Trình bày khái quát giai đoạn Lênin trong sự phát triển triết học Mác?

Trình bày khái quát giai đoạn Lênin trong sự phát triển triết học Mác?

0 bình luận về “Trình bày khái quát giai đoạn Lênin trong sự phát triển triết học Mác?”

  1. 1. Sơ lược về các nhà kinh điển của triết học Mác Lênina. Karl Marx (05/5/1818 – 1883)

    • Là người sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, Kinh tế chính trị học Mác- xít, Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, lãnh tụ và là người thầy của giai cấp vô sản thế giới.

    b. Englels (1820 – 1895)

    • Vừa là lãnh tụ vừa là người thầy của giai cấp vô sản, cùng với Mác sáng lập học thuyết Mác- xit.

    c. Lênin (1870 – 1924)

    • Là lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga và quốc tế, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Xô Viết. Năm 1891, tốt nghiệp đại học luật. Lênin là người kế thừa và phát triển triết học Mác trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn.

    2. Những giai đoạn chủ yếu cho sự hình thành và phát triển triết học Máca. Quá trình chuyển biến tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen từ chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản (1842-1844)

    • Sự chuyển biến bước đầu diễn ra trong thời kì Các- Mác làm việc ở báo Sông Ranh. Tháng 5 năm 1842, ông bắt đầu cộng tác với báo Sông Ranh; tháng 10 năm đó ông trở thành biên tập viên và đóng vai trò linh hồn của tờ báo, làm cho nó trở thành cơ quan của phái dân chủ – cách mạng.
    • Thực tiễn đấu tranh trên báo chí cho tự do dân chủ đã làm tư tưởng dân chủ -cách mạng ở C.Mác có nội dung chính xác hơn, đó là đấu tranh cho lợi ích của quần chúng nghèo khổ. Ở Mác lúc này tư tưởng cộng sản chủ nghĩa chưa được hình thành. Về thế giới quan triết học, nhìn chung Mác vẫn đứng trên lập trường duy tâm của Hêgel trong việc xem xét bản chất nhà nước. Nhưng việc phê phán chính quyền nhà nước đương thời đã cho Mác thấy rằng, cái khách quan quyết định hoạt động của nhà nước không phải là hiện thân của tinh thần tuyệt đối mà là những lợi ích; còn chính quyền nhà nước lại là “cơ quan đại diện đảng cấp của những lợi ích tư nhân “ (C – Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995,t.1, tr.229).
    • Như vậy, qua thực tiển, nguyện vọng muốn cắt nghĩa hiện thực, xác lập lí tưởng tự do trong thực tế đã làm nẩy nở khuynh hướng duy vật ở Mác. Vì thế sau khi báo Sông Ranh bị cấm (từ ngày 1 – 4 – 1843), Mác đặt ra cho mình nhiệm vụ duyệt lại một cách có phê phán quan niệm duy tâm của Hegel về xã hội và nhà nước, đồng thời phát hiện những động lực thật sự để biến đổi thế giới bằng cách mạng. Trong khi phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hegel, Mác đã ủng hộ quan điểm duy vật của triết học Phoiơbắc. Song, Mác lại thấy những mặt yếu trong triết học của Phoiơbắc, nhất là việc xa rời những vấn đề chính trị nóng hổi. Sự phê phán sâu rộng đối với triết học Hegel, việc khái quát những kinh nghiệm lịch sử cùng ảnh hưởng quan điểm duy vật và nhân văn của triết học Phoiơbắc đã tăng cường mạnh mẽ xu hướng duy vật trong quan điểm của Mác.
    • Cuối tháng 10/1843, Mác sang Pari. Ở đây, không khí chính trị sôi sục và sự tiếp xúc với các đại biểu của giai cấp vô sản đã dẫn đến bước chuyển dứt khoát của ông sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Các bài báo của Mác Bàn về vấn đề Do Thái và Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel. Lời nói đầu đăng trong tạp chí Niên giám Pháp – Đức được xuất bản tháng 2/1844, đã đánh dấu bước hoàn thành sự chuyển biến đó. Theo C. Mác, lý luận tiên phong có ý nghĩa cách mạng to lớn và “trở thành một sức mạnh vật chất” khi nó xâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Mác nêu rõ: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”. Tư tưởng của Mác về vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản là điểm xuất phát của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật lịch sử cũng đồng thời là quá trình hình thành chủ nghĩa cộng sản khoa học, thế giới quan vô sản cách mạng. Cũng trong thời gian ấy, thế giới quan cách mạng của Ăngghen đã hình thành một cách độc lập với Mác.
    • Ph. Ăngghen sinh ngày 28/11/1820, trong một gia đình chủ xưởng sợi ở Bácmên thuộc tỉnh Ranh. Khi còn là học sinh trung học Ph. Ăngghen đã căm ghét sự chuyên quyền và độc đoán của bọn quan lại. Việc nghiên cứu triết học trong thời gian ở Béclin, khi làm nghĩa vụ quân sự, đã dẫn ông đi xa hơn trên con đường khoa học. Đặc biệt trong thời gian gần hai năm sống ở Mansextơ (Anh) từ mùa thu 1842, việc nghiên cứu đời sống kinh tế và sự phát triển chính trị của nước Anh, nhất là việc trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân ở Anh dẫn Ăngghen đến bước chuyển biến căn bản trong thế giới quan của ông sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản.
    • Niên giám Pháp – Đức cũng đăng các tác phẩm phát thảo “Góp phần phê phán kinh tế chính trị học” và “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” của Ăngghen gửi đến từ Mansextơ. Các tác phẩm đó cho thấy rằng quá trình chuyển từ chủ nghĩa duy tâm và dân chủ – cách mạng sang chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa cộng sản cũng đã hoàn thành. Ông đã đứng lên trên quan điểm duy vật và lập trường của chủ nghĩa xã hội để phê phán kinh tế chính trị học của A.Xmít và Đ.Ricácđô.
    • Sự nhất trí về tư tưởng đã dẫn đến tính bạn vĩ đại của Mác và Ăngghen, gắn liền tên tuổi của hai ông với sự ra đời và phát triển một thế giới quan mới mang tên Mác – thế giới quan cách mạng của giai cấp vô sản.

