là gì?
Câu 3. Nêu tác dụng của phép liệt kê trong câu: “Nay Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Thanh Hóa, Thị Kiều, Xương Giang, Tân Giang, quân sĩ đóng ở các xứ đều mở cửa thành ra hàng”.
Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét về thái độ của Nguyễn Trãi đối với giặc Minh được thể hiện trong văn bản?
1, PTBĐ chính: nghị luận
2. Điều đáng quý nhất của người quân tử đó chính là biết thời cơ, hiểu lẽ biến, lượng sức để làm việc.
3. Phép liệt kê có tác dụng nhấn mạnh sự đầu hàng của các tướng giặc ở nhiều địa điểm, để từ đó tác giả Nguyễn Trãi truyền được thông điệp đến quân giặc, có sức lay động mạnh mẽ đến ý chí quân giặc, phục vụ cho chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn
4, Thái độ của Nguyễn Trãi đối với giặc Minh là thái độ vừa cương, vừa nhu, vừa khôn khéo thuyết phục ý đồ, làm sa sút đi ý chí tham vọng của quân giặc; nhưng cũng vừa cứng rắn để có thể cương quyết bảo vệ từng tấc đất của chúng ta. Theo em, đây chính là thái độ của bậc vĩ nhân quân tử, của một bậc hiền tài chính trị của nước nhà.