Tóm tắt văn bản sau: Đó là vào năm 1924. Phải, đúng vào năm ấy… Nơi hiện nay là nông trường chúng ta, bấy giờ là một thôn nhỏ của dân nghèo định cư. L

By Charlie

Tóm tắt văn bản sau:
Đó là vào năm 1924. Phải, đúng vào năm ấy…
Nơi hiện nay là nông trường chúng ta, bấy giờ là một thôn nhỏ của dân nghèo định cư. Lúc ấy tôi mười bốn tuổi và sống ở nhà ông chú họ. Cha mẹ tôi đều đã qua đời.
Mùa thu năm ấy, chẳng bao lâu sau khi những nhà có máu mặt đã dời vào núi để trú qua mùa đông, có một thanh niên lạ mặt chiếc áo choàng bộ đội về làng. Tôi còn nhớ chiếc áo choàng, vì không hiểu sao nó lại bằng dạ đen. Đối với thôn chúng tôi, một thôn hẻo lánh nép vào chân núi cách xa đường cái, sự xuất hiện của con người mặc áo nhà nước này là một sự việc quan trọng.
Lúc đầu người ta bảo rằng đó là một cấp chỉ huy trong bộ đội cho nên về làng cũng sẽ làm trưởng thôn, sau hoá ra anh ta chẳng phải là cấp chỉ huy gì cả, mà chính là con ông lão Tatanbek đã bỏ làng đi làm đường sắt từ dạo đói bao nhiêu năm trước đây và từ đấy biệt hẳn tăm tích. Còn anh này là Đuysen, con ông ta, hình như được cử về làng để mở trường dạy trẻ.
Thời bấy giờ những thứ như “nhà trường”, “học tập” hãy còn là những danh từ mới mẻ, chẳng mấy ai hiểu rõ cho lắm. Người thì tin những tiếng đồn đại, người thì cho đây là những chuyện đàn bà bàn tán nhảm và có lẽ họ đã quên mất cái trường ấy, nếu mấy hôm sau không có lệnh gọi dân làng đi họp. Chú tôi càu nhàu mãi: “Lại họp hành gì nữa, cứ làm người ta bỏ công việc mãi vì những chuyện vớ vẫn”, nhưng sau ông ta cũng thắng ngựa và đi họp như mọi người đàn ông khác biết tự trọng. Tôi cũng chạy theo chú tôi cùng với lũ trẻ con hàng xóm.
Lúc chúng tôi thở hổn hển chạy lên gò chỗ dùng làm nơi hội họp thì chính anh thanh niên xanh xao mặc áo khoác đen ấy đang phát biểu trước đám người đi bộ và cưỡi ngựa tập hợp xung quanh. Chúng tôi không nghe rõ lời anh nói nên định nhích lại gần, nhưng bỗng một cụ già mặc chiếc áo lông rách như vừa sực tỉnh, vội vã ngắt lời anh:
– Này cháu ơi, – ông cụ bắt đầu lắp bắp nói, – trước kia thì các pháp sư dạy trẻ con, mà bố cháu thì chúng ta biết rõ lắm, cũng khố rách áo ôm như chúng ta đây thôi. Cháu thử nói xem cháu đã thành pháp sư tự bao giờ?
– Cháu không phải là pháp sư, cụ ạ, cháu là thanh niên Komxômôn, – Đuysen đáp nhanh. – Mà bây giờ thì không phải pháp sư dạy trẻ con đâu, mà là các thầy giáo. Cháu đã được học chữ ở bộ đội và trước đó cũng võ vẽ ít nhiều. Đấy cụ xem cháu là thứ pháp sư gì.
– A, ra thế…
– Khá đấy! – Có những tiếng reo cổ vũ.
– Như vậy là đoàn Komxômôn cử tôi về đây dạy con trẻ bà con. Nhưng muốn dạy thì phải có chỗ mà dạy. Tôi định làm nhà trường, cố nhiên là với sự giúp đỡ của bà con, ở chỗ chuồng ngựa cũ trên đồi kia. Bà con nghĩ sao?
Mọi người im lặng như thể đang cân nhắc trong óc: cái anh chàng lạ mặt này muốn gì nhỉ? Ông Xatumkun vừa nheo mắt như nhắm bắn vừa thốt lên. – Tốt hơn hết là cậu hãy nói xem là chúng ta cần cái trường ấy để làm gì?
– Sao lại để làm gì? – Đuysen ngỡ ngàng hỏi.
– Đúng đấy! – có ai trong nhóm đông phụ hoạ theo.
Và mọi người bỗng cùng nhốn nháo, ồn ào cả lên.
– Từ thượng cổ đến nay người ta chỉ sống bằng nghề nông, cái cuốc nuôi ta sống. Và con cái chúng ta cũng sẽ sống như thế thôi, học hành làm quỷ gì. Làm chỉ huy thì mới cần chữ nghĩa, chúng ta chỉ là dân thường thôi. Đừng tán chuyện vớ vẩn nữa!




Viết một bình luận