    b. Giai đoạn đề xuất những nguyên lý triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử: (Từ 1844 đến 1848)

    Những nguyên lý triết học giai đoạn này thể hiện qua các tác phẩm:

    • Bản thảo kinh tế triết học (năm 1844) nêu vấn đề bản chất con người.
    • Gia đình thần thánh do Mác và Ăngghen viết chung, xuất bản tháng 2 năm 1845 xác định tư tưởng về vai trò của quan hệ sản xuất trong đời sống, về vai trò cách mạng của giai cấp vô sản.
    • Hệ tư tưởng Đức do Mác và Ăngghen viết chung cuối 1845 đến 1846. Đây là tác phẩm chín muồi đầu tiên của chủ nghĩa Mác. Trong tác phẩm này Mác và Ăngghen đã trình bày quan niệm duy vật lịch sử một cách có hệ thống và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học như hệ quả của quan niệm duy vật về lịch sử.
    • Trong các tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” (1847) và “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (tháng 2- 1848), chủ nghĩa Mác được trình bày như một hệ thống với ba bộ phận hợp thành. Trong những tác phẩm này đã chứa đựng những mầm móng của học thuyết được trình bài trong bộ “Tư bản” sau này.
    • Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” đã trình bày một cách sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới là chủ nghĩa duy vật cả trong lĩnh vực xã hội, phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất về sự phát triển, về lý luận đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Với tác phẩm này triết học Mác đã hình thành và được tiếp tục bổ sung phát triển trong suốt cuộc đời của hai ông trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và khái quát các thành tựu khoa học.

    c. Giai đoạn Các- Mác và Ăngghen bổ sung và phát triển lý luận triết học

    • Các tác phẩm chủ yếu trong giai đoạn này là “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, “Phê phán cương lĩnh Gô ta”,”Tư bản”,” Chống Đuyrinh”, “Biện chứng của tự nhiên”. Giai đoạn này học thuyết Mác nói chung, triết học Mác nói riêng được hoàn thành dưới dạng hệ thống lý luận. Nhưng cũng cần chú ý rằng những ý kiến bổ sung và giải thích của Ăngghen sau khi Mác qua đời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển học thuyết Mác.

    3. Thực chất và ý nghĩa cuộc cách mạng trong triết học do Mác và Ăngghen thực hiện

    • Triết học Mác – Lênin xuất hiện làm cho chủ nghĩa duy vật thống nhất với phép biện chứng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đã tạo nên chủ nghĩa duy vật biện chứng – một trường phái triết học khoa học và hiện đại.
    • Sự xuất hiện triết học Mác – Lênin đã làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng thống nhất với chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lần đầu tiên triết học đã nhận thức một cách toàn diện về thế giới tự nhiên với lịch sử xã hội trên lập trường duy vật nhất quán. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là cống hiến vĩ đại của Mác.
    • Sự xuất hiện triết học Mác – Lênin đã hoàn thiện thế giới quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng, xây dựng phương pháp luận đúng đắn cho mọi ngành khoa học từ tự nhiên đến xã hội và cho con người trong mọi lĩnh vực từ nhận thức đến hành động.

    Từ trên cho thấy triết học Mác – Lênin ra đời nó thực sự tạo nên một cuộc cách mạng trong lịch sử triết học.

    4. Lênin phát triển triết học Máca. Bối cảnh lịch sử

    • Lênin đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác để giải quyết những nhiệm vụ của cách mạng vô sản trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

    b. Những tư tưởng cơ bản:Có thể phân kỳ triết học Mác giai đoạn Lênin thành ba thời kỳ

    • Thời kỳ 1893 – 1907:
      • Thời kỳ này nền đại công nghiệp ở Nga phát triển, giai cấp vô sản trưởng thành nhanh chóng, yêu cầu phải có lí luận dẫn đường. Lúc này, chủ nghĩa Mác được truyền bá ở Nga nhưng đồng thời cũng xuất hiện những quan điểm sai lầm của phái Dân tuý (đề cao vai trò của nông dân và trí thức trong lãnh đạo cách mạng), phái kinh tế (chủ trương chỉ cần đấu tranh kinh tế là đủ). Lênin phải đấu tranh chống lại những quan điểm sai lầm này.
      • Những tác phẩm tiêu biểu trong thời kì này: Những người bạn dân (1894), Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga (1899), Làm gì (1901 -1902), Một bước tiến, hai bước lùi (1904). Trong các phẩm này Lênin đã đề cập đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Đặc biệt về mặt triết học ông đã phê phán quan điểm duy tâm chủ quan về lịch sử của phái dân tuý. Trong cuộc đấu tranh đó, Lênin không những bảo vệ chủ nghĩa Mác mà còn phát triển, làm phong phú thêm quan điểm duy vật lịch sử, nhất là lý luận về hình thái kinh tế -xã hội của Mác, khẳng định tầm quan trọng của lí luận cách mạng đối với phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động.
    • Thời kỳ 1907 – tháng 10/1917:
      • Đầu thế kỷ 20, các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc phát triển gay gắt và tập trung ở nước Nga và nơi đây đã trở thành trung tâm của cách mạng. Nhưng sau thất bại của cuộc cách mạng1905- 1907, chủ nghĩa xét lại, những người theo chủ nghĩa Makhơ cũng tăng cường hoạt động lý luận, họ viện cớ “bảo vệ chủ nghĩa Mác”, nhưng thực chất là xuyên tạc triết học mácxít. Tháng 2 năm 1917, cách mạng dân chủ tư sản đã thắng lợi ở Nga và kể từ đó đến tháng 10/1917 liên tục diễn ra cuộc vận động chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, cho nên phải có lí luận cách mạng để dẫn đường.
      • Những tác phẩm chủ yếu:

    + Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908), Bút ký triết học (viết 1914 – 1916, xuất bản 1933), Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (1916), Nhà nước và cách mạng (viết 1917, xuất bản 1918).

    + Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin không chỉ phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình của những người theo chủ nghĩa Makhơ mà còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử dựa trên sự phân tích, khái quát những thành tựu khoa học mới nhất, trước hết là khoa học tự nhiên thời đó. Các tác phẩm này đã giải quyết nhiều vấn đề căn bản của nhận thức luận Mác-xít. Phương pháp của Lênin trong việc phân tích “cuộc khủng hoảng vật lý” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khọc tự nhiên hồi đó và đến cả ngày nay.

    + Việc nghiên cứu những vấn đề triết học được Lênin tiến hành vào những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhằm đáp ứng yêu cầu nhận thức giai đoạn độc quyền nhà nước của chủ nghĩa tư bản và giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn cách mạng vô sản. Tác phẩm Bút ký triết học – gồm những ghi chép và nhận xét của Lênin khi đọc các tác phẩm của nhiều nhà triết học, được thực hiện chủ yếu từ năm 1914 đến năm 1915, cho thấy ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu về phép biện chứng, nhất là triết học Hegel. Lênin đã tiếp tục khai thác cái “hạt nhận hợp lý” của triết học Hegel để làm phong phú thêm phép biện chứng duy vật, đặc biệt là lý luận về sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Tinh thần sáng tạo của tư duy biện chứng cũng đã giúp cho Lênin có những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác về triết học xã hội như vấn đề nhà nước, cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản, lý luận về đảng kiểu mới…

    • Thời kỳ 1917- 1924:
      • Từ sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, nhiệm vụ đặt ra cho lí luận triết học là: phải cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa như thế nào, những vấn đề về bản chất và vai trò của nhà nước xã hội chủ nghĩa, phải đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại…
      • Những tác phẩm tiêu biểu:

    + Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản (1920), Về chính sách kinh tế mới (1921) …

    + Lênin đã nêu lên những mẫu mực về sự thống nhất giữa tính Đảng với yêu cầu sáng tạo trong việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

    + Đồng thời, Lênin chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng và dựa vào những thành quả mới nhất của khoa học để bổ sung, phát triển phép biện chứng Mác-xít. Với tinh thần biện chứng duy vật, xem chân lý là cụ thể, có khi Lênin thay đổi một cách căn bản đối với một quan niệm nào đó của mình về chủ nghĩa xã hội, không chấp nhận mọi thứ biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều.

    Như vậy, Lênin là người kế thừa và phát triển triết học Mác trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn. Chính vì thế mà một giai đoạn mới trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng đã gắn liền với tên tuổi của V.I.Lênin và được gọi là triết học Mác- Lênin nói riêng, chủ nghĩa Mác -Lênin nói chung.

    Bình luận

Viết một bình luận